(QBĐT) - Theo quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, tỉnh ta sẽ có 17 tổ chức hành nghề công chứng được thành lập. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 6 tổ chức hành nghề công chứng.
Hiện trên địa bàn tỉnh ta hiện có 6 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó có 1 phòng công chứng và 5 văn phòng công chứng) với 13 công chứng viên đang hoạt động hành nghề. Tính từ năm 2012 đến cuối năm 2016, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 85.706 việc làm công chứng, chứng thực 132.353 bản sao (trong đó phòng công chứng thực hiện 23.174 việc làm công chứng và 70.236 bản sao chứng thực; các văn phòng công chứng thực hiện 62.532 việc làm công chứng và 62.117 bản sao chứng thực) với tổng số phí đã thu là trên 27 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 4,8 tỷ đồng.
Đánh giá chung, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh ta bước đầu hoạt động ổn định, phát triển theo chiều hướng chuyên nghiệp hoá, đúng theo tính chất của một dịch vụ công, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, góp phần đem lại sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch trong lĩnh vực đất đai, kinh tế, thương mại...
Qua đó, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại của tỉnh...
![]() |
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng công chứng số 1 ở Đồng Hới. |
Bên cạnh kết quả đạt được nói trên, việc triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vẫn còn một số hạn chế. Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh ta sẽ có 17 tổ chức hành nghề công chứng được thành lập nhưng chỉ tiêu này hiện vẫn đạt thấp.
Cụ thể, theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó giai đoạn 2011-2015 có 9 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó mỗi địa bàn cấp huyện có 1 tổ chức hành nghề công chứng, riêng thành phố Đồng Hới có 3 tổ chức hành nghề công chứng); giai đoạn 2016-2020 có thêm 8 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó mỗi địa bàn cấp huyện phát triển thêm 1 tổ chức hành nghề công chứng, riêng huyện Quảng Trạch phát triển thêm 2 tổ chức hành nghề công chứng, chưa tính thị xã Ba Đồn được tách ra từ huyện Quảng Trạch).
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta mới chỉ phát triển được 5 văn phòng công chứng (thành phố Đồng Hới 2 văn phòng công chứng; thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Ninh, Bố Trạch mỗi địa bàn 1 văn phòng công chứng).
Như vậy, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh chưa đạt so với chỉ tiêu quy hoạch đề ra. Bởi tính theo địa bàn quy hoạch cấp huyện thì mới đạt 50% chỉ tiêu; 4 địa bàn cấp huyện gồm: Minh Hoá, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ, Quảng Trạch chưa có tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch đề ra.
Vậy nguyên nhân do đâu? Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân trước hết là do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế; các quan hệ dân sự, nhất là các giao dịch liên quan đến kinh doanh, thương mại chưa nhiều; người dân chưa có thói quen sử dụng phương tiện và hình thức công chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; số lượng công chứng viên cũng như nguồn bổ nhiệm công chứng viên còn ít.
Mặt khác, theo tiêu chí quy hoạch ban hành kèm theo quyết định số 240/QĐ-TTg, ngày 17-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ thì sự thay đổi về chính sách và pháp luật như chính sách về chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã sang cho tổ chức hành nghề công chứng; chính sách chuyển việc công chứng từ hình thức bắt buộc sang tự nguyện đối với một số hợp đồng, giao dịch... Bên cạnh đó, còn có lý do chưa tách bạch hoạt động dịch vụ công và hoạt động quản lý nhà nước, vì vậy đã tác động trực tiếp đến việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng...
Để thực hiện tốt quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Bình đã đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục thể chế hoá chính sách xã hội hoá hoạt động công chứng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế theo hướng bên cạnh xã hội hoá thì mỗi lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nói chung và dịch vụ công trong lĩnh vực công chứng nói riêng cũng cần có ít nhất một đơn vị sự nghiệp làm nòng cốt; quy định về thẩm quyền công chứng, chứng thực theo hướng tách bạch hoạt động công chứng với hoạt động chứng thực.
Mặt khác, cần có chính sách ưu đãi đối với văn phòng công chứng thành lập tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; quan tâm đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời giúp các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai quy hoạch; điều chỉnh, bổ sung thêm quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng giai đoạn từ nay đến năm 2020 trên địa bàn thị xã Ba Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung...
Ngọc Hải