(QBĐT) - Anh chàng thượng úy Hồ Manh, người Vân Kiều gốc Hướng Hóa (Quảng Trị), Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô “lên dây cót” tinh thần cho chúng tôi: “Vào Dốc Mây không phải cuốc bộ bình thường mà phải đi bằng ý chí…nên ai thiếu ý chí thì ở nhà”. Đáp lời Hồ Manh, chúng tôi bảo tám năm trước mình đã đến Dốc Mây. Hồ Manh cười giòn tan: “Vẫn phải nhắc lại cho chắc”. Nắng tháng sáu như đổ lửa, rải đầy hoa cà hoa cải dọc rừng Trường Sơn. Hành trình đến với Dốc Mây bắt đầu.
Bài I: Đường xa vời vợi
Nếu trải bản đồ của xã miền núi Trường Sơn (Quảng Ninh) ra tìm bản Dốc Mây, dễ dàng thấy một chấm nhỏ nằm hun hút sâu giữa núi rừng, giáp biên giới Việt- Lào. Bản là nơi định cư của 19 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều. Xa xôi, cách trở…nên cho đến tận bây giờ, nhắc đến Dốc Mây, ít ai biết. Nếu có biết, tưởng tượng đến hành trình xuyên rừng vào Dốc Mây, ai cũng phải rùng mình…
Tám năm trước... chúng tôi đến Dốc Mây theo hướng khác. Đi bộ vào bản Rìn Rìn, xin ngủ lại một đêm với dân bản. Tờ mờ sáng hôm sau, khi gà rừng te te gáy báo trời sáng, anh em ăn vội gói mì tôm là xuất hành. Nhẩm thời gian từ khi xuất phát đến khi bàn chân chạm vào đầu bản Dốc Mây cũng khoảng chừng hơn năm tiếng đồng hồ.
Lần này hành trình vào Dốc Mây bắt đầu từ chân đập Trung Sơn, bản Trung Sơn, đường đi khó hơn, gian nan hơn.
![]() |
Một góc bản Dốc Mây. |
Xã Trường Sơn có diện tích trên 783km2, dân cư sinh sống quần tụ tại 20 thôn bản, trong đó 15 bản dân tộc Vân Kiều. Người Vân Kiều ở Trường Sơn bám chặt lấy một dãy núi rừng hùng vĩ sát biên giới Việt-Lào để lập bản, định canh, định cư, chính vì phân bổ trên một diện tích vô cùng rộng lớn nên nhiều bản đồng bào Vân Kiều hóa thành xa xôi, giao thông đi lại cách trở, như: Sắt, PLoang, Rìn Rìn, Hôi Rấy, Nước Đắng... và xa ngái nhất chính là Dốc Mây, dân số vẻn vẹn 19 hộ, trên 100 nhân khẩu.
Trở lại hành trình đến Dốc Mây, thượng úy Hồ Manh tiên phong dẫn đầu, lối đi hẹp bám theo những triền núi, bên vách đứng, bên vực sâu, nhiều đoạn vượt dốc cứ tưởng chừng chân người đi trước đạp đúng lên đầu người đi sau. Do thành viên trong đoàn đông, nhiều người không quen núi rừng nên tốc độ di chuyển chậm. Trước khi quyết định vào Dốc Mây, đoàn huy động được một số lượng áo quần, sách vở, bánh kẹo... đưa vào tặng cho bà con trong bản. Lượng sức, lượng người, Hồ Manh bảo chỉ cần mang bánh kẹo cho trẻ con, ít áo quần, ít sách vở..., chia nhỏ ra cho vào bao tải cột túm lại tạo thành gùi mà gùi vào theo phương châm nhỏ- gọn- nhẹ- chắc!
Tuyến đường từ bản Trung Sơn lên Dốc Mây nhập lại với đường đi theo hướng bản Rìn Rìn ở một ngã ba gọi là ngã ba Tự Do. Ở đó, chúng tôi gặp mấy người dân ra bản Rìn Rìn nhận tiền chính sách quay trở vào đang ngồi nghỉ lấy sức. Hỏi vì sao gọi ngã ba Tự Do, một người giải thích, vì mỗi lần từ Dốc Mây ra hay ở bản Trung Sơn, Rìn Rìn lên đến ngã ba này xem như được nửa đường, người khỏe hay người mệt cảm thấy đứt hơi nên tự do thả người ngồi nghỉ dưỡng sức..., ngã ba Tự Do từ đó được định danh.
Ngoài ngã ba Tự Do, hành trình đoàn đi qua còn có các địa danh khác như: hang Biệt Kích, dốc Sơn Gù, dốc Táu... Rừng Trường Sơn ngoài nổi tiếng về gỗ lim còn có thêm gỗ táu. Dốc Táu xuyên qua khu rừng đặc hữu mọc toàn gỗ táu, hàng nghìn gốc táu chen nhau vươn lên, nhiều gốc đưa tay choàng không hết. Dốc Táu là con dốc cao và dài nhất trong tất cả các con dốc trên đường vào Dốc Mây. Leo lên đến đỉnh, ngã lưng dựa vào một gốc táu thấy thở ra đằng tai- mắt- mũi... Vượt qua dốc Táu, lội thêm hai con suối nhỏ..., bản Dốc Mây hiện ra trong tầm mắt.
Trước bản Dốc Mây có con suối nhỏ, nước trong văn vắt. Một đặc điểm chung dễ nhận biết ở tất cả bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều Quảng Bình là họ chọn đất lập bản định cư đều tập trung tại những vùng đất sát sông, suối. Dốc Mây không ngoại trừ yếu tố “thiên thời” đó. Trời ngã qua chiều tà, kim đồng hồ chỉ mười sáu giờ, như vậy chúng tôi mất đến sáu tiếng đồng hồ mới tới Dốc Mây.
![]() |
Phía đầu bản Dốc Mây, những phụ nữ Vân Kiều trầm mình trong suối bắt cá, bắt ốc mưu sinh. |
Già làng Hồ Hưng cho thêm củi vào bếp lửa đặt ngay giữa nhà sàn. Đêm Dốc Mây xuống nhanh, đêm giữa núi rừng Trường Sơn mê hoặc, đặc quánh mùi đất, mùi lá mục ngai ngái sau những cơn giông rừng. Già làng Hồ Hưng bảo, người bản Dốc Mây luôn giữ lửa trong nhà không bao giờ tắt, lửa là niềm tin, hy vọng, ấm no, an lành, hạnh phúc.
Chúng tôi im lặng ghi vào lòng những lời gan ruột của già Hồ Hưng về những thăng trầm Dốc Mây, như chính cuộc đời ông. Từ 4 hộ gia đình đầu tiên định cư vào năm 1969, nhưng mãi đến năm 1986, Dốc Mây mới chính thức trở thành đơn vị hành chính thuộc xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Năm đó, Hồ Văn Hải được Bộ đội Biên phòng Làng Mô bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng. Dốc Mây là bản “nhiều không” nhất xã Trường Sơn: không điện, không đường, không trường, không trạm, không tổ chức đoàn thể, không chi bộ đảng... Bây giờ, Dốc Mây thành lập chi bộ Đảng với 4 đảng viên trong đó hai đảng viên dân tộc Vân Kiều là Hồ Văn Hải, Trưởng bản; Hồ Văn Thùa, Phó Trưởng bản.
Dốc Mây đang trở mình... tôi cảm nhận thật rõ điều đó khi đi thăm các hộ gia đình trong bản. Dù cái nghèo không thể ngày một, ngày hai tháo gỡ đi được thì từng đàn trâu bò béo tốt nằm ghếch mũi điềm nhiên, lũ lợn ủn ỉn tìm thức ăn hay đàn gà đỏ một góc bản chứng minh cho mọi người thấy, bà con dân bản đã biết cung cách làm ăn. Nhiều gia đình lúa rẫy đựng đầy trong các bao, chất cao vợi một góc nhà. “Trước đây, cái đói đeo bám quanh năm. Bây giờ, dân bản miềng chỉ hụt chừng ba đến bốn tháng thôi”- Già làng Hồ Hưng khẳng định.
Toàn bản Dốc Mây sở hữu 100 con trâu bò, 200 con gà, hàng chục con lợn, 3 con dê...; nhiều nhà nuôi đến 10 con bò, như: Hồ Lay, Hồ Hưng, Hồ Nhôồng, Đinh Vàng... Năm gia đình Hồ Văn Hải, Hồ Văn Lôi, Hồ Hưng, Hồ Lương, Hồ Dũng có điện thắp sáng. Chuyện điện sáng Dốc Mây, bây giờ già làng Hồ Hưng vẫn còn tự hào. Thấy người miền xuôi chặn dòng nước suối tạo thành thác, đặt tua bin quay tạo ra điện, Hồ Hưng làm thử, ai ngờ thành công lớn, lần lượt bốn hộ khác học tập Hồ Hưng, bắt con nước cho điện thắp sáng. Năm nhà có điện, dù mỗi đêm sáng khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ, họ sắm ti vi góp phần đem văn minh đến cho cộng đồng bản Dốc Mây. Vì trâu bò, lợn gà lúc nào cũng thường trực dưới gầm nhà sàn, đồng bào không thể trồng trọt trong phạm vi bản định cư. Rẫy vì thế xa bằng nửa tầm “quăng rạ”.
Ngoài lúa, người Vân Kiều Dốc Mây trồng thêm sắn, ngô, ớt... Sáng mờ sương, bà con lên rẫy. Chiều mặt trời khuất qua bên đất bạn Lào, họ mới quay về. Trong cái khó, ló cái khôn, nhiều hộ gia đình nảy ra sáng kiến dùng một góc nhà sàn tận dụng thùng xốp, thùng gỗ để trồng rau. Góc nhà trưởng bản Hồ Văn Hải có một vườn rau như thế, nằm cạnh những thùng chứa nước sinh hoạt. Nắng tháng sáu kèm thêm gió Lào thổi suốt đêm ngày thế mà nhiều loại rau xanh nhà Hồ Văn Hải vẫn tốt tươi do gần nguồn nước.
Đêm xuống... trong nhà văn hóa bản Dốc Mây, một bếp lửa nồng đượm đốt lên. Ché rượu cần do Phó Trưởng bản Hồ Văn Thùa mang đến đãi khách nghiêng cần chờ người uống. Một hồi kẻng cất lên, thoáng chốc già trẻ, gái trai trong bản lũ lượt kéo đến. Lúc này, chúng tôi mới thấy hết giá trị tinh thần của những món quà nhỏ chúng tôi nỗ lực gùi vào Dốc Mây. Rượu cần chênh chao thêm, chủ khách tìm thấy nhau trong sự cộng cảm. Những đứa trẻ được quà thênh thênh chạy nhảy. Lửa cháy bỏng trong ánh mắt cô gái bản tuổi mười tám, tiếng hát cô tan chảy vào đêm: “Ơ... Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/ Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu/ Ta đi tìm em, em ơi!/ Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy/Ta đang lần tìm đến người, người ơi...”.
Những bếp lửa không bao giờ tắt! Dẫu Dốc Mây đang nghèo đói, dẫu Dốc Mây cách trở, xa xôi, bộn bề, khốn khó. Người Dốc Mây giữ lửa giữa nhà sàn, giữ lửa trong tim để vững tin hơn vào Đảng, Bác Hồ, vào một ngày mai tươi sáng. Cho Dốc Mây không còn vời vợi xa ngái.
Thanh Long - Văn Minh
Bài 2: Gieo chữ... neo đậu tình người