(QBĐT) - Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” và để phần nào vơi đi nỗi đau mất mát, hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tỉnh ta đã dấy lên phong trào chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ VNAH.
Đặc biệt tháng 9 - 2015, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh tại Công văn số 1108/UBND-VX ngày 17-9-2015 về việc nhận chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, nhiều đơn vị đã kịp thời đăng ký nhận phụng dưỡng các mẹ đến trọn đời. Đến nay 100% các mẹ VNAH còn sống trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Trong phong trào chăm sóc phụng dưỡng Mẹ VNAH nổi bật có Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhận chăm sóc phụng dưỡng 15 Mẹ VNAH. Đây là một hoạt động có nhiều ý nghĩa trong công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội do Thường vụ Quân ủy Trung ương và Thường vụ Đảng ủy Quân khu chỉ đạo.
Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Phong trào chăm sóc phụng dưỡng Mẹ VNAH đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hết sức quan tâm. Đơn vị coi đây là một phong trào lớn có ý nghĩa chính trị sâu rộng, tạo niềm tin cho cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Đây cũng là dịp tốt để giáo dục truyền thống, nâng cao trách nhiệm nghĩa tình, thể hiện sự tri ân với thế hệ cha anh lớp trước, những đồng đội đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì nền độc lập dân tộc”.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cập nhật đầy đủ các thông tin về hoàn cảnh đời sống các Mẹ VNAH, chỉ đạo các đơn vị cơ sở nhận phụng dưỡng các mẹ. Ngoài việc thường xuyên bảo đảm nguồn kinh phí phụng dưỡng theo quy định, đơn vị còn phối hợp với các chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ tiến hành xây nhà tình nghĩa cho các mẹ. Điển hình như mẹ Đỗ Thị Hạnh ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), mẹ Trần Thị Yên ở Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), mẹ Nguyễn Thị Chất ở Thanh Hóa (Tuyên Hóa), mẹ Nguyễn Thị Tôi ở Tân Ninh (Quảng Ninh)... được hỗ trợ từ 70 đến 90 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa.
Một trong những đơn vị triển khai hiệu quả công tác hậu phương quân đội, chăm lo phụng dưỡng mẹ VNAH, được địa phương đánh giá cao là Ban chỉ huy Quân sự thành phố Đồng Hới. Trung tá Đinh Xuân Hướng, Chính trị viên Thành đội Đồng Hới chia sẻ: Hiện tại Ban chỉ huy Quân sự thành phố Đồng Hới nhận phụng dưỡng 3 Mẹ VNAH gồm các mẹ Nguyễn Thị Trữ (Nam Lý), Hoàng Thị Con (Đồng Sơn), Phạm Thị Đít (Đồng Phú). Đơn vị luôn quán triệt cho cán bộ chiến sĩ đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, vào các dịp lễ, tết đều thăm hỏi, động viên các mẹ. Chúng tôi rất mong muốn các đơn vị, đặc biệt là các trường học tại nơi có Mẹ VNAH tăng cường cho các cháu học sinh đến thăm mẹ, tạo nên phong trào đền ơn đáp nghĩa ở các trường học. Bởi chăm sóc đời sống tinh thần cho các mẹ là rất cần thiết, góp phần giúp các mẹ vơi đi nỗi đau, vui sống quãng đời còn lại”.
![]() |
Lễ phong tặng, trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 1 năm 2014. |
Hiện nay, có khá nhiều điển hình tốt nổi lên trong phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH. Huyện Lệ Thủy là một trong số đó. Chị Đặng Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Lao động - Xã hội huyện Lệ Thủy cho biết: Phần lớn các Mẹ VNAH ở trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên huyện rất quan tâm chăm lo theo dõi cập nhật đầy đủ thông tin để giúp đỡ chăm sóc các mẹ. Nhiều trường học trên địa bàn huyện rất chú trọng việc đẩy mạnh phong trào chăm sóc phụng dưỡng Mẹ VNAH.
Nét đẹp của phong trào chính là tinh thần tự giác, ý thức tự nguyện của toàn thể các đơn vị được vinh dự chăm sóc phụng dưỡng Mẹ VNAH. Ban chấp hành công đoàn Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (nhiệm kỳ 2012- 2017) đã thống nhất việc nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến suốt đời Mẹ VNAH Đào Thị Di ở Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới kể từ ngày 1-9-2015 (mức phụng dưỡng mỗi quý 1.500.000 đồng). Mẹ Di có chồng và 1 con là liệt sĩ.
Phong trào chăm sóc phụng dưỡng mẹ VNAH đã có sức lan tỏa rộng ở tỉnh ta. Từ các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình, đến nhiều doanh nghiệp như VNPT Quảng Bình, Công ty Điện lực, Công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Quảng Bình cùng nhiều cơ quan đoàn thể như Hội LHPN tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Tỉnh đoàn và nhiều cơ quan đơn vị khác đã chung tay góp phần đẩy mạnh phong trào .
Tập thể Báo Quảng Bình đã nhận chăm sóc phụng dưỡng Mẹ VNAH Cao Thị Tuyết, quê ở thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) với mức phụng dưỡng 1 triệu đồng/tháng. Mẹ Tuyết có một con trai duy nhất đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hiện mẹ đang sống với người con nuôi là anh Cao Ngọc Châu. Các đồng chí lãnh đạo của Báo Quảng Bình và cán bộ phóng viên, nhân viên Báo Quảng Bình thường xuyên quan tâm thăm hỏi động viên mẹ.
Tình cảm đó xuất phát từ trái tim những nhà báo muốn được tri ân mẹ VNAH đã nuôi dưỡng sinh thành những người con anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc.
Nhìn lại phong trào chăm sóc, phụng dưỡng mẹ VNAH ở tỉnh ta càng thấy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”đang được phát huy. Mong rằng phong trào mang ý nghĩa chính trị và nhân văn này tiếp tục được phát triển lan tỏa rộng khắp trên cơ sở nhân rộng những điển hình tốt. Đồng thời qua bài viết nhỏ này, chúng tôi mong muốn trong một tương lai không xa, khi có điều kiện, tỉnh ta cần có công trình đền thờ các Bà mẹ VNAH để lưu danh các mẹ-những người đã có công sinh thành nuôi dưỡng những anh hùng. Hẳn rằng, đền thờ các bà mẹ VNAH phải được đặt để ở nơi có cảnh quan đẹp, trang trọng, uy nghiêm là điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phan Hòa