(QBĐT) - Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT), qua bộ chỉ số theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu cấp nước và vệ sinh hộ gia đình năm 2015 đều vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84,3% (vượt 1,3% kế hoạch); hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 67,1% (vượt 2,1% kế hoạch).
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu không đạt như: tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi gia súc có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 48,2% (thấp hơn 1,8% kế hoạch nhưng vượt mục tiêu chung của cả nước 3,2%); tỷ lệ trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 82,1% (thấp hơn 17,9% kế hoạch); tỷ lệ trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 94,1% (thấp hơn 0,9% kế hoạch).
Về đầu tư phát triển, do khó khăn về nguồn vốn nên trong năm 2015 tỉnh chỉ ưu tiên bố trí vốn cho các công trình hoàn thành, công trình chuyển tiếp và công trình trả nợ chuẩn bị đầu tư, một số công trình nhà vệ sinh trường học và trạm y tế xã, gồm: 4 công trình cấp nước hoàn thành; 2 công trình cấp nước chuyển tiếp; 10 công trình cấp nước trả nợ chuẩn bị đầu tư; 7 công trình nhà vệ sinh trường học và 2 công trình nhà vệ sinh trạm y tế xã.
![]() |
Hệ thống bể chứa xử lý nước sạch tại công trình cấp nước xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch). |
Bên cạnh nguồn vốn của Trung ương giao là 11.610 triệu đồng, trong năm 2015, chương trình mục tiêu Quốc gia NS và VSMTNT của tỉnh còn có sự “góp sức” của các nguồn vốn khác, như: Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho các hộ dân nông thôn vay tổng cộng 91.052 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa, cải tạo hàng nghìn công trình cấp nước nhỏ lẻ và công trình vệ sinh hộ gia đình.
Chương trình 135 đã đầu tư 3.286 triệu đồng xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt cho các bản đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã: Thượng Trạch (Bố Trạch), Trường Sơn (Quảng Ninh), Lâm Thủy (Lệ Thủy) và hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh trường học, trạm y tế xã. Hội LHPN tỉnh từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển và của các tổ chức phi chính phủ đã triển khai xây dựng, cải tạo 9.362 nhà vệ sinh, lắp đặt 96 hầm biogas, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, in tờ rơi, panô, áp phích, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Tổ chức Đông Tây hội ngộ và tổ chức Plan đã hỗ trợ 10.006 triệu đồng cho các địa phương vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, các bản đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng, cải tạo công trình cấp nước tự chảy, công trình cấp nước nhỏ lẻ và nhà vệ sinh hộ gia đình...
Dự án cấp NS và VSMTNT vùng miền Trung tỉnh Quảng Bình đã thực hiện và giải ngân 33.000 triệu đồng vốn ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á; 6.325 triệu đồng vốn đối ứng ngân sách địa phương cho các tiểu dự án Tiến Hóa (Tuyên Hóa) và Lệ Ninh (Lệ Thủy). Hiện tại, đã nghiệm thu bàn giao các công trình vệ sinh của tiểu dự án Lệ Thủy (tháng 1-2016) và của Tiến Hóa (tháng 3-2016). Dự kiến trong tháng 4-2016 sẽ xây dựng hoàn thành hai công trình cấp nước liên xã và vận hành chạy thử trước khi nghiệm thu bàn giao để đưa vào sử dụng.
Ngoài ra còn có dự án cấp nước sinh hoạt 22 xã vùng nam thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch đã thực hiện và giải ngân 85.390 triệu đồng vốn ODA của Chính phủ Hungary; 7.500 triệu đồng vốn đối ứng ngân sách địa phương; dự án cấp nước sinh hoạt 5 xã Hiền-Xuân-Tân-An-Vạn của huyện Quảng Ninh...
Đặc biệt, để nâng cao năng lực nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề NS và VSMTNT, các đơn vị liên quan như: Trung tâm NS và VSMTNT; Sở Giáo dục-Đào tạo; Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức được 12 lớp tập huấn với trên 500 lượt học viên tham gia. Các lớp tập huấn này chủ yếu tập trung vào các vấn đề: nghiệp vụ về quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung; nâng cao nhận thức về NS và VSMT trong trường học; truyền thông vệ sinh nông thôn, vệ sinh hộ gia đình...
Được biết, từ năm 2016, lĩnh vực cấp NS và VSMTNT là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
M.Văn