Các trường học bán trú làm gì trước thực trạng hải sản bị ô nhiễm?

  • 01:04, 29/04/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong gần 3 tuần vừa qua, tình trạng cá biển chết hàng loạt tại Quảng Bình và các tỉnh lân cận đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn. Bên cạnh nỗi lo chung, thì các bậc phụ huynh có con nhỏ đang học bán trú tại các trường mầm non và tiểu học còn lo lắng nhiều hơn. Vậy ngành Giáo dục-Đào tạo đã có phản ứng gì trước thực trạng này?

Hiện số cháu mầm non và tiểu học đang học bán trú của tỉnh ta là 42.000 (mầm non 35.000, tiểu học 7.000 cháu). Hầu hết các cháu ăn bữa trưa ở trường, ngoài ra có một số trường đủ điều kiện còn cho các cháu ăn luôn bữa sáng. Thực đơn của trẻ khá phong phú, khoa học nhằm bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn. Trong đó, hải sản (chủ yếu là tôm, cá, mực) là những món ăn không thể thiếu mà bếp ăn bán trú các trường lựa chọn và đưa vào thực đơn.

Bữa ăn tự chọn của trẻ bán trú tại Trường mầm non Hoa Hồng.
Bữa ăn tự chọn của trẻ bán trú tại Trường mầm non Hoa Hồng.

Trường tiểu học Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) có số lượng học sinh bán trú trên 800 cháu. Chị Nguyễn Thị Hương, một phụ huynh của trường cho biết: Con tôi đã nhiều năm học bán trú ở đây, tôi luôn tin tưởng bữa trưa ở trường của cháu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, từ hôm nghe tin cá biển chết bất thường hàng loạt do nhiễm độc tôi cũng cảm thấy lo lắng, rằng không biết nhà trường có nắm bắt đầy đủ thông tin để kịp thời điều chỉnh thực đơn không. Thật ra không chỉ mình tôi mà nhiều phụ huynh khác cũng có chung nỗi lo này.

Cô giáo Hà Thị Vẽ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Phú cho hay: Khi biết thông tin hải sản bị nhiễm độc, nhà trường chỉ đạo thay đổi thực đơn ngay bằng bò, gà, lợn... Trước mắt đành phải chấp nhận như thế, nếu tình hình kéo dài, trường sẽ tìm kiếm nguồn hải sản sạch để bổ sung cho trẻ. Mong các bậc phụ huynh cùng phối hợp bằng cách lựa chọn hải sản an toàn trong những bữa ăn ở nhà của trẻ trong giai đoạn khó khăn này.

Trường mầm non Hoa Hồng (thành phố Đồng Hới) là một trong những trường có số lượng trẻ bán trú lớn với trên 450 cháu. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Lệ Hà cho biết: Ngay từ khi nghe thông tin cá biển chết hàng loạt, trong thực đơn bữa ăn của các cháu đã dừng món cá.

Trước đây mỗi tuần các cháu được ăn cá một lần, nhưng bây giờ nhà trường phải tìm nguồn thực phẩm khác để thay thế nhằm bảo đảm dưỡng chất cho các cháu. Nhưng nếu tình trạng cá chết còn diễn biến phức tạp thì chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc làm phong phú thực đơn cho các cháu.

Cô giáo Đặng Thị Hồng Ân, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) cho hay: Đối với bậc học mầm non, thực đơn của các cháu được thay đổi hàng ngày, nên không phụ thuộc lắm vào hải sản, do đó những ngày vừa qua cũng chưa có sự xáo trộn nhiều ở bếp ăn của các trường mầm non. Ngay từ đầu năm học, ngành đã quán triệt một cách nghiêm túc vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn bán trú, bắt buộc các trường phải lấy thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và lưu mẫu thức ăn hàng ngày, để bảo đảm an toàn bữa ăn cho học sinh.

Về tình trạng cá biển chết bất thường trong thời gian qua, trước khi có kết luận chính thức từ các ngành chức năng về nguyên nhân nhiễm độc, chúng tôi cũng đang nắm thông tin và có sự tham mưu chỉ đạo kịp thời cho các trường học trong việc bảo đảm bữa ăn cho các cháu học bán trú, nên các bậc phụ huynh yên tâm.

Tại Trường mầm non Quảng Long (thị xã Ba Đồn), một trong những địa phương đang bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng cá biển chết, cô giáo Phạm Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có gần 400 cháu bán trú, thực đơn mỗi tuần của các cháu có 2 bữa ăn hải sản. Ngay từ khi có thông tin về cá biển chết, chúng tôi đã thay đổi thực đơn cho các cháu.

Chế biến thức ăn cho trẻ tại các bếp bán trú luôn được quan tâm chỉ đạo.
Chế biến thức ăn cho trẻ tại các bếp bán trú luôn được quan tâm chỉ đạo.

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, nhiều bậc phụ huynh vẫn lo lắng và bất bình, nhất là khi đọc được những thông tin về trả lời của đại diện truyền thông Formosa. Chúng tôi cũng đang tìm cách cân đối thực đơn cho trẻ để bảo đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết nhưng chỉ trong chừng mực nào đó, còn về lâu dài sẽ rất khó khăn.   

Trao đổi trực tiếp với chúng tôi, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo khẳng định: Trước thực trạng này, Sở đã có văn bản chỉ đạo các Phòng Giáo dục - Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở tuyên truyền, vận động học sinh, người dân không thu gom cá chết về làm thực phẩm, bán hoặc làm mắm muối ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân... Riêng đối với các trường học, các cơ sở giáo dục có bếp ăn nội trú, bán trú sử dụng thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo những quy định trước đây.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay lưu ý khi sử dụng thức ăn hải sản biển (tươi, khô, đông lạnh,...) phải rõ nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi có hiện tượng bất thường về sức khỏe của cán bộ, giáo viên và học sinh cần kịp thời liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý và báo cáo lên cấp trên. Mong các bậc phụ huynh yên tâm, cùng phối hợp với ngành trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ và bổ sung đủ dinh dưỡng cho các cháu thông qua các bữa ăn tại gia đình.

Hiền Mai





 

tin liên quan

Liên đoàn Lao động tỉnh: Thăm gia đình có người thân bị tai nạn giao thông
Liên đoàn Lao động tỉnh: Thăm gia đình có người thân bị tai nạn giao thông

(QBĐT) - Vừa qua, đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và Công đoàn ngành Công thương đã đến thăm, trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Nguyễn Viết Long ở thôn Tây Cổ Hiền, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) có hai con Nguyễn Viết Hùng (con trai) và Hoàng Thị Thắm (con dâu) bị tai nạn giao thông tử vong.

Cần 450 tỷ đồng để giảm phát thải khí nhà kính thông qua bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020
Cần 450 tỷ đồng để giảm phát thải khí nhà kính thông qua bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020

(QBĐT) - Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+)" tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2016 - 2020.

Ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển nhiễm độc
Ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển nhiễm độc

(QBĐT) - Ngày 27-4, tại vùng biển ven bờ thuộc phường Quảng Phúc, Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn), hàng trăm thuyền loại nhỏ của ngư dân vẫn vô tư thả lưới đánh bắt cá. Đây là khu vực đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt do nhiễm độc trong nước.