Thanh âm làng biển...

  • 07:06, 01/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, Trường tiểu học Nhân Trạch (Bố Trạch) đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa văn hóa, nghệ thuật dân gian vào môi trường học đường. Thông qua các hoạt động giáo dục và sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường đã tạo điều kiện cho học sinh (HS) được tiếp cận sớm với những làn điệu dân ca, trò chơi dân gian và phong tục, tập quán địa phương. Qua đó, hình thành trong mỗi HS ý thức trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương.
 
Chứng kiến một buổi giao lưu, sinh hoạt văn nghệ dân gian của Câu lạc bộ (CLB) “Em yêu làn điệu dân ca” tại Trường tiểu học Nhân Trạch, chúng tôi cảm nhận rõ không khí vui tươi, sôi nổi và sự hào hứng của HS khi biểu diễn các làn điệu hò khoan, chèo cạn. Những “nghệ nhân nhí”, giáo viên (GV) bộ môn âm nhạc và các nghệ nhân dân gian của CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch say sưa thể hiện từng câu hát, điệu hò, hòa quyện trong nhịp phách, tiếng vỗ tay rộn ràng và những động tác chèo cạn khỏe khoắn, dứt khoát.
Học sinh được trải nghiệm không gian hò khoan, chèo cạn ngay tại trường học.
Học sinh được trải nghiệm không gian hò khoan, chèo cạn ngay tại trường học.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, giảng dạy bộ môn Âm nhạc của trường cho hay: Mỗi buổi sinh hoạt, HS được các nghệ nhân hướng dẫn cách hát, luyến láy, thực hành các động tác chèo cạn sao cho phù hợp với tiết tấu và tinh thần của làn điệu. Các em còn được chia sẻ kinh nghiệm diễn xướng hò khoan, hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của các làn điệu cổ.
 
Dù đến từ địa phương thuần nông là xã Đại Trạch, nhưng cô giáo Trần Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng nhà trường lại có niềm đam mê đặc biệt với những câu hò, điệu hát, nếp sinh hoạt văn hóa của làng biển Nhân Trạch. Với mong muốn làm một điều gì đó thiết thực, ý nghĩa để gìn giữ, lưu truyền những nét đẹp ấy cho thế hệ trẻ, cô đã động viên GV Âm nhạc tiếp cận với các nghệ nhân ở địa phương nhằm học hỏi cách diễn xướng chèo cạn, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng biển. Nhà trường còn đưa hò khoan chèo cạn vào giảng dạy trong bộ môn Âm nhạc và lồng ghép vào các hoạt động giáo dục phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
 
“Mỗi lần nhìn HS say sưa hát dân ca, chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Từ những buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa dân gian, HS được tiếp cận với âm nhạc truyền thống của dân tộc, được thấm nhuần những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc qua từng câu hò, điệu hát. Đây cũng là cách giáo dục hiệu quả nhằm nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp nhân cách và lòng tự hào về truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhân Trạch Trần Thị Hoài Phương chia sẻ.
 
“Mệ đã ở độ tuổi “gần đất xa trời” nên trong lòng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo là các câu hò, điệu hát… của làng quê sẽ bị mai một, thất truyền. Thế nên khi được nhà trường mời truyền dạy, mệ cùng các nghệ nhân khác rất vui mừng. Niềm hạnh phúc càng nhân lên khi thấy thế hệ con, cháu của mình đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm đối với việc tiếp nối mạch nguồn văn hóa của quê hương”, Nghệ nhân dân gian Lê Thị Tuyến, CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch bày tỏ.

Nói về cơ duyên đến với làn điệu hò khoan, chèo cạn, cô giáo Nguyễn Thị Thảo cho biết: "Trong một lần tham dự lễ hội cầu ngư của xã Nhân Trạch, tôi bị cuốn hút bởi giọng hò truyền cảm, ngân vang đầy nội lực của cố nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu. Dù khi ấy chưa hiểu hết nội dung và đặc trưng của các làn điệu cổ, nhưng khi chứng kiến các nghệ nhân biểu diễn múa hát chèo cạn trong sự cổ vũ nồng nhiệt của bà con địa phương, tôi đã cảm nhận sâu sắc vai trò của dân ca đối với đời sống tinh thần của người dân làng biển."

 
Vốn yêu thích âm nhạc truyền thống, cô Nguyễn Thị Thảo đã tìm đến cố nghệ nhân Phạm Thị Niếu và các nghệ nhân thuộc CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch để học hát. Ban đầu, cô gặp không ít khó khăn do phần lớn các điệu hò biển sử dụng lời cổ, cấu trúc giai điệu và cách thể hiện hoàn toàn khác biệt so với những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên mà cô từng thể hiện rất thành công.
 
Với tinh thần cầu thị, cô không chỉ học hát mà còn dành nhiều thời gian tìm hiểu ý nghĩa từng câu hò và cách tổ chức một buổi diễn xướng hò khoan, chèo cạn. Được sự chỉ bảo tận tình từ các nghệ nhân, chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã “ngấm” và “thấm” dân ca vùng biển, thể hiện thành thạo một số làn điệu cổ, hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc của làng. Từ đó, niềm đam mê với dân ca trong cô ngày càng lớn dần, tạo động lực để cô lan tỏa tình yêu ấy đến với HS.
Nhờ các buổi truyền dạy từ các nghệ nhân, học sinh  đã thể hiện thành công các làn điệu hò biển.
Nhờ các buổi truyền dạy từ các nghệ nhân, học sinh đã thể hiện thành công các làn điệu hò biển.
Năm 2024, trường đã thành lập được CLB “Em yêu làn điệu dân ca” thu hút sự tham gia của 25 thành viên đến từ các khối lớp. Cô Nguyễn Thị Thảo cùng các nghệ nhân đã lựa chọn những làn điệu phù hợp với độ tuổi HS như hò khoan, hò hụi để tổ chức tập luyện. Ban đầu HS không hào hứng vì gặp khó khăn trong cách lấy hơi, luyến láy. Nhờ sự động viên, khích lệ của các nghệ nhân và cô giáo, dần dần HS của trường đã quen với cách hát và chủ động học thuộc các làn điệu.
 

Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhân Trạch Trần Thị Hoài Phương cho hay: “Đa số GV của trường đều là người nơi khác đến không hiểu nhiều về phong tục, tập quán của người dân vùng biển. Qua quá trình công tác, gắn bó, tiếp xúc với người dân và chứng kiến sự tâm huyết của các nghệ nhân đối với văn hóa truyền thống, chúng tôi đã “cảm” và ngày càng yêu hơn quê biển Nhân Trạch. Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt để thu hút ngày càng nhiều HS tham gia nhằm từng bước gieo mầm, nuôi dưỡng tình yêu đối với văn hóa dân tộc trong mỗi HS.”

Một số em còn đảm nhận tốt vai “bà cai, ông cai” (người thể hiện lời xưng), tiêu biểu như các em: Hoài An, Bảo Phúc (học sinh lớp 4). HS còn được khuyến khích sáng tác lời mới có nội dung gần gũi với môi trường học đường như tình cảm thầy trò, mái trường, quê hương… dựa trên nền các làn điệu cổ. Các lời hát do HS sáng tác đều được cô Nguyễn Thị Thảo chỉnh sửa, hoàn thiện để phù hợp với cấu trúc dân ca và nội dung giáo dục. Hoạt động này không chỉ giúp HS tiếp cận dễ dàng hơn với dân ca mà còn khơi dậy khả năng sáng tạo, phát triển năng khiếu nghệ thuật. Nhà trường còn đầu tư khá đầy đủ về trang phục, đạo cụ phục vụ biểu diễn và tích cực lồng ghép việc truyền dạy dân ca vào các giờ học âm nhạc, sinh hoạt ngoại khóa, các buổi sinh hoạt dưới cờ, góp phần giáo dục thẩm mỹ, nâng cao ý thức gìn giữ di sản cho thế hệ trẻ.

 
Chia tay CLB “Em yêu làn điệu dân ca” của Trường tiểu học Nhân Trạch, chúng tôi mang theo về những thanh âm trong trẻo, hòa trong tiếng phách đều đặn và cả nụ cười hồn nhiên của các cô, cậu học trò cùng ánh mắt ngời lên sự hạnh phúc của những nghệ nhân dân gian-người giữ “lửa” văn hóa của quê hương.
Nhật Văn

tin liên quan

Giải thưởng truyền thông về quyền con người "Việt Nam hạnh phúc-Happy Vietnam 2025"
Giải thưởng truyền thông về quyền con người "Việt Nam hạnh phúc-Happy Vietnam 2025"

(QBĐT) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản về việc tuyên truyền tham gia Giải thưởng truyền thông về quyền con người "Việt Nam hạnh phúc-Happy Vietnam 2025".

Thời gian
Thời gian

Tích tích tích tích

Tích tích tích tích…

Khi di sản được trao truyền
Khi di sản được trao truyền

(QBĐT) - Tại Quảng Bình, hai lớp học trao truyền kỹ năng trình diễn ca trù và bài chòi vừa được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức đã trở thành minh chứng sống động cho một cách bảo tồn văn hóa bài bản, nhân văn và hướng đến phát triển bền vững.