(QBĐT) - Trong những năm gần đây, thi đàn Quảng Bình nổi lên một Lê Minh Thắng có sức sáng tạo dồi dào cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù ông đến với thơ hơi muộn, so với các hội viên thơ, Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Bình khác. Chỉ trong vòng bảy năm (2017-2024) ông đã cho ra đời 5 tập thơ dày dặn, với thi pháp hậu hiện đại. Thơ Lê Minh Thắng ít đăng báo chí, kén người đọc, nhưng luôn tạo sức hút cho những ai đủ bản lĩnh để chiêm nghiệm.
Lê Minh Thắng nguyên là giảng viên chính, giảng dạy chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường đại học Quảng Bình. Có người cho rằng, những người làm thơ hay, đều công tác ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, điều này rất đúng với Lê Minh Thắng.
Tôi rất thích phong cách sáng tạo của Lê Minh Thắng, nhưng để viết về thơ ông thì chưa nghĩ tới, vì không dễ. Nhưng tập thơ thứ 5 “Ánh sáng đổi ngôi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2024) của ông đã đưa tôi đến một miền cảm xúc mới lạ, vừa phóng khoáng, vừa siêu nhiên, lại vừa quen thuộc như hương đồng cỏ nội. Tập thơ là một hành trình thi ca rộng lớn, kết tinh những suy tưởng triết học, trải nghiệm nhân sinh, niềm khao khát ánh sáng trong bóng tối, khát vọng vượt thoát.
![]() |
Ngay từ nhan đề Ánh sáng đổi ngôi, Lê Minh Thắng đã ngầm đặt ra một luận đề lớn: Ánh sáng không còn bất biến, mà có thể bị thay thế, thay chỗ, phản ánh một thế giới vận động, đảo lộn giá trị, nơi những điều vốn cao đẹp đang bị khuất lấp, và cái thấp hèn lên ngôi. Tuy nhiên, ẩn trong đó vẫn là khát vọng tìm lại ánh sáng thực sự, thứ ánh sáng đến từ tâm thức, từ tình yêu, niềm tin và sự thấu cảm.
Ở đây, tôi chỉ xin nói đến yếu tố làm nên “Ánh sáng đổi ngôi” thông qua hình ảnh, hình tượng cây, cỏ, lá, mà tôi gọi là kiếp lá.
Lá xuất hiện với tần suất rất cao trong tập thơ “Ánh sáng đổi ngôi” của Lê Minh Thắng. Nó không chỉ là một hình ảnh thiên nhiên thuần túy, mà còn là biểu tượng gắn liền với tư tưởng xuyên suốt của tác giả. Hình ảnh lá không ngừng hiện ra như một ám ảnh sáng tạo. Lá biểu tượng cho kiếp người, thời gian, giấc mơ và cả cái đẹp mong manh. Lá dẫn dắt ta đi qua vùng biên của cảm xúc và tư tưởng, làm nổi bật mối quan hệ giữa thiên nhiên, thân phận, ánh sáng, niềm tin, thứ mà Lê Minh Thắng luôn truy vấn.
Lá trong thơ Lê Minh Thắng là biểu tượng hữu hạn và mong manh, tạm thời, dễ tan biến của kiếp người. Lá là hình ảnh ẩn dụ cho con người giữa cuộc đời, một sự tồn tại thoáng qua giữa dòng xoáy của thời gian và biến động:
“Một ngày nào đó ta nhận ra
kiếp lá nhẹ thênh giữa muôn trùng xao động
núi cao thăm thẳm mờ dần sau đôi mắt thâm canh
…
Một tiếng lá ta ngộ góc ban chiều
son thiếp hư danh hoàng hôn ngún cháy
bao thăng trầm tan biến vào dĩ vãng
khoảnh khắc tin yêu còn lại trong ta.”
(Một ngày nào đó ta nhận ra)
Chiếc lá không còn đơn thuần là vật thể thiên nhiên, mà như một linh hồn mang màu sắc huyền diệu, vượt khỏi giới hạn vật chất, lá trở thành một chân dung tinh thần. Lá ở đây là kiếp người tỉnh ngộ, là hạt bụi bơ vơ giữa muôn trùng nhân thế, chỉ còn tình yêu và lòng bao dung là thứ còn lại.
Ánh sáng và lá, còn là sự tương tác giữa cảm thức siêu hình và bản thể sống. Lá của Lê Minh Thắng không chỉ hiện ra một mình, mà thường trong sự tương tác với ánh sáng, yếu tố biểu trưng cho tri thức, thức tỉnh, hy vọng: “Ánh sáng cô đơn/tự tại trên cây nến tĩnh tâm”(Ánh sáng cô đơn). “Ánh sáng tài năng thưa thớt trên mặt nước/ánh sáng tài trí khuất dần phía chân đồi” (Ánh sáng đổi ngôi). Tác giả đặt ánh sáng vào trạng thái vừa hiện hữu, vừa khuyết thiếu, từ đó tạo ra tình thế nhập nhằng: Lá, thân phận nhỏ bé, không biết bám vào đâu giữa một thứ ánh sáng bất ổn.
Lá và ánh sáng trong thơ còn mối tương tác của cái đẹp và khát vọng vượt thoát. “Chiếc lá thiên thai” không chỉ là vẻ đẹp của tự nhiên mà còn mang dáng vẻ thiêng liêng và thần thoại. Nó chứa bảy sắc, hàm nghĩa cầu vồng, toàn vẹn, và vượt lên vật thể thường ngày. Câu thơ “tâm bóng tối vực lên ánh sáng” là chuyển động từ vô minh đến giác ngộ, từ đó lý giải kiếp lá và ánh sáng đổi ngôi:
“…Chiếc lá thiên thai lòng bảy sắc phất phới
tâm bóng tối vực lên ánh sáng
đổi ngôi dị thường
…
Anh bàng hoàng vẫy theo chiếc lá đơn độc
một ngày sẽ rời cây
linh thiêng và yên giấc những lâu đài.
(Ánh sáng đổi ngôi)
Lá được thiêng hóa, không còn là vật rụng rơi, mà trở thành linh thể của ánh sáng. Đây là cuộc hóa thân của hồn người trong dòng vĩnh cửu.
Lá và cây còn là một không gian tự nhiên để nhân sinh soi chiếu. Hình ảnh “cây cọ”, “cây bạch dương”, “cây bồ đề”, “tán cây hoang dại”… xuất hiện, tạo ra một khoảng không gian tự nhiên khép kín, nơi con người đối thoại với chính mình: “Dưới tán cây hoang dại/vòm trời hình nấm dày thêm” (Dưới tán cây hoang dại)
Lá và cây không còn đơn thuần là cảnh vật, mà trở thành chủ thể suy tư, mang tâm thế người. Hình ảnh thiên nhiên dường như đang hỏi ngược lại con người, và thơ trở thành cuộc đối thoại không lời giữa con người và cỏ cây:
“…chiếc lá lơ lửng một đời không định
tôi nghe trong từng giọt nắng
tiếng gọi muôn thức
cây cọ nơi hoang dã
kỳ vọng gì trong sâu thẳm mùa thu…”
(Cây cọ nơi hoang dã)
Lá như kẻ vô định, bơ vơ, nhưng cũng là tai nghe vũ trụ, là chứng nhân câm lặng trong cơn biến thiên thời đại. Lá như dòng thời gian và sự vận động. Tác giả đã theo dõi lá với những trạng thái vận động: Rơi, bay, đổi màu, âm thanh và cả ảo ảnh, mê cung. Sự vận động này phản chiếu chu trình của đời người và sự biến hóa vô thường của thế giới: “Chiếc lá điềm nhiên cất lên xào xạc/hương vị đền đài”
(Tiếng chuông gió trên ban công).
Lá như sự vận động của ký ức, thời gian và giấc mơ. Lá không còn là vật rơi rụng, mà là kẻ mang vác ký ức. “Ban mai chói sáng” là hình ảnh của tuổi trẻ, hy vọng, yêu thương. Lá mang theo ánh sáng ban mai, hồi ức thơ trẻ, nhưng khi rơi vào “lửa” và “thiên thu”, nó trở thành hạt mầm ký ức hóa thân thành vĩnh cửu:
“…chiếc lá bay theo tháng ngày
mang cả ban mai chói sáng
…
nhón hồn chiếc lá kỷ nguyên sinh
lửa mọc mười đầu ngón tay cháy bỏng
trời thiên thu nghi ngút... ”
(Đêm nghe suối hát nhân tình)
Lá còn là con đường quay về cội nguồn bản thể. Lá không chỉ là hình ảnh của tàn phai mà còn mang theo ký ức quê nhà, thời gian hồn nhiên, tình yêu ban sơ, là cầu nối giữa hiện tại và hồi ức, giữa mất mát và niềm tin hồi sinh: “Em trong tranh những viễn đích/đường viền son thiếp nhánh xuân sang” (Bến Kim Minh). “Một cánh hoa chớm nở trước thềm/nhánh xuân sang mang hơi ấm dịu êm” (Ngày cuối năm).
Lá trong trạng thái siêu hình, nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn. Tán cây, chiếc lá, và ánh mắt, tất cả đang sống trong một không gian thiền định, nơi con người đối diện với bản thể, với hoài niệm, với thiên nhiên. Lá trở thành hình ảnh cuối cùng còn lơ lửng giữa hữu và vô:
“…người đi trong bóng chờ ngóng thu vàng
bước đường chóng vánh
nghe không em trong từng tiếng thu
chiếc lá lơ lửng từ bao đời…”
(Dưới tán cây hoang dại)
Và đây là cái kết của bài thơ nhan đề, cũng là kết tinh của toàn tập. Lá “rời cây”, như linh hồn rời khỏi thể xác, nhưng không bi kịch. Nó “linh thiêng và yên giấc”, hòa vào dòng suối nhân sinh, vốc một ngụm ánh sáng mát lành. Lá trở thành vật hiến dâng, biểu tượng cho một kiếp người đã sống trọn, được chuyển hóa, không còn khổ đau:
“…anh bàng hoàng vẫy theo chiếc lá đơn độc
một ngày sẽ rời cây
linh thiêng và yên giấc những lâu đài
sa mạc trường tồn cát trắng
ngọn đuốc thiên niên mọc lên
dòng suối nhân sinh
vốc một ngụm mát lành trên đôi tay…”
(Ánh sáng đổi ngôi)
Hình tượng lá trong “Ánh sáng đổi ngôi” có thể nói là xuất hiện dày đặc, mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn không thể nói hết. Dù lá rất đời thường. Đó cũng là cái hay, cái tài của Lê Minh Thắng vậy!
Đỗ Thành Đồng