(QBĐT) - Cảnh Giang tên khai sinh là Nguyễn Tiến Chung. Nếu tính tuổi mụ, năm nay (2025) anh đã 78 “cái xuân xanh”. Anh là con trai đầu. Khi sinh thêm cậu con trai thứ hai, bố mẹ anh đặt tên Nguyễn Tiến Thủy. Ghép tên hai anh em thành “Chung Thủy”. Phải chăng bố mẹ anh muốn nhắc nhở các con sống ở trên đời phải có thủy có chung? Chung nghĩa là cuối. Thủy nghĩa là đầu. Chung thủy là đầu cuối không thay đổi, là trước sau như một. Chung thủy thường dùng để nói đến tình nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương, tình cảm bạn bè… Riêng Cảnh Giang còn là sự chung thủy với sông Gianh, chung thủy với thi ca, đặc biệt là chung thủy với thể Sonnet.
Xuyên suốt toàn bộ thơ Cảnh Giang là tình yêu quê hương, người thân, bạn bè. Anh làm thơ thay cho ghi nhật ký hàng ngày. Hầu như anh không bỏ sót sự kiện nào trong cuộc sống bản thân, gia đình, làng quê, đất nước. Anh ghi chép một cách cụ thể, chi tiết, tỉ mẩn về nạn hạn hán, lũ lụt; về đại dịch Covid; về sinh hoạt Câu lạc bộ Kiều học; về đám cưới, đám ma, hội nghị, họp hành, đi đây đi đó…
Tôi đã đọc gần nghìn bài thơ Sonnet của Cảnh Giang và nhận ra đối tượng để anh hướng đến tâm sự, giãi bày, bộc lộ cảm xúc chính là dòng sông quê hương. Anh xem sông Gianh như một người tình, như người bạn tri âm, tri kỷ. Đến Ráng chiều-sonnet (Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 2025), Cảnh Giang vẫn chung thủy với dòng sông quê hương, với thể thơ Sonnet: Ơi! Sông quê mang phù sa trĩu nặng/Chiều hoàng hôn man mác ân tình (Sonnet 673). “Sông quê mang phù sa trĩu nặng” không chỉ có nghĩa đen mà còn có nghĩa bóng. Đó là dòng sông mang nặng tình đời, tình người. Anh ngậm ngùi hồi tưởng: Tuổi bảy mươi, qua bao bến bao bờ/Bạn cùng lứa giờ đứa còn, đứa mất!/Nơi bến cũ con đò xưa dìu dặt/Vẫn ngóng trông nhau, bè bạn một thời (Sonnet 682).
![]() |
Cảnh Giang đã nói hộ tâm trạng của những người con gắn bó suốt đời với dòng sông quê hương. Anh xót xa trước thân phận của những người mẹ ở thượng nguồn: Miền sơn cước thương mẹ thời con gái/Lặn trong đời em cay đắng khúc sông quê (Sonnet 690). Anh cảm thông với bao gian khổ, khó khăn mà người dân thượng nguồn sông Gianh phải gánh chịu: Thương lắm sông Gianh bầm giập cuộc chiến chinh/Bao ghềnh thác gập ghềnh miền sơn cước/Bão lũ chồng nhau, mùa sau dồn mùa trước/Chắt lót một đời, tay lại trắng tay (Sonnet 746).
Giữa đại dịch Covid, anh nhắn gửi với sông: Ơi! Dòng sông xin đừng nức nở/Cả vầng trăng thương, xin chớ ưu phiền/Đại dịch qua rồi ta vui cảnh đoàn viên/Trao trút tình yêu thỏa bao ngày mong đợi (Sonnet 678). Anh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình với dòng sông quê hương thân thiết: Điều để hiểu: Sông một đời dâng hiến!/Qua bão, lũ, mưa sa giông tố dập dồn/Chia sẻ đắng cay, gian khổ, vui buồn/Tắm mát sông quê, nâng hồn thơ dào dạt (Sonnet 694).
Cảnh Giang góp phần khơi dậy tình yêu đối với Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trên đất Quảng Bình. Để làm tốt cương vị trưởng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại tỉnh nhà, Cảnh Giang dành thời gian tìm hiểu sâu hơn về Nguyễn Du. Khi đi qua sông Gianh, nhớ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, Nguyễn Du như nghe thấy hàng vạn oan hồn đang gào thét. Nhờ thấu hiểu điều này mà Cảnh Giang viết được hai câu thơ giàu chất suy tư: Ngắm nhìn non nước càng say/Hai trăm năm lẻ vơi đầy Tố Như (Sonnet 712). “Vơi đầy Tố Như” là cách nói tỉnh lược, diễn tả tâm trạng đau đớn, xót xa của Nguyễn Du trước thời cuộc. Người ta thường nói “con nước vơi đầy”, chỉ có Cảnh Giang đặt “vơi đầy” bên cạnh tên người, tạo nên nét mới lạ trong cách sử dụng từ ngữ.
Sở dĩ Cảnh Giang chung thủy với thi ca, với thể Sonnet là bởi anh ý thức một cách sâu sắc rằng: Chỉ có nàng thơ cho lòng con hiểu thấu/Tâm sự cùng mây, gió trăng sao/Sáng tạo niềm vui, chắt từng giọt ngọt ngào/Cho đời thương, thêm mùa xuân nhớ mẹ (Sonnet 731). Anh thú nhận: May có hồn thơ “mơ trăng và gió”/Đi khắp đó đây, hội bạn, hội bè/Và đêm về thao thức với Sonne/Phóng sự, Vi deo ôn một thời để nhớ (Sonnet 744).
Anh khẳng định: Chỉ còn em Sonne ơi! Khi trời chiều ráng đỏ/Nhớ sông quê man mác tự tình (Sonnet 672). Và cho dù “nắng hạn, mưa sa”, anh vẫn “trọn lòng chung thủy”. Cái “Ráng chiều” được kết bằng hàng trăm bài Sonnet ấy cũng hắt ánh vàng chẳng thua gì ánh bình minh ửng hồng trên mặt biển. Có điều Ráng chiều không giấu được nỗi buồn của những người sắp bước qua ngưỡng 80. Với đàn ông đến tuổi này rất sợ cô đơn, rất ngại chuyện chợ búa, bếp núc, giặt giũ. Cụ ông vắng cụ bà dù chỉ một ngày cũng như gà mắc tóc. Ấy vậy mà có một thời gian khá dài bà xã Cảnh Giang phải vào Sài Gòn giúp con gái chăm cháu, anh trở thành ông lão “độc thân” bất đắc dĩ. Trong những ngày tháng ấy, anh bộc bạch: Lại trở về trong ngôi nhà vắng vẻ/Lại vo gạo nấu cơm, rau thịt qua ngày/Lụi cụi một mình, mi mắt thấy cay cay/Mới thấu hiểu:“Vắng đàn bà quạnh bếp”. May cho anh là có “nàng Sonne an ủi”, để anh còn “đắm say, như con sóng xô bờ”(Sonnet 772).
Cuối năm ngoái (2024), Cảnh Giang bỗng nhiên thấy đất trời “nổi cơn giông bão”. Suốt mấy tháng trời anh giấu vợ con, một thân một mình chống chọi với bệnh tật. “Khoa Ngoại vừa ra, khoa Nội đã “đón” anh vào. Tuy vậy, hễ cảm thấy trong người tạm ổn là anh lại phóng xe đi “trên tầng cây số”, lại ngồi vào bàn gõ máy cặm cụi suốt đêm. Sức đi, sức làm việc, sức viết của anh khiến tôi hết sức nể phục.
Trong vòng mấy chục năm trở lại đây Cảnh Giang đã xuất bản 13 tập thơ và 2 trường ca. Hai trường ca đều nhận được giải thưởng. Ráng chiều-Sonnet là tập thơ thứ 14 của anh. Riêng thể thơ Sonnet, cho đến nay, anh đã viết gần cả nghìn bài. Hiện, chưa có ai viết thể thơ Sonnet với số lượng khổng lồ như anh. Có thể xem đây là một kỷ lục đáng ghi nhận.
Mai Văn Hoan