Thanh liêm một Võ Trọng Bình

  • 07:05, 11/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiếm vị danh nhân Quảng Bình nào lại được Mộc bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới của UNESCO khắc ghi một cách trang trọng và dung lượng nhiều thông tin như Hiệp biện đại học sĩ Võ Trọng Bình.
 
Võ Trọng Bình sinh năm 1808, tên tự là Sư Án, người huyện Phong Phú, nay là xã An Thủy, Lệ Thủy. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) ông đỗ hương tiến, trải làm Tri huyện Hòa Đa, có tiếng minh bạch và thanh liêm, được bổ dụng làm Giám sát ngự sử, thiên Hộ khoa chưởng án cấp sự trung, rồi bổ dụng làm Án sát sứ ở Thái Nguyên.
 
Năm 1841, khi vua Thiệu Trị lên ngôi, ông được bổ dụng chức Bố chính sứ Phú Yên. Đến năm 1848, ông tiếp tục được bổ dụng chức Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Ông dâng sớ xin cho khơi thông sông Lợi Nông, đắp đê ngăn nước mặn và giảm miễn thuế công điền 3 thành trong 10 thành. Đến năm Tự Đức thứ 6 (1853) tới kỳ 3 năm xét công tội, vua cho ông là người thanh liêm, không nhiễu nhương nên thưởng cho một chiếc khánh bằng vàng tía hạng lớn có 4 chữ “Liêm, bình, cẩn, cán”, rồi bổ dụng chức Tuần phủ Hưng Yên.
Nhà thờ Võ Trọng Bình ở thôn Lộc Thượng, An Thủy, Lệ Thủy.
Nhà thờ Võ Trọng Bình ở thôn Lộc Thượng, An Thủy, Lệ Thủy.
Năm Tự Đức thứ 9 (1856), khi đang làm hộ lý Tổng đốc Ninh Thái, gặp lúc thiên tai, bão lụt, dân tình khó kiếm sống, ông tâu xin gia hạn hoãn việc bắt lính trốn và thiếu thuế, vua chuẩn cho thi hành. Khi đê Hà Bắc vỡ, việc trị thủy rất khó tìm người, đình thần cho ông là người tài cán lão luyện đề cử lên, đổi làm quản lý việc đê chính, vua bảo phải hết mình.
 
Năm Tự Đức thứ 14 (1861), khi ông đang giữ chức thự Tổng đốc An Tĩnh, hạt Nghệ An báo được mùa, vua mừng có ghi làm bài thơ đưa cho xem. Ông liền tâu 3 việc để dẹp yên, vỗ về dân cư vùng Bắc kỳ, vua khen là phải, ông liền được thăng chức Tổng đốc. Năm Tự Đức thứ 16 (1863), ông chuyển sang giữ Thượng thư bộ Hộ, làm việc ở bộ Công, rồi sau đó sung chức đại thần Cơ mật viện. Vua cho rằng, trước đây khi ở Nghệ An, ông được quan lại và dân chúng yêu quý, kính phục nên thưởng thêm một cấp trác dị và một thẻ bài kim khánh hạng lớn có khắc chữ “Liêm, bình, cẩn, cán” và chuẩn cho con của ông được thừa ẩm, ban thêm một phẩm trật, ghi lại và thông báo cho trong ngoài đều biết để khuyến khích. Ông khiêm tốn từ chối, xin không nhận, vua không chuẩn cho, lại ban dụ rằng “Ban thưởng để khuyến khích, đó là điển lệ, khen một người để khuyên trăm người, cũng là bắt đầu từ cái ý của họ Ngỗi”(1).
 
Năm Tự Đức thứ 19 (1866), tới kỳ đại kế xét công, vua cho rằng Võ Trọng Bình là người thanh liêm, cần mẫn, có tài năng, đi đến đâu cũng để lại tiếng tốt nên ông được thăng chức Thự Hiệp biện đại học sĩ, nhưng vẫn lĩnh chức như cũ. Năm Tự Đức thứ 27 (1874), do Mai Tấn nổi dậy ở Nghệ An, ông đổi sang lĩnh chức Tuần phủ Nghệ An. Ông vừa đánh dẹp vừa phủ dụ nên mọi việc được yên. Khi vua cho bộ Lại xét xuyệt, cân nhắc người tài, ông là người vốn giữ được tiết tháo, thanh liêm, chính trực nên được đổi sang giữ chức Tả Tham tri bộ Lại. Năm Tự Đức thứ 28 (1875), khi đang giữ chức Hộ lý Tổng đốc các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang, chưa được bao lâu, ông xin về nghỉ vì tuổi già, vua không cho, lại ban dụ rằng “Khanh một lòng trung thành, trước sau không thay đổi, huống chi lỗi của khanh chưa được bù đắp, ơn của khanh chưa được ban thưởng. Lúc này đang gian nguy, sao khanh nỡ cáo lão. Chuẩn cho khanh được nhận chức”(2).
 
Khi được vua Tự Đức hỏi “Khanh trị dân thế nào mà được dân yêu mến?”, ông thưa “Không dung túng quan lại, nghiêm bắt bọn trộm cướp, lệnh cho các phủ huyện việc kiện tụng không được để lâu và thuế lệ hàng năm phải chiếu cố, những việc đó phải làm cho rõ”(3). Vua Tự Đức muốn giữ ông để sung vào làm việc ở bộ Lại nhưng muốn tận dụng trí tuệ và kinh nghiệm của ông nên đã đưa về Sơn Tây. Về sau ông được điều sang giữ chức Tổng đốc Định Yên, kiêm trông coi việc vận chuyển bằng tàu thuyền. Năm Tự Đức thứ 35 (1882), ông tròn 70 tuổi, vua ban dụ rằng “Võ Trọng Bình từng làm quan qua 3 triều, tính tình thường nóng vội nên hay vấp váp, nhưng vẫn giữ một lòng chất phác, trung thành, được ưu ái đến già không thay đổi. Trẫm ban thưởng cho tiền bạc, phẩm vật để khuyến khích sự vất vả, chăm chỉ và tỏ ý phụng dưỡng tuổi già”(4).
Tấm bia đá đặt tại nhà thờ Võ Trọng Bình.
Tấm bia đá đặt tại nhà thờ Võ Trọng Bình.
Mùa xuân, năm Tự Đức thứ 36 (1883), quân Pháp từ Hà Nội đến vây lấy tỉnh thành. Lúc bấy giờ do hòa ước chưa xác định, quân triều đình chống cự nhưng do lực lượng yếu, vũ khí thô sơ nên đã thất bại. Ông bị cách chức, đưa về kinh chờ trị tội. Năm Kiến Phúc thứ nhất (1883), ông được phục chức, làm Thương biện tỉnh vụ Nghệ An, rồi được triệu về cất nhắc lên làm Thượng thư bộ Hộ. Vì tuổi già ông xin về hưu. Đầu năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), ông được chuẩn cho nhận hàm Thượng thư, về hưu ông được ban ơn cấp cho một nửa bổng lộc.
 
Năm Thành Thái thứ 10 (1898), ông mất ở quê nhà, thọ 91 tuổi. “Nguyên Thượng thư bộ Hộ gia hàm Hiệp biện đại học sĩ hưu trí Võ Trọng Bình chết. Trọng Bình là bậc cựu thần thạc vọng, có tiếng thanh liêm, làm quan trong ngoài huân lao với nước, sau vì tuổi già về trí sĩ năm Thành Thái thứ 3, kính vâng ý chỉ là bậc kỳ cựu thanh liêm tài cán của triều trước nên ban cho hàm ấy (Hiệp biện đại học sĩ). Đến lúc ấy chết, đặc chuẩn truy thụ, chiểu lệ cấp tiền tuất (700 quan) để tỏ ý ưu đãi thể thiếp”(5).
 
Sách Đại Nam liệt truyện đã nhận xét rất sâu sắc về ông “Trọng Bình là người cứng rắn, thẳng thắn, thực thà, ngay thẳng, đi đến đâu cũng có tiếng liêm, bình, dẫu sở đoản về cách dùng binh, nhưng sở trường về cách trị dân, nên sau khi đi, dân vẫn thường nhớ”(6). Ông làm quan khắp trong, ngoài hơn 50 năm, thật xứng đáng với câu “Khổn bức vô hoạ, an tĩnh chi lại”, nghĩa là thật thà không phù hoa, kẻ lại được yên tĩnh. Sách Trung nghĩa ca nói về cuộc khởi nghĩa Đoàn Trưng, Đoàn Trực đã ca ngợi tấm gương liêm chính, ngay thẳng, thật thà của ông
      “Thanh liêm một Võ Trọng Bình
      Thành nghiêng muốn chống một mình sao xong”
 
Mộ Thượng thư Võ Trọng Bình tọa lạc ở triền đồi Lục Sơn, thuộc địa phận xã Trường Thủy, Lệ Thủy. Người dân trong làng quen gọi với một cái tên rất kính trọng là lăng quan Thượng. Mộ ông nằm theo hướng Tây. Do lo sợ tấm bia ở trên mộ bị hư hỏng nên con cháu trong nội tộc đã đưa về quê cất giữ. Năm 2003, khi xây dựng nhà thờ trên nền đất cũ ở thôn Lộc Thượng, cháu chắt đã dựng tấm bia này ngay trước bình phong. Bia đá cao khoảng 102cm, trán bia rộng khoảng 60cm, thân bia rộng khoảng 50cm. Bia mang đậm phong cách văn bia triều Nguyễn dầu qua mưa nắng, nhiều chữ trên văn bia đã bị mờ nhưng vẫn còn rõ dòng chữ “Bi ký”, “Thành Thái thập tứ niên, tam nguyệt sơ thập nhật”, nghĩa là bài ký trên bia, hoàn thành vào ngày 10 tháng 3 năm Thành Thái thứ 14 (1902), đến nay vừa tròn 122 năm.
Tấm gương liêm, bình, cẩn, cán của Võ Trọng Bình được sử sách triều Nguyễn ngợi ca...
Nhật Linh
                                                                   
 (1), (2), (3), (4) Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Tổng tập công thần triều Nguyễn qua tài liệu Mộc bản-Di sản tư liệu thế giới, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, tập 2.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2012.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế, 2014, tập 3-4.

tin liên quan

Ước mơ được gặp Đại tướng
Ước mơ được gặp Đại tướng

(QBĐT) - Nhớ thời còn nhỏ, mỗi lần đến nhà ai có treo ảnh Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,... bọn trẻ con chúng tôi nhìn ngắm hết người này đến người khác...

Cây bằng lăng cổ thụ ở thượng nguồn sông Gianh
Cây bằng lăng cổ thụ ở thượng nguồn sông Gianh

(QBĐT) - Nơi thượng nguồn sông Gianh, thuộc địa phận xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), cây bằng lăng cổ thụ như một biểu tượng của sự trường tồn và tinh thần bảo vệ rừng của người dân miền núi.

Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(QBĐT) - Sáng nay, 8/5, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin về các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).