Người con Quảng Trị lưu luyến mảnh đất Quảng Bình

  • 07:05, 18/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có một người con Quảng Trị đã dành nhiều tình yêu sâu nặng cho mảnh đất Quảng Bình mến thương và truyền tải tình cảm chan chứa đó vào trong từng lời ca, điệu nhạc. Từ một Đồng Hới đầy hoài niệm trong “Nhớ Nhật Lệ”, đến những kỷ niệm một thời gian khó bên nhau của “Về Đồng Lê”, “Đường lên Quy Đạt”… và cả một trời thương nhớ, khắc khoải của “Sơn nữ ca”, “Lời người ra đi”… Đó chính là cố nhạc sĩ Trần Hoàn, người luôn xem Quảng Bình như quê hương thứ hai và luôn gắn bó, lưu luyến với đất và người nơi đây.
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nguyên Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh là người có nhiều thời gian gắn bó với nhạc sĩ Trần Hoàn. Năm 1982, chính nhạc sĩ Trần Hoàn, thời điểm đó là Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên kiêm Giám đốc Nhà Xuất bản (NXB) Thuận Hóa đã chọn ông-một hiệu trưởng trường cấp 1, 2 ở Lệ Thủy-vào làm Phó trưởng Ban biên tập của NXB Thuận Hóa. Từ đó, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật có thêm cơ hội tiếp xúc, trao đổi với nhạc sĩ Trần Hoàn. Trong ký ức của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhạc sĩ Trần Hoàn là một người gần gũi, giản dị, chân thành, hòa đồng với anh em văn nghệ sĩ và đặc biệt là tình yêu dành cho Quảng Bình, nhất là mảnh đất Tuyên Hóa.
 
Bởi Tuyên Hóa chính là nơi khơi nguồn, ươm mầm cho tinh hoa nghệ thuật của ông với hai ca khúc rất được yêu thích là “Sơn nữ ca” và “Lời người ra đi”. Cũng chính vì duyên nợ với mảnh đất này trong những buổi đầu tiên ấy, ông đã viết ca khúc “Về Đồng Lê” đầy cảm xúc, thân thuộc, gắn bó như một người con Tuyên Hóa thực sự: “Em lại đưa anh về thăm quê Đồng Lê/Vẫn lá xanh vây quanh dốc núi/Vẫn rì rào và xì xào con suối/Dù quê hương còn nghèo sắn, nghèo bồi/Mà Đồng Lê, vẫn trọn nghĩa vẹn tình”.
Con đường mang tên nhạc sĩ Trần Hoàn trong lòng TP. Đồng Hới.
Con đường mang tên nhạc sĩ Trần Hoàn trong lòng TP. Đồng Hới.
Một trong những kỷ niệm không thể quên giữa nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và nhạc sĩ Trần Hoàn chính là lần ông cùng nhạc sĩ đi hội Rằm tháng ba ở thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) sau thời điểm Quảng Bình về lại địa giới cũ. Trong đêm giao lưu, nhạc sĩ rất giản dị, gần gũi, hòa nhã, nồng ấm tâm sự, chia sẻ với mọi người và mời nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đọc bài thơ “Chợ rằm Quy Đạt” của nhà thơ. Và cả kỷ niệm nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc cho bài thơ “Biển và rừng” của ông. Thời điểm đó, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã phổ nhạc cho bài thơ này của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và lấy tên “Tình ca rừng và biển”. Khi nhà thơ được nhạc sĩ nhờ đưa ca khúc mới này đến Đài Tiếng nói Việt Nam, ông có gặp nhạc sĩ Trần Hoàn và kể lại câu chuyện. Nhạc sĩ Trần Hoàn bất ngờ chia sẻ về việc vừa sáng tác một bài hát cùng tên “Biển và rừng” với phần lời cũng từ chính bài thơ trên. Điều đó khiến nhà thơ Hoàng Vũ Thuật rất hạnh phúc.
 
Cả hai ca khúc sau này đều rất được công chúng rất yêu thích và trở thành một kỷ niệm không thể quên đối với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Trong đêm nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn tổ chức tại TX. Đồng Hới, khi giới thiệu đến ca khúc “Biển và rừng”, nhạc sĩ đã hỏi: Không biết tác giả bài thơ có ở đây không? Và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã xúc động đứng lên…
 
Còn với nhà thơ Lý Hoài Xuân, người con Quảng Trị-Trần Hoàn là một người gần gũi, có tâm hồn nghệ sĩ và không tạo khoảng cách về tuổi tác. Từng có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhạc sĩ Trần Hoàn, một trong những ấn tượng mạnh mẽ của nhà thơ Lý Hoài Xuân đối với nhạc sĩ chính là tình cảm sâu đậm của ông dành cho quê hương thứ hai-Quảng Bình. Dường như đến với vùng đất nào của Quảng Bình ông cũng để lại những ca khúc đi vào lòng người.  Với Đồng Hới, có “Nhớ Nhật Lệ”, với Minh Hóa có “Đường lên Quy Đạt”, với Tuyên Hóa có  “Sơn nữ ca”, “Về Đồng Lê”, với Lệ Thủy, Quảng Ninh có “Lời cô gái Lệ Ninh”, với Bố Trạch có “Khúc hát Vực Nồi”…
 
“Từng địa danh như Lũy Thầy, Bàu Tró, Đồng Phú, Bảo Ninh, Phong Nha, Đồng Lê, Xuân Bồ, Ninh Châu, Hạc Hải, Vực Nồi, sông Son, Nhật Lệ... được ông đưa vào bài hát một cách nhẹ nhàng, tinh tế với tình cảm trìu mến. Con người Quảng Bình hiện lên trong ca khúc của ông là những người yêu lao động, hăng say sản xuất, chiến đấu, biết cầm súng, cầm liềm lập nên chiến công, xây nên kỳ tích... Không là người Quảng Bình nhưng ông hết sức tự hào với mảnh đất và con người Quảng Bình”, nhà thơ Lý Hoài Xuân bồi hồi chia sẻ.
Theo nhà thơ Lý Hoài Xuân, nhạc sĩ Trần Hoàn là một người con Quảng Trị nhưng lại rất thấu hiểu và yêu thích nét văn hóa truyền thống của Quảng Bình, nhất là dân ca địa phương. Phải chăng vì thế mà trong các bài hát về Quảng Bình, ông đã vận dụng rất nhuận nhị các điệu hò khoan, hò thuốc, hò giã gạo… Bên cạnh đó, ông rất am hiểu lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán của mảnh đất này, để rồi đưa vào trong các tác phẩm của mình đầy tính sáng tạo, nghệ thuật, như: Nguyễn Du ở Quảng Bình, Bác Hồ về thăm Đồng Hới, chiến công của mẹ Suốt…
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn (1928-2003), tên thật là Nguyễn Tăng Hích, quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, Phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Ngoài các ca khúc viết về Quảng Bình rất được yêu thích, ông còn nổi tiếng với nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, như: “Sơn nữ ca”, “Lời người ra đi”, “Lời ru trên nương”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”…  TP. Đồng Hới có một con đường mang tên vị nhạc sĩ tài hoa.

Còn đối với bà Dương Thị Minh Lý (nghỉ hưu ở tại TP. Đồng Hới), trong những chuyến đi của nhạc sĩ Trần Hoàn đến với Quảng Bình, bà thường có dịp đi cùng nhạc sĩ và được ông giới thiệu một cách dí dỏm: “Hai cha con tôi cùng đi hành khất…”. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cũng nhớ mãi cách giới thiệu đặc biệt này của nhạc sĩ Trần Hoàn trong những chuyến đi cùng ông. Ấn tượng trong bà về nhạc sĩ vẫn còn vẹn nguyên về một người lãnh đạo nhưng rất giản dị, mộc mạc, thân tình, gần gũi và đặc biệt là tình cảm sâu nặng dành cho mảnh đất Quảng Bình. Với giọng hát hay, bà Nguyễn Thị Lý có nhiều dịp biểu diễn cho nhạc sĩ nghe các ca khúc: “Nhớ Nhật Lệ”, “Về Đồng Lê”, “Đường lên Quy Đạt”… Bà nhớ mãi những chuyến đi “hát từ Đồng Hới lên Đồng Lê hay Quy Đạt” cùng nhạc sĩ và chính nhạc sĩ đã tập cho bà hát ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”…

 
Người nhạc sĩ tài hoa đó nay đã đi xa, nhưng với tình cảm của ông dành cho quê hương thứ hai Quảng Bình vẫn còn vang vọng mãi. Người Quảng Bình vẫn luôn nhớ về ông và những ca khúc của ông dành riêng tặng mảnh đất này luôn được yêu mến, sống mãi trong lòng công chúng, trở thành “những địa phương ca” không thể phai mờ.
Mai Nhân

tin liên quan

Gặp cựu chiến binh Quảng Bình ở Trường Sa
Gặp cựu chiến binh Quảng Bình ở Trường Sa
(QBĐT) - Thân thương giọng Quảng Bình
ngọt ngào hò khoan Lệ Thủy
cựu chiến binh Hải quân năm xưa hành trang suy nghĩ
lưng còn phơi nắng gió Trường Sa
Còn quê
Còn quê

Thương về

Mái lá phên tranh

Nhặt lời ru mẹ

Kết thành ca dao

Tháng 5 về trên những mùa vàng
Tháng 5 về trên những mùa vàng

(QBĐT) - Tháng 5 về là lúc hè mới vào độ đầu mùa nhưng như dồn hết cái nắng, cái nóng vào trời đất. Giữa những ngày oi ả, người nông dân quê tôi lại hối hả, tất bật vào ngày mùa. Từ sáng sớm tinh sương khi tiếng gà còn chưa cất tiếng gáy, trên con đường ra đồng, bà con nông dân đã í ới nói chuyện, trao đổi với nhau về công việc của mùa gặt.