(QBĐT) - Chiếc thuyền nhỏ len qua những con hói cạn để ra phá Hạc Hải. Bốn phía bao la, chỉ thấy cánh đồng nối tiếp cánh đồng, xanh thì xanh ngút mắt, vàng thì dâng ngập chân trời. Anh Nguyễn Công Xuân ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy đưa tôi lướt qua những vuông lúa đang độ chín. Gió thơm mùi lúa, nồng nàn hương phù sa. Trong những lùm cây ven bờ cỏ, líc ríc tiếng lũ chim non mới nở. Mùa lúa chín gọi chim về làm tổ. Hạc Hải bắt đầu những ngày vui.
Nguyễn Công Xuân là nông dân thứ thiệt của miền đồng Lệ Thủy. Anh quyết liệt, khẳng khái như đất đai, nắng gió quê mình. Gặp Xuân, tôi nhận ra điều cốt tử của vùng đất này, sự gắn bó hòa quyện và cả xung đột khốc liệt giữa con người với thiên nhiên chính là động lực cho sự tồn tại và sinh sôi. Nhẹ nhàng lái con thuyền lá tre mỏng mảnh trôi êm giữa cánh đồng trĩu hạt, Nguyễn Công Xuân kể cho tôi nghe về phá Hạc Hải và hành trình trả lại cho vùng vời phá bao la này những gì thiên nhiên ban tặng. Anh là người đầu tiên của xã Hoa Thủy ra khai thác vùng vời phá từ cách đây hơn 20 năm.
Chiều trên phá Hạc Hải. Ảnh: Minh Quý
Thực ra câu chuyện chinh phục thiên nhiên, biến vời thành ruộng đã được khởi phát từ đầu thế kỷ XX. Đó là khi nhà điền chủ Bùi Huy Tín ở Huế được cho phép ra Quảng Bình quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản vùng phá Hạc Hải. Thấy nơi đây đất đai rộng rãi, nguồn nước dồi dào, ông nảy sinh ý tưởng đắp đê ngăn phá để trồng lúa. Cuộc chinh phục thiên nhiên của ông là sự đối đầu của ngày và đêm. Ngày, con người đào đất đắp đê. Đêm, sóng gió sình lầy kéo vỡ. Mặt nước bao la của phá Hạc Hải trêu ngươi sức vóc bé nhỏ của con người. Tốn công, hao của, điền chủ Bùi Huy Tín bỏ cuộc. Đến nay vẫn còn sót lại một đoạn đê ông ấy cho đắp giữa phá, cỏ cây năn lác mọc lên um tùm, bà con coi đó là di sản của tiền nhân, gọi là đê Ông Bùi.
Nguyễn Công Xuân và nhân dân vùng ven phá thấu hiểu hơn ai hết điều kiện sóng gió chướng nghịch của Hạc Hải nên chỉ đắp những con đê quai vạc ngăn ngắn, khoanh thành từng mảnh ruộng nho nhỏ. Chiến thuật lấn dần, xem ra lại hiệu quả! Cách nay chừng hơn hai chục năm, đắp đê lấn phá là công việc cực kỳ gian khổ. Không phải cứ muốn là làm, làm là được, mà phải chọn thời gian thích hợp, chỉ bắt đầu sau khi thu hoạch lúa đông-xuân hàng năm. Hít thở cùng sóng gió. Ăn ngủ với bùn đất. Đêm nằm lưng không bén chiếu. Có năm nước từ thượng nguồn bất ngờ đổ về, cuốn trôi những đoạn đê mới đắp. Công lao bao tháng ngày lặn ngụp coi như công cốc. Nguyễn Công Xuân và bà con lại phải bắt đầu từ mặt nước mênh mông. Nhưng họ chưa bao giờ bỏ cuộc. Chịu khó, chịu khổ vậy mới có những cánh đồng mênh mông bên bờ phá. Hiện nay, công việc này nhàn hơn hẳn, đã có xà lan chở máy múc ra tận nơi. Nhanh gọn và chắc chắn. Tuy nhiên khu vực cho phép khai thác lại không còn nhiều.
Nguyễn Công Xuân từ chỗ tập trung mở mang diện tích chuyển sang chú trọng khai thác bảo tồn. Gia đình anh hiện có hơn 30ha ruộng vời. Trong đó, 7ha tập trung bảo tồn sinh cảnh và làm nông nghiệp hữu cơ. Dưới ruộng, kết hợp lúa-cá, lúa-tôm và các loại thủy sản tự nhiên. Trên bờ, tạo môi trường an toàn cho chim trời an trú. Số còn lại, trồng lúa đại trà nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các chế định an toàn trong nông nghiệp. Mỗi năm, gia đình Nguyễn Công Xuân thu hoạch hàng chục tấn thóc từ đây.
Nắng chiều như rót mật xuống cánh đồng. Mặt phá mênh mông, sóng sánh ánh vàng. Nguyễn Công Xuân kể với tôi về cuộc sống người dân vùng vời phá. Những năm 90 thế kỷ XX về trước, nghèo nhưng không đói. Cần cù là có ăn. Trong mỗi ngôi nhà, chỉ cần nhìn nò, đáy, nơm, rập, chẹp, oi, trúm... treo lủng lẳng đầu hồi; năn, lác rẽ quạt phơi trên sân; rơm rạ, rong rêu quấn quýt bên hiên... là biết cuộc sống bà con no đủ. Bình yên quá đỗi nơi này!
Trước những năm 2000, Nguyễn Công Xuân là tay săn bắt chim trời thiện xạ trên vùng vời phá. Sau đó thì trở thành đầu nậu các sản vật khai thác từ thiên nhiên. Để lại những cánh chim lẻ loi lượn hoài trên cánh đồng tìm bạn. Thả rơi trong đêm đen da diết tiếng chim cô đơn gọi tình. Hình ảnh ấy, âm thanh ấy ám ảnh Nguyễn Công Xuân tự tỉnh thức, bắt đầu hành trình “trả nghiệp”.
Từ chỗ là kẻ đi săn, anh trở thành người bạn với chim trời, cá nước. Hơn 20 năm kể từ ngày ấy, đến nay Nguyễn Công Xuân đã vượt qua không ít khó khăn và thất bại, có những thời điểm trắng tay, bất lực đến mức muốn buông xuôi, nhưng được sự động viên hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan, đơn vị chức năng, các nhà khoa học cùng với tâm nguyện của bản thân và sự ủng hộ đồng hành vô điều kiện của vợ anh-chị Đỗ Thị Hòa, Nguyễn Công Xuân đã không quay lưng với Hạc Hải. Để hôm nay, nơi ấy hiện hữu một vườn chim thân thiện, một cánh đồng an lành, một địa điểm du lịch khám phá thiên nhiên thú vị hấp dẫn.
Chiếc thuyền nhỏ len qua những con hói cạn để ra phá Hạc Hải. Bốn phía bao la, chỉ thấy cánh đồng nối tiếp cánh đồng, xanh thì xanh ngút mắt, vàng thì dâng ngập chân trời. Anh Nguyễn Công Xuân ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy đưa tôi lướt qua những vuông lúa đang độ chín. Gió thơm mùi lúa, nồng nàn hương phù sa. Trong những lùm cây ven bờ cỏ, líc ríc tiếng lũ chim non mới nở. Mùa lúa chín gọi chim về làm tổ. Hạc Hải bắt đầu những ngày vui.
Mùa lúa chín, mùa chim làm tổ. Khu vực phá Hạc Hải là môi trường lý tưởng cho các loài chim như vịt trời, gà nước, bồng, le le… Nguyễn Công Xuân chống thuyền đi thăm vườn khi trời vừa chạng vạng. Giờ này, lũ chim đang trở về. Khắp bốn phía rộn ràng ríu rít thanh âm từ bổng trầm đến chót vót. Cả vùng phá đang yên ắng bỗng chuyển tông chộn rộn đông vui. Phía trong lùm lòi hay trên bờ cỏ, đã thấy những chiếc tổ xinh xắn. Chim mẹ an nhiên với ổ trứng của mình, nghiêng nghiêng chiếc đầu nhỏ nhìn ra ngoài mà không hề sợ hãi khi có người đến. Lại có cô chim đang ấp trứng vươn cao cái cổ gầy nghe ngóng rồi xoay nhẹ vào phía trong cho có vẻ kín đáo và tiếp tục phận sự cao cả của mình. Gần như mỗi thay đổi nhỏ của lũ chim đều được Nguyễn Công Xuân cập nhật mỗi ngày. Nhìn cách làm tổ là anh biết của chim gì. Tổ dưới cây cà na có mấy trứng. Tổ dưới gốc sung cuối ruộng vừa nở được mấy con. Tổ này chim đã đủ lông đủ cánh. Tổ kia đóng chỗ thấp có thể gây nguy hiểm cho chim non.
Nguyễn Công Xuân cũng thuộc tập tính của mỗi loài chim như thuộc tính nết từng đứa con trong gia đình. Anh bảo, phải biết vậy để tạo môi trường phù hợp cho mỗi loài. Cánh đồng rộng mênh mông nhưng không hề hoang vắng. Tiếng những loài chim rộn vang mặt phá. Nghe Xuân bảo, hiện nay nhân dân trong vùng không mấy ai săn bắt chim trời nữa nên càng ngày càng đông, càng ngày càng có nhiều loài mới, hiếm đến hội tụ khi mùa về. Chim với người như bạn đồng hành trên cánh đồng vậy.
Đã hơn 20 năm nay, anh nói “không” với săn bắt chim trời. Anh làm nông nghiệp hữu cơ, nuôi dưỡng bảo tồn chim và các loại thủy sản vùng vời phá, kết hợp làm du lịch cộng đồng. Tất cả những món ăn đồng quê vợ chồng Nguyễnn Công Xuân phục vụ khách đến tham quan khám phá đều do anh nhân giống, nuôi trồng trong môi trường tự nhiên. Vịt trời, cá, tôm, ốc, ếch, rạm…đều được duy trì bảo tồn với quy trình khai thác có giới hạn. Không tận diệt, không cạn kiệt!
Tất cả đều hướng đến chất, như xưa nay người Lệ Thủy vốn vậy, chỉ quen ăn hột gạo đồng mình, ăn con cá, con tôm ngoài phá, nhỏ một tí, ít oi một tí nhưng nồi cơm có mùi thơm riêng, tréc cá có vị ngọt riêng, con tôm con ốc cũng có dư hương riêng. Sơn hào hải vị không thay được những món ăn đồng quê chân chất. Vợ chồng Nguyễn Công Xuân đã chọn cho mình con đường làm du lịch khác biệt, dựa trên nền tảng tôn trọng tiềm năng thiên nhiên sẵn có của quê hương, hạn chế can thiệp thô bạo lên cảnh quan, giảm thiểu sử dụng vật liệu công nghiệp vào xây dựng, hướng tất cả đến sự an lành.
Băng băng thuyền trên mặt phá. Len lỏi vào những lùm lòi hoang dã ngắm những tổ chim xinh xinh. Lượn quanh những vuông lúa ươm vàng hay những đầm sen rực rỡ. Ngửa mặt hứng gió và nhâm nhi những sản vật của tự nhiên. Tất cả sẽ được hội tụ vào những tấm ảnh bạn tôi chụp từ trên cao. Hạc Hải, nhìn chiều kích nào cũng đẹp. Người nông dân là những họa sĩ siêu đẳng. Họ đã vẽ bức tranh trên mặt phá. Tô màu bằng họa phẩm của nước và cây. Mỗi đoạn đê một nét vẽ. Mỗi thửa ruộng một mảng màu. Màu lúa, màu nước, màu trời biến ảo diệu kỳ từng thời khắc. Hạc Hải mênh mông mà không hoang vắng. Những con người lặng lẽ như Nguyễn Công Xuân đang đưa Hạc Hải trở về với thần thái khác biệt xưa cũ. Hạc Hải ẩn chứa quá nhiều thú vị, đến một lần, rồi hẹn tiếp lần sau!
(QBĐT) - Mùa gặt, những cánh đồng lúa vàng rực trải rộng ngút tầm mắt. Lúa thơm vàng óng, sông nước hữu tình và cả những tất bật, hối hả của ngày mùa làm cho cảnh sắc nông thôn càng thêm sống động, tươi mới.
(QBĐT) - Đại tá, bác sĩ Phạm Đình Phú là con rể Quảng Bình. Vợ ông là Nguyễn Thị Diệu Mỳ, quê ở phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn). Năm 1972, cô văn công Tỉnh đội Quảng Bình phục vụ tại Viện Quân y 112, nơi bác sĩ Phạm Đình Phú đang công tác. Mối tình nảy nở từ đó và sau năm 1975, hai người "về chung một nhà".
(QBĐT) - Sáng 22/5, tại thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa), Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức bế giảng và báo cáo kết quả tập huấn lớp trao truyền kỹ năng trình diễn, thực hành đàn và hát ca trù.