![]() |
Với tôi, Đồng Hới!
(QBĐT) - Đồng Hới ghim vào ký ức của tôi bằng những mốc thời gian đặc biệt. Đó là một Đồng Hới năm 1974, 1975 trước ngày đất nước thống nhất, đơn sơ, vắng lặng dưới những tán cây.
Xa mờ kỷ niệm, tôi nhớ Đồng Hới bằng hình ảnh lớp học vỡ lòng trong ngôi nhà lợp mái tranh thấp lè tè ở đâu đó trên đồi Giao Tế và cô giáo tên Nho nhỏ nhắn rất hiền. Cô đã dạy tôi viết những vòng tròn đầu tiên lên chiếc bảng ba tôi làm từ tấm ván cũ và bôi đen nó bằng nhọ nồi. Tôi nhớ tôi thường xách chiếc xắc hai quai cũ của mẹ để đến lớp, trong đó có quyển sách tập đọc, cuốn vở kẻ ngang bìa xanh, chiếc bút chì ba tôi gọt nham nhở bằng dao và vài mẫu phấn ngắn.
Những buổi tan học tôi đi một mình qua cầu Phú Vinh lát ván, gập ghềnh, lỗ chỗ để về nhà. Hồi ấy, có anh giai hơn tôi vài tuổi nhà ở ven đường, thường chực ngừa tôi đi học về để bắt nạt, khi thì bất thần lao ra xô tôi ngã, khi thì thụi tôi vài cái rồi chạy biến. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi không khóc, không chạy trốn, không sợ hãi. Cứ kệ vậy thôi rồi lẳng lặng về nhà. Giờ đây, cô giáo Nho đã gần tuổi 80. Anh giai bắt nạt tôi ngày ấy cũng vào 6X. Không biết họ giờ đang ở nơi nao, chắc chẳng ai còn nhớ con bé tôi gầy gò, đen nhẻm ngày ấy, nhưng đó lại là góc ký ức đầy yêu thương của tôi về Đồng Hới. Đồng Hới cũ của tôi ở tận trên miền Cộn lúp xúp cây và thưa thớt dáng người.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hợp nhất thành tỉnh Bình-Trị-Thiên. Năm 1976, tôi đã mang theo Đồng Hới ấy cùng ba mẹ vào Huế. Đồng Hới trở nên xa lắc. Hiếm hoi mỗi vài năm đôi lần về quê, Đồng Hới thỉnh thoảng lướt qua tôi trên những chuyến xe đò chật ních và nồng nặc hơi người. Xe chạy từ sáng mãi tận chiều hay có khi vào đêm mới ì ạch đến thị xã. Say xe và ngột ngạt, mỗi chuyến về quê là một nỗi kinh hoàng. Tôi chẳng hình dung ra Đồng Hới thế nào ngoài con đường quốc lộ chạy ngang qua, khô khốc, trơ trọi và bụi đỏ.
Đồng Hới buồn hiu hắt trong ánh đèn vàng yếu ớt. Đồng Hới là quán cơm nhỏ chú lái xe dừng lại một chốc đâu đó mạn Hải Thành ra Lộc Đại. Cũng có nhiều lần, ba mẹ tôi chuyển từ đi xe sang đi tàu, nhằm tránh những buổi đợi phà ở Quán Hàu, sông Gianh “Thương em anh cũng muốn ra/Sợ đường Lệ Thủy, sợ phà sông Gianh” và chờ đò Phù Trịch “Ăn cơm cho no, chờ đò Phù Trịch”. Thế nhưng, đoàn tàu chợ Huế-Đồng Hới cũng ám ảnh tôi không kém. Cũng nhồi nhét. Cũng nồng nặc...
Đồng Hới là những ngày vạ vật ở sân ga Thuận Lý, chờ chuyến tàu từ Vinh vào để ra Minh Lệ. Chờ thì cứ chờ thôi, tàu đến lúc nào ai biết?! Ga Thuận Lý lúc bấy giờ với những quán tranh thấp lè tè hay những cô hàng rong tất bật, chao chát. Họ bán nước chè xanh, kẹo lạc, bánh tráng và đủ thứ đồ dùng khác cho người đợi tàu. Tôi chưa bao giờ được ăn hàng ở ga bởi mẹ tôi luôn bới theo cơm nắm muối mè mỗi khi về quê. Và tôi cứ lướt qua Đồng Hới hoang vu, buồn buồn, thủ phận như thế cho đến ngày chia tỉnh.
Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách. Người Quảng Bình về lại quê hương. Tôi nhớ Đồng Hới năm ấy. Nhà cửa dân cư thưa thớt. Chỉ phơi phới gió Lào. Chỉ mịt mù bụi đỏ. Chỉ khét lẹt nắng trưa. Những con đường lô nhô đá sỏi. Thành cổ đoạn mất, đoạn còn, hoang tàn phế tích. Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa cô đơn “dọc bờ sông trăng nắng chang chang”. Bờ sông hoang vắng, chỉ có gió và cát. Đồng Hới đón gia đình tôi với một gian nhà kho của Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Phú ba tôi thuê lại...
Rất khó khăn gian khổ ngày về, nhưng, may mắn thay, đó lại là cơ hội lớn để Đồng Hới chuyển mình “Đồng Hới như cô con gái, vươn vai trước bình minh hồng”. Câu thơ “Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta, sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ…” của nhà thơ Xuân Hoàng lại được thì thầm đọc mỗi ngày. Bác Nguyễn Xuân Chàm, nguyên Bí thư thị ủy Đồng Hới lúc bấy giờ, phóng khoáng, rộng lòng mỗi khi có ai đó đến đề nghị cấp đất làm nhà ở: “Đồng Hới dang tay ôm Huế vào lòng. Sẻ chia đắng cay. Gian khổ mặn nồng.”. Đồng Hới thật ấm áp!
Trong sách địa chí “Đồng Hải-Đồng Hới-Vùng đất tụ thủy” của cố tác giả Ngọc Hiên Hiên, Đồng Hới vốn là Động Hải xưa. Địa danh Động Hải xuất hiện lần đầu tiên trong sách “Ô châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An năm 1555 “…Huyện Khang Lộc, trai làng Võ Khuyến ra sức cày cấy, gái làng Trường Dục chăm việc trồng dâu nuôi tằm, người Hà Cừ, Động Hải theo nghề mắm muối….”. Từ thời vua Gia Long, Động Hải là tỉnh lỵ của Quảng Bình. Trong quá trình giao tiếp, địa danh Động Hải được nhân dân gọi thành “Đồng Hải”. Với vị thế về địa lý, chính trị, quân sự, văn hóa khá độc đáo, năm 1939, người Pháp thành lập thị xã Đồng Hới trên cơ sở làng Đồng Hải và một số làng phụ cận như Hướng Dương, Kiên Bính, Thạch Lũy, Tiền Thiệp, Lệ Mỹ và Trấn Ninh.
Thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ được chia thành bốn phường, gồm: Đồng Hải, Đồng Đình, Đồng Mỹ và Đồng Phú. Dù trong lịch sử đã có nhiều xê dịch về địa giới nhưng danh xưng Đồng Hới và các phường ngày ấy vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Như vậy, kể từ khi địa danh Động Hải xuất hiện đầu tiên trên văn bản, Đồng Hới đã có lịch sử hình thành và phát triển khoảng 470 năm; trong đó, hơn 85 năm là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình.
Đặc biệt, kể từ ngày tỉnh Quảng Bình được tái lập, Đồng Hới được bơm tiếp nguồn sinh lực mạnh mẽ, thị xã nhanh chóng mơn mởn sắc vóc, dạt dào nội lực bằng bản sắc riêng, thần thái riêng. Năm 2004, thị xã được công nhận thành phố. Năm 2014, được công nhận đô thị loại 2. Đồng Hới mỗi ngày mỗi trẻ. Từ nền đất cũ hoang vu, Đồng Hới trở lại vẹn nguyên thần thái lãng mạn và yêu kiều bản thể. Sông mãi xanh. Biển mãi biếc. Những đường cây mỗi mùa mỗi sắc. Phố mới mọc lên trên cát trắng. Người Đồng Hới đã qua những ngày đầu gian lao xây dựng lại quê nhà “Đào hố móng hôm nay, gặp hố móng hôm qua”, ung dung phong thái, thanh thản tâm hồn.
Truyền thống Đồng Hới, cốt cách người Đồng Hới đã được lắng lọc, khắc chạm qua từng chặng đường lịch sử, từ hành trình bền bỉ vun đắp bản sắc văn hóa riêng có và bản lĩnh hài hòa thích ứng với thiên nhiên khắc nghiệt. Nên, hòa bình hay chiến tranh, đông vui nhộn nhịp hay lặng lẽ, thuận lợi may mắn hay khó khăn gian khổ, một thị xã bé nhỏ khiêm nhường hay là thành phố bừng tràn khí sắc thì truyền thống ấy, cốt cách ấy vẫn bền vững, xuyên suốt từ trong mỗi nhịp thở, mỗi bước đi, mỗi nếp nghĩ.
Trương Thu Hiền
(QBĐT) - Đồng Hới ghim vào ký ức của tôi bằng những mốc thời gian đặc biệt. Đó là một Đồng Hới năm 1974, 1975 trước ngày đất nước thống nhất, đơn sơ, vắng lặng dưới những tán cây.
Xa mờ kỷ niệm, tôi nhớ Đồng Hới bằng hình ảnh lớp học vỡ lòng trong ngôi nhà lợp mái tranh thấp lè tè ở đâu đó trên đồi Giao Tế và cô giáo tên Nho nhỏ nhắn rất hiền. Cô đã dạy tôi viết những vòng tròn đầu tiên lên chiếc bảng ba tôi làm từ tấm ván cũ và bôi đen nó bằng nhọ nồi. Tôi nhớ tôi thường xách chiếc xắc hai quai cũ của mẹ để đến lớp, trong đó có quyển sách tập đọc, cuốn vở kẻ ngang bìa xanh, chiếc bút chì ba tôi gọt nham nhở bằng dao và vài mẫu phấn ngắn.
Những buổi tan học tôi đi một mình qua cầu Phú Vinh lát ván, gập ghềnh, lỗ chỗ để về nhà. Hồi ấy, có anh giai hơn tôi vài tuổi nhà ở ven đường, thường chực ngừa tôi đi học về để bắt nạt, khi thì bất thần lao ra xô tôi ngã, khi thì thụi tôi vài cái rồi chạy biến. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi không khóc, không chạy trốn, không sợ hãi. Cứ kệ vậy thôi rồi lẳng lặng về nhà. Giờ đây, cô giáo Nho đã gần tuổi 80. Anh giai bắt nạt tôi ngày ấy cũng vào 6X. Không biết họ giờ đang ở nơi nao, chắc chẳng ai còn nhớ con bé tôi gầy gò, đen nhẻm ngày ấy, nhưng đó lại là góc ký ức đầy yêu thương của tôi về Đồng Hới. Đồng Hới cũ của tôi ở tận trên miền Cộn lúp xúp cây và thưa thớt dáng người.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hợp nhất thành tỉnh Bình-Trị-Thiên. Năm 1976, tôi đã mang theo Đồng Hới ấy cùng ba mẹ vào Huế. Đồng Hới trở nên xa lắc. Hiếm hoi mỗi vài năm đôi lần về quê, Đồng Hới thỉnh thoảng lướt qua tôi trên những chuyến xe đò chật ních và nồng nặc hơi người. Xe chạy từ sáng mãi tận chiều hay có khi vào đêm mới ì ạch đến thị xã. Say xe và ngột ngạt, mỗi chuyến về quê là một nỗi kinh hoàng. Tôi chẳng hình dung ra Đồng Hới thế nào ngoài con đường quốc lộ chạy ngang qua, khô khốc, trơ trọi và bụi đỏ.
Đồng Hới buồn hiu hắt trong ánh đèn vàng yếu ớt. Đồng Hới là quán cơm nhỏ chú lái xe dừng lại một chốc đâu đó mạn Hải Thành ra Lộc Đại. Cũng có nhiều lần, ba mẹ tôi chuyển từ đi xe sang đi tàu, nhằm tránh những buổi đợi phà ở Quán Hàu, sông Gianh “Thương em anh cũng muốn ra/Sợ đường Lệ Thủy, sợ phà sông Gianh” và chờ đò Phù Trịch “Ăn cơm cho no, chờ đò Phù Trịch”. Thế nhưng, đoàn tàu chợ Huế-Đồng Hới cũng ám ảnh tôi không kém. Cũng nhồi nhét. Cũng nồng nặc...
Đồng Hới là những ngày vạ vật ở sân ga Thuận Lý, chờ chuyến tàu từ Vinh vào để ra Minh Lệ. Chờ thì cứ chờ thôi, tàu đến lúc nào ai biết?! Ga Thuận Lý lúc bấy giờ với những quán tranh thấp lè tè hay những cô hàng rong tất bật, chao chát. Họ bán nước chè xanh, kẹo lạc, bánh tráng và đủ thứ đồ dùng khác cho người đợi tàu. Tôi chưa bao giờ được ăn hàng ở ga bởi mẹ tôi luôn bới theo cơm nắm muối mè mỗi khi về quê. Và tôi cứ lướt qua Đồng Hới hoang vu, buồn buồn, thủ phận như thế cho đến ngày chia tỉnh.
Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách. Người Quảng Bình về lại quê hương. Tôi nhớ Đồng Hới năm ấy. Nhà cửa dân cư thưa thớt. Chỉ phơi phới gió Lào. Chỉ mịt mù bụi đỏ. Chỉ khét lẹt nắng trưa. Những con đường lô nhô đá sỏi. Thành cổ đoạn mất, đoạn còn, hoang tàn phế tích. Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa cô đơn “dọc bờ sông trăng nắng chang chang”. Bờ sông hoang vắng, chỉ có gió và cát. Đồng Hới đón gia đình tôi với một gian nhà kho của Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Phú ba tôi thuê lại...
Rất khó khăn gian khổ ngày về, nhưng, may mắn thay, đó lại là cơ hội lớn để Đồng Hới chuyển mình “Đồng Hới như cô con gái, vươn vai trước bình minh hồng”. Câu thơ “Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta, sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ…” của nhà thơ Xuân Hoàng lại được thì thầm đọc mỗi ngày. Bác Nguyễn Xuân Chàm, nguyên Bí thư thị ủy Đồng Hới lúc bấy giờ, phóng khoáng, rộng lòng mỗi khi có ai đó đến đề nghị cấp đất làm nhà ở: “Đồng Hới dang tay ôm Huế vào lòng. Sẻ chia đắng cay. Gian khổ mặn nồng.”. Đồng Hới thật ấm áp!
Trong sách địa chí “Đồng Hải-Đồng Hới-Vùng đất tụ thủy” của cố tác giả Ngọc Hiên Hiên, Đồng Hới vốn là Động Hải xưa. Địa danh Động Hải xuất hiện lần đầu tiên trong sách “Ô châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An năm 1555 “…Huyện Khang Lộc, trai làng Võ Khuyến ra sức cày cấy, gái làng Trường Dục chăm việc trồng dâu nuôi tằm, người Hà Cừ, Động Hải theo nghề mắm muối….”. Từ thời vua Gia Long, Động Hải là tỉnh lỵ của Quảng Bình. Trong quá trình giao tiếp, địa danh Động Hải được nhân dân gọi thành “Đồng Hải”. Với vị thế về địa lý, chính trị, quân sự, văn hóa khá độc đáo, năm 1939, người Pháp thành lập thị xã Đồng Hới trên cơ sở làng Đồng Hải và một số làng phụ cận như Hướng Dương, Kiên Bính, Thạch Lũy, Tiền Thiệp, Lệ Mỹ và Trấn Ninh.
Thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ được chia thành bốn phường, gồm: Đồng Hải, Đồng Đình, Đồng Mỹ và Đồng Phú. Dù trong lịch sử đã có nhiều xê dịch về địa giới nhưng danh xưng Đồng Hới và các phường ngày ấy vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Như vậy, kể từ khi địa danh Động Hải xuất hiện đầu tiên trên văn bản, Đồng Hới đã có lịch sử hình thành và phát triển khoảng 470 năm; trong đó, hơn 85 năm là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình.
Đặc biệt, kể từ ngày tỉnh Quảng Bình được tái lập, Đồng Hới được bơm tiếp nguồn sinh lực mạnh mẽ, thị xã nhanh chóng mơn mởn sắc vóc, dạt dào nội lực bằng bản sắc riêng, thần thái riêng. Năm 2004, thị xã được công nhận thành phố. Năm 2014, được công nhận đô thị loại 2. Đồng Hới mỗi ngày mỗi trẻ. Từ nền đất cũ hoang vu, Đồng Hới trở lại vẹn nguyên thần thái lãng mạn và yêu kiều bản thể. Sông mãi xanh. Biển mãi biếc. Những đường cây mỗi mùa mỗi sắc. Phố mới mọc lên trên cát trắng. Người Đồng Hới đã qua những ngày đầu gian lao xây dựng lại quê nhà “Đào hố móng hôm nay, gặp hố móng hôm qua”, ung dung phong thái, thanh thản tâm hồn.
Truyền thống Đồng Hới, cốt cách người Đồng Hới đã được lắng lọc, khắc chạm qua từng chặng đường lịch sử, từ hành trình bền bỉ vun đắp bản sắc văn hóa riêng có và bản lĩnh hài hòa thích ứng với thiên nhiên khắc nghiệt. Nên, hòa bình hay chiến tranh, đông vui nhộn nhịp hay lặng lẽ, thuận lợi may mắn hay khó khăn gian khổ, một thị xã bé nhỏ khiêm nhường hay là thành phố bừng tràn khí sắc thì truyền thống ấy, cốt cách ấy vẫn bền vững, xuyên suốt từ trong mỗi nhịp thở, mỗi bước đi, mỗi nếp nghĩ.
Trương Thu Hiền