(QBĐT) - Ấu thơ của anh em chúng tôi chỉ biết đến hai cái Tết. Tết Nguyên đán để được may áo mới, vui xuân lễ hội và ăn ngon. Tết Độc lập-Quốc khánh 2/9 để được tung tẩy cùng bạn bè đi chơi ở thị trấn. Nhưng sau ngày 30/4 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi còn có thêm một cái Tết nữa, là “Tết Thống nhất”.
Khi tôi khoe với các bạn về chuyện ăn Tết Thống nhất ở nhà mình, đứa nào cũng ngạc nhiên vì nhà chúng nó không có. Bấy giờ tôi mới hiểu, cái Tết này do ba tôi tự đặt ra để gọi riêng cho ngày 30/4. Tuy nhiên, anh em chúng tôi vẫn rất khoái và tự hào với bạn bè.
Cứ đến ngày 30/4, nhà tôi như có giỗ. Ba lau dọn bàn thờ, mẹ đi chợ về nấu nướng. Ba dọn lễ vật lên bàn thờ, thắp hương khấn vái tổ tiên. Nhớ nhất là vào năm đầu tiên 1976, tôi tò mò đứng sát gần bên nghe câu được câu mất. Chỉ nhớ được đoạn này: “Con xin kính cáo với tổ tiên, nay nước nhà thống nhất, con đã gặp được chú ruột ở Nha Trang. Con mồ côi từ nhỏ, ông bà ta nói “Cha chết nắm chân chú, mẹ chết nắm vú dì”, nay con coi chú như cha, rứa là con đã có cha rồi, con hạnh phúc lắm lắm. Con kính cảm ơn những người đã đổ xương máu cho nước nhà thống nhất, chú cháu con mới được gặp nhau! Con cảm ơn tổ tiên đã phù hộ độ trì…”.
Lúc bấy giờ tôi chẳng hiểu gì, chỉ ôm miệng cười hi hi. Phải đến khi sắp thành người lớn, tôi mới hiểu lý do tại sao ba lại gọi ngày 30/4 là “Tết Thống nhất”.
Ba nói, quê ta trước đây nhiều Tết lắm, nhưng bỏ hết rồi, nay chỉ còn Tết Nguyên đán và Tết Độc lập nữa thôi. Nếu như Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới thì Tết Độc lập là mở đầu cho một thời đại mới. Hàng năm, Tết Độc lập là sự kiện có ý nghĩa như cái mốc mở ra điều tốt đẹp cho cả một dân tộc. Quốc khánh 2/9 còn mang ý nghĩa hơn cả ngày Tết, bởi đó là ngày mà người dân Việt Nam nhận thấy tất cả giá trị làm người của mình, ngày của ý thức và sự bừng ngộ của tinh thần công dân.
![]() |
Tuy nhiên, 80 năm nô lệ thực dân đau khổ như thế nào? Bao thế hệ ông cha mà đặc biệt trong thời kỳ có Đảng đã ngã xuống để có cái Tết Độc lập ra sao, ba chỉ nghe và học được ở lịch sử. Còn hơn hai mươi năm chia cắt đất nước đớn đau, ba đã tận mặt chứng kiến từng giọt lệ chia xa, từng giọt máu, nắm xương của đồng bào và bộ đội ngã xuống. Cái giá mà dân tộc ta phải trả hơn hai mươi năm, cho ngày thống nhất đất nước là quá lớn, lớn hơn bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Bởi vậy, hạnh phúc dân tộc và niềm vui hội ngộ gia đình trong mỗi con người là không thể diễn tả. Riêng ba, nếu như ngày 2/9 được gọi là Tết Độc lập, thì ngày 30/4 cũng xứng đáng được gọi là “Tết Thống nhất”.
Ba tôi thường hay kể lại giai đoạn chiến tranh, để các con hiểu được hơn cái giá cho ngày thống nhất đất nước. Ba nói, không cần ở đâu xa, chỉ cần nhìn ở trong gia đình ta và trên quê hương Quảng Thuận, mảnh đất ven bờ sông Gianh này cũng đã thấy đủ sự tàn khốc của chiến tranh. Những lúc này, ba tôi luôn cố kìm nước mắt.
Tôi hiểu sự xúc động của ba tôi. Từ năm 1964 đến năm 1967, gia đình tôi ba lần bị bom Mỹ đánh sập và cháy nhà. Ba tôi đã phải liên tục chuyển chỗ ở để tránh đạn bom. Chưa đủ, sự đau đớn tột cùng xảy ra vào đêm 15/9 năm Đinh Mùi (1967) khi hầm trú ẩn của nhà bà ngoại tôi bị biến thành một hố bom, cả gia đình chín mạng người không còn thân xác. Mẹ tôi trở thành người vô hồn vì đau đớn cả năm trời, khiến con thơ thắt sữa ốm yếu.
Nhưng gia đình tôi chỉ là một phần nhỏ trong sự mất mát của quê hương, bởi quá nhiều gia đình cũng chịu cảnh tương tự. Đó là nhân dân, còn bộ đội, dân quân, công nhân thì không ngày nào là không có hy sinh. Tại bến phà Gianh và Quốc lộ 1, nơi “Xe chưa qua nhà không tiếc” không ngày nào ngưng tiếng đạn bom.
Năm 1972, khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ hai, tôi đã có nhận thức và chứng kiến. Xóm nhỏ của tôi, chỉ trong một đêm tỉnh dậy, hàng loạt ngôi nhà bị san bằng, người bị thương la liệt, riêng nhà ông X.H. không còn ai sống sót. Chỉ trong một đêm, mà cả ba cô “Ba sẵn sàng” ở nhà tôi, đi công tác nhưng không trở về…
Lúc bấy giờ quê tôi có trạm giao liên, nơi tạm nghỉ chân của bộ đội trước khi vượt sông Gianh vào Nam. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều cuộc chia tay đi B đẫm nước mắt của bộ đội và nhân dân, của những cuộc tình tha thiết. Xóm nhỏ của tôi, vẫn thường xuyên giật mình bởi tiếng khóc thét, quằn quại của những bà mẹ nhận giấy báo tử…
Lúc này, mọi phương tiện thông tin rất thiếu thốn. Trong khi nhu cầu nghe, biết về tình hình chiến trường miền Nam của bà con là cần thiết như cơm ăn nước uống. Ba tôi vô cùng trăn trở, rồi đi đến quyết định bán đứt vài thứ gia bảo để mua một chiếc radio nhỏ. Hằng đêm, tôi chứng kiến xóm làng, già trẻ gái trai đến tụ tập nghe đài. Tiếng vỗ tay rầm rầm khi nghe tin chiến thắng. Tiếng sụt sịt không thành lời khi nghe đến một sự mất mát nào đó. Những chiếc pin khan hiếm được dùng cho đến khi chảy nước, còn đem ngâm nước muối để dùng thêm.
Tôi còn nhớ cái đêm ấy, đang áp đài vào tai để nghe, ba tôi bỗng vứt xuống đất, nhảy cẫng ra sân, lộn vòng như đứa trẻ có quà. Rồi ba vào gọi vợ con dậy, thông báo Hiệp định Paris đã được ký kết, chấm dứt ném bom ở miền Bắc. Cả nhà tôi ôm nhau khóc. Ba tôi “xuỵt”, nhưng chưa được nói với ai, vì ba chỉ mới nghe đài BBC, phải chờ tin chính thức của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến sáng hôm sau, nghe tiếng súng của các cán bộ tự vệ Bưu Điện tỉnh ở bên cạnh nổ cả băng lên trời, thông báo đã nhận được tin hòa bình, cả xóm vỡ òa hạnh phúc.
Lại nhớ mùa xuân năm 1975, từ khi Chiến dịch Tây Nguyên chiến thắng nức lòng, ba tôi ngày đêm chỉ chăm chú vào cái đài. Những lúc yếu pin thì bỏ cả công việc mà áp vào tai. Ngoài khao khát miền Nam được giải phóng, nước nhà được thống nhất, ba tôi còn có niềm khao khát riêng là được gặp lại người chú ruột đi Nam. Bởi ngoài vợ con ra, chú là ruột thịt duy nhất. Ba hy vọng, sẽ nghe được trên đài một thông tin về chú, dù là tin xấu.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là một mốc son lịch sử. Non sông ta đang đổi mới từng ngày. Lòng người đang hướng tới tương lai “Kỷ nguyên vươn mình”, nhưng không bao giờ quên dấu ấn của quá khứ. Xin kể lại những cảm xúc của ba tôi, một người nông dân bình thường với ngày 30/4 mà ông gọi là Tết Thống nhất.
Đỗ Thành Đồng