Sự tiếp nối văn học đề tài chiến tranh

  • 02:04, 29/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiến tranh chống Mỹ kết thúc nhưng văn học về đất nước và con người trong quá khứ ấy dường như vẫn là dòng chảy chưa hề ngưng lại trong hòa bình. Ngay sau cuộc chiến, một loạt tác phẩm ra đời như sự nối dài của dòng văn học chống Mỹ do chính những nhà thơ, nhà văn thế hệ đó sáng tác.
 
Nhìn tổng thể, cuộc chiến tranh chống Mỹ bi tráng như là vết chạm rất sâu trong trái tim của nhiều người cầm bút đã từng đi qua bom đạn. Những trang viết hào hùng chỉ phản ánh một phía, một phần của cuộc chiến kéo dài hơn hai thập kỷ với những cái chết nối theo nhau từng giờ; những tan hoang đổ vỡ không kể xiết; những chia ly đằng đẵng của không ít lứa đôi và những bi kịch của biết bao thân phận sau chiến tranh.
 
Càng lùi xa cuộc chiến, mỗi nhà văn càng thấy trang viết của mình dường như đang thiếu hụt những cái gì đấy về sự thật trần trụi của nó, cảm thấy chưa yên lòng khi nỗi đau dân tộc chưa được mổ xẻ đúng mức, và những sáng tạo từ con chữ chưa chạm sâu vào được cốt lõi nhân bản văn chương. Bắt đầu có sự bổ sung, bù đắp của những tác phẩm thời hậu chiến, trước hết là từ chính những người cầm bút đi qua những năm tháng tàn khốc đó.
 
Họ viết không chỉ đơn thuần cho văn chương mà tôi nghĩ, trước hết cho những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh đã đi qua, cho những bi kịch không dễ bù đắp được của đồng đội, bạn bè, người thân của những người lính và cho cả mình nữa. Viết như là sự chưa bằng lòng, chưa thỏa mãn với những gì mình đã nhận thức, đã tư duy, đã phản ánh trong văn học kháng chiến một thời khi quá tô đậm đề cao cái chung mà coi nhẹ, cái riêng; tôn vinh tập thể mà bỏ rơi cá thể; ưu tiên cái đẹp mà bỏ lơ cái xấu; ca ngợi hết mức phía ta lại bôi xấu thậm tệ kẻ thù...
 
Có lẽ nhờ thế mà văn học đề tài chống Mỹ sau năm 1975 đến nay đa dạng, đa chiều, đa tầng hơn rất nhiều; nó tiệm cần gần hơn với bản chất văn học là viết về con người với những khoảng mờ tỏ đan xen trong đó, với những tự vấn về quá khứ, thời đại, về những giá trị đã được đóng khung, với cả chính mình... trên nền tảng luân lý truyền thống và quy ước đạo đức nhân loại. Chính vậy, văn học mới bắt kịp tư duy và yêu cầu của hiện tại cả về nội dung và nghệ thuật trong sự chuyển động gắn liền với sự nghiệp dựng nước, giữ nước hôm nay.
Ảnh minh hoạ: Minh Quý.
Ảnh minh họa: Minh Quý.
Lại có một lớp nhà văn trẻ hơn hay rất trẻ vẫn quan tâm đúng mức đề tài văn học chống Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Họ là thế hệ cầm bút sau 30 tháng 4 năm 1975 nhưng lại tâm huyết với đề tài chiến tranh và người lính, đặc biệt là giai đoạn chống Mỹ. Tuy rằng, đó là một thách thức không hề nhỏ với họ khi đằng trước đã có những nhà văn đàn anh lừng lững sinh ra thời đất nước đánh giặc.
 
Nếu như thế hệ đàn anh điềm tĩnh lại trong nhìn nhận hiện thực họ từng trải qua thì lớp nhà văn thời hậu chiến chủ tâm viết “khác” người đi trước. Đương nhiên rồi, cái giọng hùng hồn hào sảng đã không còn là âm hưởng chủ đạo nữa, trái lại nó xoáy xiết vào những đau thương, những mất mát, những thiệt thòi của con người trong và sau chiến tranh. Nhà văn không e ngại viết về những bi kịch, những vết thương chiến tranh.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang trong nó những giá trị lịch sử văn hóa rất đáng được ghi nhận và trân trọng. Với thế hệ hôm nay và mai sau thì trước tiên đó là lòng biết ơn. Biết ơn và tri ân thế hệ đi trước đã hy sinh để giành lại độc lập tự do, hòa bình cho đất nước. Những hy sinh của phần lớn là tuổi thanh xuân, tỷ lệ riêng tư trong chặng đời ngắn ngủi của họ vô cùng ít ỏi, mười tám đôi mươi đã dấn thân vào chinh chiến rồi ngã xuống trong thăm thẳm thế giới khác một cách bất ngờ nhất. Họ để lại cho cuộc sống hôm nay những ký ức và liên tưởng, những tâm tư chưa được giải bày và những khát vọng chưa được bay lên.
 
Ở thế giới khác họ đang nhìn về phía chúng ta chờ đợi những cách miêu tả, giải đáp, suy ngẫm của những người đang háo hức bay vào kỷ nguyên mới về sự không trở lại của muôn vàn thanh xuân đang lặng lẽ vô hình. Đó cũng chỉ là một phần của cuộc chiến đã đi qua nửa thế kỷ trầm kha và chòng chành bất ổn. Còn đây nữa những hậu quả của chiến tranh đang phơi bày hay ẩn giấu đâu đó. Những thương tổn về vật chất, tinh thần cần được chia sẻ, cảm thông.
 
Chúng ta cần viết về những sự không lành lặn của con người bởi chiến tranh. Nhân tính và sự chung sống hiền hòa. Hướng thiện và những thực hành nhân nghĩa. Khát vọng hòa bình và những soi chiếu vào hiện thực. Bài học giữ nước hôm nay. Cuộc chiến chống ngoại xâm và cuộc chiến chống nội xâm. Tôi nghĩ đủ hiện thực cho các nhà văn kéo về nơi lưu giữ của mình và biến nó thành tác phẩm xúc động về chiến tranh, về người lính, về nhân dân...
 
Thế hệ đi qua chiến tranh chống Mỹ đang vơi dần đi. Quy luật sinh tử lạnh lùng lắm, không còn nhiều đâu những nhà văn mang áo lính viết về chiến tranh nữa. Một thế hệ nữa sắp đi qua, thật bàng hoàng khi thốt lên điều đó nhưng biết làm sao được, đấy là sự thật. Trong khi cuộc kháng chiến vĩ đại, cũng rất huyền thoại và chất chứa muôn vàn mất mát đau thương ấy đang có nhiều điều để viết. Viết vì hôm qua. Viết cho hôm nay. Viết để mai sau. Viết để cho những thế hệ không đi qua chiến tranh biết được ông cha mình đã từng sống, chiến đấu, yêu thương như thế nào trong một thời như vậy. Cho hòa bình không bị rẻ rúng coi thường, cho giá trị của nhân phẩm được nâng cao và từ đó sống có trách nhiệm hơn với dân tộc, nhân loại.
 
Những trang viết về chiến tranh bằng góc nhìn mới và bằng những sáng tạo văn chương chưa xuất hiện. Đó vừa là yêu cầu cũng là thách thức không hề nhỏ với đội ngũ nhà văn sinh sau chiến tranh. Dẫu là quá khứ, đã nửa thế kỷ cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc nhưng tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều những trầm tích lịch sử và dấu vết của nó. Nhân vật. Sự kiện. Không gian. Thời gian. Chắc chắn vẫn chưa hiện lộ hết, đang chờ đợi những tài năng văn chương khám phá và thể hiện bằng cách riêng của mình. Cái khó của các nhà văn trẻ là cuộc chiến tranh đã lùi đi khá xa. Hiện thực ấy đã trở thành quá khứ. Lớp bụi thời gian đã phủ lên quá dày trên những lớp, những mảng cuộc sống ngổn ngang khốc liệt một thời. Họ phải viết về cái không được nhìn thấy, không được trải qua như cha chú mình.
 
Nhưng tôi nghĩ, chả sao cả, sức tưởng tượng, khả năng hư cấu sẽ tạo dựng nên những tác phẩm viết về đề tài chống Mỹ vừa lạ vừa hay. Tuy vậy, chúng ta đừng bao giờ quên tính kế thừa trong văn học. Dân tộc luôn lưu giữ lâu bền truyền thống và lấy đó làm năng lượng sạch cho công cuộc dựng nước giữ nước hôm nay thì văn học cũng biết sáng tạo trên những gì đã có của cha anh. Bằng tâm cảm bén nhạy của nhà văn, họ sẽ biết viết như thế nào cho cuộc kháng chiến yêu nước vĩ đại nhất trong thế kỷ hai mươi của dân tộc ta không bị lu mờ hay bị bóp méo. Họ viết như là sự tiếp nối thiêng liêng bằng tinh thần tự nguyện và trên cam kết không lời với thế hệ nhà văn đi trước.
Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Triển lãm "Sinh vật cảnh nghệ thuật-ảnh Đồng Hới xưa và nay"
Triển lãm "Sinh vật cảnh nghệ thuật-ảnh Đồng Hới xưa và nay"

(QBĐT) - Mở đầu chuỗi các hoạt động Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2025, sáng 28/4, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Đồng Hới tổ chức khai mạc triển lãm "Sinh vật cảnh nghệ thuật-ảnh Đồng Hới xưa và nay". 

Sống để kể lại, viết để giữ gìn
Sống để kể lại, viết để giữ gìn

(QBĐT) - Ông chậm rãi kể về ký ức chiến tranh mà như thể kể về câu chuyện của ngày hôm qua. Ký ức cứ rưng rức nơi lồng ngực ấm. Góc phòng có một chiếc kệ gỗ cũ, xếp ngay ngắn các tập thơ, bút ký, sách giáo khoa. Mỗi bài thơ, mỗi dòng bút ký là một vết khắc của ký ức, của máu thịt, của những kỷ niệm về những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến hơn 50 năm về trước

Ký ức "tuyến lửa" Quảng Bình qua "Mưa ở lưng chừng đồi"
Ký ức "tuyến lửa" Quảng Bình qua "Mưa ở lưng chừng đồi"

(QBĐT) - Đọc những trang tiểu thuyết "Mưa ở lưng chừng đồi", NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà văn Phạm Việt Tiến, trong tôi hiện lên "tuyến lửa" Quảng Bình những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, vì khát vọng thống nhất đất nước.