Sông Gianh mùa xuân về

  • 07:03, 06/03/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong làn mưa bụi và màu trời bàng bạc của ngày mùa xuân, sông Gianh và những bãi bồi ven sông đẹp như một bức tranh thủy mặc. Chảy qua nhiều làng mạc với bao cung bậc, đến các xã Phong Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa…, sông Gianh lững lờ, dùng dằng như không muốn xuôi về biển. Trên bờ, lúa ngô xanh mát mắt và những vườn cải nở hoa vàng đong đưa trong gió. “Cảnh cũ bao năm vẫn vậy, mà mỗi bận giêng hai lại nhớ nhà, nhớ quê da diết!” là nỗi đồng vọng của bao người sông Gianh.
 
Thương nhớ giêng hai
 
Đã nhiều năm, khi chạy xe qua đoạn sông Gianh dùng dằng, lần nào tôi cũng phải dừng lại để chụp đôi ba tấm ảnh. Bốn mùa xuân hạ thu đông, quãng sông này mang những sắc thái khác nhau, đẹp đến mê đắm lòng người. Thoạt đầu tôi nghĩ có thể mình đã “thiên vị” sông Gianh nên mùa nào, khoảnh khắc nào cũng thấy đẹp. Cho đến một ngày đầu xuân, người bạn đồng hành trẻ tuổi lần đầu tiên qua đây đã thảng thốt rằng nơi này đẹp quá!
 
Khi tôi hỏi bạn về vẻ đẹp của dòng sông, bạn bảo có lẽ là do cảnh sắc và cảm giác bình yên khi sông mềm như lụa, cỏ cây xanh mướt và những nếp nhà hiền lành nép mình bên chân núi. Đồng lúa nơi này không thẳng cánh cò bay, thay vào đó là sự chỉn chu như ô bàn cờ, thấp thoáng bóng người cần cù chăm bón. Đất và người cũng như sông, rất bình yên, không có bóng dáng của sự xô bồ dù cuộc sống ngoài kia đang rộn rã...
“Bức tranh” mùa xuân trên sông Gianh.
“Bức tranh” mùa xuân trên sông Gianh.
Tôi yêu vẻ đẹp bốn mùa của nơi này, nhưng có lẽ những ngày giêng hai là đặc biệt nhất. Cả triền sông trải dài xanh màu ngô non rồi bất chợt xuất hiện “rừng cọ” trầm tư in bóng trên nền trời. Bạn tôi, một cư dân sông Gianh nhiều năm xa quê không giấu được tâm trạng xao xuyến sau từng câu chữ, rằng ngoài “rừng cọ” nổi tiếng ở Phong Hóa, bạn nhớ nhất là những con đò nhỏ trong buổi sáng tinh sương với hình ảnh hai vợ chồng dân chài thả lưới, từ tốn, bình lặng hệt như dòng sông. Thuyền chèo tay nên chỉ nghe tiếng rẽ nước rất nhẹ. Hay những buổi chiều muộn, khói đồng bảng lảng bay khiến những đoạn sông như được tắm trong màn sương mờ ảo. Bạn còn kể về những ngày ấu thơ lội sông vớt rong về nuôi lợn, vất vả nhọc nhằn là thế nhưng lòng chưa bao giờ nguôi thương nhớ!
 
Dòng sông hào phóng
 
Nhiều người vẫn gọi sông Gianh là dòng sông hào phóng bao thế hệ khi cư dân đôi bờ đều nhờ sông mà khôn lớn. Với 7 sào đất trồng lúa, ngô, đậu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Oanh, thôn Minh Cầm Nội, xã Phong Hóa đã nuôi 4 người con trưởng thành. Ngôi nhà nhỏ của chị nằm ven sông, đường vào nhà lối mòn chạy xuyên qua ruộng ngô.
 
Chị kể, đời ông bà, cha mẹ đều làm nông, đến đời chị, nhà có bốn chị em thì ba người thoát ly, một mình chị ở lại với ruộng vườn. “Cây ngô dễ tính, không cần phân bón. Đất gần sông cũng tốt nhờ phù sa khi mưa lũ. Hết mùa ngô thì chuyển sang trồng đậu, lạc, hoặc tiếp tục trồng ngô trái vụ. Cây lúa thì có nguồn nước từ sông Rào Trổ và các đập thủy lợi, năm làm hai vụ cũng đủ ăn. Còn cây cọ, ngoài vẻ đẹp như nhiều người qua đây vẫn thích thì ngày xưa bà con dùng lợp nhà, giờ vẫn lợp chuồng trại hay che chắn khi đi làm đồng!”, chị Oanh vui vẻ chia sẻ.
Nhiều người vẫn gọi sông Gianh là dòng sông hào phóng khi bao thế hệ cư dân đôi bờ đều nhờ sông mà khôn lớn.
Nhiều người vẫn gọi sông Gianh là dòng sông hào phóng khi bao thế hệ cư dân đôi bờ đều nhờ sông mà khôn lớn.
Chủ tịch UBND xã Phong Hóa Hoàng Hữu Lợi cũng cho biết, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với địa phương. Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng của xã gần 600ha, tổng sản lượng lúa, ngô, lạc, sắn… đạt trên 2.000 tấn. Những con số này đã góp phần quan trọng để thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 61,8 triệu đồng/năm, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống bà con từng bước phát triển.
 
Không chỉ tưới tắm, bồi đắp phù sa cho đất đai để mang lại những vụ mùa bội thu, sông Gianh còn là dòng nước mát lành cho nghề nuôi cá lồng của cư dân các xã ven sông. Cá lồng sông Gianh đã trở thành thương hiệu của Tuyên Hóa, dù chưa thể làm giàu từ nghề này nhưng đời sống của nhiều hộ gia đình đã ổn định, ấm no. Và song hành cùng dòng Gianh là núi non điệp trùng, kỳ vỹ, là những trầm tích văn hóa hứa hẹn sự khám phá của du khách khi đến vùng đất này.
 
Trăn trở cùng sông Gianh
 
Từng nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp trước khi là Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa, ông Mai Văn Minh nắm rất rõ về những tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và vai trò của sông Gianh đối với vùng đất này. “Sản xuất nông nghiệp của Tuyên Hóa phụ thuộc nhiều vào sông Gianh bởi ngoài một số địa bàn có hồ đập thì nguồn nước chủ yếu vẫn là từ sông Gianh. Nhưng những năm gần đây, rừng đầu nguồn bị xâm hại, nguồn nước dần cạn kiệt, tình trạng xâm nhập mặn đã trở nên đáng báo động. Văn Hóa, Châu Hóa là những địa phương bị ảnh hưởng lớn, sản xuất nông nghiệp trở nên khó khăn hơn”, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Mai Văn Minh cho biết.
Giêng hai, những ruộng ngô đã kịp cao gần vai áo, mỗi bận có gió thổi qua lại lao xao như sóng. Sông núi nơi đây tĩnh lặng đến độ có thể nghe rất rõ tiếng đập cánh của bầy ong đang thỏa sức vẫy vùng từ vườn cải đến ruộng ngô rồi tạt qua đám chua me nở tím trên những bờ vùng bờ thửa. Thi thoảng giữa đám ruộng ngô xanh ngút mắt xuất hiện một khu đất trống với đôi vợ chồng chăm chỉ cày bừa chuẩn bị cho mùa lạc. Người sông Gianh cứ thế cần mẫn sớm hôm, vừa kịp lo mùa ngô đã đón đầu mùa lạc, không cho đất nghỉ!
Chia sẻ về những giải pháp để giữ gìn được những giá trị của sông Gianh nói chung, đối với sản xuất nông nghiệp nói riêng, ông Mai Văn Minh khẳng định, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn là giải pháp quan trọng và cấp bách. Trong đó, thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Nét sẽ góp phần bảo vệ được hệ sinh thái rừng, các giá trị về đa dạng sinh học, địa chất, cảnh quan, các loài động thực vật hoang dã đặc hữu, quý hiếm... Hệ sinh thái rừng đầu nguồn “khỏe mạnh” là tiền đề giúp sông Gianh giữ được sự ngọt lành, tiếp tục tưới mát cho những làng quê ven sông, để mãi mãi là dòng sông bình yên và hào phóng trong trái tim bao người sông Gianh!
 Diệp Đồng

tin liên quan

Đứa con của đất
Đứa con của đất
(QBĐT) - Mảnh đất nghèo ngày ấy chúng tôi đi
Để lại câu hò bên bờ sông Bến Hải
Ngọn gió Lào giữa mùa nắng quái
Mảnh trăng non gầy guộc gác sườn non
Khoảng trời mơ tím
Khoảng trời mơ tím

(QBĐT) - Lại một mùa hoa nữa trở về, chạm đáy ký ức. Dàng không muốn bật khóc. Bởi mười tám năm, những giọt nước mắt của Dàng rây rây dọc chiều đồng ruộng. Gió lùa hàng triệu triệu bông xoan tím nhỏ li ti rụng xuống con mương nước, trôi ra những đám lúa mởn mơn xanh sau mùa dặm bén rễ.

Thoang thoảng hương chanh
Thoang thoảng hương chanh

(QBĐT) - Trong khu vườn nhỏ, những nụ hoa chanh ngày nào chỉ như những chấm kim li ti, nay đã lớn dần, tròn trĩnh, e ấp trên đầu cành. Chỉ ít ngày nữa thôi, những bông hoa trắng muốt sẽ nở bung, tỏa hương thơm nồng nàn, len lỏi khắp không gian, đánh thức cả một góc vườn quê.