(QBĐT) - Đã qua rồi những ngày nồm ẩm. Tháng ba về, mùa xuân ngập tràn trong nắng non, mưa bụi. Hiên nhà lích chích tiếng chim sâu. Cha ngồi bên tách trà, lặng ngắm từng giọt nước nhỏ giọt bên khung cửa sổ. Mẹ lúi húi trong vườn lặng lẽ chăm sóc từng gốc bưởi.
Mùa này, từng chùm hoa bưởi đua nhau bung nở, những cánh hoa mỏng manh, trắng muốt tinh khôi. Hương hoa bưởi nhẹ nhàng, thanh khiết len lỏi khắp khu vườn của mẹ. Gió tháng ba thổi qua, mang theo mùi hương thoang thoảng, khiến ai đi ngang qua ngõ cũng phải dừng chân, hít một hơi thật sâu để cảm nhận. Phải chăng, đó là mùi của ký ức, của những ngày thơ bé, của sự giao hòa giữa thiên nhiên, vạn vật và tâm hồn.
Nhìn những chùm hoa bưởi nở trắng, lòng bỗng lắng dịu lại. Những cây bưởi vườn mẹ im lìm trong vườn đón gió, hứng sương. Tháng ba về lại lặng lẽ tỏa hương sắc cho đời. Hoa bưởi giản dị, mộc mạc nhưng lại khiến người ta say đắm vì vẻ đẹp không phô trương mà sâu lắng.
Người phố thị thích hoa bưởi tháng ba vì hoa bưởi mang theo hương vị của làng quê, của đồng bãi. Vào độ này, những người gánh hoa bưởi vào phố thường là các bà, các mẹ. Họ đi qua các phố chợ, các con ngõ nhỏ và dừng lại đâu đó một góc vỉa hè bày bán những chùm hoa còn đọng những giọt sương đêm. Những người gánh hoa bưởi vào phố không chỉ mang theo hoa, mà còn mang theo cả hồn quê, sự gắn kết, sẻ chia giữa làng và phố. Một bó hoa bưởi nhỏ, mua về cắm trong chiếc bình sứ trên bàn, hay đơn giản chỉ để hít hà một mùi hương quen thuộc cũng đủ làm ấm lòng những người con xa quê nơi phố thị.
![]() |
Ngày còn bé, cứ đến mùa hoa, tôi lại cùng lũ bạn chạy khắp khu vườn của mẹ, đứa nào cũng tranh nhau nhặt những cánh hoa rụng trắng dưới gốc cây rồi cẩn thận ép vào trang vở học trò, vài hôm sau, khi mở ra hương vẫn còn vương vấn. Mẹ tôi, sáng sớm ra vườn, hái những chùm hoa bưởi để ướp chè xanh. Mỗi bát nước chè xanh vàng óng như gói trọn cả vị tinh khôi của đất trời. Bà tôi thì thường lụi cụi gom nhặt những cánh hoa rơi, đôi tay đồi mồi cho từng cánh hoa vào chiếc túi vải nhỏ rồi đặt dưới gối. Bà bảo, hương hoa bưởi thanh tao, dịu nhẹ sẽ làm cho người già ngủ sâu giấc hơn. Có lẽ vì thế mà sau này tôi luôn nhớ đến mùi hương hoa bưởi.
Lớn lên, xa nhà rồi đi công tác. Đã có lần tôi đến một ngôi làng nhỏ nằm trên đỉnh núi. Hoa bưởi trên núi mang một vẻ đẹp thanh khiết, hoang sơ đặc trưng của miền sơn cước. Những cây bưởi cheo leo sườn núi, nằm giữa lòng thung không được chăm bón kỹ lưỡng như những vườn bưởi dưới đồng bằng, nhưng chính sự tự nhiên ấy tạo nên một vẻ đẹp đầy sức sống. Những ngôi nhà ở đây đều có tường đá bao quanh. Người miền núi vô cùng mộc mạc và hiền hậu. Từ cánh đồng, sườn đồi đến thung lũng hoa bưởi nở rộ trong tiết xuân dịu dàng và tôi đã viết mấy câu thơ tặng cô em gái nhỏ “Tháng ba anh đến Đồng Cao/gặp em gái nhỏ xôn xao cả chiều/tháng ba hoa bưởi rất nhiều/thơm, thơm mãi cả những điều vu vơ”. Cô em gái ấy là người dân tộc thiểu số đã rất vui khi thấy chúng tôi đến checkin hoa bưởi.
Trên sườn đồi những cây bưởi già lặng lẽ trổ hoa. Những cánh hoa nhỏ, trắng ngần như tuyết. Mùi hương của hoa bưởi núi lại càng đặc biệt, nó không chỉ ngọt ngào thanh khiết mà còn mang theo chút gì đó phảng phất của sương núi, của đất rừng. Mùi hương lẫn trong tiếng chim quyện vào làn gió thoảng tạo nên một không gian yên bình, trong trẻo đến lạ thường. Tôi cứ nghĩ, đó không hẳn là mùi của hoa, mà còn là hương vị của tự nhiên, của sự hoang dại, nơi có tiếng vọng của thiên nhiên và cả sự tự do bung tỏa.
Hoa bưởi, loài hoa trắng tinh khiết, nhẹ nhàng còn gợi nhớ về những mối tình e ấp, những cảm xúc rung động đầu đời. Hoa bưởi cũng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thuần khiết. Một tình yêu lặng lẽ, âm thầm mà vẫn tạo ra những làn sóng rung động đầy mê đắm. Đã có lần tôi được gặp Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tại liên hoan thơ Quốc tế được tổ chức tại thành Xương Giang (Bắc Giang). Tôi nhẩm đọc bài thơ “Hương thầm” của chị. Chị lặng lẽ cười trong nắng mùa xuân. Bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và có lẽ là một trong những bài hát hay nhất về hoa bưởi “…giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/bên ấy có người ngày mai ra trận”. Sự dễ thương, e lệ của cô gái trong bài thơ mang một vẻ đẹp thuần khiết và chỉ biết “nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”. Chính cái hương thơm dịu nhẹ trong chiếc khăn tay đã thấm sâu vào lồng ngực người lính trận, góp phần tạo nên niềm tin, sức mạnh chiến đấu cho bao người lính thế hệ sau này.
Hoa bưởi không chỉ là hình ảnh vẻ đẹp tự nhiên mà còn được các bà, các mẹ khéo léo sử dụng để làm phong phú thêm món ăn truyền thống, mang đến những trải nghiệm độc đáo như: Chè hoa bưởi, mía ướp hoa bưởi, bánh ướp hương hoa bưởi… mỗi món ăn, thức uống có sự hiện diện của hoa bưởi đều gợi lên cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát như chính vẻ đẹp giản dị của loài hoa này.
Dù thời gian đi qua, cuộc sống có đổi thay, mùi hương hoa bưởi tháng ba vẫn mãi là một phần ký ức ngọt ngào, nhắc nhớ tôi về những ngày xa xưa ấy. Hương hoa bưởi-mùi của quê hương, của tuổi thơ, của những yêu thương về làng quê yêu dấu mãi chẳng phai nhòa.
Đinh Tiến Hải