(QBĐT) - Những người thầy thuốc có một bộ đồng phục chung đó là áo blouse trắng mà tôi ví đó là màu nắng trong đêm sưởi ấm cho bệnh nhân những cơn ho cảm lạnh, làm dịu những nỗi đau dai dẳng. Trong xã hội có hai nghề được gọi là thầy, đó là thầy thuốc và thầy giáo. Một nghề ươm những mầm non tương lai và một nghề chữa lành những vết thương trong hiện tại.
Cha tôi là một người thầy thuốc. Ngày còn nhỏ tôi hay theo cha vào bệnh viện ngủ cùng ông trong những đêm ông trực. Trước hiên phòng trực ông trồng những khóm hoa nhài đêm tỏa hương lặng lẽ. Ở dãy nhà khoa sản ông cho trồng cây hoa sữa hương thật nồng nàn hòa với tiếng trẻ chào đời lần đầu tiên được bú dòng sữa mẹ. Và tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy trong bài “Ý nghĩ trong đêm của người đỡ đẻ”: “Ngoài cửa sổ dập dìu hương hoa sữa/Đất nước mình thêm trẻ trong đêm”. Trên bàn làm việc của cha tôi có một tập sách dày viết về công dụng các loại thuốc nam của dược sĩ Đỗ Tất Lợi. Tôi mới hiểu ngoài tuổi 40 mặc dù được đào tạo là tây y nhưng cha tôi bắt đầu học thêm nghề bốc thuốc đông y, ở độ tuổi ông bắt đầu sống chậm lại, sống sâu sắc hơn ông lại nghiên cứu về các loại cây thuốc gia truyền. Khi đo huyết áp cho bệnh nhân, ông lại bắt mạch nghe nhịp tim.
Ông nói: Những ngón tay đếm được từng nhịp đập tim của người bệnh thì tình thương hơi ấm của con người giữa bệnh nhân và thầy thuốc càng được sẻ chia cảm thông. Ông còn bảo: Trong con người thầy thuốc cần có cái chất nghệ sĩ bay bổng nữa. Đó là sự hài hòa hóa thân và hướng tới những điều cao cả nhân văn nhất. Một lời nói, một cử chỉ ân cần, một cái nhìn ấm áp, một động viên đúng lúc, một khơi dậy niềm tin, một ước mong bù đắp tất cả đó là tình người áo trắng mà Bác Hồ kính yêu đã tặng danh hệu cao quý “Lương y như từ mẫu”.
![]() |
Trong đêm khi những bệnh nhân đã yên giấc thì những thiên thần áo trắng vẫn thức. Màu áo như màu nắng không rạng ngời, không hào quang màu sắc mà lặng thầm bình dị, mà ấm áp lan tỏa, nghe ngóng từng hơi thở nhẹ, từng giọt truyền sự sống. Màu trắng chiếc áo blouse của người thầy thuốc cho ta cảm giác sáng trong, sạch trong như buổi đầu nguyên sơ tinh khiết. Cái màu trắng tinh khôi ấy tưởng như nhẹ nhàng thanh thoát nhưng lại mang cả sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc. Họ không những chịu trách nhiệm về thể chất mà cả về phần hồn của bệnh nhân. Chỉ có họ mới được bệnh nhân thổ lộ hết tâm can không chỉ đau đớn về thể chất mà cả bí ẩn về cuộc đời.
Vì thế tình người áo trắng chính là điểm tựa, là niềm tin, là niềm hy vọng với người bệnh. Đó cũng chính là y đức mà trong thư gửi hội nghị Quân y tháng 3/1948 mà Bác Hồ kính yêu đã viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Và đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.
Năm nay kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam là ngày đầu xuân cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Lộc xuân tách vỏ từ những cành tưởng như khô héo để bất ngờ mọc lên những chồi non và trong tươi non rạo rực ấy tôi nhận ra màu áo blouse chính là màu nắng trong đêm bệnh viện, là lộc xuân hồi sinh dâng hiến cho đời. Cũng như dấu cộng của Hội Chữ thập đỏ là cộng thêm tình thương và vầng trăng khuyết của Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế chính là muốn bù đắp những hao khuyết để thế giới vẹn tròn tình thương. Đó cũng chính là hình ảnh biểu tượng của hai phong trào nhân đạo quốc tế về ngành y, đó cũng chính là điều mong mỏi khao khát của tình người áo trắng…
Nguyễn Ngọc Phú