(QBĐT) - Trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Việt Nam ta, câu đố là một thể loại đặc sắc tiềm ẩn những giá trị văn hóa độc đáo và quý báu. Sáng tạo ra một câu đố là sự khám phá kỳ diệu về thiên nhiên muôn màu muôn vẻ, về vũ trụ bao la đầy những điều bí ẩn, về xã hội loài người vô cùng đa dạng, phong phú.
Câu đố luôn gần gũi với mọi người, nhưng không phải vì gần gũi mà khi người xuất đố ra, người giải đố dễ dàng nhận biết, giải đáp ngay. Cả hai phía, biết là người ra đố giàu trí tuệ với sự tưởng tượng, nhưng người giải đố cũng không kém phần thông minh, dí dỏm. Người ta ví, người ra đố như là sự bí mật của một ổ khóa, người giải đố là người cầm chìa khóa biết tra vào ổ lần bí quyết để mở ra. Người đố mẹo mực thì người giải đố cũng không kém cạnh. Cũng vì như vậy nên chơi câu đố luôn luôn hấp dẫn.
Chúng ta đều nhất trí với nhau rằng: Thế giới khách quan qua tầm ngắm của trí tuệ con người hiện ra cụ thể, sinh động và hàm chứa ý nghĩa sâu xa. Từ truyền thống đến thời hiện đại là một dòng chảy liên tục, phản ánh sức sống văn nghệ dân gian mà câu đố trong đời sống văn hóa dân tộc luôn ở một vị trí xứng đáng. Chẳng hạn một ví dụ câu đố nói về một loài hoa, như: “Hoa gì quả quyện với trầu, để cho câu chuyện mở đầu nên duyên”. Là hoa gì? Rõ là khi đọc xong ai cũng nghĩ ra, đó là loại hoa cau. Sự lý giải sau một từ “hoa” thôi mà hướng người giải đố không thể sai được, vì nó “quyện với trầu”, vì có “mở đầu nên duyên”. Câu đố đã gắn bó con người với thiên nhiên đến như vậy sao chẳng đẹp.
![]() |
Hay ví dụ câu đố nói về một loại quả: “Cây cao giếng mật xanh trong, cái kiến không lọt con ong không vào”. Là quả gì ? Không ai trả lời sai được, bởi, mật mã “Cây cao giếng mật” hấp dẫn đến vậy kia mà. Rồi “cái kiến không lọt, con ong không vào”, hai loại côn trùng chân đốt chết vì mật ngọt, thì người giải không thể chọn quả gì khác ngoài quả dừa quen thuộc.
Còn nhiều và rất nhiều dạng câu đố khác nữa, nhưng trong phạm vi bài viết này chúng ta đi qua một lĩnh vực câu đố về các anh hùng lịch sử dân tộc để tỏ rõ sự biết ơn. Nhân mùa xuân mới đến, trong không khí ấm cúng của những ngày đầu năm, chúng tôi dẫn ra một số câu đố gắn với lịch sử dân tộc trải qua hàng nghìn năm để củng cố thêm lòng tự hào bao thế hệ con Rồng cháu Tiên.
Nhắc đến các anh hùng dân tộc, thường là những pho sách dày hàng trăm hàng nghìn trang, hoặc qua những bài học lịch sử giáo khoa ghi một cách khoa học đầy đủ sự kiện. Nhưng với câu đố thì khác hẳn. Câu đố luôn gọn nhẹ, dễ nhớ, bằng những bài văn vần, như: Lục bát, song thất lục bát, nói lối, vè… Và dĩ nhiên người giải đố phải có kiến thức qua đọc sách lịch sử hay nghe kể chuyện lịch sử.
Chẳng hạn đố về một nhân vật. Câu đố đố rằng: “Đố ai nêu lá quốc kỳ/Mê Linh đất cũ còn ghi muôn đời/Yếm khăn đội đá vá trời/Giặc Tô mất vía rụng rời thoát thân”. Không suy ngẫm, người nghe đọc câu đố xong, khi đã có đọc lịch sử rồi, có thể trả lời ngay. Đó là gương hai liệt nữ Hai Bà Trưng. Bởi ai đã học lịch sử đều nhớ bài học:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng
chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân...
Một câu đố ghi nhận một anh hùng dân tộc khác. Người xướng: “Đố ai cùng khách thoa quần/Đạp luồng sóng dữ đuổi quân giặc thù/Cửu Chân nức tiếng ngàn thu/Vì dân quyết phá ngục tù lầm than”. Theo dõi sự phát triển của lịch sử dân tộc, với cụm từ “cùng khách thoa quần”, “Cửu Chân nức tiếng ngàn thu” thì lịch sử có bài học:
Tóc dài ba thước dắt lưng
Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra
Cũng toan gánh vác sơn hà
Cho Ngô biết mặt đàn bà Nước Nam.
Thì người trả đố biết ngay, đó là Bà Triệu hay Triệu Thị Trinh cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đánh thắng giặc Ngô.
Khi nói về Ngô Quyền thì câu đố viết: “Đố ai trên Bạch Đằng giang/Dựng cao cọc nhọn dọc ngang sáng ngời/Phá quân Nam Hán tơi bời/Gươm thần độc lập giữa trời vung lên”.
Và anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh “cờ lau tập trận” dẹp loạn 12 sứ quân thì có câu đố: “Vua nào thuở bé chăn trâu/Trường Yên một ngọn cờ lau tập tành/Sứ quân dẹp loạn phân tranh/Dựng nền thống nhất sử xanh còn truyền”.
Rồi anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt thì có câu đố đầy hào khí của một vị tướng già xông pha trận mạc đánh giặc phương Bắc, bình định Chiêm Thành: “Tuổi già nhưng sức chẳng già/Vung gươm Bắc tiến quân nhà Tống tan/Xuôi nam Chiêm Quốc kinh hoàng/Thơ thần một áng lời vàng còn ghi”.
Với anh hùng dân tộc Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đầy khí phách “xung máu giận bóp quả cam nát nhỏ, dựng ngay cờ phá địch báo Hoàng Ân” thì câu đố ghi: “Bậc anh hùng tài không đợi tuổi/Sáu chữ cờ rong ruổi khắp nơi/Đánh cho quân giặc tơi bời/Chương Dương Hàm Tử rạng ngời chiến công”.
Và hai anh hùng dân tộc Lê Lợi, Nguyễn Huệ, câu đố về mỗi anh hùng đều có những cách nêu câu đố khác nhau, mỗi vị anh hùng có cách ghi lịch sử khác nhau nhưng cô đọng, ngắn gọn mà đầy đủ bản chất sự kiện lịch sử. Với Lê Lợi thì: “Đố ai gian khổ chẳng lùi/Chí Linh mấy lượt nếm mùi đắng cay/Mười năm bình định ra tay/Thành Đông Quan mất vía bầy Vương Thông”. Và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ câu đố như một cách kể chuyện: “Được tin cấp báo hỏi ai/Đưa quân ra Bắc diệt loài xâm lăng/Ngọc Hồi khí thế thêm hăng/Mùa xuân chiến thắng dựng bằng uy danh/Bạt hồn tướng tá Mãn Thanh/Ngàn năm văn hiến, sử xanh còn truyền”.
Nêu lên một số vị anh hùng dân tộc thông qua hình thức câu đố, cũng là một cách ghi lịch sử mang đậm chất dân gian. Cách thể hiện vừa cô đọng, vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu, tạo nên một lối học lịch sử dễ nhớ, dễ thuộc. Chỉ một số câu khi đọc lên cũng thấy được giá trị thẩm mỹ của một thể loại văn nghệ dân gian. Bản sắc riêng của câu đố cũng góp phần khẳng định sức sống của thể loại trong đời sống trong kho tàng văn hóa phi vật thể dân tộc.
Văn Tăng