Hương ước, quy ước góp phần xây dựng đời sống văn hóa

  • 11:02, 22/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hương ước, quy ước là văn bản đóng vai trò quan trọng nhằm phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư; qua đó, góp phần xây dựng, duy trì và phát triển các quy tắc ứng xử văn minh, lành mạnh trong cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa.
 
Theo báo cáo của Phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh có trên 979/1.123 thôn, bản, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước và được phê duyệt, công nhận. Việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp; duy trì trật tự trong cộng đồng dân cư tại các địa phương.
 
Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố Đức Trường, phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) Trần Thị Hồng Phong, việc xây dựng hương ước, quy ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống của nhân dân, cộng đồng, khu dân cư; đều đặn mỗi nhiệm kỳ, tổ dân phố đều rà soát các nội dung hương ước, quy ước để điều chỉnh phù hợp thực tiễn. Việc thực hiện hương ước, quy ước gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy kết quả rõ rệt trong xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương. Việc cưới, việc tang, mừng thọ… nhờ đó được thực hiện theo đúng quy định...
Thực hiện hương ước, quy ước góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, văn minh.
Thực hiện hương ước, quy ước góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, văn minh.
Ông Phan Văn Công, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) chia sẻ: Thực hiện hương ước, quy ước gắn với thực tiễn các phong trào thi đua đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Vì thế, nhân dân thôn Hà Thiệp đã nhiệt tình đóng góp xã hội hóa hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn. Người dân cũng tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, tháo dỡ cổng nhà, tường rào và đóng góp hàng nghìn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng và đường giao thông nông thôn, tạo không gian thoáng đãng “xanh-sạch-đẹp”… Riêng năm 2024, thôn đã hoàn thành xây dựng “ngôi nhà trí tuệ” và bia tưởng niệm tại khu vực nhà văn hóa…
 
Những năm qua, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận cao trong nhân dân. Công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước từng bước hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa; hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội; giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bảo đảm an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở cơ sở… 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư có nơi chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng soạn thảo hương ước, quy ước chưa cao. Một số cộng đồng dân cư chưa chủ động, thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định trong hương ước, quy ước khi không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước tại một số cộng đồng dân cư còn chưa nghiêm túc, hiệu quả chưa cao…
 
Trong tổng số 979 hương ước, quy ước đã được rà soát và phê duyệt, công nhận có 553 hương ước, quy ước cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (246 hương ước, quy ước cần sửa đổi, bổ sung; 307 hương ước, quy ước cần ban hành mới). 
 
Điều 2, Chương 1, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư nêu rõ: Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bàn và quyết định; không trái pháp luật và đạo đức xã hội; nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được UBND cấp xã công nhận. 
Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nhằm kịp thời động viên, khuyến khích phát huy vai trò, trách nhiệm của trưởng thôn, bản, tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận tại các cộng đồng dân cư trong việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn, sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, và tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII  đã thông qua Nghị quyết số 79/2024/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ xây dựng mới, tối đa 4.000.000 đồng/hương ước, quy ước; hỗ trợ sửa đổi và bổ sung, tối đa 2.000.000 đồng/hương ước, quy ước; hỗ trợ tổ chức thực hiện hương ước, quy ước, tối đa 3.000.000 đồng/thôn, bản, tổ dân phố/năm.
 
Các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội, nhất là trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường năng lực quản lý, thực thi về hương ước, quy ước theo Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước ở cơ sở bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng theo quy định của Nhà nước, mang giá trị văn hóa riêng biệt của mỗi khu dân cư…
Th.Hải

tin liên quan

Nhớ xưa
Nhớ xưa
(QBĐT) - Xa quê mấy chục năm rồi
Rưng rưng tóc bạc nhớ thời tóc tơ
Những con đường dấu đã mờ
Ngôi trường đã khác bạn giờ khắp xa
Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Nằm bên bờ sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới), cạnh bến đò xưa lịch sử, tượng đài Mẹ Suốt tưởng nhớ người mẹ anh hùng đã dũng cảm đưa bộ đội qua sông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Gắn kết văn hóa và du lịch qua các lễ hội
Gắn kết văn hóa và du lịch qua các lễ hội

(QBĐT) - Đến hẹn lại lên, vào trung tuần tháng giêng hàng năm, nhiều làng quê ở huyện. Quảng Trạch lại nô nức tổ chức lễ hội làng. Đây là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân, đồng thời bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương, nguồn "tài nguyên" vô giá đối với sự phát triển du lịch.