Chuyến tàu đi qua ký ức

  • 08:02, 01/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những chuyến tàu ấy, đôi khi là hành trình trở về với ký ức, đôi khi lại là sự khởi đầu của một điều mới mẻ. Với tôi, mỗi chuyến tàu Tết đều mang theo hơi ấm của ký ức, là hành trình đi về miền thương nhớ, nơi chứa đựng những nỗi niềm riêng, những giấc mơ chưa trọn và cả niềm hy vọng về tương lai.

1. Bố tôi, người lính trở về từ chiến trường, mang trong mình những ký ức chưa bao giờ thôi ám ảnh. Tết của bố là những ngày không thể quên, là những chuyến tàu chở đầy vết thương chiến tranh, những ký ức khói lửa, cả nỗi đau chưa bao giờ lành hẳn.

Chuyến tàu Tết năm ấy, ông trở về sau những tháng ngày xa cách biền biệt. Nơi mái tranh nghèo nằm bên cánh đồng rào rạt gió là người mẹ già mòn mỏi chờ trông bóng dáng đứa con trai trở về từ chiến trường. Người mẹ ấy, trong những đêm dài khi ngồi một mình bên bếp lửa, có lẽ đã khóc nhiều lần vì nhớ thương con. Cũng như bao người mẹ thời chiến khác, bà thầm lặng chịu đựng nỗi đau mất mát nhưng chưa một lần thôi hy vọng sẽ có một ngày khi đất nước yên tiếng súng, con trai trở về bình an.

Đó là một buổi chiều cuối năm, trong không gian ấm áp tỏa mùi khói bếp, bố đứng ở cửa, trên tay là chiếc ba lô đã cũ, đôi giày lính cũng đã sờn bạc. Bà tôi đứng trong gian bếp, đôi tay run run bám víu vào bức tường đất cũ. Ánh mắt bà chứa đựng bao nỗi niềm của những năm tháng xa cách, bao lần thức trắng đêm mong ngóng. Đôi tay gầy guộc ôm chặt lấy người con trai trong màu áo lính.

Những giọt nước mắt chảy ra từ những trái tim đã quá quen với khổ đau, mòn mỏi, nay mới có thể mỉm cười. Những năm tháng đau thương và chờ đợi bỗng chốc tan biến, nhường chỗ cho niềm vui đong đầy. Bữa cơm Tết năm ấy không có gì đặc biệt, chỉ có bát canh rau với đĩa thịt kho nhưng với bà nội tôi, đó là bữa cơm sum vầy sau những mất mát hòa lẫn hy vọng. 

Riêng với bố tôi, trong thổn thức tim mình, vẫn đâu đó là nỗi nhớ thương những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường xa xôi. Cho đến mãi những năm tháng về sau, mỗi mùa Tết đến, chúng tôi vẫn thấy bố thao thức, lòng nặng trĩu nghĩ về đồng đội đã khuất. Những đêm giao thừa, bên ánh đèn mờ, ánh mắt bố xa xăm như đang nhìn về một miền ký ức thăm thẳm. Ông chưa bao giờ nói ra nhưng tôi biết, mỗi cái Tết, mỗi đêm giao thừa, trong lòng ông luôn có một khoảng trống, một nỗi niềm mà chẳng ai có thể lấp đầy. 

Hóa ra, nỗi đau của người lính không chỉ là vết thương trên cơ thể, mà còn là những bóng hình không thể quên, những lời hứa chưa trọn và những nấm mồ vẫn nằm đâu đó nơi chiến trường, không ai có thể khắc tên. 

Minh họa: Minh Quý.
Minh họa: Minh Quý

2. Năm 1990, Tết đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, từ ga Huế, cả gia đình chúng tôi bồng bế nhau trở về quê trên chuyến tàu chợ. Con tàu cũ kỹ chầm chậm lướt qua những cánh đồng mênh mông, những ngôi làng thưa thớt ẩn hiện trong làn sương khói cuối năm, lạnh lẽo và mơ màng. Trong ánh mắt bố tôi, giữa cái khấp khởi được trở về quê đoàn viên vẫn còn đó nỗi tiếc nhớ mảnh đất cố đô, nơi cả gia đình đã đi qua những năm tháng gian khó nhất. Huế là nơi chị em tôi được sinh ra, nơi mà mỗi con đường, mỗi ngôi nhà, góc phố đều thấm đẫm kỷ niệm. Nhưng cũng chính từ mảnh đất ấy, chúng tôi đã học được bài học về sự kiên cường, về tình yêu thương và hy vọng không bao giờ tắt.

Chuyến tàu năm ấy vừa là chuyến hồi hương, vừa là một hành trình của hy vọng, của khởi đầu mới mẻ cho cả một vùng đất sau ngày tái lập tỉnh. Chuyến tàu mang trong mình sự gắn kết của quá khứ và hiện tại, là sợi dây nối giữa những ký ức đau thương và những giấc mơ về tương lai lấp lánh hy vọng. Những đồng đất quê hương giờ đây không còn là chiến trường tàn khốc, mà là những mảnh đất cần đến những bàn tay vững chãi, những trái tim kiên cường để ươm mầm và chăm bẵm.

Cái Tết đầu tiên trên quê hương ngày trở về, dù chỉ là những phút giây giản dị, vẫn thấm đẫm sự ấm áp của niềm tin vào tương lai. Trong câu chuyện kể về ngày xưa, trong những cái bắt tay, giọt nước mắt lặng lẽ của những người con xa quê trở về, Tết là dịp sum vầy và để nhìn lại mà thấu tỏ rằng: Quê hương dù có trải qua bao nhiêu biến cố, vẫn là nơi tìm thấy sức mạnh để tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương và không ngừng hy vọng.

3. Nhiều năm trước, bà tôi phải vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị một căn bệnh hiểm nghèo. Đó là những ngày cuối đông Huế lạnh se sắt. Cả gia đình quây quần bên giường bệnh của bà, lặng lẽ, âm thầm chứng kiến từng giờ, từng phút trong cuộc chiến vô hình giữa sự sống và cái chết. Mỗi lần cựa mình, mỗi hơi thở yếu ớt của bà đều như một sợi hy vọng sống mong manh mà chúng tôi đã dồn hết tình yêu và đức tin để bám víu vào.

Thế rồi, sau những ngày dài điều trị, bà cũng có thể rời bệnh viện, về quê đón Tết. Chuyến tàu hôm ấy thật đặc biệt. Bà ngồi bên cạnh tôi, đôi bàn tay vẫn còn chằng chịt vết kim tiêm, run rẩy đặt lên ô cửa nhỏ của khoang tàu. Trong ánh mắt mệt mỏi, già nua, vẫn lấp lánh niềm hy vọng và niềm ham sống lạ lùng. Tết năm đó, bà mặc một chiếc áo dài nhung màu đỏ mận, đứng run run bên cây mai cổ thụ trước sân nhà, nhìn ngắm cháu con bằng ánh mắt mãn nguyện.

Đó cũng là cái Tết cuối cùng chúng tôi được ở cạnh bà. Để rồi nhiều năm sau đó, mâm cơm Tết dù đủ đầy bao nhiêu, xoay trở thế nào cũng thấy vô vàn trống trải. Và những chuyến tàu Tết về quê, dù buồn, dù vui thì mỗi lúc nhìn ánh hoàng hôn le lói dần rồi vụt tắt qua ô kính toa tàu, chúng tôi lại nhớ bà da diết. Chúng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng bà trong mỗi mùa xuân, trong mỗi chuyến tàu đi qua những nhà ga xưa cũ.

Với tôi, mỗi chuyến tàu Tết là sự nhắc nhớ về tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, về sức mạnh kiên cường của quê hương và về sự sống nối tiếp nhau qua từng thế hệ. Những ga tàu, bến đỗ đều in dấu sự chuyển mình không ngừng của đất nước. Nhưng dù có bao nhiêu ga tàu, dù có bao nhiêu biến động, giá trị thiêng liêng của Tết vẫn vẹn nguyên như thế.

Tết là dịp để sum vầy, là thời khắc để mỗi người quay về với nguồn cội, để thao thiết nhớ về những người đã khuất và bâng khuâng với những kỷ niệm đã qua. Dù cuộc sống có thay đổi, dù xã hội có phát triển đến đâu, Tết vẫn mãi là biểu tượng của tình yêu thương và niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Chuyến tàu ký ức ấy nhắc nhở tôi rằng, giữa những sấp ngửa cuộc đời, Tết luôn là bến đỗ an lành, nơi mà ai cũng muốn được trở để được “thương lấy nhau thôi”.

Diệu Hương

tin liên quan

Phần thưởng của Tết
Phần thưởng của Tết

(QBĐT) - Cuối chạp! Những đợt gió nồm ẩm thổi không ngừng nghỉ qua hàng mai chi chít nụ trước ngõ. Hương bất ngờ nhận được một hộp quà, đề tên nắn nót: "Học sinh cũ Mai Anh kính tặng cô giáo yêu chưng Tết".

Dòng sông Gianh trong thơ của các bậc tiền bối
Dòng sông Gianh trong thơ của các bậc tiền bối

(QBĐT) - Trong phạm vi hệ thống sông ngòi Quảng Bình, sông Gianh độc chiếm nhiều cái nhất. Sông Gianh là con sông dài nhất, sâu và rộng nhất.

Thông điệp của muối
Thông điệp của muối

(QBĐT) - Trong ký ức tuổi thơ tôi, căn bếp nhỏ của ngoại lúc nào cũng thấp tối và giăng đầy bồ hóng. Ở đó luôn có một chiếc giỏ mây đựng muối hạt treo lủng lẳng phía trên lò củi.