Yêu biết mấy, tấm bản đồ Việt Nam!

  • 08:01, 25/01/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nếu cho rằng, không ở đâu trên thế giới này, ngọn quốc kỳ lại được nâng niu, quý trọng như ở đất nước Việt Nam thì cũng xin khẳng định luôn rằng: Chẳng có nơi nào trên hành tinh này, tấm bản đồ lại có ý nghĩa và gắn bó máu thịt đối với mỗi người con đất Việt đến như thế. Ngoài biểu tượng thiêng liêng cho hồn thiêng sông núi, cho độc lập tự do, cờ Tổ quốc và tấm bản đồ còn là tín hiệu của sự no ấm, hạnh phúc và mang lại nhiều may mắn, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Ngày xưa cứ mỗi dịp Tết đến, trên vách tường vôi mới, ba tôi lại treo lên tấm bản đồ Việt Nam vừa mua được từ hiệu sách về. Độ ấy, chúng tôi thường chen nhau đứng trước tấm bản đồ còn thơm mùi giấy mới, đố nhau tìm tên các tỉnh thành… Mỗi lần như thế, ba nói: Giờ ba sẽ đứng từ xa, chỉ cần các con chỉ tay vào chỗ nào, ba sẽ nói đúng tên của địa danh đó. Và sự thực là ba tôi biết được hết tên tất cả các tỉnh thành, vùng miền theo những cái chỉ tay của chúng tôi. Chúng tôi phục ông cụ lắm lắm…

Ba tôi còn bảo, treo bản đồ trong nhà vào dịp Tết (và cũng là cả năm) không phải bởi vì nó đẹp, mà là vì ý nghĩa của tấm bản đồ đối với cuộc sống của mỗi người. Xem, tra cứu bản đồ chính là nhìn sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúng ta. Ôi, những bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc; bình dị, đơn sơ để nhớ mãi không quên:

“Tôi sẽ giữ suốt đời trong trí nhớ,

Quãng ngày xanh học tập tại quê hương”

                 (Đoàn Văn Cừ-Bản đồ nước Việt)

Giờ đây, mỗi sớm mỗi chiều trên bục giảng, nhìn ngắm tấm bản đồ được treo trang trọng trong các lớp học, tôi lại nhắc nhủ các em học sinh-thế hệ tương lai của đất nước: Các em phải trân trọng và gìn giữ tấm bản đồ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúng ta! Đó là biểu tượng của quốc gia, thể hiện sự đoàn kết và thống nhất; đó còn là biểu tượng của tự do và độc lập của Đại Việt hùng cường. Và sau nữa, đó còn là biểu tượng của niềm tự hào và ý thức dân tộc của người Việt ta từ ngàn đời nay:

“Nước chúng ta là một nước vinh quang

Bao anh hùng thủa trước của giang san

Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.

Các em phải đêm ngày chăm chỉ học

Để đêm ngày nối được chí tiền nhân”

                (Đoàn Văn Cừ-Bản đồ nước Việt)

Mỗi tấm bản đồ được treo lên, chúng ta sẽ luôn thấy hình bóng của Tổ quốc thân yêu. Nước Việt Nam cong cong hình chữ S. Từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái; từ dãy Trường Sơn hùng vĩ ra miền biển đảo thiêng liêng… Trời của ta, đất của ta, núi sông bờ cõi của ta… Tất cả đều là công sức, trí tuệ của tiền nhân, để cho chúng ta có được một nước Việt Nam hùng cường như hôm nay:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”

(Nguyễn Đình Thi-Việt Nam quê hương ta)

Yêu biết mấy, tấm bản đồ Việt Nam! Tự hào thay, một dải non sông nối liền! 

Đỗ Đức Thuần

tin liên quan

Sắc xuân
Sắc xuân

(QBĐT) - Tháng giêng rớt lại chút đông

Hiu hiu ngọn gió chạnh lòng nhớ ai 

Hương xuân tỏ lối ban mai 

Đó đây khúc hát càng say đẫm tình

Đợi chờ mùa xuân
Đợi chờ mùa xuân

(QBĐT) - Thế là sắp qua mùa đông

Ngoài sân đào chúm chím hồng đợi xuân

Bước chân nghe đã thật gần

Hương chanh hương bưởi bần thần ngõ xưa

Một số phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt
Một số phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt

Trải qua chiều dài lịch sử, các phong tục tập quán của người Việt trong dịp Tết cổ truyền vẫn được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Đó là các phong tục như: Trang trí, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết; gói bánh chưng, bánh tét; cúng ông công, ông táo; đón Tất niên; đón Giao thừa…