Bên căn bếp mùa xưa

  • 08:01, 13/01/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong ký ức của mỗi người, lửa bếp ngày Tết luôn là một hình ảnh đầy ấm áp và thân thuộc. Lửa bếp ngày Tết còn là nơi chứa đựng những câu chuyện quý giá về gia đình. Mỗi lần quây quần bên bếp lửa là chúng ta cảm nhận được sự gắn kết tình cảm thiêng liêng của ông bà, cha mẹ, con cái. Đó là nơi ta cùng cả gia đình chuẩn bị mâm cỗ, là nơi những món ăn truyền thống được chế biến với tất cả tình yêu, sự chăm chút và quan tâm đến nhau. Lửa bếp còn mang trong mình những ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, cội nguồn, truyền thống văn hóa của dân tộc. Lửa còn tượng trưng cho sự sống, tái sinh và hy vọng trong một năm mới an lành và hạnh phúc.

Tôi rời làng từ năm mười tám tuổi, mỗi khi Tết đến lòng không khỏi xao xuyến bồi hồi. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ nhất lại chính là những kỷ niệm của tuổi thơ. Nhớ cánh đồng, dòng sông trong những chiều sương khói. Nhớ những căn nhà nhấp nhô bên xóm ven đồi mỗi khi bà nhen mồi rơm nhóm lửa. Nhớ những ngọn khói lam chiều bên căn bếp mùa xưa. Tất cả những hình ảnh ấy luôn thôi thúc tôi trở về làng vào những dịp cuối năm. Tôi coi đó là một sự trở về cội nguồn, trở về để thấy mùi của rơm rạ, củi lửa. Mùi của nồi bánh chưng đang sôi ùng ục tỏa ra làn khói trắng mờ bên nồi nước mùi già mẹ tôi vừa nấu. Khói từ nồi bánh chưng quyện với mùi của củi lửa tạo nên một hương vị đặc trưng của ngày Tết, mùi của sự ấm áp, tình thân, của những ngày cuối năm tất bật mà yên bình, hạnh phúc.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trước Tết khoảng một tháng, tôi thường theo cha ra bờ sông để đánh những gộc tre đã khô đem về chất trong góc bếp. Củi với người nông dân làng tôi cũng như một thứ tài sản để dành. Củi dùng để nấu nướng trong những ngày mưa dầm gió bấc, những ngày mùa đông giá lạnh. Khi những cơn gió mùa đông tràn về, ngọn lửa lại bập bùng trong căn bếp, trở thành một nguồn sáng sưởi ấm thiêng liêng trong gia đình.

Lửa xua tan giá rét cho người già và trẻ nhỏ, những người luôn cần sự che chở, chăm sóc nhiều nhất. Trong những đêm mưa phùn, gió bấc, hình ảnh ông bà ngồi bên bếp lửa, kể cho chị em tôi nghe những câu chuyện cổ tích, chuyện xưa, chuyện cũ luôn gợi lên cảm giác bình yên. Chúng tôi vừa nướng khoai, vừa nghe chuyện, đôi khi ngủ gật trong vòng tay đầy yêu thương của bà lúc nào chẳng hay.

Lịch sử đã chứng kiến biết bao biến động. Công nghệ thay đổi con người đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào việc nấu nướng như bếp ga, bếp từ, bếp điện… nhưng ngọn lửa truyền thống trên chiếc kiềng ba chân vẫn còn hiện diện trong đời sống hôm nay và vẫn còn rất nhiều gia đình giữ gìn, trân trọng. Lửa truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử đã trở thành trung tâm của đời sống gia đình, nơi gắn kết mọi thành viên từ thuở xa xưa. Vùng quê Bắc bộ, hình ảnh các bà, các mẹ ngồi bên bếp lửa, nói chuyện mùa vụ, đồng áng vui vẻ, tay không ngừng quạt than, nấu cho cơm dẻo, canh ngọt. Lửa ở vùng sâu, vùng xa còn bảo vệ bản thân khỏi thú dữ và sưởi ấm trong rừng sâu lạnh giá. Bếp lửa còn là biểu tượng thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người dân miền núi, lửa hàng ngày tham dự vào cuộc sống của con người.

Nhà tôi bao năm nay vẫn luộc bánh chưng bằng củi tre, củi gộc. Mỗi lần trở về tôi thường sà xuống bếp ngồi bên bà. Nhìn ngọn lửa bập bùng cháy, nghe tiếng củi nổ lép bép và khuôn mặt người hồng lên ánh lửa tôi lại nhớ đến những câu thơ trong bài thơ (Bếp lửa) của nhà thơ Bằng Việt “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/một bếp lửa ấp iu nồng đượm/cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Sau này đi xa nỗi nhớ luôn thường trực trong tôi về ngọn lửa bếp cuối năm đơn sơ, bình dị bằng những câu thơ thuộc lòng “giờ cháu đi xa…/có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả/nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở/sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa”.

Bà tôi thường bảo, ngọn lửa màu đỏ mang đến sự may mắn trong ngày đầu năm mới. Vì thế mồng một Tết người ta kiêng không cho lửa, xin lửa. Đêm giao thừa, gia đình nào cũng phải lên đình, sang chùa xin lửa. Bà tin rằng, lửa mang ý nghĩa của tài lộc, vận may và sự hưng thịnh. Việc cho lửa đầu năm sẽ làm giảm đi những điều may mắn.

Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, không khí bỗng trở lên ấm áp và tươi mới khi tôi bước chân vào cánh đồng hoa. Nơi đây những bông hoa đào, hoa thược dược, hoa vạn thọ đua nhau nở rộ, tạo nên một bức tranh rực rỡ và sống động. Thật khó để tin rằng, cánh đồng này vài tháng trước còn chìm trong biển nước lũ. Sự tàn phá khốc liệt của bão khiến đất bùn lầy lội, hoa màu ngập úng, cánh đồng trơ trọi tưởng chừng không còn hy vọng để hồi sinh.

Nhưng rồi thiên nhiên lại chứng minh sức sống mãnh liệt của mình. Khi nước rút, đất đai lại được bồi đắp thêm phù sa, người dân lại chuẩn bị cho một mùa hoa mới. Đâu đây vẫn còn sót lại những bếp lửa của những người canh nương bên cánh đồng. Trong tàn tro còn có những ngọn lửa âm ỉ cháy mãi. Chiều buông, nhìn những ngọn khói lam chiều sau những rặng tre, tôi biết, đó là lửa, là hơi ấm tình thân trong mỗi căn nhà.

Cuộc hành hương trở về làng lần nào cũng khiến lòng tôi ngập tràn kỷ niệm thời thơ ấu. Ngọn khói lam chiều với ánh sáng bập bùng nơi bếp lửa sẽ mãi là hình ảnh đẹp, thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người. Ngọn lửa thanh bình nơi làng quê, ngọn lửa sưởi ấm tình làng nghĩa xóm. Trong từng bông hoa, ngọn cỏ tôi thấy được tình yêu, lòng kiên trì của con người, sự gắn bó mật thiết giữa đất đai, quê hương như sự gắn bó với lửa. Lửa của niềm tin và khát vọng.

Đinh Tiến Hải

tin liên quan

Trang trí ngày Tết nét đẹp truyền thống và xu hướng
Trang trí ngày Tết nét đẹp truyền thống và xu hướng

(QBĐT) - Đối với mỗi người con đất Việt, Tết là linh thiêng, là nơi để trở về đoàn tụ, sum vầy, tận hưởng không khí nồng ấm mùa xuân và thưởng thức hương nồng của mứt gừng, thơm lừng béo ngậy của bánh chưng... và cùng người thân yêu gửi gắm những ước vọng vào tương lai rực rỡ như sắc mai vàng, sắc đào hồng thắm. 

Địa danh Hoành Sơn qua các giai đoạn lịch sử
Địa danh Hoành Sơn qua các giai đoạn lịch sử

(QBĐT) - Từ lâu, sử sách chép về núi sông Quảng Bình đều đề cập đến núi Hoành Sơn, tức đèo Ngang, ngọn núi phân chia địa giới tỉnh Quảng Bình ở phía Bắc và tỉnh Nghệ An xưa, nay là tỉnh Hà Tĩnh.

Trăm năm Huế vẫn nặng tình văn chương
Trăm năm Huế vẫn nặng tình văn chương

(QBĐT) - Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón nhận tin vui toàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025, cũng chính là lúc giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đón nhận công trình chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương-đó là cuốn sách "100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920-2020)-Một góc nhìn" do nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong (chủ biên) và các tác giả khác.