(QBĐT) - Quê bây giờ không còn những chuyến hàng rong như ngày xưa vẫn có. Chợ búa, cửa hàng bách hóa mọc lên san sát với đầy đủ những mặt hàng phong phú, phương tiện giao thông cũng thuận tiện. Cuộc sống bây giờ hiện đại đến mức ngồi ở nhà muốn mua gì chỉ cần nhấc điện thoại, chờ vài phút là hàng hóa sẽ được giao đến tận tay. Thành ra bây giờ tìm mỏi mắt cũng không có những chuyến hàng rong bán nước mắm, bán bánh ướt, bán kem, bán đồ gia dụng chạy dọc đường làng như trước. Không còn nghe những tiếng rao văng vẳng gần xa ở làng trên xóm dưới. Những chuyến xe bán hàng rong giờ đã trôi xa và mất hút trong thẳm sâu ký ức nên đôi khi lòng cứ nhung nhớ...
Ngày ấy xe đạp rất ít, mỗi nhà chỉ có một chiếc cho đàn ông đi làm xa, còn phụ nữ ở nhà làm việc đồng áng hay chợ búa thì đều đi bộ. Chợ xa, có khi cả tuần mẹ mới đi một bữa để mua những thứ quan trọng. Thức ăn chủ yếu là rau củ vườn nhà và cá, cua ngoài đồng. Bởi thế, những chuyến hàng rong về làng đắt khách và rất được đón đợi. Đó là những cô bán bánh ướt người miệt Võ Xá, cô bán nước mắm ở Bảo Ninh, những chú bán kem người Đồng Hới, chú bán đồ gia dụng bằng nhựa người Nghệ An, bác bán rổ tre, ông bán chiếu người Thanh Hóa…
Những khi vào vụ mùa lại có những chuyến xe bán bồ đựng thóc chạy khắp mọi ngõ trong làng, họ người Quảng Nam. Những địa danh lần đầu tiên tôi được nghe hoặc chỉ được biết qua sách vở, nay đã được gặp người thật ở ngay rất gần mình. Vậy nên lũ trẻ quê chúng tôi mừng vô cùng khi gặp những chuyến xe bán hàng rong, có khi nhà chẳng mua gì mà cũng cứ chạy theo xe để xem người ta mua bán. Những mặt hàng thuận mua vừa bán được lẩm nhẩm tính giá trị rồi quy đổi với nhau bằng gạo, bằng thóc.
Điều mà tôi nhớ nhất đó là những xe bán bánh ướt dạo. Không biết ở những nơi khác người ta gọi đó là bánh gì, nhưng quê tôi người ta gọi tên là bánh ướt. Loại bánh được tráng từ bột gạo, mỏng tang. Bánh hình tròn, từng chiếc bánh được tráng chồng lên nhau lớp này đến lớp khác đầy cả một thúng. Lúc bán chỉ cần cuốn từng lớp một, phải thật khéo léo để bánh khỏi bị rách.
Thỉnh thoảng lắm, xen giữa những bữa khoai luộc hay xôi nếp, mẹ mua một bữa bánh ướt cho anh em tôi ăn sáng. Bánh ướt mẹ mua thường chấm với nước kho cá là đã ngon lắm rồi. Nếu ăn sang hơn thì cắt nhỏ bánh như sợi phở, chan nước xương hầm ngọt thanh nóng hổi, rắc lên tô một nhúm hành ngò là ngon như ở ngoài hàng. Thời ấy, năm bơ gạo đổi được một cân bánh ướt. Cứ đến dịp rằm hay nhà có đám giỗ mẹ hay đổi bánh ướt. Những hôm đó, tôi nhận nhiệm vụ mẹ giao ra đầu ngõ đón xe cô bán bánh từ sớm, mẹ sợ cô bán hết hàng lỡ việc. Chúng tôi, những đứa trẻ con đầu tóc vàng hoe cháy nắng, da đen nhẻm, đứng quây bên chiếc xe để xem cô cuốn bánh, đặt lên chiếc cân đã cũ kỹ.
![]() |
Thường ghé nhà tôi còn có cô bán nước mắm. Cô người miệt biển, bằng tuổi của mẹ, dáng người khỏe khoắn. Chiếc xe lúc nào cũng chở lỉnh kỉnh những thùng hàng là ruốc và nước mắm. Mỗi lần đi ngang lại nghe văng vẳng tiếng rao “Ai nước mắm không?”. Chất giọng người miền biển vang vọng, đứng cách mấy ngõ vẫn còn nghe. Cứ mỗi tháng một lần, mẹ lại gọi cô vào đổi gạo lấy nước mắm, ruốc. Xen giữa cuộc mua bán là những câu chuyện thân tình về gia đình, làng xóm. Có khi mẹ còn biếu cô thêm bó rau vườn nhà hay mời cô ăn mấy củ khoai lang luộc sẵn. Nghĩa tình người quê đơn giản, thật thà vậy thôi nhưng cũng quý lắm.
Và được đợi chờ nhất trong những chuyến xe hàng rong là những chú bán kem. Giữa trưa hè chang chang nắng, vậy mà chỉ cần nghe âm thanh quen thuộc “pi pọ pi pọ” đầu ngõ là đã ba chân bốn cẳng chạy ngay ra, sợ chú đi mất. Những mảnh sắt vụn, chai nhựa, giấy cũ, hay cả lông gà lông vịt đổi lấy mấy que kem ngọt lịm, mát lạnh cũng đủ làm lũ trẻ quê khoái chí. Rồi những chuyến xe bán chiếu, bán rổ rá, bán đồ nhựa thỉnh thoảng mẹ mới gọi mua.
Cuộc sống khó khăn nên mua gì cũng phải tính tới tính lui rồi mới quyết định. Thời đó, tivi, điện thoại thông minh chưa phổ biến như bây giờ, trẻ con ở quê rủ nhau chơi mấy trò chơi quen thuộc và quanh quẩn nơi xóm làng, đồng ruộng. Thế giới bao la ngoài kia là điều mà chúng tôi luôn muốn khám phá tìm tòi. Những chuyến xe bán hàng rong không chỉ đưa đến cho quê nhà những món đồ thiết yếu. Mà hơn thế còn là những khác lạ về giọng nói, sự khác biệt vùng miền và có khi thông qua câu chuyện của những người bán hàng quen thân, chúng tôi còn biết được thêm phong tục tập quán của những nơi xa xôi chưa từng đặt chân tới.
Những chuyến hàng rong mang bóng dáng của những phận người tha hương bươn chải kiếm sống ở nơi đất khách. Họ cũng dãi nắng dầm mưa, cũng đổ mồ hôi trên những con đường làng ở xứ người lạ lẫm, đồng tiền chắt chiu kiếm được để gửi về cho con cái ở quê nhà. Cũng như bao người quê tôi mỗi khi gọi những chuyến xe bán hàng rong dừng lại là cũng cố gắng mua sắm thêm một chút gì đó để cuộc sống gia đình, con cái bớt thiếu thốn. Ai ai cũng có những phận sự khác nhau trong cuộc đời này, nhưng đích đến cuối cùng đều muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho gia đình.
Những chuyến xe bán hàng rong và những tiếng rao văng vẳng trên đường làng xao xác bóng tre bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Những con người năm ấy giờ chắc cũng đã già, đôi chân có lẽ cũng chẳng thể đi xa. Liệu họ có còn nhớ về những nơi họ đã từng đi qua, từng gắn bó một thời gian dài trong hành trình cuộc sống. Còn tôi, vẫn cứ nhớ về những chuyến xe và những con người ấy như một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ.
Đoàn Thị Thu Hương