Thanh âm mùa đông

  • 10:12, 15/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

1. Một buổi sáng se lạnh, mẹ tôi chợ về, không thấy mua mấy cái bánh đa để chia phần cho đàn con như thường lệ. Mẹ ra góc vườn, chặt một cây mía to, róc sạch, ngắt từng lóng một. Anh em chúng tôi tranh nhau những lóng mía gần gốc. Mẹ bảo, không phải tranh, mùa đông đã về “gió heo mía trèo lên đọt”, lóng nào cũng ngọt như nhau cả.

Thuở nhỏ tôi chỉ thích mùa đông bởi mía ngọt, vì bình thường tôi phải nhường em, mình ăn lóng mía đọt nhạt phèo. Ngoài ra, còn thêm điều nữa là đêm nằm ngủ được ôm ba thật chặt. Nhưng rồi em út ngày mỗi đông, “đặc quyền” đó cũng bị chúng “tước” mất.

Còn lại tất tần tật, mọi nguyên nhân đều biến mùa đông thành “kẻ thù”. Trước hết là rét, tôi gầy gò ốm yếu nên không chịu nổi rét. Đã thế, do nhà nghèo nên không có một cái áo ấm đúng nghĩa. Sáng sớm đi học, mặc vài cái áo rách vào trong, ngoài mặc cái áo lành. Gió mùa đông bắc thổi vù vù, gió đem cái rét luồn vào cổ, luồn vào những lỗ áo rách, thấu tận xương. Gió luồn vào hai lỗ tai nghe ong ong một lúc rồi nhức buốt. Để chống lại cái rét, tôi cắm đầu chạy, khi mệt dừng lại, tuy có đỡ rét, nhưng hơi thở nhanh lại hít vào không khí lạnh. Đến được lớp là ho sặc sụa và mũi nước chảy ròng ròng.

Ảnh M.Q
Minh họa: Minh Quý

Rét mà không mưa còn đỡ, chứ kèm mưa phùn thì thực sự thảm họa. Mưa mùa đông ở quê tôi cứ dầm dề, lích rích, hết ngày này sang ngày khác. Nhà được vài tấm ni lon làm áo mưa cỡ lớn, phải dành cho ba mẹ ra đồng cả ngày. Anh em chúng tôi chỉ có những tấm ni lon chắp vá, có khi còn thủng nhiều chỗ. Đường bùn lầy, trơn trượt, gió còn mang cả rét cả mưa lọt vào, có khi ướt hết cả áo ngoài. Lột áo lành ra thì sợ lòi áo rách, nên cứ mặc luôn cả áo ướt vừa học vừa run cầm cập.

Mưa, gió, rét còn làm cho anh em chúng tôi tức giận vì một nguyên nhân là không được đi chạp mả. Hồi đó đói, nên trẻ con thèm miếng xôi, miếng thịt lắm. Chỉ mong đến ngày chạp mả tổ tiên để được đi. Quê tôi chạp mả đầu tháp chạp “một ngày nắng chín ngày mưa”. Ba nói, nếu nắng thì cho đi, mưa thì ở nhà. Chúng tôi ngồi cầu trời khấn đất, nhưng nhiều năm đành bất lực trước mưa phùn.

2. Mùa đông về với tuổi thanh xuân, cũng mang theo cái lạnh len lỏi vào từng hơi thở. Nhưng lúc này, mùa đông không còn là mùa của giá rét, nó luôn gợi lên một cảm giác ấm áp dịu dàng, bởi đó là mùa tôi biết yêu.

Tôi còn nhớ, vào một ngày lạnh buốt, em xuất hiện với chiếc khăn len màu xanh đậm, bước chân nhẹ nhàng như sợ làm vỡ đi sự tĩnh lặng của trời đất. Tôi nắm lấy tay em, cái lạnh từ đầu ngón tay như tan ra, nhường chỗ cho hơi ấm ngọt ngào lan tỏa.

Mùa đông và tình yêu, có lẽ vốn là hai kẻ đồng hành. Cái lạnh khiến người ta cần nhau hơn, muốn gần gũi để sẻ chia hơi ấm. Với tôi, những ngày đông khi ấy là những lần cùng em đi dưới ánh trăng đông mờ nhạt, đôi lúc dừng lại để xoa tay cho em giữa cơn gió bấc; là những lần ngồi bên nhau chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn thế giới bên ngoài.

Nhưng mùa đông cũng chẳng bao giờ là mùa dễ dàng. Những con đường phủ đầy sương giá đã làm tôi nghi ngại, liệu bản thân có đủ mạnh mẽ để giữ chặt em qua những sóng gió của cuộc đời? Tôi đã từng sợ, nếu một ngày em rời đi, tôi sẽ không còn gì để bám víu trong mùa đông lạnh lẽo này nữa. Thế nhưng, tình yêu không phải là một thứ dễ dàng mất đi. Tôi đã học được cách trân trọng từng khoảnh khắc bên em. Tôi đã hiểu rằng tình yêu không nằm ở những lời hứa hẹn mãi mãi, mà là việc sẵn sàng nắm tay nhau đi qua những ngày giá lạnh nhất của cuộc đời.

3. Sáng nay thức dậy, tôi nghe tiếng gió rít ngoài ô cửa, cảm nhận cái lạnh mơn man trên làn da, chợt nhận ra mùa đông của đời người cũng đang ghé qua.

Ở tuổi U60, mùa đông không còn chỉ là cái lạnh ngoài trời. Nó là một thứ cảm giác sâu lắng hơn, một nỗi cô tịch len vào từng nhịp thở, từng tiếng thở dài giữa đêm khuya. Đôi khi, trong cái tĩnh lặng của mùa đông, những thanh âm của quá khứ chợt vọng về xa xôi.

Tôi nghe tiếng tí tách của bếp lửa nhà quê trong mùa đông. Khi ấy, cả nhà quây quần bên nồi khoai luộc, lửa hồng cháy bập bùng, xua tan giá rét. Những câu chuyện cũ kỹ của bà, những tiếng cười của cha mẹ, và cả tiếng nô đùa của anh em giờ đây đã thành những kỷ niệm nhòe nhạt.

Và mùa đông còn là những thanh âm của trách nhiệm, là tiếng khóc của con thơ trong đêm lạnh, tiếng chân vội vã khi đi làm về muộn, tiếng thở dài của những giấc mơ bỏ dở. Những mùa đông ấy ồn ào nhưng thấm đượm sự ấm áp, bởi tôi biết mình đang sống cho người khác, cho những yêu thương lớn lao và thầm lặng.

Giờ đây, mọi thanh âm ấy dường như dịu lại, như lớp sương mờ phủ lên mọi góc khuất của cuộc đời. Con cái đã trưởng thành, mái tóc đã pha sương, trái tim cũng đã bớt sôi nổi. Nhưng mùa đông ở tuổi này lại mang một nét đẹp khác, sự tĩnh lặng để chiêm nghiệm, để nhớ về những thanh âm cũ, để học cách yêu quý những âm thanh hiện tại.

Tôi nghe tiếng lá khô xào xạc trên hiên nhà, như nhắc mình rằng thời gian là điều không thể níu giữ. Tôi nghe tiếng kim đồng hồ nhịp nhàng, báo hiệu rằng từng khoảnh khắc trôi qua đều đáng quý. Tôi nghe tiếng gió luồn qua những kẽ hở của ký ức, và bất giác mỉm cười.

Mùa đông của U60 không còn cuồng nhiệt, nhưng nó dịu dàng và bao dung. Đó là mùa đông của những chiều ngồi bên tách trà nóng, lắng nghe âm thanh từ bên trong tâm hồn mình, chậm rãi đi qua những ngày tháng cuối cùng của năm.

Và trong sự tĩnh lặng ấy, nó nhắc ta rằng, dẫu đời người có trải qua bao mùa đông đi nữa, trái tim vẫn luôn có khả năng giữ ấm bằng ký ức, bằng những yêu thương từng có, và bằng chính sự bình yên của hiện tại.

Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Thấm ướt ngọn bút
Thấm ướt ngọn bút

(QBĐT) - Ngày xưa, nho sinh, quan lại nơi quan trường, những người hay chữ…, thường thấm ướt ngọn bút lông vào nghiên mực để viết chữ thánh hiền, và sau này, ở Việt Nam thêm cả chữ Nôm; không có mực, không thể viết. Chuyện xưa, chép lại (từ sách Tùy thư, Trung Quốc): Tùy Cao Tổ lệnh cho quan Nội sử Lý Đức Lâm chấp bút soạn thảo chiếu thư. Cao Dĩnh đứng bên cạnh than vãn: "Bút khô hết cả mực rồi". Một viên quan trong triều là Trịnh Trạch cũng nói chen vào: "Tiền đâu mà mua mực". Nghe vậy nhà vua liền xuất tiền mua mực cho Lý Đức Lâm. Từ đó mọi người dùng chữ "nhuận bút" để chỉ người viết văn được trả thù lao. (Theo HD, Tạp chí Xưa Nay số 117 tháng 6 /2002, tr.28)

Quảng Bình quan chứng nhân lịch sử
Quảng Bình quan chứng nhân lịch sử

(QBĐT) - Quảng Bình quan

        Qua nắng

             Qua mưa

                  Qua bão bùng, giông tố

Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Đồng Hới, thành phố du lịch đang trên đà phát triển để ngày càng hiện đại, văn minh.