Thấm ướt ngọn bút

  • 08:12, 15/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày xưa, nho sinh, quan lại nơi quan trường, những người hay chữ…, thường thấm ướt ngọn bút lông vào nghiên mực để viết chữ thánh hiền, và sau này, ở Việt Nam thêm cả chữ Nôm; không có mực, không thể viết. Chuyện xưa, chép lại (từ sách Tùy thư, Trung Quốc): Tùy Cao Tổ lệnh cho quan Nội sử Lý Đức Lâm chấp bút soạn thảo chiếu thư. Cao Dĩnh đứng bên cạnh than vãn: “Bút khô hết cả mực rồi”. Một viên quan trong triều là Trịnh Trạch cũng nói chen vào: “Tiền đâu mà mua mực”. Nghe vậy nhà vua liền xuất tiền mua mực cho Lý Đức Lâm. Từ đó mọi người dùng chữ “nhuận bút” để chỉ người viết văn được trả thù lao. (Theo HD, Tạp chí Xưa Nay số 117 tháng 6 /2002, tr.28)

Từ điển Hán Nôm online thivien.net giảng nghĩa chữ nhuận (潤) là “thấm ướt, làm cho khỏi khô”, chữ bút (筆) là cái bút (dùng để viết). Theo đó, nhuận bút 潤 筆 có nghĩa đen là: Làm cho ngòi bút được thấm ướt (chấm mực) để viết. Nhà thơ Nguyễn Khuyến có bài thơ Canh Dần thanh minh bày tỏ tâm trạng man mác buồn của mình khi đã qua tiết thanh minh rồi mà trời vẫn mưa dầm dề, trong đó dùng hai chữ nhuận bút 潤 筆 với nghĩa gốc thấm ướt ngọn bút (chấm mực) để cảm tác:

北窗許久凄涼甚,

潤筆含杯意未平。

Phiên âm: Bắc song hứa cửu thê lương thậm/Nhuận bút hàm bôi ý vị bình

Dịch nghĩa: Bấy lâu nay ở trước cửa phía bắc thấy buồn bã tệ/Nhấm bút đề thơ ngậm chén uống rượu nhưng lòng vẫn chưa nguôi;

 Dịch thơ: Bấy lâu cửa bắc ngồi buồn bã/Uống rượu làm thơ dạ chẳng nguôi. (Quế Sơn thi tập)

Tờ tin Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin số xuân Ất Hợi 1995.
Tờ tin Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin số xuân Ất Hợi 1995.

Từ tích xưa mua mực thấm ướt ngọn bút chép trong sách Tùy thư, chữ nhuận bút phái sinh thêm nghĩa mới dùng để chỉ việc người viết văn được trả thù lao, được trả công viết chữ/sáng tạo, người đời sử dụng lâu dần và ổn định, nên đã tập hợp vào từ điển ngôn ngữ: “nhuận bút 潤 筆: làm cho ngòi bút được thấm ướt, chỉ số tiền trả cho người viết văn, viết báo” (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng).

Theo các nhà nghiên cứu, tại Trung Quốc, việc trả nhuận bút cho các tác phẩm văn, thơ, câu đối, văn bia… có từ thời kỳ nhà Tần, đến thời nhà Đường thì khá thịnh hành; tuy nhiên, nhuận bút không chỉ là quan tiền mà còn được trả dưới nhiều hình thức rất đa dạng: Vàng, bạc, ngựa, lụa, cây bút, nghiên mực, chén rượu, một bài hát… Và nhuận bút không được trả theo một định mức nào, có thể rất cao: 40-50 vạn quan cho những bài Sự thuyết, Mã thuyết của Hàn Du, nhưng cũng có thể chỉ là sự qua lại tượng trưng: Người thụ hưởng tác phẩm đến nhà trồng giúp cho vườn rau hay mấy luống hoa khi nhận được bài thơ,văn tế, văn bia… của nhà thơ Đào Uyên Minh.

Ở Việt Nam cũng vậy, tác phẩm Ngọa Long cương vãn của “lão chăn bò” Đào Duy Từ (1572-1634) đã đưa đến cho ông một khoản “nhuận bút” đặc biệt: Được chúa Nguyễn Phúc Nguyên khen “có tài vén mây rẽ mù, đủ thuật dẹp loạn, lập trị”, cho vào triều diện kiến, tin dùng; rồi từ đó, Đào Duy Từ trở thành công thần tài ba lỗi lạc của triều đình, như ông từng tự tin bày tỏ trong tác phẩm: Chúa hay dùng đặng tôi tài/Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên. Còn tác phẩm 5 tập Toàn Việt thi lục do Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn, một hợp tuyển thơ 5 thế kỷ, có khoảng 3.000 bài thơ của hơn 200 tác giả, được vua Lê Hiển Tông khen và thưởng cho 20 lạng bạc.

Với trường hợp tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát (1827-1876) thì lại khác: Là bộ sử thi bằng văn vần kể chuyện lịch sử với hơn 2000 câu thơ lục bát, trong đó có những câu được tuyển vào sách giáo khoa cấp 1, mà nay hẳn nhiều người còn nhớ: Bà Trưng quê ở châu Phong/Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/Chị em nặng một lời nguyền/Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân...

Với giá trị sử liệu, giá trị văn chương của tác phẩm, vua Tự Đức phải chịu tài của Lê Ngô Cát, nhưng không hiểu sao nhà vua chỉ trả nhuận bút cho tác giả một vuông đũi và 2 đồng mà thôi, khiến Lê Ngô Cát sau này ứng khẩu làm 2 câu thơ, với tâm trạng buồn, vui không thể biết: Vua khen thằng Cát có tài/Ban cho cái khố với hai đồng tiền.

Thời gian này, không chỉ ở chốn bác học mà nơi bình dân cũng có “chế độ” trả nhuận bút cho người sáng tạo văn học dân gian rất độc đáo. Làng Cao Lao (Bố Trạch, Quảng Bình) quyết định tặng một ao cá cho tác giả làm nên bài Vè làm Cửu khúc long khê dài gần 100 câu mà ai cũng thuộc nằm lòng: Trai đồng tâm hiệp lực/Gái đơn tử hồ tương/người lên xuống chật đường/vui cũng bằng đi hội(…)/ Tu bổ khúc Cửu Long/Thủy lai triều nước mới/Nhà nông phu cũng lợi/Lúa thu lượm đầy tay/Gạo dư thừa trích để. Cửu khúc Long khê đã góp phần làm cho làng Cao Lao một thời được mệnh danh là vùng “cơm côi (trên) cá đưới (dưới)”.

Đến thời hiện đại, việc trả nhuận bút cho các tác phẩm báo chí, văn học, xuất bản phẩm đã đi vào định chế, ổn định hơn, nhưng độ chênh mức nhuận bút ở nhiều nơi, nhiều giai đoạn vẫn rất phổ biến, bởi tùy năng lực tài chính của cơ quan sử dụng tác phẩm. Chúng ta đã từng nghe, tiểu thuyết Đất làng của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú được trả nhuận bút đủ mua căn nhà 2 tầng khá lớn tại Hà Nội, bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan được trả tiền bản quyền (một dạng nhuận bút trả một lần) 100 triệu đồng thời giá 2004…

Tuy nhiên cũng có không ít đơn vị đang phải trả nhuận bút cho các tác phẩm báo chí, văn học, xuất bản ở mức thấp và đó là một thực tế mà hầu hết người cầm bút đều thấu hiểu và chấp nhận… Nhớ một kỷ niệm về nhuận bút của tờ Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin số xuân Ất Hợi 1995 (thuộc Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Bình) thời kỳ đầu những năm tách tỉnh vô cùng gian khó. Tờ Thông tin số Xuân 16 trang, khổ 21cmx29cm, được bộ phận tham mưu đề nghị chi trả tổng số nhuận bút 1.285.500 đồng; tuy nhiên, Tổng Biên tập yêu cầu tham mưu lại với bút phê: “giải quyết 700.000 đồng, tính lại”, giảm gần một nửa so với kỳ vọng. Ấy là do Tết đến xuân về, những người tham mưu đã quá lãng mạn mà quên rằng, kinh phí sự nghiệp của ngành cũng rất hạn chế cùng với khó khăn chung trong những ngày đầu chia tỉnh.

Tuy nhiên, mặc dù nhuận bút chỉ mang tính tượng trưng như vậy, nhưng trong một thời gian dài, Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin vẫn đều đặn nhận được sự cộng tác kịp thời và chất lượng của hàng trăm tác giả, cộng tác viên là lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, văn nghệ sĩ, nhà báo, cộng tác viên… trong và ngoài tỉnh khiến những gì còn lưu trữ của tờ tin này đã trở thành một phần tư liệu đáng tin cậy, ít nhiều đóng vai trò “nhân chứng” cho những ai muốn trở về với những ký ức chưa xa. Mới hay việc “thấm ướt ngọn bút” (nhuận bút) cho xứng đáng là rất quan trọng, nhưng cũng không phải là tất cả đối với người cầm bút.

Những năm gần đây, các cơ quan báo chí lớn của tỉnh: Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Tạp chí Nhật Lệ và một số tờ tin, chuyên san, tạp san ngành… đã có quan tâm tăng mức nhuận bút lên một mức đáng kể, tạo điều kiện tốt cho các tác giả, cộng tác viên có động lực thấm ướt ngọn bút của mình theo nghĩa gốc, góp phần cùng quý báo phục vụ độc giả.

Trần Hùng

Tài liệu tham khảo:

- Tạp chí Xưa Nay số 117 tháng 6/2002, số 121 tháng 8/2002.

- Trịnh Nguyễn Diễn chí, Nguyễn Khoa Chiêm, Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, 1986.

- Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên online 30/10/2022, Thái Văn.

- Báo Bình Phước online 27/10/2019.

- Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, ngày 14/3/2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vự báo chí, xuất bản.

tin liên quan