(QBĐT) - Quảng Thủy là xã vùng Nam TX. Ba Đồn. Trước 1945, Quảng Thủy có tên là xã Lâm Xuân, tổng Thuận Thị, phủ Quảng Trạch; sau 1945 là làng Lâm Xuân xã Chung Anh, sau lại là làng Lâm Xuân xã Minh Trạch (Quảng Trạch). Năm 1955 chia tách xã Minh Trạch, Lâm Xuân trở về địa giới hành chính cũ, với danh xưng xã Quảng Thủy cho đến nay.
Đây là vùng quê nghèo, đất không rộng, người không đông, nhưng là một trong những làng quê có truyền thống lịch sử-văn hóa. Đây là làng quê không phải “Bát danh hương” nhưng cũng nổi danh về khoa bảng, anh dũng kiên cường với trận chống lính Pháp đi càn năm 1947... Vùng quê này cũng được nhiều người biết đến với hát Kiều, hát nhà trò,...
Về tín ngưỡng tâm linh, đến những năm thập niên 60 thế kỷ XX, vẫn còn khá nhiều cơ sở thờ tự thần linh. Trong đó, đáng kể, như: Đình làng (thờ thần thành hoàng, đức thủy tổ các dòng họ), chùa Lâm Xuân (thờ Phật), miếu Cá Ông (thờ cá voi), miếu Ông Nghè (thờ những người đỗ đạt), điện Thánh (thờ Tam Tứ Phủ), miếu Thành hoàng (thờ vị tướng trẻ họ Trần, thời Lê Sơ), miếu Quan Bổn thổ (thờ thần Thành hoàng Nguyễn Duy Ninh), miếu Ông Voi (thờ ông Cao Biền), miếu Ông (thờ Cao Các Mạc Sơn), miếu Bà (thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa)... Tiếc là do nhiều nguyên nhân, nay chỉ còn cụm di tích tâm linh khu vực Khe Cà-Rú Cấm thuộc núi Động Ngùi (miếu Thành hoàng Quan Bổn thổ, miếu Ông Voi, miếu Ông, miếu Bà), các miếu mạo khác đã không còn dấu tích (đình làng, chùa Lâm Xuân, miếu Ông Nghè, miếu Cá Ông, miếu Điện Thánh...).
![]() |
Cũng như một số nơi, đình, đền, miếu mạo ở Quảng Thủy không chỉ là những di tích tín ngưỡng tâm linh..., mà còn là những di tích có giá trị lịch sử-văn hóa. Đình, đền, miếu mạo... gắn với sự hình thành, tồn tại và phát triển của làng xã, gắn với hoạt động của các lực lượng kháng chiến trong những giai đoạn cách mạng nhất định (nơi gặp gỡ, liên lạc, hội họp, sinh hoạt, ẩn trú... của lực lượng Việt Minh...). Có thể nói, đình, đền miếu mạo ở Quảng Thủy đã có những đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Những đóng góp quan trọng đó đã được sử sách địa phương ghi nhận.
Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thủy, tập I ghi: “Các cuộc hội họp tuyên truyền giáo dục cách mạng được tổ chức ở các nghè, miếu”; “Năm 1940, theo phân công, đồng chí Võ Huệ (đảng viên chi bộ Bình-làng Trung Thôn), với tay nghề nề, mộc... đã thâm nhập tốp thợ trùng tu, tôn tạo đình làng để giác ngộ cách mạng cho một số con em Lâm Xuân”; “Trong số đó có ông Trần Quốc Thắng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1942” (đảng viên đầu tiên của xã Quảng Thủy); “Đại hội Chi bộ xã Minh Trạch vào tháng 6 năm 1950 tổ chức tại đình làng Lâm Xuân”...
Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Trạch, tập I cũng ghi: “Đầu tháng 8/1945, 20 chiến sĩ tự vệ được tuyển chọn từ trong các chi bộ đảng làm lễ ra mắt, ăn thề tại Động Ngùi, sau đó kéo về Trung Thuần luyện tập...”; “...Phủ ủy triệu tập hội nghị họp tại Động Ngùi...”; “Ngày 21/7/1945, Ban Chấp hành Phủ ủy Quảng Trạch triệu tập hội nghị... Chủ trương thành lập tự vệ... Lấy làng Trung Thuần làm căn cứ địa của phủ và xây dựng thêm các căn cứ ở Động Ngùi (Lâm Xuân), Tiên Lệ, Thổ Ngọa...”; “Chi bộ Trung Thôn chuẩn bị phương án thứ hai lập căn cứ địa ở Động Ngùi làng Lâm Xuân (nay là xã Quảng Thủy)”...
![]() |
Ngoài ra, theo truyền khẩu, khoảng những năm 1945-1950, quân Pháp nhiều lần lùng sục, vây ráp, tìm diệt cán bộ Việt Minh, du kích ở khu vực Đình làng, các nghè miếu thuộc núi Động Ngùi. Đã có lần chúng đốt miếu Thành hoàng Quan Bổn thổ, bắn chết ông Nguyễn Mót (du kích), bắn bị thương ông Nguyễn Boi (du kích), bắt ông Hoàng Áp (tu sỹ)... Vết tích súng nổ, đạn bắn... hiện còn hằn sâu trên một số vách tường miếu Bà, miếu Ông...
Đình, chùa, miếu mạo ở Quảng Thủy không chỉ được sử sách ghi nhận mà vẫn lưu giữ mãi trong tâm thức người dân. Tiếc là do nhiều nguyên nhân, nay chỉ còn miếu Thành hoàng Quan Bổn thổ được dòng họ Nguyễn Duy quản lý, bảo tồn, tôn tạo... Còn lại, có miếu thì không còn dấu tích (đình, chùa, điện Thánh, miếu Cá Ông, miếu Ông Nghè...), có miếu thì vẫn còn nhưng đã hoang phế (miếu Ông Voi, miếu Ông, miếu Bà)...
Thiết nghĩ, những di tích tâm linh ở Quảng Thủy không thuần túy chỉ là cơ sở tín ngưỡng tâm linh mà nó đã là một phần của lịch sử. Dẫu hơi muộn nhưng không thể lãng quên. Người dân Quảng Thủy đang mong muốn các cấp chính quyền cần sớm quản lý, duy tu, tôn tạo, công nhận đây là những di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.
Hoàng Trinh