(QBĐT) - Trong một quãng ngắn tầm 2-3 cây số, khoanh một vòng cung be bé ra phía công viên hồ sen, đó là Cộn của tôi. Những con đường phẳng mịn sau nhiều năm nhọc nhằn thi công đã lộ rõ hình hài, diện mạo của Cộn trở nên tươm tất và sạch sẽ. Trục đường chính Lý Thái Tổ đi qua một hàng điệp lâu năm, mùa hè trổ hoa vàng rợp cả khoảng trời, bóng tỏa lề đường bên này sang quá nửa lòng đường rộng lớn bên kia. Mùa hè, quãng ấy hàng ngàn tiếng ve đồng thanh rộn rã. Và, không thể phủ nhận, đó là quãng đẹp nhất mà cũng xôn xao nhất của Cộn.
Theo “Lịch sử Đảng bộ phường Đồng Sơn 1966-2005”, tên gọi Cộn được lý giải như sau: “... năm 1965, khi thực hiện chủ trương sơ tán dân triệt để lên vùng đất phía Tây Đồng Hới, bên cạnh các địa danh: Hà, Trạng, Ba Đa, Cồn Chùa... có địa danh Tiểu khu 5-một đơn vị hành chính trực thuộc Ủy ban hành chính TX. Đồng Hới. Tiểu khu 5 còn có tên gọi khác là “Cộn”. Theo các cụ cao tuổi, do đặc điểm địa hình, dân địa phương gọi vùng đất này là “Cồn”. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ người miền Bắc khi đến đây gọi là “Cổn”; người địa phương, do đặc điểm phát âm gọi là “Cộn”. Tiểu khu 5 có tên gọi khác là “Cộn” bắt nguồn từ đó”.
![]() |
Đồng Sơn nằm sát chân dãy Trường Sơn, trải dài dọc tuyến đường 15, khá phân tán, tương đối cách biệt nhau, từ đó có thể rút sâu vào chân núi khi bị máy bay Mỹ oanh tạc. Thế cho nên sau này, nhà thơ Thái Hải, một người theo cha mẹ gốc Đồng Thành di dân, có những khái quát đầy chất thi ca trong Trường ca Đồng Hới khúc huyền tưởng: Quê mới ơi, phố núi ta ơi/Khi mặt trời lên từ biển/Dần khuất sau chóp núi U Bò/Từng phút từng giờ nặng hơn cối đá//Láng giềng nương tựa vào nhau/Như rừng cây xanh lá/Như rơm rạ ngày mùa/Củ sắn chia đôi/Bát cơm sẻ nửa/Gấp khúc đêm/Mơ bóng phố biển Đông.
Theo Địa chí Đồng Hới của cụ Nguyễn Tú, 2004: Tại thị trấn Đồng Sơn mới (trong đó có Cộn), ngoài các cơ quan Thị ủy, Ủy ban hành chính TX. Đồng Hới còn có thêm 22 cơ quan chuyên môn của tỉnh và Trung ương đến đóng trụ sở, làm sống lại một thời chiến khu Thuận Đức hồi kháng chiến chống Pháp. Đồng Sơn tuy là một thị trấn mới xây dựng nhưng là vì sản phẩm của một thị xã tỉnh lỵ, nên nó vẫn giữ nguyên tính chất tỉnh lỵ, giữ nguyên tính đại diện của TX. Đồng Hới, cho dù thiếu vắng thành quách lâu đài. Thời kỳ này “Nói đến Đồng Sơn là nói đến Đồng Hới, nói đến Đồng Sơn là nói đến tỉnh lỵ Quảng Bình! Đồng Sơn và Đồng Hới, tuy là hai tên gọi, hai đơn vị hành chính, nhưng tính trung tâm hội tụ của tỉnh lỵ vẫn là một”.
Sau ngày tái lập tỉnh, nhiều người rời Cộn về lại quê cũ. Một số người ở lại gắn bó chung thủy với Cộn, con cháu họ trở thành những trụ cột xây dựng Cộn sau này. Thừa hưởng tinh thần và cốt cách của cha ông-những con người ấy-bằng chính sự tinh tế, từng trải, bằng tình yêu với mảnh đất bé nhỏ này, họ đã tạo dựng nên một vùng đất ngày càng đẹp đẽ, khang trang. Có phố xá nhưng không xô bồ. Có biệt thự sang trọng mà rất hiền hòa giữa những khu vườn có cây ăn trái lâu năm lẫn những bon sai nghệ thuật.
Đặc biệt, Cộn có một nét văn hóa ẩm thực lâu bền, được những người gốc Đồng Hới di dân xưa kia trao truyền qua các thế hệ, nhuần nhụy mà rất đỗi lôi cuốn thực khách trở lại khi đã một lần ghé qua.
Không vang danh lẫy lừng như phở Hà Nội hay bún bò Huế, món cháo canh truyền thống của Cộn vẫn mang chứa một phong vị rất đặc biệt, khó lẫn.
Bình dị và khá tuềnh toàng, quán cháo canh truyền thống (trước có tên là cháo canh mệ Luốc) vẫn đều đặn hút một lượng khách chung thủy và kỹ tính. Nguyên liệu chủ yếu làm nên vị ngọt đặc trưng của cháo là tôm. Thịt tôm dùng để làm chả, vỏ và đầu tôm được xay nhỏ, lọc bỏ bã, lấy cốt để nấu nước dùng. Bột để nấu cháo được làm hoàn toàn bằng tay từ gạo nguyên chất, không pha trộn. Tô cháo thành phẩm có màu hồng hồng đặc trưng của tôm. Bao gồm bột, chả tôm cắt lát mỏng, nước dùng và hành lá thái nhỏ. Về vị, ngọt và đậm đà, gần gũi như bát cháo mẹ nấu ở nhà. Cháo rất ngon, nhưng trình bày khá đơn sơ, có thể ví như dáng vẻ thô mộc của một người chân quê tần tảo tốt bụng, tốt tính. Dù nhu cầu xã hội có nhiều thay đổi, song quán cháo canh truyền thống vẫn bình tĩnh giữ nguyên hương vị vốn có. Túc tắc mà bền vững.
Cháo canh của Cộn, ngoài quán cháo canh truyền thống này, những quán khác trong bán kính vài trăm mét vẫn phải nương theo thói quen ẩm thực vừa dung dị nhưng cũng khá khắt khe và tinh tế của cư dân Cộn. Đó là nước phải ngọt. Ngọt này không phải của mì chính, không phải của hạt nêm, mà là ngọt của những nguyên liệu tươi nguyên, dễ kiếm như rạm hay cua đồng, không nữa thì phải của thứ ghẹ be bé nhưng tươi xanh, không nữa thì là của tép đồng tươi, hoặc là đầu, vỏ tôm xay nhuyễn lọc lấy nước.
Đây còn là cái nôi của nghề bánh ướt truyền thống. Người sành ăn, sẽ phân biệt được đâu là bánh ướt được làm bằng bột gạo nguyên chất, đổ bằng tay của cư dân Cộn, đâu là bánh ướt được đổ đại trà bằng máy, pha rất nhiều tinh bột sắn của vùng khác. Bánh ướt Cộn có màu trắng ngần ngà, mướt mịn, tròn như vầng trăng 16, khi bày ra nong, bánh được gập đôi, chỉ còn một nửa của vầng trăng kia. E ấp mà kiêu hãnh với vị bánh dẻo, dai, mềm vừa độ.
Bánh bèo, bánh bột lọc, bánh đúc, bánh ít,... cũng là thức ăn vặt khá phổ biến trong các phường nội thành Đồng Hới. Riêng về bánh bèo, tôi đi ăn nhiều nơi, có cảm nhận, về vị hài hòa có thể tương đương Đồng Hới, Hải Thành, Nam Lý..., nhưng về độ rẻ thì bánh bèo Đồng Sơn-Cộn vẫn vô địch. Thế cho nên, sau nhiều năm hờ hững “bỏ gần tìm xa”, lúc các con đường của Cộn được hoàn tất tinh tươm, tôi trở về khám phá tinh hoa ẩm thực của Cộn, chợt nhận ra Cộn của tôi tuy bé nhỏ nhưng rất đủ đầy, khiêm nhường mà tiếng lành vẫn vang xa.
Cộn, không xa cũng không gần so với trung tâm Đồng Hới, hầu hết những hộ kinh doanh của Cộn đều cha truyền con nối, thành ra, giá cả rất mềm mại. Tiêu chí người Cộn làm cho khách Cộn ăn-vừa bình dân nhưng kỹ tính nên phải sạch, ngon, bổ, rẻ. Những quán cà phê, quán ăn vặt nhỏ xinh, decor nhẹ nhàng, bắt mắt. Vì thế, mỗi cuối tuần, lễ tết, Cộn vẫn điềm nhiên giữ chân khách “nhà” và hút thêm khách từ các vùng lân cận ghé thăm.
...
Cuộc di dân năm ấy đã lùi xa trong tiến trình lịch sử. Đồng Sơn trở về một phường phía Tây của TP. Đồng Hới, trả lại vị trí trung tâm cho Hải Đình, Đồng Mỹ (nay là Đồng Hải), Đồng Phú... nhưng vẫn lưu giữ lại nhiều nét đặc biệt. Giờ đây, dù cho kẻ còn, người mất, nhưng những gì một thế hệ đi qua đã để lại cho Đồng Sơn, cho Cộn những giá trị tinh thần và vật chất vô cùng quý giá.
Thi thoảng đẹp trời, tôi chạy xe thong dong một vòng quanh Cộn, để thấy Cộn bây giờ nên thơ và yên bình quá. Chợt nhớ mấy câu thơ trong “Bài tình cho Đồng Sơn” của thi sĩ Hồ Minh Tâm: Giờ đã là xưa/mai kia chắc gì còn bây giờ để khác/Đồng Sơn là phố/tôi ở muôn năm làng/cơn mưa đi ngang/hai bên đường đồng sơn rộn ràng hồng trắng hồng vàng-cánh bướm...
Cũng bởi tôi thấy mình gắn bó với nơi này quá đỗi. Như thể, phố xá, ngôi nhà, hàng cây, và những món ăn quê kiểng, không đơn thuần là vật chất, mà đã trở thành những giá trị văn hóa tinh thần được bao thế hệ con dân đất Cộn gìn giữ và nâng niu.
Nguyễn Hương Duyên