(QBĐT) - Nông cụ dùng cho hộ gia đình là một nét văn hóa truyền thống của người Việt xưa. và nay. Tuy nhiên, do sự phát triển của khoa học và công nghệ mà ngày nay nhiều vật dụng sinh hoạt của người dân, trong đó có một số nông cụ đã được thay thế bởi máy móc hiện đại. Các vật dụng truyền thống ấy hiện vẫn đang được một số nhà sưu tầm cất giữ, trưng bày như mong muốn giữ lại cho thế hệ sau biết được những nét độc đáo của người đi trước, cũng như để hoài cổ về một thời chưa xa, điều mà chúng tôi muốn nhắc đến là chiếc máy quạt lúa.
Chiếc máy quạt lúa hay còn gọi là xe quạt lúa, xa quạt lúa, ở miền Bắc gọi là quạt hòm. Vật dụng này được đóng bằng gỗ, được di chuyển là do người khiêng đi. Đây là dụng cụ dùng để giê lúa được dùng ở nông thôn trước đây, nay khó mà tìm thấy nữa.
Máy quạt lúa là quạt cho cọng lá lúa và hạt lép bay ra ngoài. Phải có người ngồi quạt thì sẽ tạo được gió làm bay những thứ đó ra. Lúa chắc hạt thì hứng ở thúng có 2 tấm ván xuôi chiều làm cho lúa chạy ra, còn lá, cọng và hạt lép thì bay ra hướng thẳng chiều với hướng cánh quạt gió.
Khi quạt thì phải quạt cho đều tay chứ khi yếu, khi mạnh thì lúa sẽ không sạch. Nếu quạt mạnh thì lúa chắc bay đi, mà quạt nhẹ thì rác cùng một số hạt lép ở lại cùng cho nên đòi hỏi ở người quạt phải có sức khỏe, nhiệt tình với công việc.
![]() |
Toàn bộ máy quạt lúa được làm bằng gỗ, ngoại trừ thùng quạt và cánh quạt bằng tôn (trước làm bằng gỗ), có chiều cao 1,1m, (kể cả phần chân đứng), dài 1,5m. Hai cây khiêng đóng nẹp chặt hai bên thùng quạt, mỗi cây dài 2,4m để khiêng đi. Người ta quay bằng tay để tạo thành sức gió mà tống rơm rác, lúa lép ra một hộc, còn lúa tốt, chắc rơi vào một hộc. Cấu tạo của nó gồm:
- Mâm đựng lúa, dạng hình phễu để đựng lúa, có miệng trên vuông và rộng, miệng dưới nhỏ để cho lúa chảy xuống. Đáy phễu có hai miếng gỗ (nêm mở khóa) để điều chỉnh cho lúa xuống nhanh hay chậm.
- Các ngăn, hộc: Gồm 2 hộc đặt sát bên nhau, hộc ngay dưới đáy phễu đựng lúa chắc, hộc kia nằm lệch về phía gió thổi hứng lúa lép, rác. Trên hộc này có lỗ thoát để bụi bay ra ngoài.
- Thùng quạt: Dạng hình khối chữ nhật hoặc hình tròn được đặt trên một khung gỗ có 4 chân đứng vững chắc. Giữa thùng quạt là một trục quay được gắn ngay tâm của thùng quạt, có tay quay bằng thép.
Nằm phía trong trục quay, có 4 cánh hình vuông, khi tay quay khởi động thì 4 cánh quạt này quay theo chiều kim đồng hồ.
- Trục tay quay: Được làm bằng thanh sắt tròn, để vừa nắm gọn trong lòng bàn tay.
- Bệ khiêng: Có hai cây gỗ vuông dài 2,4m nằm cặp theo chiều ngang của chiếc máy quạt, dùng như hai cây đòn để khiêng xe quạt. Tất cả các bộ phận của xe quạt được đóng bằng gỗ tốt, rất chắc, trừ tay quay bằng thép và cánh quạt bằng tôn.
Do chiều cao khoảng 1,1m nên những người đàn ông có thể dùng thúng xúc lúa đổ lên cái phễu dễ dàng. Khi nào quạt, miệng phễu được mở ra từ từ cho lúa xuống cùng lúc với tay quạt đã bắt đầu quay. Nhà nào không có xe quạt thì mỗi lần muốn giê lúa phải nhờ người phụ khiêng về nhà và chỉ thuê được một hay hai ngày vì vào mùa thu hoạch ai cũng cần đến xe quạt. Nếu mượn trúng xe quạt bằng gỗ tốt thì hai người khiêng không nổi, phải bỏ cái phễu ra riêng cho nhẹ bớt.
Khi đã thuê hoặc mượn được chiếc xe quạt về nhà, thì tùy thời gian rảnh của người nhà hoặc đợi xế chiều bớt nắng là công việc giê lúa bắt đầu và có khi làm thâu đêm. Phải có đủ ba người công việc này mới tiến hành trôi chảy được, một người giữ tay quay; một người xúc lúa đổ lên phễu, và một người hứng lúa chắc đổ một nơi và mang lúa lép đổ gọn một nơi khác.
![]() |
Người có nhiệm vụ quay, phải quay đều tay, không nhanh cũng không chậm quá, để hạt lúa chắc xuống đúng cái hộc thứ nhất. Người thứ hai có nhiệm vụ xúc lúa bằng cái thúng để đổ lúa vào phễu, tránh bị lúa đổ ra ngoài. Người thứ ba là có nhiệm vụ bưng lúa chắc đổ vào chiếc thúng hoặc vào bao như vậy là xong việc làm sạch cho lúa và cất trữ để dùng dần.
Bây giờ, người làm ruộng có phần nhẹ nhàng thong thả hơn vì có máy tuốt, máy thổi thực hiện ngay ngoài ruộng và được các thương lái đến mua ngay. Người nhà chỉ đem chừng 1 tạ lúa về để làm giống và dùng trong thời gian đợi mùa vụ thu hoạch tiếp theo, nên việc phơi lúa, quạt lúa, giê lúa chỉ còn là chuyện quá khứ.
Dù sao, trong một thời gian rất dài, chiếc máy quạt lúa đã giúp cho người nông dân trong việc làm sạch lúa cũng như giảm bớt sức lao động. Chiếc máy quạt lúa giờ đây đã dần mai một, trở thành món đồ cũ mà nhiều người vẫn đang cố tìm để mua về trưng bày ở các quán cà phê hay các viện bảo tàng.
Tôi cũng là người hoài cổ may ra trong dịp đi điền dã, đã gặp được chiếc máy quạt lúa mà chủ nhà không dùng nữa, họ để ngoài vườn, đậy vài ba tấm nilon che mưa nắng, thiết nghĩ rồi nó sẽ hư hỏng nên đã mua về. Và giờ đây nghĩ lại nó quý thật, ý nghĩa thật và rất vui mỗi khi có khách đến nhà thì câu chuyện từ chiếc máy quạt lúa cứ rôm rã không vơi.
Khánh Phong