Quà quê gói trọn ân tình!

  • 07:10, 08/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đất trời những ngày cuối thu đầu đông dường như cũng hòa làm một với lòng người. Bởi muôn người Quảng Bình vẫn đau đáu nhớ về một ngày tháng 10 cách đây tròn 11 năm khi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về lòng đất mẹ. Giờ đây, Vũng Chùa lại đón phu nhân của Đại tướng về an nghỉ vĩnh hằng bên Đại tướng. Và dường như, tình cảm của Đại tướng dành cho quê nhà vẫn vẹn nguyên mãi mãi như những món ăn dân dã của quê hương tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử, thời cuộc. Thế mới biết, dù xa quê hương từ khi còn rất trẻ, nhưng ký ức của Đại tướng vẫn nhớ mãi ẩm thực quê nhà: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, chừ có ngon không?”…
 
1. Lái xe cho Đại tướng suốt hơn 10 năm trời (từ năm 1979-1989), cựu chiến binh Nguyễn Duy Khoa (SN 1954, tổ dân phố 3, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm với Đại tướng và gia đình.
 
Ông chia sẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất gần gũi, giản dị và không hề giữ khoảng cách, bề trên với những người phục vụ mình. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Đại tướng đã nói: Cậu không được gọi là thủ trưởng nhé, cứ gọi là anh Văn, chị Hà và xưng tôi. Cứ như thế, suốt 1 thập kỷ lái xe phục vụ Đại tướng, ông được học hỏi nhiều bài học quý từ Đại tướng, không chỉ trong công việc mà cả trong cách đối nhân xử thế, cuộc sống hàng ngày.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Khoa bên kỷ vật do gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Khoa bên kỷ vật do gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng.
Và đặc biệt, cựu chiến binh Nguyễn Duy Khoa nhớ mãi những bữa ăn rất giản dị, ấm áp của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng chắc hẳn đã rất nhớ những món ăn dân dã, truyền thống của Lệ Thủy, của Quảng Bình và nỗi nhớ đó đặt trọn trong các món ăn hàng ngày của gia đình Đại tướng, thân thuộc, gần gũi như bao gia đình Việt khác.
 
Lâu lâu, Đại tướng lại nói với chị phụ trách nấu ăn chuẩn bị một bữa gọi là “tươm tất” hơn một chút để Đại tướng và phu nhân cùng ăn với anh em lái xe, phục vụ. Vào dịp Tết Nguyên đán, khi nhiều anh em không thể về quê ăn Tết do điều kiện xa xôi, gia đình Đại tướng lại tổ chức gói bánh chưng, mời anh em ăn bữa tất niên với những món ăn cổ truyền trong không khí ấm cúng Tết đến xuân về.
 
Thời kỳ đó, khi các lãnh đạo của huyện Lệ Ninh (cũ) ra thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường mang theo những món quà của quê hương, như: Mật ong, dầu tràm… Nhờ đó, nỗi nhớ quê hương của Đại tướng cũng được khuây khỏa phần nào. Khi ông Nguyễn Duy Khoa xin về quê công tác do điều kiện gia đình khó khăn, Đại tướng đã nói với ông: “Cậu định bỏ tớ đi đấy ư!”. Ông rất xúc động và luôn nhớ mãi những lời động viên, chia sẻ của Đại tướng. Những tháng ngày ở bên Đại tướng là kỷ niệm mãi khắc ghi trong tâm trí của người lái xe năm nào.
 
2. Năm nay đã hơn 92 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Thị Kim Cúc (phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới), nguyên cán bộ cấp dưỡng Cơ quan Giao tế-Chuyên gia Quảng Bình vẫn nhớ không quên một chi tiết nào khi được hỏi về các món ăn mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu thích khi Đại tướng về làm việc tại tỉnh nhà trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Chồng của cụ, ông Nguyễn Thanh Đàm chính là Chủ nhiệm Cơ quan Giao tế-Chuyên gia Quảng Bình, nơi thường xuyên tiếp đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương, quốc tế về làm việc tại quê nhà.
 
Cụ kể, ngày đó, cụ và một số chị em được phân công nấu ăn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày Đại tướng về làm việc tại địa phương. Ấn tượng trong cụ là Đại tướng rất vui vẻ, giản dị và luôn trò chuyện, thăm hỏi mọi người. Trong ăn uống, Đại tướng có sở thích rất đơn giản và yêu thích những món ăn của quê hương, như: Thịt luộc chấm mắm quầy, bún chấm ruốc, rau luộc, cá kho, xôi đậu… Các chị em còn chu đáo làm thêm bánh gai, bánh bèo…, riêng bánh lọc do để lâu thường sẽ bị cứng, ăn không ngon nên chị em không làm.
 
Kỷ niệm cụ nhớ mãi chính là món mắm quầy. Vì tại cơ quan thời điểm đó không có món mắm truyền thống này của địa phương, nên cụ Kim Cúc đã đi xe đạp từ cơ quan về tận nhà của mình để lấy mắm. Cụ kể, có được mắm rồi, khâu chế biến cũng phải sao cho thật ngon, đậm đà với tỏi, hành, ớt, chanh theo công thức gia giảm tùy khẩu vị người sử dụng. Bởi cụ chia sẻ, Đại tướng rất thích ăn món thịt luộc chấm mắm quầy trong mỗi lần về thăm Quảng Bình, nên không thể thiếu món ăn độc đáo này.
 
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong ký ức của cụ Nguyễn Thị Kim Cúc vẫn lưu giữ mãi hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự chân tình, giản dị và sự mộc mạc, giản đơn trong ăn uống cùng tình cảm đậm sâu dành cho những món ăn của quê nhà.
 
3. Theo chia sẻ của nhà báo Đỗ Trọng Thái (nguyên phóng viên Báo Quảng Bình)-người nhiều lần may mắn tham gia tác nghiệp khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hay theo các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh ra Thủ đô Hà Nội thăm Đại tướng, Đại tướng rất yêu thích những món ăn quê hương, nhất là mỗi khi về thăm nhà.
 
Còn nhớ trong một lần ăn sáng tại huyện Lệ Thủy, ngoài phở, còn có thêm món trứng vịt lộn và các loại bánh truyền thống của vùng đất “nhì hai huyện”, Đại tướng đều thưởng thức và dành lời khen cho hương vị quê hương. Trong một lần nói chuyện với lãnh đạo tỉnh, Đại tướng còn nhắc nhớ đến món bánh bèo ngày xưa ở đường Cô Tám (nay) mà thuở nhỏ Đại tướng có dịp được ăn, hương vị thơm ngon đó vẫn lưu luyến đến tận bấy giờ. Thế mới biết, dù xa nhà bao năm, nhưng tình cảm dành cho quê hương của Đại tướng vẫn vẹn nguyên, gói trọn qua nỗi nhớ về ẩm thực truyền thống.
 
Những lần lãnh đạo tỉnh ra Thủ đô thăm Đại tướng, bên cạnh chai dầu tràm-sản vật của vùng đồi núi huyện Lệ Thủy dành tặng Đại tướng và phu nhân, còn có cả những chai nước khoáng Bang, mạch nguồn dòng nước tinh khiết ở Kim Thủy và không thể thiếu các thức quà quê gói trọn tâm hồn người dân “gió Lào cát trắng”.
 
Vĩ thanh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân PGS. Đặng Bích Hà đã về với thế giới người hiền, yên nghỉ bên mái đèo Ngang với Vũng Chùa-Đảo Yến nghìn năm cát trắng. Đại tướng đã ở lại với quê hương Quảng Bình-nơi lưu giữ bao kỷ niệm của thời ấu thơ và luôn đón Đại tướng trở về sau bao bể dâu của thời cuộc như những món ăn quê hương chân chất, giản đơn mà chứa đựng cả tâm hồn, tình quê son sắt.
Mai Nhân

tin liên quan

Sợi nắng mưa
Sợi nắng mưa

(QBĐT) - Nhìn những hàng mưa thu rơi xuống trước hiên nhà, hai mái tóc bạc rung rung. Hình như đã có sự bình thản vì không còn tất tả trên cánh đồng chạy lũ.

Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bến là nơi tìm về neo đậu bình yên, cũng là nơi bắt đầu những hành trình mới trên. biển.

Sự viết và tâm thế viết
Sự viết và tâm thế viết

(QBĐT) - Văn chương không giới hạn tuổi tác. Thực tế đã có nhiều nhà văn, nhà thơ khẳng định tên tuổi của mình khi còn trẻ. Và cũng không ít nhà văn, nhà thơ chỉ phát lộ tài năng, được công chúng đón nhận khi đã toan về "già". Dù xuất hiện ở tuổi nào, điều cốt yếu với người viết là tâm thế "viết đến cùng" và khảm cá tính của mình lên mỗi trang viết.