(QBĐT) - Mỗi lần anh vào công tác Quảng Bình, em không quên dặn anh: “Nhớ mua vài túi khoai deo”. Em có bố mẹ gốc Hà Tĩnh, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vậy mà thích loại khoai của một thời cơ hàn. Có lẽ em chẳng biết đến loại sản phẩm này, nếu như một lần, anh không mang về từ Đồng Hới. Cô em họ là gái Hà Tĩnh mua hai gói, làm quà tặng chị.
Anh nhớ, em từng hấp trên nồi cơm điện khi cơm sắp chín. Anh nhớ mùi thơm thuở cơ hàn bay lên khắp nhà. Dìu dịu, ký ức loang dần ra khắp căn phòng ăn của gia đình; nưng nức cánh mũi. Anh xúc động và cảm ơn.
Ngày anh vào Đồng Hới dự lễ kỷ niệm 30 năm Tạp chí Nhật Lệ, trong túi quà có phần quà khoai deo. Khoai deo Quảng Bình từ lâu đã trở thành một thương hiệu, một sản phẩm du lịch. Anh mang về, bày lên bàn, em mừng như gặp lại ký ức của anh.
Em ơi, thực ra khoai deo đâu chỉ là sản phẩm của riêng Quảng Bình. Anh nhớ thời ở quê, thời lam lũ. Những ngày ấy, cả nước đói kém, đâu riêng các tỉnh Bắc miền Trung. Năm nào cũng có hai cữ gọi là giáp hạt, ai cũng từng phải vượt qua hai kỳ giáp hạt. Em chưa hiểu về giáp hạt, anh đã từng giải thích đó là thời điểm gối vụ, thường tháng ba sau Tết Nguyên đán và tháng tám.
![]() |
Thường trong thôn xóm có hộ đủ hạt gạo để ăn, nhưng không thiếu nhà một năm thiếu gạo vài ba tháng ở hai kỳ gối mùa. Vì thế mới có câu “tháng ba ngày tám”. Với ai sinh ra trong những gia đình neo người, hộ nghèo hiểu hơn hết những cơn vật vã.
Nhà anh ít ruộng, neo người thì thế thôi. Nhưng phần đất hợp tác xã chia cho nhà anh cũng đủ loại, nơi cấy lúa, nơi trồng khoai, trồng lạc... Chính vụ bố mẹ cho bọn trẻ ăn đủ ba bát cơm một bữa. Sau mùa bố mẹ có kế hoạch, lo gần, tính xa nên cơm bắt đầu có độn. Càng gần đến giáp hạt thì độn nhiều hơn. Độn khoai lang. Quê anh không có đồi, có khoai, không sắn.
Anh từng kể em nghe, khoai đến mùa thì dỡ ra, cũng như lúa năm được mùa năm thất bát, khoai lang cũng năm nhiều củ, năm ít củ. Sau khi dỡ từ đồng về, khoai được cõng trên lưng bố mẹ về nhà. Chừng 9 đến 10 tuổi anh đã biết giúp bố mẹ ngắt rễ, gốc cây khoai còn dính theo củ, vun củ lại một góc.
Sau khi mặt củ khoai đã bay hết ẩm nước, lựa hết củ sâu, hà rỗ... bố mẹ cho vào góc nhà, dưới gầm phản... thay cho lương thực ăn dần. Sáng bố mẹ luộc khoai, ăn mỗi người vài củ, uống đọi nước chè xanh rồi lại bắt tay vào công việc ngày mới. Mấy anh em bọn anh cũng mỗi người một củ, thay cho bữa sáng. Đứa lớn đến trường, đứa bé quây quần bên ông bà.
Năm khoai được mùa bố mẹ mới chế biến thành thực phẩm dự trữ. Thường củ nhỏ thái lát, củ lớn thái hình vuông, dài như ngón tay. Anh còn nhớ cách gọi hồi đó là “thái con toán”. Ngày nắng, bố mẹ phơi trên sân xi măng, hết phần sân thì phơi trên nong, trên nia. Những lát khoai theo đủ kích cỡ dần dần cong lên, rồi khô cong, trắng lóa... Khi đã no nắng, bố mẹ xúc từng túng đổ vào chum. Anh còn nhớ, giữa từng lớp, bố mẹ lát lá chuối khô. Lá chuối có tác dụng hút ẩm, giữ mùi cho khoai.
Năm nao khoai được mùa, mẹ thường làm khoai deo. Vì sao phải chọn năm được mùa? Vì để làm khoai deo, phương pháp cổ điển hồi đó anh còn nhớ là mẹ luộc lên. Khi chín khoai thì vớt ra rổ, chờ khoai nguội bố thái lát ra để phơi. Như vậy là hao khoai. Mấy ai dám luộc lên cả để làm khoai deo? Ngày đó mẹ đã biết luộc khoai deo, sau khi phơi no nắng thì cất vào ché. Ché cũng làm bằng đất nung, quê anh gọi là sành, nhưng nhỏ hơn chum. Đó là phần quà mẹ thưởng mỗi khi đi học về có điểm 10 cô giáo cho đỏ chót trong vở tập viết.
Anh còn nhớ, nếu mẹ chọn nhầm củ khoai, tên hồi đó là loại khoai hồng quảng lắm bột thì miếng khoai deo vẫn cứng. Những loài khoai dẻo, không có bột khi làm khoai deo ngọt lắm. Đặt lên lưỡi đã thấy ngọt, cảm nhận được vị ngọt.
Năm mười bảy tuổi anh xa quê, thời gian nghỉ hè giữa các năm học đại học không còn thấy bố làm khoai deo nữa. Có lẽ khoai deo trong nhà có được là nhờ mẹ. Mẹ anh đã mất trước đó, vì bạo bệnh. Thời gian càng lùi xa, trong thôn xóm, anh dần dần thấy thiếu vắng khoai deo. Gần như cả Nghệ An, Hà Tĩnh sau lũy tre làng không còn khoai deo.
Chỉ còn Quảng Bình giữ lại được khoai deo trong đời sống, biết nâng lên thành hàng hóa. Quảng Bình là quê hương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, khoai deo ngày càng định vị, trở thành một sản phẩm du lịch của du khách nếu có dịp đến “vương quốc hang động”.
Mình thường hay kêu ca khách du lịch, cả Tây và ta đến một lần không hẹn ngày trở lại, mang tiền đi rồi lại mang về, nguyên nhân là thiếu các sản phẩm du dịch từ vật thể đến phi vật thể. Khoai deo Quảng Bình đã và đang là một thành tố, vừa vật thể, vừa phi vật thể. Đối với anh khoai deo không chỉ còn là vật thể mà nó là còn ký ức, hoài niệm, là xa vắng trở về với hôm nay.
Em biết không, người miền Trung cương cường, vì từ xa xưa tổ tiên đã biết dùng các loại “sâm” từ thiên nhiên. Rau má bắt đầu từ người xứ Thanh, rau lang với người Bắc miền Trung đấy là “sâm” đấy. “Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang” (thơ Trần Mạnh Hảo). Khoai lang vào thi ca, trở thành ẩn dụ của vẻ đẹp.
Anh muốn đến xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) để ngắm những luống khoai lang, những vựa khoai lang đỏ được dùng làm khoai deo mà chưa đến được. Chắc chắn sẽ nhiều cảm xúc. Anh sẽ kể em nghe từng giọt mồ hôi nhỏ xuống trên luống khoai Tân Định đã góp phần làm nên hương vị khoai deo.
Anh nhớ câu ca xưa rằng: “Ngày mùa tưới đậu trồng khoai/Ngày ba tháng tám mới ngồi mà ăn”. Vị trí của khoai lang là chờ “tháng ba ngày tám”. Nhưng cũng cha ông để lại câu ca dao: “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng” chứa thông điệp về nâng niu giá trị.
Khoai deo Quảng Bình đã trở thành một giá trị trong chuỗi giá trị kinh tế, văn hóa. Bỗng, anh nhớ bàn tay cha ngồi thái khoai bên hè, nhớ dáng mẹ lật từng miếng khoai trên nong giữa nắng. Ký ức hừng lên ấm áp, an yên.
Ngô Đức Hành