(QBĐT) - Xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) được thành lập năm 1643. Với lịch sử hơn 380 năm xây dựng và phát triển, Cảnh Dương là một trong “Bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình. Năm 2023, tác giả Trần Quang Bình, một người con của quê hương này đã biên soạn tập sách “Giáo dục và khoa cử Cảnh Dương, xưa và nay”. Tác phẩm được trao giải A trong cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. Tập sách tập hợp, biên soạn về lịch sử giáo dục và khoa cử Cảnh Dương từ năm 1643 đến nay, với quá trình phát triển vững chắc và liên tục, bất chấp những biến cố thăng trầm trong lịch sử của quê hương, đất nước.
Giai đoạn đầu kể từ thành lập làng đến năm vua Gia Long lên ngôi (1802), đời sống còn gặp nhiều khó khăn, cũng là thời kỳ diễn ra cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhưng người Cảnh Dương đã dành sự quan tâm đáng kể đến việc học của con em. Trong hương ước của làng đều có quy ước về việc học hành khoa cử, như hàng năm làng lựa chọn người đi thi, khen thưởng người thi đỗ, đón rước người vinh quy, khao vọng khi bổ dụng, nghinh thỉnh khi về già.
Theo “Hương phả, hương ước cổ làng Cảnh Dương”: “Ai thi hương đỗ thủ khoa, làng thưởng tiền 5 quan. Thi trúng giám sinh, làng đem đủ heo, rượu đến tận núi Chè, thôn Nam Khê rước về…”. Đặc biệt, giai đoạn 1802-1945, Cảnh Dương tiếp tục có nhiều hoạt động thúc đẩy việc học của con em. Nhờ có lợi thế về địa hình, vừa cạnh bên sông Roòn, vừa sát bên bờ biển, lại có đường thiên lý Bắc Nam đi qua nên kinh tế khá phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để Cảnh Dương đầu tư cho giáo dục. Tinh thần hiếu học và sự quan tâm của các gia đình, dòng tộc và làng xã đối với sự học của con em tiếp tục được duy trì phát triển. Làng có nhiều người đi thi và thành đạt. Làng cũng dựng bia đá ghi chép lưu trữ và biểu dương thành tích học hành của con em.
![]() |
Cảnh Dương có hương ước về việc học, có đình Thánh, có bia khoa bảng từ rất sớm. Điều đó góp phần tạo nền tảng nuôi dưỡng nhiều thế hệ con em tài đức cho quê hương, đất nước và làm nên chiều sâu văn hóa của làng. Hiện nay ở Cảnh Dương còn hai bia khoa bảng. Bia thứ nhất ghi danh sách 31 vị khoa đồ đầu tiên của làng giai đoạn 1643-1802. Bia thứ 2 ghi danh 47 vị khoa đồ thế hệ thứ hai giai đoạn 1802-1945. Nhiều người trong đó được sắc phong các chức quan trong triều, từ chức quan tổng đốc đến tri phủ, tri huyện và các chức quan khác. Đặc biệt, ở Cảnh Dương có một số gia đình đựơc mệnh danh là khoa bảng truyền đời, như gia đình ông Phạm Công Nghị, khoa đồ thời Hậu Lê nhưng được nhà Nguyễn sắc phong “Triều liệt đại phu Thị giảng Đại học sỹ”.
Những thành tựu trong khoa cử của Cảnh Dương xưa là minh chứng đầy sức thuyết phục về sự coi trọng và khuyến khích việc học của làng, nhân dân có truyền thống hiếu học và học giỏi. Một điều đặc biệt khẳng định bước tiến của giáo dục Cảnh Dương trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đó là khi giáo dục chữ Nôm đã đến lúc thoái trào, giáo dục tiếng Pháp có xu hướng xâm lấn thì người Cảnh Dương nhanh chóng tiếp cận chữ quốc ngữ, đồng thời thành lập Trường tiểu học Pháp-Việt Roòn (tiền thân của Trường tiểu học Cảnh Dương). Nhân dân trong vùng và các huyện lân cận như Bố Trạch, Tuyên Hóa hưởng ứng theo học.
Yếu tố thú vị nhất là lần đầu tiên trường đã thu hút cả nữ sinh vào học. Trường hoạt động từ năm 1918-1945, chỉ trong 27 năm đã có 12 người tốt nghiệp cao đẳng (cấp 2) và tú tài (cấp 3) và hàng trăm người đỗ bằng tiểu học. Rất nhiều người trở thành công chức phục vụ chính quyền đương thời như thông phán, ký sự, hỏa xa, kỹ nghệ, canh nông... Sau Cách mạng tháng Tám, nhiều giáo viên và học sinh của trường đi theo cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành cán bộ trong chính quyền cách mạng, bộ đội, công an, các nhà khoa học và văn nghệ sĩ. Nhiều học sinh đã hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước có hơn 90% dân số không biết chữ. Ngày 4/10/1945, Bác Hồ đã ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Bác giao nhiệm vụ “Người chưa biết chữ có nghĩa vụ phải học tập. Người biết chữ phải có nghĩa vụ dạy những người chưa biết chữ”. Nhân dân Cảnh Dương vốn có truyền thống hiếu học đã tích cực tham gia phong trào “Bình dân học vụ”. Những người đã từng dạy và học tại Trường tiểu học Cảnh Dương xung phong dạy xóa mù cho bà con. Với tinh thần dạy và học hăng say của toàn dân, trong một thời gian ngắn nhiều người dân Cảnh Dương đã biết đọc, biết viết và làm toán. Cảnh Dương trở thành một trong những địa phương dẫn đầu phong trào xóa mù chữ của tỉnh Quảng Bình.
Những năm tiếp sau đó cho đến Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dù chiến tranh ác liệt, đời sống khó khăn nhưng nhân dân Cảnh Dương vẫn giữ vững truyền thống hiếu học. Dù lên bậc trung học phải vào Đồng Hới hoặc ra Hà Tĩnh mới có trường nhưng nhiều học sinh Cảnh Dương vẫn chấp nhận cơm đùm gạo bới để được tiếp tục việc học. Từ năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đời sống nhân dân cơ bản ổn định nên nhân dân càng quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con em. Hệ thống giáo dục Cảnh Dương được hoàn chỉnh từ vỡ lòng đến cấp 1 và cấp 2, điều mà ít có địa phương cấp xã nào có được trong thời kỳ này. Hàng năm các trường của xã đều được công nhận là trường tiên tiến cấp huyện và cấp tỉnh. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để đến năm 1963, Trường tiểu học Cảnh Dương được Bộ Giáo dục-Đào tạo tặng “Cờ thi đua Bắc Lý” trong phong trào “Học tập và làm theo Bắc Lý”.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình trở thành tuyến lửa, hứng chịu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cảnh Dương ở vùng đất địa đầu phía Bắc tỉnh, tiếp giáp đèo Ngang nên không tránh khỏi những thiệt hại về mọi mặt bởi bom đạn Mỹ. Thế nhưng bên cạnh tập trung nhân tài vật lực cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu, người Cảnh Dương vẫn vượt qua khó khăn gian khổ, mất mát đau thương để làm tốt nhiệm vụ củng cố nâng cao chất lượng công tác giáo dục trên cả hai mặt: Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dạy và học, duy trì và nâng cao số lượng và chất lượng học sinh đến trường. Vì vậy, con em Cảnh Dương nhiều người đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, doanh nhân, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang…, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Chính thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ trở thành trụ cột để giáo dục Cảnh Dương có những bước tiến mới sau ngày đất nước thống nhất.
Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, chính quyền và nhân dân Cảnh Dương luôn quán triệt đường lối của Đảng: Giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu, thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhờ vậy, hệ thống trường học các cấp trên địa bàn đã được xây dựng hoàn chỉnh, đội ngũ cán bộ giáo viên đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng, đủ năng lực để viết tiếp trang sử đáng tự hào về giáo dục của quê hương. Trong suốt thời gian từ 1945-2023, xã Cảnh Dương đã có 137 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Đó là niềm tự hào của giáo dục Cảnh Dương.
Hơn 380 năm hình thành và phát triển, xã Cảnh Dương đã xây dựng được truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Đến hôm nay, truyền thống ấy vẫn được giữ vững, phát huy, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trương Thu Hiền