Linh mục Cadière với Quảng Bình

  • 07:09, 09/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Léopold Michel Cadière sinh ngày 14/2/1869 tại một nông trại ở Aix-en Provence (Pháp); xuất thân trong một gia đình, có bố là nông dân cần cù với công việc đồng áng và người mẹ tảo tần, luôn giữ đạo hạnh chăm lo, nuôi dạy con cái. Đây chính là những người chi phối và tạo ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của ông sau này.
 
Năm 23 tuổi, khoác trên vai chiếc áo dòng tu của Hội thừa sai Paris, ông rời Pháp đến Việt Nam. Để có thể mục vụ tại Việt Nam, trong một thời gian ngắn ở Paris, ông đã học tiếng Việt. Cập bến Đà Nẵng vào ngày 3/12/1892, lúc này thời tiết xấu chưa cho phép ông đến Huế. Tranh thủ thời gian này, ông học thêm tiếng Việt.
 
Từ năm 1893-1895, ông được cử làm giáo sư tại Chủng viện An Ninh, rồi giáo sư Đại chủng viện Huế. Từ tháng 10/1895, ông được cử đến tạm nhiệm xứ Tam Tòa, Quảng Bình. Sau 14 tháng mục vụ tại Tam Tòa, ông được thuyên chuyển đến Cù Lạc, hữu ngạn nguồn Son, một nhánh của sông Gianh.
 
Sáu năm tu hành ở nơi nghèo nàn, hẻo lánh, lạc hậu, là cơ hội giúp ông nghiên cứu và cho ra đời công trình Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng thung lũng nguồn Son đăng trên Bulletin de l’Ecole Franc,aise d’Extrême-Orient (B.E.F.E.O), tập san Viện Viễn Đông bác cổ năm 1901.
 
Năm 1910, bị ngã bệnh, ông phải về Pháp chữa trị. Sau khi rời Pháp, trở lại Việt Nam, ông được cử làm Tuyên úy trường Pellerin từ năm 1912-1916. Trong thời gian này, ông có điều kiện giao lưu, gặp gỡ một số học giả tên tuổi và các trí thức Pháp hồi đó và lập ra Hội đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieusx Hué-Hội những người bạn cố đô Huế). Tập san của hội là tờ Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) do ông làm chủ bút đều đặn ra mỗi năm 4 số, bắt đầu từ năm 1914 và kết thúc vào năm 1944. Đây là tạp chí khoa học có giá trị quan trọng nhất ở Đông Dương trong thời điểm bấy giờ. Các công trình nghiên cứu vẫn còn mang tính thời sự và thực tiễn sâu sắc, có giá trị cao đối với giới nghiên cứu đương đại.
Chân dung linh mục L.Cadière. Ảnh: tư liệu
Chân dung linh mục L.Cadière. Ảnh tư liệu.
Năm 1918, ông được chuyển về Di Loan, Cửa Tùng gần cửa sông Bến Hải (Quảng Trị). Cũng thời gian này, ông được mời làm ủy viên thường trực của Trường Viễn Đông bác cổ (E.F.E.O). Nhờ đó, ông có cơ hội tiếp tục thỏa chí đam mê của mình với các công trình nghiên cứu khoa học rộng rãi hơn. Được đề nghị trở về Pháp khi đã 84 tuổi, ông đã một mực từ chối “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở đây”[1]. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/7/1955 tại Huế, thọ 86 tuổi.
 
Trong quãng thời gian mục vụ tại Việt Nam, linh mục L.Cadière đã có trên 250 thiên khảo cứu hay tham luận được đăng trên các báo Revue Indochinoise (Ha Noi), Recherche de Science religieuse (Paris), B.A.V.H… Có thể thấy địa hạt nghiên cứu trong các công trình của ông rất phong phú, đa dạng, từ ngôn ngữ, tín ngưỡng, địa lý đến giao thông, thủy lợi, nhất là về văn hóa, dân tộc học…
 
Đối với Quảng Bình, ông có khá nhiều công trình nghiên cứu, trải rộng trên các lĩnh vực. Về lĩnh vực dân tộc học, phong tục tập quán, triết học, tín ngưỡng, là các công trình tiêu biểu “Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng thung lũng nguồn Son” (1901), “Phong tục tại thung lũng nguồn Son” (1902), “Bức tường Đồng Hới về phương diện tôn giáo” (1905).
 
Về văn hóa, có các công trình “Miêu tả pho tượng đồng Chùa Hang” (1901), Dấu vết chiếm cứ Chàm ở Quảng Bình (1904). Về địa lý tự nhiên có các công trình “Địa lý lịch sử Quảng Bình theo Đại Nam thực lục (1902), “Các địa điểm lịch sử của Quảng Bình” (1903), “Các thung lũng vùng cao sông Gianh” (1905), “Bức tường ở Đồng Hới: Khảo cứu về việc dựng nghiệp của nhà Nguyễn ở đàng Trong” (1906), “Đồn bót ở Quảng Trị, Quảng Bình vào 1885-1890” (cộng tác với H.Coserat, 1929), “Cuộc sống trong các đồn bót nhỏ ở Quảng Bình vào khoảng năm 1888” (cộng tác với C.Gosselin).
 
Về ngôn ngữ, văn học có công trình “Ca dao sưu tập trong tỉnh Quảng Bình” (1905). Về thực vật học, sinh vật học, môi trường có các công trình “Rong biển ở Quảng Bình” (1904), “Cây thực phẩm và cây thuốc ở Quảng Bình, Quảng Trị” (1905), “Loài dương xỉ ở Quảng Bình” (1906)… Đặc biệt, công trình “Bức tường Đồng Hới (Lũy Thầy)”: Khảo cứu về việc dựng nghiệp của nhà Nguyễn ở đàng Trong đăng trên tập san Viện Viễn Đông bác cổ năm 1906 là công trình được học viện trao tặng giải Budget ngày 12/6/1903.
 
Với những đóng góp to lớn trong quá trình nghiên cứu khoa học, linh mục L.Cadière được tôn vinh như là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ XX.
 
Ông luôn quan niệm “Các tư liệu trên đây được đơn cử chính xác tối đa, cả về mặt liên quan đến nhân chứng. Về điểm này thì tôi trung thực chuyển dịch lại những chuyện kể, những giải thích do họ cung cấp mà không thêm một chút gì”[2]. Bởi thế trong các công trình nghiên cứu của linh mục L.Cadière thấm đẫm chất nhân bản, sâu sắc, dung dị, mộc mạc và rất khác biệt so với những nhà nghiên cứu tiền nhiệm.
 
Để có được những công trình nghiên cứu khoa học có chiều sâu, đòi hỏi bản thân người nghiên cứu phải hiểu được ngôn ngữ, phong tục, tập quán của dân tộc muốn tìm hiểu. Bởi vậy, việc đầu tiên là phải học ngôn ngữ tiếng Việt. Ông đã xác định “Học tiếng Việt, không phải để nói tiếng Việt giỏi giống như họ mà còn phải tâm tư, suy nghĩ như họ”[3].
Mộ phần linh mục L.Cadière ở nghĩa trang Đại chủng viện Huế.
Mộ phần linh mục L.Cadière ở nghĩa trang Đại chủng viện Huế.
Ngoài ra, cuốn Hồi ký Cadière in trong các số của tạp chí Indochine từ năm 1942-1945 và 3 số trên tạp chí Sud-Est năm 1950 thì 7 hồi ký có thông tin đề cập đến quãng thời gian ông mục vụ và liên quan đến Quảng Bình. Trong các công trình nghiên cứu, ông làm việc với một tinh thần, thái độ khoa học nghiêm túc, quan sát một cách tỉ mỉ, kỹ càng mọi sự vật, hiện tượng và ghi chép lại một cách chi tiết, cụ thể.
 
Với công trình khảo cứu “Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng thung lũng nguồn Son, tỉnh Quảng Bình (Trung Việt)”, ông tập trung mô tả ba vấn đề chính, đó là thế giới siêu nhiên, thế giới loài vật và các nơi linh thiêng. Khi viết về thế giới siêu nhiên, ông mô tả “Ngoài ý niệm Trời thường được hàm chứa mơ hồ trong tâm khảm và trong ngôn ngữ người Việt, như là một thực thể tương ứng và ít nhiều như một cá thể, điều khiển vũ trụ và phán xét hành vi nhân thế, còn thế giới siêu nhiên thì thuộc về các thần, thần lành, thần bảo hộ làng, được thờ cúng công khai và thuộc về ma”[4].
 
Hay như trong công trình “Phong tục tại thung lũng nguồn Son”, ông đi sâu tìm hiểu một số nội dung chính như tuổi thơ, thành ngữ dân gian để chỉ thời gian, lễ đóng thuyền, ngày đầu năm và một số phong tục khác. Khi nghiên cứu tuổi thơ, ông mô tả khá chi tiết hoạt động trong vòng đời của một con người, từ khi chào đời, hò ru con, đặt tên cho con, ảnh hưởng tên con đối với tên cha mẹ, cách con cái gọi cha mẹ. Hay khi viết về trò chơi, ông lại quan sát, mô tả một cách tường tận, cụ thể như trò chơi bán heo, đá vè, lộn chuồn chuồn, nhảy năm triện một con, ù hột, bắt đuôi hùm, đánh căng...
 
Ông trình bày một cách khách quan, trung thực, với phương pháp tai nghe, mắt thấy, tường thuật lại bằng văn bản. Khi nghiên cứu về ngày đầu năm, ông viết “Ngày đầu năm, hay ngày Tết, và hai ngày kế tiếp là những ngày vui chung hay riêng tư, đồng thời cũng là dịp để họ hoàn thành bổn phận tôn giáo lúc nào cũng được tuân giữ. Đây là ngày lễ trọng đại để thờ kính ông bà tổ tiên. Ngày đầu năm còn là ngày có ảnh hưởng tốt xấu đối với các ngày khác trong suốt năm”[5].
 
Mộ phần linh mục L.Cadière nằm khiêm nhường, hòa mình với các ngôi mộ xung quanh trong nghĩa trang Đại chủng viện Huế ở làng Kim Long bên dòng sông Hương thơ mộng, trên bia mộ ngắn gọn với 3 chữ R.I.P (Requiscat in pace-Xin hãy yên nghỉ trong an bình!). Gần 70 năm yên nghỉ trên mảnh đất kinh kỳ, nhưng những công trình nghiên cứu của ông sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Quảng Bình.
                                     Nhật Linh
 
(1), (3). Đỗ Trinh Huệ, Hồi ký của một ông già Việt học, NXB Thế giới, Hà Nội, 2021, tr.22, tr.18.
(2), (4), (5).Leopold. Cadière (Đỗ Trinh Huệ dịch), Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, NXB Thuận Hóa, Huế, tập II, tr.6, tr.234, tr.297.

tin liên quan

Ngẫu hứng lúc chiều lên
Ngẫu hứng lúc chiều lên
(QBĐT) - Tôi đã biết, có dòng sông bất tuyệt
Chảy về đâu, thao thiết những con đò
Tôi đã biết, gió ngang tàng, ngọn gió
Mãi rong chơi, bịn rịn những câu hò.
Biển
Biển
(QBĐT) - Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ 
                                          cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê...
Mỹ thuật Quảng Bình: "Nên mạnh mẽ viết những trang mới khác"
Mỹ thuật Quảng Bình: "Nên mạnh mẽ viết những trang mới khác"

(QBĐT) - Mảnh đất và con người Quảng Bình có những điều thú vị, từ bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân…, các bạn trẻ nên mạnh dạn vượt lên viết những trang mới cho mỹ thuật Quảng Bình trên nền tảng các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của quê hương.