Tục ngữ, ca dao bình phẩm về "lời ăn tiếng nói"

  • 11:08, 23/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tục ngữ, ca dao bình phẩm về “lời ăn tiếng nói” là những câu tục ngữ, ca dao có nội dung nhận xét, đánh giá về văn hóa giao tiếp của người Việt; là những đúc kết kinh nghiệm về văn hóa ứng xử của người Việt thông qua lời nói.
 
Theo quan niệm về tục ngữ, ca dao của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, có thể khái quát như sau: Tục ngữ là những câu nói dân gian cố định, ngắn gọn, súc tích, có ý nghĩa đầy đủ, có vần điệu, hình ảnh cụ thể, thể hiện kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, xã hội, lao động sản xuất, ứng xử...) dùng để khuyên răn hoặc chỉ dạy, được nhân dân vận dụng trong giao tiếp hàng ngày. Ca dao là một từ ghép (ghép ca và dao) được hình thành từ dân gian, là một thể loại thơ dân gian, được sáng tác tập thể, truyền từ đời này sang đời khác bằng phương thức truyền miệng.
 
Tục ngữ, ca dao bình phẩm về “lời ăn tiếng nói” là những câu tục ngữ, ca dao có nội dung nhận xét, đánh giá về văn hóa giao tiếp của người Việt; là những nhận xét, đúc kết kinh nghiệm về văn hóa ứng xử của người Việt thông qua lời nói trên các bình diện: Động cơ nói, mục đích nói, hình thức nói, hiệu quả, hiệu lực của lời nói, nhân cách của người nói...
 
Tục ngữ có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ngay từ xa xưa, người Việt đã nhận thức được rằng, mỗi người khi được sinh ra và trưởng thành thì trước tiên phải “học ăn, học nói”, nghĩa là phải học cách ứng xử (biểu hiện tập trung nhất là giao tiếp); rồi sau đó mới “học gói, học mở”, nghĩa là học việc, học nghề.  Điều này cũng được thể hiện trong truyền thống triết lý giáo dục ở Việt Nam. Trong các phòng học ở các cấp phổ thông, nhất là bậc tiểu học, đều có gắn câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ở đây, “lễ” là văn hóa ứng xử, là đạo đức; “văn” là tri thức khoa học, là nghề nghiệp.
 
Có thể nói, đặc trưng văn hóa giao tiếp là những hành vi ứng xử các mối quan hệ, bằng ngôn ngữ, giữa các thành viên trong cộng đồng phù hợp với các nhân tố phi ngôn ngữ (đối tượng giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp). Văn hóa giao tiếp được thể hiện trước hết thông qua các hành vi ngôn ngữ, không phải là những hành vi cảm tính, bản năng, vô thức, mà là các hành vi được hình thành từ năng lực điều khiển của tư duy, của nhận thức.
 
Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng biết đến câu ca lục bát:
      Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
 
Nếu dựa vào ý nghĩa của hình thức ngôn từ thì ai cũng hiểu rằng, người nói vừa tự răn mình, vừa khuyên người nên có ý thức cân nhắc, “lựa lời” khi giao tiếp, nghĩa là phải có trách nhiệm với lời nói của mình, để không làm cho người nghe cảm thấy khó chịu khi tiếp nhận, “cho vừa lòng nhau”. Tuy nhiên, nếu nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc từ nhiều khía cạnh, nội dung của câu ca lại mang những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc.
 
Đặc trưng văn hóa giao tiếp được thể hiện trước hết, trong giao tiếp, người Việt rất coi trọng “lời nói” cả về hình thức lẫn nội dung, coi lời ăn tiếng nói là tiêu chuẩn, là thước đo nhân cách của con người. Vì vậy, một bộ phận không nhỏ trong kho tàng tục ngữ, ca dao của người Việt là những câu bình phẩm về lời ăn tiếng nói của con người.
 
Những lời bình phẩm ấy thể hiện ở hai phương diện: Khen (bình phẩm tích cực/sắc thái dương tính) và chê (bình phẩm tiêu cực/sắc thái âm tính).
 
Để phân biệt giữa người thật thà và kẻ giả dối qua lời nói, người Việt đã dùng hình thức ngôn từ: Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối. “Ăn mặn” là ẩm thực của người phàm tục, “ăn chay” là ẩm thực của người tu hành. Nhưng điều quan trọng ở con người thật thà hay giả dối không phải ở chỗ ăn gì (mặn hay chay) mà là ở chỗ nói gì, nói thế nào (ngay thẳng hay dối trá). Đó là biểu hiện của nhân cách con người, là yêu cầu của văn hóa giao tiếp.
 
Cũng là sự bình phẩm về ăn nói, người Việt vừa khen ngợi, vừa nhắc nhở những ai khi tham gia giao tiếp cần phải: Ăn nên đọi, nói nên lời. “Ăn nên đọi” (đọi là từ địa phương Bắc Trung bộ, chỉ cái tô lớn) nghĩa là khi ăn chung mâm có nhiều người phải quan sát lượng thức ăn có trên mâm để thể hiện tính lịch sự, có văn hóa. “Nói nên lời” nghĩa là khi giao tiếp (khi nói) cần phải cân nhắc, lựa chọn từ ngữ để câu nói được gãy gọn, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với  tâm lý tiếp nhận của người nghe. Như vậy, “ăn nên đọi, nói nên lời” là biểu hiện của người có văn hóa.
 
Căn cứ vào thực tiễn, vào kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, người Việt vừa khen, vừa khẳng định những người có văn hóa bao giờ cũng được thể hiện qua lời ăn tiếng nói: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. “Người khôn” là người biết ứng xử có văn hóa, “nói tiếng dịu dàng dễ nghe” là lời nói có văn hóa cả về nội dung lẫn hình thức.
 
Bên cạnh những câu tục ngữ có nội dung khen ngợi, khẳng định, khuyến khích những lời ăn tiếng nói lịch sự, có văn hóa, có nhân cách, còn có nhiều câu tục ngữ mang nội dung chê trách, phê phán, khuyên răn những lời ăn tiếng nói khiếm nhã, thiếu văn hóa. Theo quy luật tự nhiên, món ăn cho dù rất ngon nhưng ăn nhiều quá mức thì sẽ không còn cảm giác ngon nữa; cũng như lời nói có hay nhưng nói quá nhiều cũng sẽ không còn hay ho nữa. Vậy nên, đằng sau sự chê trách là lời khuyên nhủ khi nói năng: Ăn lắm hết ngon, nói lắm hết khôn. “Nói lắm” là điều tối kỵ khi giao tiếp. Đó cũng là điều mà người Việt đã từng nhận xét rằng: Nói dai thành nói dài, nói dài thành nói dại.
 
Nói dai, nói nhiều, nói những điều không cần thiết về một sự việc nhỏ nào đó trong cuộc sống là biểu hiện thiếu văn hóa, đáng chê trách. Nhưng với những người mà ngoài miệng luôn luôn nói những điều từ bi, trong lòng lại toan tính những điều độc ác thì cần phải lên án: Miệng nam mô, bụng bồ dao găm. Đó không chỉ là hành vi thiếu văn hóa trong giao tiếp ứng xử mà còn là biểu hiện của con người thiếu nhân cách, vô đạo đức.
 
Những hành vi giao tiếp ứng xử đáng chê trách, phê phán rất đa dạng: Nói dai, nói dài, lời nói không đi đôi với việc làm, lời nói và suy nghĩ không thống nhất, lời nói xuất phát từ động cơ xấu, mục đích thiếu thiện chí... Người Việt không chỉ bình phẩm, phê phán hình thức nói, động cơ nói, nội dung nói,... mà ngay cả hình dáng của bộ máy phát âm (môi, miệng) cũng được quan sát, bình phẩm. Hình ảnh kết hợp so sánh và hoán dụ “mồm loa, miệng chảo” vừa miêu tả hình dáng, điệu bộ thiếu thẩm mỹ của môi, miệng khi nói, vừa để chỉ những người có tính cách xấu “mách lẻo đôi co”: Mồm loa miệng chảo, mách lẻo đôi co.
 
Những câu ca dao, tục ngữ bình phẩm về lời ăn tiếng nói của người Việt không chỉ là những minh chứng sinh động về truyền thống văn hóa ứng xử mà còn là những bài học quý báu về văn hóa ứng xử, về rèn luyện nhân cách làm người cho các thế hệ người Việt hôm nay và cả mai sau.
Tất Thắng

tin liên quan

Lệ Thủy: Tổ chức các hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2/9
Lệ Thủy: Tổ chức các hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2/9

(QBĐT) - Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho biết, địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Hạn chế giao thông trên sông Kiến Giang để tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền năm 2024
Hạn chế giao thông trên sông Kiến Giang để tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền năm 2024

(QBĐT) - Sở Giao thông vận tải vừa có văn bản số 2567/SGTVT-KCHT về việc hạn chế giao thông trên sông Kiến Giang đoạn từ Km20+200 (đập An Lạc) đến Km32+200 (cầu Mỹ Trạch) để tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền năm 2024.

Bác Hồ với Bình Trị Thiên
Bác Hồ với Bình Trị Thiên

(QBĐT) - Trong công trình Bác Hồ với Bình Trị Thiên (2 tập) do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng và Ty Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản năm 1977 và 1978, có 25 bức thư, bài thơ, công điện mà Bác Hồ gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bình Trị Thiên, phần nào nói lên được tâm tư, tình cảm của Bác Hồ dành cho nhân dân Bình Trị Thiên.