(Nhớ hương hồn chị Ngô Thị Vượng)
(QBĐT) - Chị tôi khuất nẻo lâu rồi
Đêm qua trong giấc mơ tôi chị về
Mắt buồn đăm đắm sao khuya
Răng đen hạt lựu cười xe xiết lòng
Chị xoa đầu: - Em nhớ không?
Ngày em thơ bé chị bồng chị chăm
Củ khoai câu hát dỗ dành
Tay trầu cho mạ, nắng hanh cho mình
Mồ côi cha buốt chuyện tình
Biển kia không mặn cho mình, em ơi
Bước cao bước thấp giữa đời
Hạnh phúc ướt đẫm mồ hôi dãi dầu
Chị tôi cắn chỉ môi trầu
Thương con mất mạ… mai sau giữa đời
Cười chan nước mắt chị cười
Biển răng mặn rứa mà nồi lạt canh
Chị tôi khuất nẻo trời xanh
Ba mươi năm lẻ lại tìm thăm em!
Ngô Minh
![]() |
Lời bình:
Tôi từng viết vài bài về thơ Ngô Minh. Mới đây, khi rảnh rỗi xem lại Ngô Minh tác phẩm (NXB Hội Nhà văn, 2016), tôi giật mình vì đã bỏ qua một số bài thơ gan ruột của anh, trong đó có bài Chị tôi. Ngô Minh tự xưng là “đứa con của cát”. Những vần thơ anh viết về làng biển Thượng Luật (tên gọi cũ của một làng biển thuộc huyện Lệ Thủy), về những người thân trong gia đình như được chắt ra từ máu và nước mắt.
Đây là hai câu trong bài “Nhớ mạ”: Nuôi con, thờ chồng oan khuất/Mạ mót khoai hà cát phơi. Còn đây là những câu Ngô Minh viết về gia cảnh người anh trai trong những năm tháng cơ hàn: Tháng tám khoai non cháy ruột/biển động chân trời rách tả tơi/anh bên đàn con nhìn lửa/lửa cười... (Sẹo biển). Nhà thơ Ngô Minh tâm sự: “Thật không dễ dàng chút nào khi phải tạo lập cuộc sống trên cát trắng bỏng rang ấy! Làng tôi nhiều nắng, nhiều lửa, nhiều bão, nhiều sóng, nhiều gió”. Chính vì sinh ra và lớn lên trên một vùng quê khắc nghiệt như vậy, nên Ngô Minh hết sức thương cảm với những số phận bất hạnh, trong đó có người chị đầu Ngô Thị Vượng.
Chị Vượng cũng là người chị gái duy nhất của Ngô Minh. Sau chị là bốn anh em trai. Những năm đầu giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc (1964-1965), một mảnh đạn đại bác của tàu địch ở ngoài khơi nả vào làng Thượng Luật đã cướp đi mạng sống của chị, để lại một đàn con thơ dại côi cút, bơ vơ. Hơn ba mươi năm sau kể từ khi chị mất, Ngô Minh không ngờ:
Đêm qua trong giấc mơ tôi chị về
Mắt buồn đăm đắm sao khuya
Răng đen hạt lựu cười xe xiết lòng.
Ánh mắt, hàm răng, nụ cười đã phần nào nói lên cuộc đời của chị. Những ánh “sao khuya” trong đêm vắng thường gợi nỗi buồn thăm thẳm, vời vợi. Một sự so sánh gợi nhiều liên tưởng. Nhà thơ Hoàng Cầm, trong bài Bên kia sông Đuống, say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cô gái răng đen “cười như mùa thu tỏa nắng”. Ngô Minh ở bài Chị tôi thì ngược lại: Răng đen hạt lựu cười xe xiết lòng. Cười mà “xe xiết lòng” là nụ cười xa xót, cười ra nước mắt. Câu thơ chứa đầy tâm trạng. Phải hiểu cảnh ngộ chị mình như thế nào, Ngô Minh mới hạ được những câu thơ gan ruột như thế!
Anh nhớ về chị Vượng với tấm lòng biết ơn chân thành và niềm cảm thông sâu sắc:
Chị xoa đầu: - Em nhớ không?
Ngày em thơ bé chị bồng chị chăm
Củ khoai câu hát dỗ dành
Tay trầu cho mạ, nắng hanh cho mình.
Mạ Ngô Minh thường đi buôn bán xa nhà, bốn anh em Ngô Minh lần lượt được chị cả “dỗ dành”, “bồng”, “chăm”. Bên cạnh những câu kể lể, bỗng xuất hiện một câu khác lạ, thu hút sự chú ý, gây ấn tượng mạnh: Tay trầu cho mạ, nắng hanh cho mình. Nghĩa là chị dành cho mạ những tình cảm ấm áp nhất, ngọt ngào nhất. Chị nhận về cho mình mọi khổ đau, cay đắng. Đó cũng là đức hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay. Đó cũng là đức tính của những người con hiếu thảo.
Ngô Minh tiếp tục kể về cuộc đời đầy bất hạnh của chị mình:
Mồ côi cha buốt chuyện tình
Biển kia không mặn cho mình, em ơi
Bước cao bước thấp giữa đời
Hạnh phúc ướt đẫm mồ hôi dãi dầu.
Cũng tái hiện lại thân phận của những người mẹ, người vợ vùng biển Quảng Bình trong những tháng năm khốn khó, nhưng nhà thơ Tố Hữu kể khá chi tiết cuộc đời mẹ Suốt: Lớn đi ở bốn cửa người/Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua/Lấy chồng, cũng khổ con ra/Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình… Còn Ngô Minh chỉ kể trong vài câu ngắn gọn, súc tích. “Mồ côi cha” đã khổ rồi, lại thêm “buốt chuyện tình” nỗi đau khổ càng tăng lên gấp bội. Tuy tác giả không tường thuật cụ thể chuyện tình của chị, nhưng một chữ “buốt” thôi cũng đủ nói lên tất cả. Nhà thơ kiệm lời đến mức tối đa. Nỗi vất vả của chị Vượng được Ngô Minh gói gọn trong một câu: Hạnh phúc ướt đẫm mồ hôi dãi dầu.
Gần cuối bài thơ, một lần nữa Ngô Minh lại nhắc đến nụ cười của chị mình: Cười chan nước mắt chị cười. Điệp từ cười đặt đầu câu và cuối câu vẫn không ngăn được dòng nước mắt của chị đang tuôn trào. Chị đột ngột hỏi em trai: Biển răng mặn rứa mà nồi lạt canh. Đó là “Một câu hỏi lớn. Không lời đáp” (Các vị La Hán chùa Tây Phương-Huy Cận). Thơ Ngô Minh góc cạnh, đa nghĩa, ẩn chứa nhiều suy tư. Biển thì mặn mà nồi canh lạt là một nghịch lý. Đây là cách nói ẩn dụ, mang nhiều tầng nghĩa. Đất nước ta được thiên nhiên ưu đãi “rừng vàng, biển bạc”, thế mà đời này qua đời khác dân ta vẫn nghèo đói: Cả đất nước đắm chìm trong rơm rạ/Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi (Chế Lan Viên). Ngày nay, tuy trời đất đã đổi thay nhưng vẫn còn một số hộ, một số địa phương vẫn chưa thoát nghèo. Câu hỏi Biển răng mặn rứa mà nồi lạt canh trở thành nỗi day dứt, trăn trở đối với những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc.
Chị tôi thể hiện khá đầy đủ phong cách thơ Ngô Minh. Thơ anh như “vết chém của sóng”, khiến người đọc phải ngẫm ngợi. Ai chẳng muốn thơ mình mới, nhưng mới phải hay, phải chân thật, phải chắt ra từ gan ruột; chứ không phải chỉ biết lắp ghép, xáo xào chữ nghĩa.
Huế, ngày 20/7/2024
Mai Văn Hoan