(QBĐT) - Rào Nan khởi nguồn từ vùng núi giáp biên giới Việt-Lào chảy ngầm khoảng gần 3km vào hang Rục Mòn thuộc xã Trung Hóa (Minh Hóa) rồi chảy về làng Tân Hóa-nơi được xem là rốn lũ tỉnh Quảng Bình. Từ đây, Rào Nan chảy qua xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) về xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn), đến xã Quảng Minh gặp sông Son để cùng đổ về cửa sông Gianh ra biển. Mỗi khi nhắc đến Rào Nan (chảy qua làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn quê tôi), lòng tôi lại rưng rưng xúc động cứ như thể nó đang cuộn chảy giữa lòng mình.
Chuyện trong quá khứ
Trước khi đập thủy lợi Rào Nan đi vào hoạt động (cuối năm 1969), cánh đồng 9 xã vùng Nam Quảng Trạch (nay thuộc TX. Ba Đồn) quê tôi thường xuyên lâm vào cảnh hạn hán, đất đai khô nẻ, người trồng lúa và các loại cây lương thực khác triền miên lo lắng, chỉ biết trông vào trời.
Thời học cấp 1 (tiểu học bây giờ), thi thoảng tôi được nghe người lớn kể về chuyện các vị bô lão trong làng tổ chức cầu đảo mong được trời ban mưa ở miếu Đức Thánh Vương (còn có tên dân dã là miếu Thần Cụt) ở chân rú Cấm mép hữu ngạn Rào Nan. Các cụ cho hay, vùng đất quê mình khô cằn, hạn hán dữ lắm nên trồng cây gì cũng khó khăn. Trồng lúa thì phải dùng que nhọn chọt lỗ để trỉa hạt giống vì không có nước để gieo mạ. Nhiều khi hạt nẩy mầm lúa non lên nhưng thiếu nước nên sinh trưởng kém.
Truyền thuyết kể rằng, miếu Thần Cụt thờ ngài rắn cụt đuôi vốn là con vua Thủy Tề về đầu thai làm con vợ chồng của một gia đình nơi khác đến định cư để giúp dân làng. Trong một lần ra đồng, đang ngoáy đuôi tìm lỗ mội cho cha đắp ngăn nước thoát ra khỏi ruộng thì bị cha vô tình chém cụt đuôi. Ngài đau đớn quằn quại trườn về tảng đá Cha Ngai nổi lên giữa Rào Nan để chết. Người đi thuyền ngang qua thấy xác con rắn chết nằm trên tảng đá thì dùng sào khều xuống nước, nhưng sau mỗi lần khều xuống, hôm sau đi qua lại thấy xác rắn nằm chỗ cũ. Nghĩ là hiện tượng tâm linh, người làng đã lập miếu thờ ngài.
![]() |
Các cụ trong làng kể rằng, khi rời làm quan ở Thanh Hóa về nghỉ hưu, ông nội tôi thụ chức Tham tri trí sĩ Trung phụng đại phu nhị phẩm đại thần, luôn là bậc tiên chỉ của làng. Ông thường tổ chức, dẫn đoàn sang miếu Thần Cụt làm lễ cầu đảo xin trời ban mưa xuống đồng ruộng của làng và khắp cả vùng. Có lần cả Tri phủ Quảng Trạch và Tuần phủ Quảng Bình tới dự. Tuần phủ Quảng Bình còn cúng lá cờ thêu dòng chữ “Hiển tử Long Vương”. Điều khiến dân làng ngạc nhiên là ngay sau mỗi lần làm lễ cầu đảo trong vùng đều có mưa. Đoạn Rào Nan chảy qua trước miếu Thần Cụt luôn in bóng của những cây cổ thụ ở rú Cấm như lim, sến, dẻ, sồi… nên nước xanh thẫm, trông rất linh thiêng. Người đi đò khi qua đây chỉ lặng lẽ cúi chèo, không dám nhìn vào rú Cấm. Có người mua được con rắn hổ ở chợ, sau khi biết rắn được bắt từ đây liền vội vàng đem trả về rú Cấm.
Ngoài miếu Đức Thánh Vương nói trên, bên mép bờ tả ngạn Rào Nan thuộc làng Thọ Linh còn có miếu Thành hoàng làng thờ thế tử của tướng Trần Phủ Diễn hầu (một vị tướng thời vua Lê Thánh Tông) là Trần Minh Nghĩa. Đây là ngôi miếu thiêng nổi tiếng trong vùng. Sau cuộc tấn công quân Pháp ở Huế thất bại (ngày 23/5/1885 âm lịch), vua Hàm Nghi và quan quân triều đình đã rút khỏi kinh thành ra Quảng Trị, Hà Tĩnh rồi về vùng núi Minh Hóa để lập căn cứ kháng chiến và tránh sự truy lùng của giặc Pháp. Theo cố tác giả Địa chí làng Thọ Linh Mai Duy Tường, nghe nói miếu Thành hoàng làng Thọ Linh rất thiêng nên nhà vua cử một nhóm do lãnh binh Mai Lượng (người làng Thọ Linh) bí mật về miếu này làm lễ cầu an.
Dòng Rào Nan linh thiêng là thế nhưng cũng có chỗ cho lũ học trò nghịch ngợm. Hồi đó, chúng tôi thường ra bờ sông hái những quả bần chấm muối ăn, có khi chát chua tê cả răng. Vui nhất là những buổi tắm sông, có lần do mãi đùa nhau dưới nước không biết rằng trên bờ có kẻ đem giấu quần áo bắt chúng tôi phải có quà cho chúng. Quà là củ khoai nướng, mấy lát khoai deo hoặc một ít củ lạc nhổ trộm của nhà nào đó trên đường đi học về.
Rào Nan cũng là nơi đi về của các tàu hải quân ta, tối đi tập kích tàu địch trên biển, ban ngày trở về trú ẩn dưới các rặng tre để tránh máy bay Mỹ. Rào Nan bình thường trong xanh, hiền hòa như một dải lụa uốn lượn giữa làng. Tuy vậy, người dân nơi đây cũng chịu nhiều trận lũ lụt do mưa to ở thượng nguồn đổ về rốn lũ tỉnh Quảng Bình là làng Tân Hóa (Minh Hóa, làng được Tổ chức Du lịch thế giới bầu chọn là Làng du lịch tốt nhất thế giới vào năm 2023), rồi nước từ đây theo Rào Nan tràn về quê tôi làm ngập ruộng vườn, đường sá, nhà cửa, kể cả đường xe lửa Bắc-Nam được đắp cao so với đường làng, gây thiệt hại rất lớn cho các gia đình.
Rào Nan cũng từng chứng kiến nhiều trận bom Mỹ thả xuống làng, xuống sông. Đau thương nhất, in đậm nhất trong ký ức người dân nơi đây là trận bom B52 trút 3 loạt xuống làng vào lúc 17 giờ 15 phút ngày 2/1/1973 (nhằm ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Tý). Tang thương bao trùm làng xã. Rào Nan như cũng quằn quại, đớn đau cùng con người trong khói lửa khét lẹt của bom thù. Cả dòng sông ánh đỏ như dòng máu, nhòe nhoẹt như dòng nước mắt thật khó diễn tả. Các xóm Đình, Chùa và Bắc Sơn chìm trong khói lửa. Trận bom này đã làm trên 100 người chết và 109 người bị thương, thiêu hủy 105 ngôi nhà, 20 tấn lương thực và giết chết 50 con trâu, bò... Trong đó, xóm Đình gần như bị xóa sổ... Để ghi nhớ tội ác tày trời này của đế quốc Mỹ, tỉnh, địa phương cùng người dân nơi đây đã quyên góp xây dựng và tôn tạo nhà Bia căm thù nằm trong khuôn viên đình làng Thọ Linh.
Rào Nan mang ấm no đến cho cả vùng
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang vào hồi quyết liệt mà vùng đất 9 xã vùng Nam Quảng Trạch khô cằn, dân đói ăn thì lấy lương thực đâu để tham gia chi viện chiến trường miền Nam. Từ ý nghĩ thường trực trong đầu là làm đập thủy lợi Rào Nan để cấp nước tưới cho 2.000ha đồng ruộng trong vùng hay để dân chưa chết vì bom đạn đã chết đói, sau những lần họp bàn ở các cấp và về khảo sát thực địa tại xã Quảng Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đó là ông Nguyễn Tư Thoan đã quyết định làm đập thủy lợi Rào Nan. Đập được làm bằng rọ đá dài 110m, cao 6m, rộng hơn 30m, hoàn thành vào giữa năm 1969 sau hơn một năm thi công. Từ đây, nước mặn từ biển vào không lên được qua đập, trong khi mực nước ngọt phía bên kia đập luôn cao hơn trước đó từ 0,3m, có khi lên đến 1,5m. Nước ngọt được đưa về, đồng ruộng, mùa màng trở nên tốt tươi, lúa gạo thêm nhiều, đời sống ấm no, người dân các xã trong vùng không còn vật lộn với cái đói, phấn khởi đến phát khóc. Lũ trẻ con chúng tôi cũng được bơi theo mương nước mát, tắm thỏa thích.
Tháng 12/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Quảng Bình quyết định tạo “phiên bản mới” cho đập thủy lợi Rào Nan bằng cách dùng bê tông, cốt thép để thay thế đập cũ làm bằng rọ đá từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2016-2020.
Đập thủy lợi Rào Nan “phiên bản mới” là một công trình thủy lợi hoành tráng với hệ thống 10 cống xả vừa cấp nước đầy đủ cho ruộng đồng các xã trong vùng, vừa góp phần cảnh báo, phòng chống thiên tai cho người dân. Ban đầu, một số người dân chưa thông, sợ đập cao tích nước lớn thì khi lũ tràn về làm vỡ đập sẽ rất nguy hiểm, nhưng rồi họ được thuyết phục bằng cơ sở khoa học nên đã ủng hộ công trình.
Dọc bên hữu ngạn Rào Nan giờ đã có đường bê tông rộng để ô tô thoải mái đi từ Quảng Sơn lên xã Cao Quảng của huyện Tuyên Hóa. Nhờ đó, người dân xã Cao Quảng chỉ cần không đầy nửa giờ để đi chợ xã Quảng Sơn là chợ trên bến dưới thuyền sầm uất bậc nhất trong vùng. Rào Nan là dòng sông mà con đập chắn ngang phân rõ hai nửa các loại thủy, hải sản nước mặn và nước ngọt.
Vào thời điểm cuối mùa xuân, khi cá mòi từ biển kéo hàng đàn ngược lên đẻ trứng, có những gia đình thả lưới thu hoạch mỗi ngày hàng chục cân cá. Rào Nan về đêm cũng không ngủ khi có những thuyền câu cá và người thả lưới hoạt động. Các xóm dọc bên bờ Rào Nan cũng nhanh chóng thay đổi diện mạo với nhiều nhà tầng đẹp, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, thuận tiện chăn nuôi, mở mang dịch vụ, thương mại…
Vào mùa hè, nhiều người dân trong vùng lên thác Rào Nan để tắm, câu cá giải trí. Đập thủy lợi Rào Nan cùng cầu Hà Sơn mới bắc qua sông trở thành những điểm check-in của người dân trong vùng và người xa xứ về thăm quê.
Có được những điều tuyệt vời trên là cả sự hy sinh của Rào Nan. Không vì lợi ích, cuộc sống ngày càng tươi đẹp của con người thì hà cớ gì Rào Nan lại chấp nhận gánh trên mình một con đập nặng như núi để phải chia đôi mình.
Đinh Xuân Trường