(QBĐT) - Là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhưng tác giả Đặng Thị Kim Liên lại có một “gia tài” thơ khá dày với trên 1.000 bài thơ được tập hợp trong các tập thơ, đăng ở các báo, tạp chí và lưu giữ ở dạng bản thảo. Đặc biệt, Đặng Thị Kim Liên có rất nhiều bài thơ về người lính, về thương binh, liệt sỹ (TBLS). Với chị đó là những bài thơ “gan ruột” được viết bằng cả nước mắt và những trải nghiệm trong cuộc sống đời thường.
Có thể nói, Đặng Thị Kim Liên là người làm thơ không chuyên ở Quảng Bình có nhiều bài thơ hay nhất về đề tài TBLS. Từ chính cuộc sống của ông bà, cha, mẹ, những người dân quê… đã tạo cho chị nhiều rung cảm để những vẫn thơ cứ thế “tuôn chảy” theo mạch nguồn cảm xúc.
Chị kể: “Trong những năm kháng chiến, quê tôi, họ hàng, người thân của tôi có rất nhiều người lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Có người trở về mang trên mình đầy thương tích và cũng có những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường khốc liệt. Bản thân tôi cũng từng gạt nước mắt tiễn chồng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Là vợ bộ đội, lặng lẽ chờ chồng, nuôi con, tôi thấu hiểu bao nỗi khó khăn mà người phụ nữ phải gánh chịu”.
Hiện thực cuộc sống gieo vào lòng chị nhiều cảm xúc, là niềm tự hào, sự biết ơn, tình yêu vô bờ bến dành cho quê hương và các bậc cha, chú cùng những người dân quê mộc mạc, chân chất.
Tác giả Đặng Thị Kim Liên bên tập bản thảo gồm các bài thơ tâm huyết.
Từng là giáo viên dạy Văn rồi chuyển qua công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đồng Hới, Đặng Thị Kim Liên có nhiều “đất” để trải nghiệm cuộc sống và nuôi dưỡng tâm hồn thi ca của mình. Những năm tháng đứng trên bục giảng, chị để lại trong lòng các thế hệ học trò về một cô giáo dạy Văn, Sử đầy nhiệt huyết. Những bài giảng ngồn ngộn nguồn tư liệu từ thực tế cuộc sống của cô giáo Liên ngày ấy luôn có sức hút đặc biệt với học sinh, khơi dậy trong lòng các cô, cậu học trò tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc.
Sau này, khi chuyển qua công tác ở Hội Phụ nữ, chị có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những gia đình chính sách, thương binh, thân nhân liệt sỹ. Những chuyến đi về cơ sở, những lần tiếp xúc với thương binh, thân nhân liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn để lại trong chị nhiều cảm xúc. Từ những câu chuyện được nghe và những gì được thấy trong cuộc sống của những người vợ mất chồng, người cha, mẹ mất con… “khắc” vào lòng chị một nỗi đau và cả niềm cảm phục. Sau mỗi chuyến đi, chị lại viết nên những vần thơ trong nước mắt.
Từ hàng trăm bài thơ về đề tài TBLS, Đặng Thị Kim Liên đã lựa chọn những bài tâm huyết nhất để gom thành tập “Hoa bất tử”. Xuyên suốt cả tập thơ là hình ảnh của “Tượng đài tháp bút”, là sự chờ mong và những mối tình còn dang dở, là tiếng lòng của người ở lại và cả niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sinh ra ở một làng quê có truyền thống cách mạng, nên thơ Đặng Thị Kim Liên chứa chan tình yêu quê hương, đất nước, thấm đẫm tình người và có sự cảm thông sâu sắc với thân phận người phụ nữ. Trong bộ sưu tập thơ của chị, có rất nhiều bài thơ hay về người phụ nữ. Họ là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, là những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi hay những người phụ nữ âm thầm chịu đựng nỗi đau của sự xa cách, ly biệt.
Chị tâm sự: “Tôi may mắn hơn rất nhiều người là sau những năm tháng đợi chờ, xa cách, chồng tôi (nhạc sĩ, nhà giáo Dương Viết Chiến) đã trở về để chúng tôi có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Thế nhưng xung quanh tôi, không nhiều người được may mắn như thế. Tôi đau cùng nỗi đau của họ...”.
Trước thực tế cuộc sống của nhiều phụ nữ là vợ liệt sỹ, chị viết: “Anh xa rồi, xa mãi/Bao khoảng trống về em. Chiếc ba lô màu cỏ/Hơi ấm anh nồng nàn/Anh để lại cho em/Bài thơ tình dang dở” bởi “Hai đứa hai phía trời/Nụ cười vùi trong đất” (Bài thơ tình dang dở). Các bài thơ, như: “Tiếng kêu con gái”, “Chờ mong”, “Nén nhang”, “Bát hương trầm”… đều gắn với những câu chuyện đời thường mà chị đã gặp, đã nghe, đã đọc. Vì thế mạch nguồn cảm xúc trong thơ Đặng Thị Kim Liên về đề tài TBLS là tiếng lòng của người cầm bút bởi chị luôn đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thấu hiểu, sẻ chia.
Thơ Đặng Thị Kim Liên không nặng về sự trau chuốt, không cầu kỳ, hoa mỹ trong cách diễn đạt mà mộc mạc, giản dị nhưng rất giàu hình ảnh, dễ chạm đến trái tim người đọc. Trong bài thơ “Tháng Bảy” chị viết: “Mỗi năm giỗ chồng tháng bảy/Hương hoa chị đã quen rồi/Một mình chìm trong im lặng/Hoa trắng cài vòng khăn tang…”. Từng câu thơ như được viết từ những cảm xúc dồn nén chắt chiu tình yêu thương, sự cảm thông với những người phụ nữ vĩnh viễn mất đi “điểm tựa” của đời mình.
Đặng Thị Kim Liên cũng có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Mới nhất là tác phẩm “Người mẹ Quảng Bình” thơ Đặng Thị Kim Liên, nhạc Dương Viết Chiến được trao giải B cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật (VHNT) đề tài quê hương, con người Quảng Bình nhân kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh. Từ những câu thơ viết ra bằng cả nước mắt và lòng tự hào của Đặng Thị Kim Liên, nhạc sĩ Dương Viết Chiến đưa vào âm nhạc một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng, sâu lắng.
Đặng Thị Kim Liên (sinh năm 1949, quê ở xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới) hiện là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh, hội viên Hội VHNT tỉnh. Đến nay, chị có 7 tập thơ đã xuất bản và 2 tập thơ chuẩn bị in cùng nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian Quảng Bình. Trong sự nghiệp sáng tác VHNT, chị đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như giải thưởng Lưu Trọng Lư, giải thưởng thơ Báo Phụ nữ Việt Nam, kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam...
Người mẹ trong thơ dẫu đối diện với vô vàn khó khăn vẫn kiên cường đứng lên trước mọi hoàn cảnh. Ngay cả khi hứng chịu tột cùng của nỗi đau tưởng chừng như không gì bù đắp nổi: “Sáng mất chồng, chiều tin dữ mất con/Góa bụa đơn côi nỗi đau nào hơn thế/Máu nhòa mồ hôi rỏ vào vết cứa” mẹ cũng không hề gục ngã mà tự tìm điểm tựa cho mình. Đó là “tựa vào mưa” để “trôi hết nỗi buồn”, “tựa vào đất” nhằm “ươm mầm sự sống” và “tựa vào sắn khoai, lời ru, điệu hát”… Ca khúc do ca sĩ Trần Nguyên Thắng, một người con của quê hương Quảng Bình thể hiện rất tốt để lại nhiều cảm xúc trong lòng người nghe.
Không có nhiều đột phá trong sử dụng ngôn từ, vần điệu, thơ Đặng Thị Kim Liên trong sáng, nhẹ nhàng, tinh tế và “hiền lành” chân chất như con người của chị. Những tác phẩm thơ về đề tài TBLS, nhất là tập “Hoa bất tử” như những nốt trầm thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc đối với những người con của quê hương, đất nước đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nói như nhà văn Nguyễn Thế Tường: Tập thơ “Hoa bất tử” đã hội được các điều kiện đủ để ta gọi chị là một trong những “nhà thơ nghĩa trang” của một giai đoạn lịch sử.
(QBĐT) - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Minh Tuyên cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực, huy động sức mạnh của toàn xã hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa.
(QBĐT) - Thực ra thì trên văn đàn Việt Nam không ai xa lạ gì với nhà văn Nguyễn Quang Hà, trong sự nghiệp của mình, ông có nhiều cống hiến cho văn học Việt Nam trên hai lĩnh vực sáng tác là văn xuôi và thơ.