Mùa hoa chạc quạch

  • 09:08, 25/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng tám, tiết trời miền núi hơi se lạnh bởi những cơn mưa rừng rả rích suốt mấy ngày liền... Xe chúng tôi chậm rãi uốn mình theo con dốc ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bò lên đỉnh Trường Sơn-nơi có đồng bào Ma Coong đang sinh sống. Đi được nửa đường, chợt nhiên phía trước như có ngọn lửa bừng sáng, trùm lên các tán cây là một màu đỏ rực rỡ xua tan cái âm u của núi rừng. Ôi hoa chạc quạch! Màu hoa như vết son tô đỏ cả miền ký ức, khiến tôi rưng rưng sống lại những năm tháng tuổi thơ...
 
Tôi sinh ra ở một vùng núi nghèo khó, nhà tôi ở dưới chân núi. Những ngày mưa dầm, đá trên đỉnh núi lỏng chân lăn rầm rầm xuống mé vườn, ba vẫn thường gom những hòn đá nhỏ lại thành đống làm bức tường tự nhiên để ngăn bò hàng xóm qua dẫm nát vườn rau mẹ mới trồng. Phía trước mặt là bãi bồi của con sông Gianh, nơi cả làng phân chia nhau đất đai canh tác và hoa màu là nguồn thu nhập chính của chúng tôi. Phía bên kia, đồi chồng lên đồi, núi quàng vai núi cao chót vót… Phía bên kia heo hút, đường đi khó khăn nên chỉ có vài gia đình sinh sống trong đó có nhà Hương-cô bạn thân của tôi.
Hoa chạc quạch.
Hoa chạc quạch. Ảnh Đông A.
Tôi chơi thân với Hương từ ngày vào học lớp một, hai đứa như hình với bóng suốt những năm tuổi thơ. Mỗi khi nhìn thấy hoa chạc quạch bắt đầu thắp lửa trên những triền rừng thì cũng là lúc sắp sửa vào hè. Kết thúc năm học, ngày ngày tôi lại xin mẹ vác rựa lội qua đoạn thác cạn ở đầu làng sang rừng hái củi, bên kia cô bạn thân đã chờ sẵn cùng với một túi sắn luộc. Hai đứa men theo lối mòn của người đi làm gỗ vào rừng, khi đã kiếm được một bó khá nặng vai, chúng tôi dừng chân trên đỉnh dốc ngồi nghỉ. Nằm ngửa mặt lên trời nhìn những tán cây đỏ rực hoa chạc quạch, miệng nhóp nhép nhai sắn, hai đứa lại mộng mơ về một tương lai tươi đẹp.
 
Chạc quạch là loại cây thân leo, cành cây biến thành những tay níu bám vào thân cây khác để vươn lên phía trên tìm ánh sáng nhưng nó không sống tầm gửi vào cây chủ mà tự nuôi dưỡng bằng bộ rễ dài ăn sâu vào lòng đất. Chạc quạch có một sức sống mãnh liệt, mùa đông cây rụng lá còn trơ lại những dây leo khô khốc. Đến khi những cơn mưa xuân bắt đầu rây bột, mặt trời ửng hồng đôi má xấu hổ sau một thời gian ngủ quên thì cũng là lúc những mầm lá non nhú ra và lớn nhanh đến lạ. Trong các mắt cây, từng chùm nụ li ti xuất hiện. Đến khoảng cuối mùa xuân đầu mùa hè những bông hoa bắt đầu bung nở.
 
Nhớ những buổi sáng tháng tư thức dậy, quẩy đôi gánh ra sông lấy nước bất chợt dưới lòng sông những triền hoa màu đỏ lập lòe trong bóng nước, ngước lên nhìn phía triền rừng, trước mặt tôi một thảm hoa trải dài... Chạc quạch không nở từng bông mà kết thành chùm, nếu nhìn kỹ nó hao hao giống hoa phượng vĩ. Hoa rất bền, nở liên tục từ tháng 4 đến cuối tháng 9 mới bắt đầu tàn. Hoa cũng có hai loại nếu chỉ nhìn lá thôi thì sẽ không thể phân biệt được vì lá chạc quạch đều có gân, giòn và xẻ hình trái tim. Nhưng với loại hoa màu đỏ tươi thì bông to, cánh hoa dày, kết chùm ít còn loại hoa màu đỏ gạch thì bông nhỏ, cánh mỏng manh và kết chùm nhiều hơn.
 
Hoa chạc quạch đứng nhìn từ xa tưởng chừng như rất gần có thể đưa tay với tới, nhưng khi đứng dưới gốc cây mới biết chỉ có thể ngắm còn rất khó hái bởi vì nó trùm lên trên các tán cây cao để hứng nắng. Bởi vậy, thuở nhỏ mỗi lần ba tôi đi rừng trúng vào mùa hoa chạc quạch nở tôi vẫn thường nhõng nhẽo xin ba hái mang về cho một chùm để mân mê cái sắc đỏ và hít hà chút hương rừng ngọt lịm.
 
Kể từ ngày xa nhà đi học sư phạm, rồi đi làm và theo chồng về thành thị, đã 17 mùa hoa chạc quạch nở rồi tàn, tôi không còn được quẩy gánh ra sông lấy nước để nhìn thấy những bông hoa đầu tiên bung sắc đỏ. Chỉ còn lại trong thấp thoáng những ký ức về chùm chạc quạch đỏ rực còn nồng nàn tỏa hương dắt trên bó củi của ba mỗi chiều từ rừng về để làm quà cho con gái. Chỉ còn trong trí nhớ một khoảng trời màu đỏ ấp iu bao ước mơ hoài bão cùng cô bạn thân nối khố.
 
Hôm nay, trên đỉnh Trường Sơn huyền thoại, gặp lại màu hoa cũ, hương thơm cũ, bao kỷ niệm trong tôi ùa về rưng rức. Tôi nhớ cái làng nhỏ dựa lưng vào núi úp mặt vào sông quanh năm vất vả, nhớ những mùa chạc quạch trẩy hội hoa in bóng xuống dòng sông đỏ rực, trong gánh nước trên vai tôi như có cả rừng hoa đỏ. Với tôi, hoa chạc quạch là một phần của nơi tôi đã được sinh ra, lớn lên, là những ký ức đẹp đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi trưởng thành. Màu hoa không chỉ như ngọn lửa thiêng của núi rừng thắp lên nỗi khát khao, ước mơ của những con người ngày đêm quyết vượt qua cái đói cái nghèo của vùng quê mà còn sưởi ấm trái tim của những kẻ tha phương mong mỏi ngày trở về.
Phạm Thị Ngân

tin liên quan

Một lần gặp Đại tướng
Một lần gặp Đại tướng
(QBĐT) - Ông chào chúng tôi bằng nụ cười hiền
căn phòng đơn sơ tâm hồn Lệ Thủy
và căn dặn chúng tôi
bằng tầm nhìn Đại tướng
Những nguồn mạch văn hóa âm thầm
Những nguồn mạch văn hóa âm thầm

(QBĐT) - Các thế hệ nhân dân Quảng Bình vừa bền bỉ lưu giữ, trao truyền vốn văn hóa nền tảng, vừa linh hoạt phát triển cái riêng có đồng thời cởi mở thu nạp những khác biệt. Họ đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Quảng Bình không bị cũ mòn, cứng nhắc cũng không rơi vào tình trạng quá khích "đổi mới nóng" mà đạt đến độ hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Nhà Thiếu nhi tỉnh tổng kết hoạt động hè và giao lưu văn nghệ
Nhà Thiếu nhi tỉnh tổng kết hoạt động hè và giao lưu văn nghệ

(QBĐT) - Tối 24/8, Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức chương trình tổng kết hoạt động hè và giao lưu văn nghệ "Sắc màu tuổi thơ".