Gìn giữ cho muôn đời sau-Bài 2: Bền bỉ sức sống văn nghệ dân gian

  • 11:08, 08/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vượt qua những khó khăn trong duy trì hoạt động, nhiều câu lạc bộ (CLB) trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ dân gian (VHVNDG), đặc biệt là trong việc lan tỏa tình yêu VHVNDG, trao truyền cho thế hệ sau. Qua đó, không ít cách làm hay, giải pháp sáng tạo được triển khai ở cơ sở, góp phần mang lại diện mạo mới cho các CLB, bắt kịp với sự đổi thay của lớp công chúng mới.
 
 
Giữa tháng 7 vừa qua, chương trình giao lưu CLB “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” trong phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) năm 2024 được Cục Chính trị BĐBP tổ chức ngay tại TP. Đồng Hới. Sự kiện đã thu hút các CLB đến từ Hội Phụ nữ BĐBP 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
 
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên phụ nữ BĐBP tích cực tham gia các hoạt động VHVN, góp phần giữ gìn và phát huy các làn điệu hát ru, hát dân ca-một nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc; đồng thời, đánh giá thực chất phong trào VHVN trong hoạt động công tác hội ở Hội Phụ nữ tại các đơn vị cơ sở trong BĐBP. Chương trình cũng là dịp để cán bộ, hội viên phụ nữ BĐBP giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác hội; qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động VHVN trong các cơ quan, đơn vị, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Tiết mục tham gia giao lưu CLB “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” của phụ nữ BĐBP tỉnh.
Tiết mục tham gia giao lưu CLB “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” của phụ nữ BĐBP tỉnh.
5 CLB đã gửi đến chương trình giao lưu những tiết mục xuất sắc, đầu tư dàn dựng công phu, chất lượng cao, như: Các tổ khúc dân ca của Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Bình, hoạt cảnh “Dòng sông hoa đỏ” của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Quảng Trị, hoạt cảnh “Tình quê” của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Thanh Hóa… Các tiết mục tham gia chương trình giao lưu cho thấy sự phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung, sinh động về cách thể hiện. Những làn điệu dân ca, điệu hát ru truyền thống được các diễn viên thể hiện khơi dậy trong lòng người nghe niềm tin, niềm tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, chương trình nhận được sự quan tâm lớn với sự có mặt của các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh và đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.
 
Đại úy Hồ Thị Thúy An, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Bình chia sẻ: CLB “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” đã được duy trì nhiều năm qua trong BĐBP tỉnh. Được sự quan tâm và tạo điều kiện của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, 13 thành viên của CLB tranh thủ thời gian, thu xếp công việc, gia đình để tích cực sinh hoạt, tập luyện. Anh chị em chủ yếu là “tay ngang”, nhưng với tình yêu dành cho VNDG và đam mê, nhiệt huyết, nhiều bài hát ru, dân ca, nhất là hò khoan Lệ Thủy, được các thành viên luyện tập nhuần nhuyễn, thành thục. Bên cạnh chương trình giao lưu các CLB trong phụ nữ BĐBP tổ chức thường xuyên từ 2-3 năm/lần, CLB cũng tham gia biểu diễn tại các chương trình, sự kiện của BĐBP, trong tỉnh và đưa lời ca, tiếng hát đến với các chiến sĩ BĐBP.
Một buổi tập luyện của CLB hát múa dân ca xã Lý Trạch (Bố Trạch).
Một buổi tập luyện của CLB hát múa dân ca xã Lý Trạch (Bố Trạch).
Thành công của chương trình giao lưu là minh chứng cho nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị VHVNDG của BĐBP nói chung, BĐBP Quảng Bình nói riêng. Kỳ vọng với sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, cùng với sự năng động, sáng tạo, tâm huyết, bằng trách nhiệm, tài năng và sự say mê nghệ thuật, phong trào phụ nữ nói chung, hoạt động hát ru, hát dân ca nói riêng trong phụ nữ BĐBP thời gian tới sẽ ngày càng sôi nổi, phong phú và mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Tại xã Lý Trạch (Bố Trạch), vượt qua khó khăn, có một CLB vẫn duy trì hoạt động bền bỉ hơn 7 năm qua để “giữ lửa” tình yêu dân ca trong cộng đồng. CLB hát múa dân ca xã Lý Trạch được thành lập từ năm 2017 với 22 thành viên. Ông Lê Văn Hiệt, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, vốn gia đình ông có truyền thống yêu dân ca, khi nghỉ hưu, với “vốn liếng” dân ca được tích lũy, góp nhặt qua quá trình công tác và sự thôi thúc phải làm một việc gì đó để bảo tồn vốn quý của cha ông, ông quyết định thành lập CLB và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của bà con. Dù tuổi đã cao (từ 56-75 tuổi) lại theo nhiều ngành nghề, nhưng các thành viên vẫn miệt mài chăm chỉ luyện tập 1 tuần/2 lần tại chính nhà ông Hiệt.
 
Những ngày này, CLB đang tích cực luyện tập các tiết mục để chuẩn bị cho buổi biểu diễn ở xã Minh Hóa (Minh Hóa) vào tháng 8 này. Ông Cao Tiến Du (60 tuổi, thôn 7, xã Lý Trạch, thành viên của CLB) hồ hởi cho biết, qua những buổi luyện tập, biểu diễn, mọi lo âu, mệt mỏi hầu như không còn, lại có thể góp phần đưa lời ca tiếng hát đến bà con, gìn giữ các vốn quý dân ca của cha ông để lại. CLB được ví như một gia đình thứ 2 để các thành viên cùng chia sẻ buồn vui cuộc sống và mạnh dạn thử nghiệm trình diễn dân ca, nhạc truyền thống theo cách thức hiện đại, mới mẻ. CLB cũng thường xuyên được mời tham gia các chương trình trong và ngoài huyện, giao lưu học hỏi thêm từ các CLB khác.
 

Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh chia sẻ: Thời gian qua, với sự quan tâm của tỉnh và ngành Văn hóa, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân đã được hỗ trợ và nhiều lớp tập huấn, trao truyền di sản được tổ chức. Để các CLB VHVNDG hoạt động hiệu quả, các nghệ nhân dân gian đóng vai trò quan trọng. Vậy nên, rất mong muốn có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian hàng tháng, nhất là trong nỗ lực trao truyền, bồi dưỡng thế hệ sau. Bởi đây là việc làm thường xuyên, liên tục, cần sự động viên, khuyến khích, tạo động lực. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh phí để bổ sung thêm nhạc cụ, trang phục biểu diễn... cũng rất cần thiết.

Theo ông Lê Văn Hiệt, thế mạnh của CLB là có thể xây dựng kịch bản, dàn dựng chương trình theo như yêu cầu của từng chương trình, sự kiện. Do đó, các tiết mục của CLB không bó hẹp ở một thể loại VNDG nào, mà đa dạng, phong phú và mở rộng theo nhiều thể loại khác nhau. Các thành viên của CLB cũng rất đoàn kết, hỗ trợ, giúp sức và chia sẻ khó khăn trong quá trình hoạt động. Thời gian tới, CLB mong muốn có sự hỗ trợ tích cực hơn trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng xây dựng các chương trình, tiết mục; đồng thời, có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi thường xuyên.
 
Có thể nói trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc duy trì và phát triển các CLB VHVNDG là một thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực của bản thân các CLB và nhất là không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp sức của chính quyền địa phương, các cấp, ngành. Thực tế cho thấy, địa phương, đơn vị nào có sự quan tâm, tạo điều kiện đối với VHVNDG thì ở đó các CLB có nhiều cơ hội hoạt động hiệu quả, làm tròn nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của mình. Đáng chú ý hiện nay, các CLB chính là “chìa khóa” cho việc phát triển du lịch văn hóa nếu có sự khai thác hiệu quả. Còn nhớ những năm trước đây, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đã phối hợp với CLB ca trù Đông Dương (xã Quảng Phương, Quảng Trạch) tổ chức các buổi “Ca trù Quảng Bình sưởi ấm mùa đông di sản” rất ấn tượng và được du khách yêu thích.
Mai Nhân

tin liên quan

Về bến cũ
Về bến cũ
(QBĐT) - Ta về bến cũ ngày xưa
Mà sao day dứt như vừa hôm qua
Gìn giữ cho muôn đời sau-Bài 1: Để làng quê không vắng bóng câu hò, điệu hát
Gìn giữ cho muôn đời sau-Bài 1: Để làng quê không vắng bóng câu hò, điệu hát

(QBĐT) - Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, nhiều loại hình văn hóa văn nghệ dân gian đã được bảo tồn và phát huy giá trị, không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, mà còn góp phần phát triển kinh tế, phục vụ du lịch. 

Điều chưa kịp nói
Điều chưa kịp nói
(QBĐT) - Điều ta chưa kịp nói
Mùa thu gõ cửa rồi
Giữa thinh không vũ trụ
Ngôi sao băng rạch trời