Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều

  • 12:08, 09/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 3/2/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Đây là dấu mốc quan trọng để tỉnh Quảng Bình nói chung, xã Trường Sơn nói riêng tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
 
Đối với cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, lễ hội trỉa lúa là một sự kiện quan trọng trong năm. Trước khi đem hạt giống ra trỉa xuống đất, người dân tổ chức lễ hội để cầu mong thần lúa, thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt, nặng bông, mùa màng tốt tươi, cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.
 
Hàng năm, xã Trường Sơn đều duy trì tổ chức lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều vào tháng 7 âm lịch, gồm 2 phần (phần lễ và phần hội). Sau phần lễ, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ, vừa dùng cỗ vừa trò chuyện vui vẻ; tiếp đó là phần hội với nhiều trò chơi dân gian được người dân nơi đây còn lưu giữ, như: Xà hùa, chi cà dạ, bóng má, cháy xà rì…
 
Để góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh, trong đó có lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao đã tích cực triển khai thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với nhiều hoạt động, như: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về hoạt động tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS; hội thảo khoa học “Thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch”; mở lớp tập huấn xây dựng câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian tại xã Trường Sơn…
Bà con Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn thực hiện nghi lễ trong lễ hội trỉa lúa.
Bà con Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn thực hiện nghi lễ trong lễ hội trỉa lúa.
Đặc biệt, năm 2022, CLB văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn được thành lập. Hiện nay, CLB có 35 thành viên là những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, những hạt nhân văn nghệ tại địa phương... Nhờ đó, các thành viên thường xuyên tham gia và tích cực tổ chức tập luyện, truyền dạy các nghi lễ dân gian, nhất là lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều; xây dựng nhiều chương trình biểu diễn để tham gia các hội thi, hội diễn do Trung ương, tỉnh, huyện tổ chức.
 
Đầu năm 2024, CLB văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn vinh dự tham gia ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (ở Sơn Tây, Hà Nội) hay tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình lần thứ II… Người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn đã tái hiện lại lễ hội trỉa lúa, thu hút nhiều du khách đến xem. Qua đó, để người dân, du khách hiểu thêm về những giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều.
 
Tiếp tục thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ của dự án 6, từ ngày 25/6-4/7 và từ ngày 1-9/8/2024, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng đã tổ chức lớp tập huấn xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng lễ hội trỉa lúa trên địa bàn xã Kim Thủy (Lệ Thủy), xã Trọng Hóa (Minh Hóa).
 
Tham gia lớp tập huấn là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào Bru-Vân Kiều. Tại đây, các học viên được tiếp thu thêm nhiều kiến thức về lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn; kỹ năng xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều… Cùng với đó, các học viên còn được các trưởng bản, người có uy tín ở xã Trường Sơn, như: Hồ Đài, Hồ Văn Nguyên, Hồ Văn Kiu, Hồ Xuân Thuần, Hồ Thị Con… truyền dạy, thực hành kỹ năng trình diễn các nghi thức của lễ hội...
 
Xã Trường Sơn cũng đã thành lập và duy trì hoạt động các đội văn nghệ truyền thống dân tộc Bru-Vân Kiều để trao truyền, kế thừa những nét văn hóa đặc sắc của địa phương; truyền dạy các nghi thức lễ hội, hướng dẫn cho thế hệ trẻ là con em người Bru-Vân Kiều sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống có trong lễ hội. Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2023, đội văn nghệ truyền thống dân tộc Bru-Vân Kiều của bản Đá Chát, bản Khe Cát được hỗ trợ gần 100 triệu đồng mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ phục vụ cho hoạt động của đội. Dự kiến trong thời gian tới, các đội văn nghệ truyền thống dân tộc Bru-Vân Kiều của các bản Bến Đường, Thượng Sơn, Trung Sơn, Cây Sú cũng sẽ được hỗ trợ trên 150 triệu đồng để mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ.
 
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết: “Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn xã, trong đó phải kể đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều. Lễ hội được duy trì, tổ chức thường niên cũng tạo điều kiện quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, làm cơ sở cho việc hình thành các sản phẩm du lịch, điểm du lịch, thu hút khách tham quan, góp phần tạo điều kiện tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, xã Trường Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của lễ hội, từ đó cùng nhau chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản”.
 
Di sản văn hóa phi vật thể lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn là một bộ phận hợp thành, tạo nên nét riêng và thể hiện sự đa dạng của các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội trỉa lúa nhằm góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo mà các thế hệ cha ông để lại, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của ĐBDTTS, đồng thời xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 Cát Tường

tin liên quan

Bế giảng lớp tập huấn xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản
Bế giảng lớp tập huấn xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản

(QBĐT) - Sáng nay, 9/8, tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa), Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức lễ bế giảng lớp tập huấn xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng. 

Gìn giữ cho muôn đời sau-Bài 2: Bền bỉ sức sống văn nghệ dân gian
Gìn giữ cho muôn đời sau-Bài 2: Bền bỉ sức sống văn nghệ dân gian

(QBĐT) - Vượt qua những khó khăn trong duy trì hoạt động, nhiều câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ dân gian.

Về bến cũ
Về bến cũ
(QBĐT) - Ta về bến cũ ngày xưa
Mà sao day dứt như vừa hôm qua