(QBĐT) - Cuộc vận động (CVĐ) sáng tác văn học-nghệ thuật (VHNT) đề tài quê hương và con người Quảng Bình là hoạt động nằm khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024). Đây là lần đầu tiên tỉnh phát động một cuộc sáng tác VHNT trên phạm vi toàn quốc, với kỳ vọng thu hút được nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật cao, có cái nhìn đa chiều, đa diện, khách quan về Quảng Bình.
CVĐ đã được đông đảo văn nghệ sĩ, các tác giả sáng tác chuyên và không chuyên không chỉ trong tỉnh mà còn ở khắp nơi trên cả nước hưởng ứng nhiệt tình. Trong đó, tác giả, tác phẩm chuyên ngành văn học chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 50% tổng số tác phẩm dự thi (193/387 tác phẩm ở các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, truyện ký, thơ của 65/122 tác giả). Có nhiều người là con em Quảng Bình đang làm việc và sinh sống xa quê hương, nhiều tác giả quê nơi khác nhưng mang ấn tượng tốt đẹp với Quảng Bình cũng gửi tác phẩm tham gia.
Nhà văn được xem là người chép sử cũng là người tái hiện lịch sử dưới góc nhìn văn học. Nhìn tổng thế, đa số tác phẩm văn xuôi tham gia CVĐ tập trung đề cập đến đề tài lịch sử quê hương Quảng Bình trong 420 năm hình thành và phát triển. Mỗi tác phẩm là một góc nhìn, nếu sắp xếp theo thời gian, bố cục theo không gian, chúng ta sẽ có bức tranh toàn cảnh Quảng Bình: Từ thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (truyện ký Theo dòng lịch sử-Đỗ Duy Văn, truyện ngắn Lũy Thầy khói lửa-Nguyễn Anh Tuấn) đến cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương những tháng năm hào hùng kháng chiến chống Mỹ cứu nước (bút ký Kỳ tích quanh một tuyến đường- Kim Cương); từ những tên đất, tên làng, dòng sông, ngọn núi thân thuộc (bút ký Sông Loan, núi Phượng-Trần Lý Minh) đến bản sắc văn hóa ẩn chứa trong mỗi con người bình dị, can trường (tùy bút Quảng Bình khúc khuỷu lụa là-Trương Thu Hiền); từ chiến công của các thế hệ cha ông (truyện ngắn Chiến công của Hồ Súng-Nguyễn Đại Duẫn) đến những cống hiến của lớp thanh niên thời đại mới (tiểu thuyết Đời gáo-Trác Diễm)… Phải là thấm đẫm thực tế, phải là sâu nặng yêu thương, phải là kiêu hãnh, tự hào về quê hương lắm mới có được những tác phẩm văn học chan chứa chất đời như vậy.
Tập bút ký “Sông Loan, núi Phượng” của tác giả Trần Lý Minh là một bất ngờ của văn học Quảng Bình, bởi lâu nay Trần Lý Minh rất ít xuất hiện. Trên lĩnh vực văn xuôi, cụ thể là thể loại bút ký ông cũng chưa được đánh giá cao. Những tưởng ông đã quên mất văn chương, chỉ chí thú với nghề thầy thuốc đông y của mình, không ngờ trong trái tim ông vẫn còn ủ lửa. Chỉ cần kích hoạt đúng lúc, ngọn lửa ấy sẽ bùng lên rực rỡ. CVĐ đã chạm sâu vào những gì đang chứa ẩn trong Trần Lý Minh, để rồi có bao vốn liếng ấp ủ bấy nay ông trải bày trên trang viết, là tình quê hương mặn mà và thấu hiểu am tường nơi mình sống, là nguồn mạch văn chương âm thầm chảy không dứt trong tâm hồn, là năng lượng sáng tạo ấp ủ đợi có dịp để bung tỏa... Khi tất cả được chạm vào, nhiệt huyết sống dậy, Trần Lý Minh đã vút lên một “Sông Loan, núi Phượng” đậm đặc bản sắc người và đất Quảng Trạch. Sự trở lại sau ngót nghét một thập kỷ vắng bóng của ông thật quá xứng đáng.
![]() |
Trong 43 tác phẩm văn xuôi tham gia CVĐ có hai tác phẩm tập trung khai thác đề tài lịch sử Quảng Bình thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh: Truyện ký “Theo dòng lịch sử” của Đỗ Duy Văn và truyện ngắn “Lũy Thầy khói lửa” của Nguyễn Anh Tuấn. Trong thực tế, việc tái hiện lịch sử bằng tác phẩm văn học thường là thế mạnh của các tác giả đã có thời gian chiêm nghiệm cuộc sống, am hiểu lịch sử như ông Đỗ Duy Văn nhưng thời gian qua, văn chương Quảng Bình đã nổi lên một tác giả trẻ chuyên khai thác tư liệu lịch sử để viết truyện, đó là Nguyễn Anh Tuấn. Tuấn làm kiểm lâm viên ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nhưng yêu văn chương và lịch sử nên đã dấn thân vào những trang viết và thành công. Tuấn như làn gió mới, trẻ trung, giàu nội lực của văn xuôi Quảng Bình.
Nhìn chung, thể loại văn xuôi tham gia CVĐ đã thành công, dẫu chưa có tác phẩm thực sự xuất sắc nhưng cũng hội tụ được bộ tác phẩm đa dạng, phong phú và giàu ý nghĩa, chứng tỏ nội lực tiềm ẩn của thể loại này trong tổng thể các chuyên ngành VHNT nói chung.
Ở các CVĐ sáng tác VHNT hay các cuộc thi, thơ luôn là thể loại được đông đảo tác giả hưởng ứng. Lần này cũng không ngoại lệ, thơ chiếm gần 50% tổng số tác phẩm tham gia với 149 bài. Mỗi tác phẩm thơ như một lời từ trái tim yêu thương gửi đến Quảng Bình, nếu kết nối tất cả lại chúng ta sẽ có một trường ca dày dặn, ăm ắp hình ảnh quê hương Quảng Bình. Đó là Quảng Bình quê anh-Lê Minh Thắng, Về Bố Trạch thăm miền di sản-Cảnh Giang, Đèo Ngang I,II, III-Nguyễn Xuân Sùng; có bóng dáng con người Quảng Bình anh dũng, quật cường trong chiến đấu bảo vệ quê hương: Vũng Chùa vọng tiếng dương cầm-Nguyễn Hữu Quý, Những bước chân không về neo vào im lặng-Trần Thị Huê, Bảy mươi người lính-Hoàng Vũ Thuật, Hang Tám cô-Trương Vĩnh Hạnh; thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, ân tình, chung thủy trong đời sống: Điệu hò di sản-Lý Hoài Xuân, Lũ lịch sử, quê nhà và mẹ-Hồ Minh Tâm...
Tất cả đều được cất lên từ tình yêu quê hương Quảng Bình nên đã mang đến cho người đọc những cảm xúc nghệ thuật vừa chân thực, vừa sâu lắng. Trong đó, tác giả Trương Vĩnh Hạnh có chùm thơ vượt trội và được đánh giá cao. Trương Vĩnh Hạnh là thầy giáo. Thơ anh hiền lành, mô phạm và không bị câu thúc bởi sự cách tân đổi mới thường thấy trong thơ đương đại. Với tính truyền thống ấy, thơ Trương Vĩnh Hạnh dường như bị khuất lấp trong môi trường thi ca đa phong cách hiện tại. Thế nhưng, tác phẩm anh tham gia CVĐ lần này lại bất ngờ có những thay đổi về phong cách thể hiện và được tiểu ban nghệ thuật chuyên ngành thơ gồm các tên tuổi tài danh, như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Lương Ngọc An đánh giá cao.
Viết về các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên đường 20 Quyết thắng, hang Tám thanh niên xung phong, Trương Vĩnh Hạnh khai thác những khía cạnh hết sức đời thường nhưng lại rất tinh tế để nói lên sự hy sinh anh dũng của những chàng trai, cô gái thanh xuân đôi mươi: “Đồng đội ơi!... Lên chốt/Rà phá bom từ trường/Đêm mệt nhoài-gội tóc/Bồ kết rừng ngát hương/Lặng lẽ bàn lược gương/Tuổi tên người như cỏ/Mắt rừng nhòe khói sương/Tám người chung hang mộ/Chiến tranh lùi quá khứ/Đại ngàn xanh Trường Sơn/Cốt xương về quê mẹ/Trưa rưng rưng nhói hồn…”. Những dòng thơ thắt quặn tâm can người đang sống, cho ta thấm thía cái giá vô cùng của cuộc sống hòa bình, êm ấm hôm nay.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý-người con sông Gianh lại nhìn về quê mẹ bằng tình cảm của người mang nỗi nhớ đến biên độ cực đại và cả niềm tự hào mênh mang trong tim: “Khi cuộc đời có nhiều thứ để quên/Con vẫn nhớ câu ru của mẹ/Như nhớ con đường không bao giờ bị xóa/Trên hành trình đi tới đỉnh yêu thương/Có gì đâu, mẹ chính là quê hương/Là đất nước như bao người từng nói/Nhưng với con mẹ là khi con gọi/Có một vạt buồm vá nắng ở cuối sông...”. Quê hương Quảng Bình cứ tự nhiên hiện lên trong thơ như vậy mà không kém phần rạng rỡ, không kém phần lay động.
Đồng hành cùng bao bước thăng trầm của lịch sử quê hương, thơ luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người Quảng Bình, là tấm gương phản chiếu cuộc sống muôn màu nơi miền quê này. Lịch sử, văn hóa, xã hội Quảng Bình đã được tái hiện bằng mỹ cảm đặc biệt, giàu sáng tạo, chan chứa yêu thương của các tác giả, chắc chắn mang lại những giá trị tinh thần mạnh mẽ và giá trị nghệ thuật bền vững.
CVĐ diễn ra trong thời gian ngắn nên khó để có được nhiều tác phẩm đỉnh cao nhưng đã góp phần tạo cơ hội để xuất hiện bộ tác phẩm mới với cách nhìn trực diện, góc độ khác biệt và giàu sức thuyết phục về dải đất nhỏ hẹp mà dẻo dai, can trường Quảng Bình, là điều kiện cho những người sáng tác văn học thể hiện trách nhiệm công dân của bản thân. CVĐ kết thúc nhưng hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ không bao giờ ngừng nghỉ. Với họ, mảnh đất quê hương là cảm xúc không bao giờ vơi cạn, sống và viết về quê hương là hạnh phúc lớn lao không bao giờ chán nản.
Trương Thu Hiền