Người có duyên nợ với văn hóa dân gian Quảng Bình

  • 07:07, 04/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng (sinh năm 1942), sinh ra và lớn lên ở quê hương Cảnh Dương (Quảng Trạch). Ông là người có nhiều duyên nợ với văn hóa dân gian Quảng Bình.
 
Kể từ khi công trình đầu tiên của thầy giáo Trần Hoàng và cộng sự được ra mắt bạn đọc là Truyện cổ dân gian Bình Trị Thiên (xuất bản năm 1987), đến hôm nay ông đã có 14 đầu sách liên quan đến văn hóa dân gian Quảng Bình. Đây là một trong những niềm vui và đề tài về Quảng Bình mà ông đã theo đuổi gần trọn đời mình.
 
Thầy giáo Trần Hoàng đã từng giảng dạy ở Khoa Ngữ văn, làm quản lý và giảng dạy ở Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Huế. Ông là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1986, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên-Huế năm 1991, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên-Huế khóa I (1991-1993), Phó Tổng thư ký hội thời kỳ 1993-1997. Là người giảng dạy văn hóa văn học dân gian lâu năm nên ông có nhiều kinh nghiệm trong việc sưu tầm, nghiên cứu, điền dã văn hóa dân gian và hướng dẫn nhiều sinh viên đi vào con đường văn hóa dân gian đầy khó khăn và thử thách.
 
Lúc còn tỉnh Bình Trị Thiên, các công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông và cộng sự, gồm có: Truyện cổ dân gian Bình Trị Thiên (năm 1987), Văn học dân gian Bình Trị Thiên (năm 1987), Ca dao dân ca Bình Trị Thiên (năm 1988). Sau khi tái lập tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, ông lại dành tình cảm, thời gian, cuộc đời của mình cho vùng đất Quảng Bình yêu dấu.
 
Ông từng tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Quảng Bình, một miền quê đầy nắng gió và giàu truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa. Đến tuổi trưởng thành, tôi lại được làm nghề dạy học. Do đặc thù của nghề nghiệp, hơn 50 năm qua, rất nhiều lần tôi có dịp về công tác ở nhiều làng, xã từ Nam đèo Ngang đến TP. Đồng Hới, Hạc Hải, Bàu Sen… Những chuyến đi này đã giúp tôi có thêm nhiều hiểu biết mới mẻ về quê hương, đất nước, từ thắng cảnh, cuộc sống đến truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương”.
 
Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng (người đứng giữa).
Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng (người đứng giữa).
Kết quả của những chuyến đi đó, ông đã làm nên những công trình liên quan đến văn hóa dân gian Quảng Bình rất có giá trị. Trong đó, sách viết chung có các cuốn, như: Quảng Bình di tích danh thắng (tập 1, năm 1990), Cảnh Dương chí lược (năm 1993), Văn học dân gian Quảng Bình (tập 1, năm 1996), Cụ Hồ ở giữa lòng dân (năm 2000), Những bài ca dâng Bác (năm 2010)... Sách viết riêng có: Quảng Bình thắng cảnh và văn hóa (Tìm hiểu và thức nhận) (năm 2007), Tìm về văn hóa-văn học dân gian một miền quê Trung bộ (năm 2000), Sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền làng biển Cảnh Dương (năm 2010), Ẩm thực vùng ven biển Quảng Bình (trước năm 1945) (năm 2011), Văn hóa dân gian Quảng Bình (năm 2014), Văn hóa dân gian các làng ven biển Bình Trị Thiên (năm 2018).
 
Là người con xa quê, ông luôn đau đáu một nỗi nhớ thuở ấu thơ khi còn ở quê nhà và nhớ nhất những câu hò ru em ngọt ngào với điệp khúc: Hò hẻ hò hè/bôồng bôổng bôông bôông như những nhịp võng đưa. Rồi những đêm trăng sáng cùng bạn bè chơi các trò chơi hú dê dê, đánh đáo, đi cà kheo... ở nơi sân đình. Những buổi theo bà, theo chị đi lễ chùa, đi xem bơi trải, nấu cơm thi cơm cần, đánh cờ người... khi mỗi độ Tết đến, xuân sang. Cứ như vậy, ngày một, ngày hai, văn hóa làng biển bên sông Roòn thấm dần vào tâm hồn, trí tuệ của ông.
 
Từ thuở nhỏ còn là cậu học sinh ở trường làng Cảnh Dương, thầy giáo Trần Hoàng đã được biết tới, thụ hưởng biết bao giá trị văn hóa do chính bà con ngư dân tạo nên. Chính vì vậy, khi xa quê lập nghiệp, ông cũng luôn dành khoảng thời gian quý báu để tìm hiểu, nghiên cứu về biển Quảng Bình. Ông thường hay nói, biển quê ông luôn cho quê hương con tôm, con cá, giếng làng quê cho dân bát nước ngọt lành, trường làng, văn hóa làng đã cho ông cái chữ, sự hiểu biết và giáo dục, bồi dưỡng ông cách sống, lối sống của một con người ở một vùng quê nổi tiếng là một trong những làng “Bát danh hương Quảng Bình”.
 
Trong quá trình nghiên cứu, ông vẫn thường nhấn mạnh rằng: “Các làng biển, làng thuần ngư, cũng như làng nông-ngư có một đời sống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Hơn thế nữa, trong các thành tựu, giá trị văn hóa của làng biển lại ẩn chứa rất nhiều sắc thái riêng, cả về văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Những chuyến điền dã vùng này đã giúp cho tôi có thêm nhiều hiểu biết, nhiều tư liệu quý về văn hóa các làng biển”.
 
Động lực để ông đến với văn hóa dân gian Quảng Bình là vì sống xa quê nhưng ông vẫn nhớ về quê mẹ với những tình cảm ngọt ngào, sâu lắng. Cứ mỗi lần về thăm quê, được sự khuyến khích, giúp đỡ của các thầy giáo cũ, bè bạn, bà con cô bác, xóm giềng đã tiếp thêm động lực để ông chuyên sâu tìm hiểu và lặng lẽ sưu tầm, ghi chép bao điều tốt đẹp về văn hóa làng quê, từ câu tục ngữ, ca dao, bài vè đến các lễ hội, các món ăn, về kiến trúc nhà, đình, chùa...
 
Mặc dù dạy học ở TP. Huế nhưng ông đã đi điền dã vùng ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế. Đây chính là cơ sở cho ông có thêm nhiều hiểu biết, tri thức mới mẻ về văn hóa dân gian các làng biển. Ví như việc đánh bắt cá tôm, làm muối, làm nước mắm, tục thờ cá Ông, lễ hội cầu ngư, bơi trải, lễ tế cúng khi thuyền xuất hành đầu năm, các câu hò kéo lưới, hò giã ruốc, hò hụi, hò khoan... đã giúp ông ngày càng nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc hơn những đặc điểm nổi bật và sắc thái riêng của dòng văn hóa do chính những người dân suốt đời gắn bó với biển khơi tạo nên và truyền lại cho đến ngày nay.
 
Mặc dù đã về hưu nhưng hàng ngày thầy giáo Trần Hoàng vẫn miệt mài bên bàn làm việc để xử lý tư liệu đã từng đi điền dã mà ông ghi chép ở hàng chục quyển sổ. Đặc biệt, ông vẫn thường xuyên cộng tác với VTV8, Đài Phát thanh-Truyền hình Thừa Thiên-Huế để tham gia phỏng vấn, làm phóng sự, phim tài liệu về chân dung những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian vùng Bình Trị Thiên. Và cứ mỗi lần về thăm quê hương Quảng Bình khi trở lại TP. Huế, ông thường có thêm những câu chuyện kể, những bài ca dao mới sưu tầm được. Tất cả lại trở thành tư liệu quý để ông nghiên cứu, tích góp thêm cho đời, cho quê hương Quảng Bình nhiều công trình văn hóa dân gian có giá trị hơn nữa.
Trần Nguyễn Khánh Phong

tin liên quan

Xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản
Xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản

(QBĐT) - Sáng 4/7, tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy), Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức bế giảng lớp tập huấn xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng tại xã Kim thủy.

 
"Bơi ngược dòng ký ức" cùng Đậu Đình Minh
"Bơi ngược dòng ký ức" cùng Đậu Đình Minh

(QBĐT) - Quê hương lời ru (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ thứ hai của Đậu Đình Minh (sinh năm 1957). 

Đồng Hới
Đồng Hới

(QBĐT) - Đồng Hới về đêm

Nghiêng mình bên Nhật Lệ

Nửa nhớ phía rừng

Nửa thương biển trào dâng