(QBĐT) - Quê hương lời ru (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ thứ hai của Đậu Đình Minh (sinh năm 1957). Nếu ở tập thơ đầu Hương quê cái tên Minh Cầm cứ rung ngân mãi: Minh Cầm mây gió đá reo; Minh Cầm, em có nhớ chăng; Minh Cầm xưa, Minh Cầm nay… thì trong Quê hương lời ru tất cả đã hóa thành nỗi nhớ: Nhớ cha, nhớ mẹ; nhớ về tuổi học trò; nhớ con đường làng ngày xưa cùng với mối tình đầu… Tất cả hóa thành “những vết sẹo thời gian” trong tâm thức tác giả.
Mở đầu tập thơ Quê hương lời ru, Đậu Đình Minh tâm sự: “Trong cuộc sống, tôi nghĩ hoài niệm và nói lên những điều đó tự tâm mình là cách tốt nhất để tỏ lòng tri ân về quá khứ, từ đó sống tốt hơn với hiện tại và vươn tới hoàn thiện mình trong tương lai”. Tác giả đã bỏ chút thời gian để tìm về cội nguồn “bằng những hồi tưởng, suy nghĩ và viết những điều mình muốn nói”. Ta hãy cùng anh “bơi ngược dòng ký ức” để sống lại những năm tháng tuổi thơ không chỉ của anh mà còn của chính mình.
Trong bài Cho tôi, Đậu Đình Minh tha thiết: Cho tôi tìm lại tháng ngày/tuổi thơ ước níu bàn tay với trời. Bàn tay thì quá nhỏ bé, trời thì quá ư rộng lớn, làm sao mà níu cho được? Đào núi, lấp biển, ngăn sông… nếu “quyết chí” cũng có thể “làm nên”, nhưng thời gian thì chẳng có cách nào ngăn cản. Quay ngược thời gian lại càng không thể. Anh từng cầu khẩn đất để may ra có được phép mầu, song “ngàn năm đất vẫn lặng im”. Chỉ còn cách là mượn chiếc thuyền thơ để “bơi ngược dòng ký ức” vậy!
Đầu tiên, Đậu Đình Minh “bơi ngược dòng ký ức” để tìm về cội nguồn ông cha qua những lời ru. Phần lớn lời ru lấy từ kho tàng ca dao, dân ca. Có thể khẳng định ca dao, dân ca chính là hồn cốt của cha ông, hồn cốt của dân tộc, là “dòng sữa” ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ:
![]() |
Lần theo lời ru, anh tìm về ngày xưa và bắt gặp hình bóng người cha “giữa nắng mưa, trưa chiều”. Anh nghẹn ngào:
Anh thổn thức:
Trong gia đình, người cha là trụ cột và càng trưởng thành, con cái càng ý thức một cách sâu sắc vai trò của người cha. “Nắng mưa đè nặng vai cha sớm chiều” gợi bao khó khăn, gian khổ mà cha anh từng chịu đựng để nuôi dưỡng cả một đàn con khôn lớn nên người.
Lần theo lời ru, anh bắt gặp hình bóng của mẹ:
Chiếc nón cơi mẹ đội cũng đã từng che mưa, che nắng và chung lưng đấu cật cùng cha nuôi dạy con cái. Không những thế mẹ còn “mang nặng đẻ đau”. Nhìn mái tóc sương của mẹ trên bàn thờ, nhớ chiếc nón cơi của mẹ từng đội, lòng anh quặn thắt: Tóc sương như nước giữa dòng/dấu xưa còn đó, Mẹ không thấy về…
Lần theo lời ru, tìm về ngày xưa, anh gặp lại bạn bè cái thuở học trò. Đó là cái thời “giàu có tình thương”, là cái thời “mày tao chi tớ mà vương vấn lòng”. Bao nhiêu chàng trai, cô gái mới lớn cũng từng rụt rè, e ngại như anh:
Đậu Đình Minh học bậc phổ thông vào đúng thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Ở tuyến lửa Quảng Bình, mật độ bắn phá của máy bay quân thù càng dày đặc hơn. Học sinh thời đó phải học nhà hầm, chung quanh lớp chi chít giao thông hào, đến trường phải đeo tấm vải nhuộm xanh để ngụy trang, đầu đội mũ rơm, đêm dùng đèn phòng không để làm bài tập. Đậu Đình Minh tái hiện lại những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy chỉ bằng hai câu lục bát ngắn gọn, giản dị, sâu lắng:
Lần theo lời ru, tìm về ngày xưa, đứng trước con đường làng đầy kỷ niệm, anh nhận ra “khuôn mặt em thuở thiếu thời”. Khuôn mặt ấy từng làm anh mất ăn, mất ngủ, bổi hổi bồi hồi “như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Ai cũng có một thời để yêu, một thời để nhớ. Đọc những câu thơ này của Đậu Đình Minh, tôi như đang sống lại tuổi học trò ngây thơ đầy ắp kỷ niệm của mình.
Bài thơ Đường làng được anh viết theo thể thơ tự do, không bị gò bó vần điệu; lời thơ tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày:
Phải yêu làng lắm, phải tinh tế lắm mới cảm nhận được mùi thơm “hương đất”, “lúa đang thì con gái” và “đường làng say nồng hương quê”. Vùng đất Minh Cầm (Tuyên Hóa) quê anh nổi tiếng sơn thủy hữu tình, trai tài gái sắc. Thời niên thiếu, tôi đã từng nghe danh “nhất gái Xuân Mai, nhì trai Cổ Cảng”. Tôi cũng từng ghé chơi quê anh nhiều lần và tận mắt nhìn ngắm “những mùa dâu đậm lá/cho gái làng cô nào trông cũng xinh”, từng nhìn thấy “một vừng trăng rơi giữa bến sau nhà”… (thơ Xích Bích). Với Đậu Đình Minh, nhớ làng quê là nhớ: Mảnh vườn xưa “vẳng tiếng gà”, là nhớ “thềm rêu ao phủ, khói nhà ai bay”…
Anh bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đối với quê cha đất tổ:
“Chạm những yêu thương” là cách nói giàu chất thơ. Thông thường, những vật hữu hình mới có thể chạm vào nhau. Bằng trí tưởng tượng đặc biệt, người làm thơ có thể biến những hiện tượng, những sắc thái tình cảm vô hình thành hữu hình. Bởi thế, Đậu Đình Minh mới “về làng chạm những yêu thương”. Đây là một trong những câu thơ chỉ cần đọc qua một lần là găm vào trí nhớ.
Lại thêm một cách nói giàu chất thơ. Ít ai như anh nhìn thấy “những vết sẹo thời gian”. Từ “những vết sẹo thời gian” mà cảm nhận được “thoang thoảng hương quê” phải là người giàu óc liên tưởng và giàu trí tưởng tượng.
Ở tập thơ thứ hai này, Đậu Đình Minh không chỉ “bơi ngược dòng ký ức” mà còn đi chu du khắp đó đây để vừa trải nghiệm vừa chiêm nghiệm. Đi chợ tình cùng em gái bản Mông vào lúc “Chập chờn lưng chừng núi/Chiều loang tím hoàng hôn”, anh phát hiện:
Lại thêm một cách nói giàu chất thơ. Người bình thường chỉ thấy em gùi măng, gùi ngô, gùi sắn… chỉ có “con mắt thơ” mới thấy “em gùi theo nỗi nhớ”. Cũng chỉ có “con mắt thơ” mới nhận biết tấm váy em đang mang là “tấm váy hồi môn”.
Có đến TP. Nam Kinh (Trung Quốc) anh mới biết được “hoàng hôn nhuốm màu ngũ sắc”, “núi Hoa Mai ghi dấu những loài Mai”. Có đến chùa Linh Quốc vào ban đêm, anh mới phát hiện “những đoàn đom đóm bay về miền quá khứ”. Có đến bên dòng sông Phật Ni Liên (Ấn Độ), anh nhận thấy:
Tôi không được may mắn đặt chân đến nhiều nơi như anh, đành đọc thơ anh để làm những chuyến du lịch bằng trí tưởng tượng.
Có thể khẳng định: Đậu Đình Minh sở trường về thể thơ lục bát. Anh không cố làm mới thơ lục bát bằng cách ngắt nhịp, xuống dòng, tách chữ… Đổi lại, anh làm mới lục bát bằng lối nói giàu chất thơ. Trong Quê hương lời ru đã xuất hiện một số bài thơ tự do, không vần theo trào lưu đổi mới hiện nay. Sự trăn trở, tìm tòi, thể nghiệm của anh rất đáng trân trọng.
Mai Văn Hoan