(QBĐT) - Khoảng nửa năm nay, tôi chưa gặp lại Trần Lý Minh. Tối 15/7/2024, xem QBTV truyền hình trực tiếp lễ trao giải thưởng sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, thấy Trần Lý Minh vượt qua những “cây cao bóng cả” để giành giải nhất văn học khiến tôi hết sức bất ngờ và xúc động!
“Văn nhân và thầy thuốc luôn giằng xé trong tôi”
Đó là câu trả lời của Trần Lý Minh, khi tôi nửa đùa nửa thật nói, anh đã để cho thuốc đông y đè bẹp văn chương. Trần Lý Minh sinh năm 1959, với “nghề” văn anh còn có bút danh Hoa Sơn. Quê anh cũng chính là cái tên “Sông Loan, núi Phượng” của tác phẩm đoạt giải. Chính xác, anh sinh ra tại thôn Di Luân, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch), trong một gia đình nhiều đời làm thuốc đông y. Thân phụ anh, cụ Trần Đình Hiếu có thể gọi là một nhà văn hóa, tuy không nổi tiếng thiên hạ nhưng cũng đủ “cầm, kỳ thi, họa”. Mẹ anh là lương y Lê Thị Thức nổi tiếng “mát tay” và nhân văn một thời của Bắc Quảng Bình, được nhiều báo, đài viết bài đưa tin. Bản thân tôi cũng đã có bài báo về cụ.
Nhận di truyền từ cha, Trần Lý Minh viết văn, làm thơ, chơi nhạc. Nhận “gia truyền” từ mẹ, Trần Lý Minh thành lương y có tiếng. Anh hiện là đương kim Chủ tịch Hội Đông y huyện Quảng Trạch. Anh nói, tay cầm bút đã giúp bàn tay bốc thuốc của tôi kỹ lưỡng, tài hoa. Ngược lại, tay bốc thuốc đã giúp cho tay cầm bút được khai phóng, đậm đà.
Trần Lý Minh được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Bình từ những năm đầu thế kỷ 21. Lúc bấy giờ, anh nổi tiếng văn đàn với nhiều truyện ngắn được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, như: “Cành cây mà mắt rắn”, “Tiếng hát mẹ tôi”… một thành tựu mà không phải cây bút kỳ cựu nào cũng đạt được. Từ thành công trong lĩnh vực truyện ngắn, Trần Lý Minh mạnh dạn “tấn công” vào tiểu thuyết.
Ngay cuốn tiểu thuyết đầu tay “Cõi nhớ” do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2006 đã gây được tiếng vang ít ra cũng trên văn đàn Quảng Bình. Gần hai mươi năm sau, đọc lại “Cõi nhớ”, tôi vẫn không thể rời mắt được trang sách. Cách kể chuyện của anh tuy vẫn hơi hướng cũ, nhưng các tình tiết luôn gây bất ngờ và hứng thú. Tôi là một bạn đọc rất kỹ và khó tính. Đọc một số tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng hiện nay, tôi luôn chỉ ra những bất cập về hành văn, tính logic của thời gian, lịch sử. Nhưng với “Cõi nhớ” thì tôi đành “bó tay”.
![]() |
Đến tiểu thuyết thứ hai “Cổ tích đường rừng” Trần Lý Minh đã dồn hết tâm huyết cho thiếu nhi. Lúc bấy giờ Hội VHNT Quảng Bình mở cuộc thi sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi. Vừa kịp hoàn thành bản thảo, Trần Lý Minh gửi dự thi vào phút chót và giành giải ba. Trần Lý Minh kể rằng, lúc bấy giờ kinh tế gia đình anh sa vào khủng hoảng, bản thảo được giải nhưng không có tiền in. Nhà văn Hữu Phương lúc này là Chủ tịch hội rất xót xa, ông tìm đủ mọi cách để có một “dự án” in “Cổ tích đường rừng” nhưng bất thành…
Trần Lý Minh còn đam mê nhiều thứ do xuất phát từ tính cách “nghệ sĩ” của mình. Nghe bạn bè rủ rê, anh thế chấp tài sản vay ngân hàng để nuôi tôm, lĩnh vực mà anh đang “mù tịt”. “Dự án” bị đổ bể, nợ nần chồng chất, nhìn vợ con khó khăn nheo nhóc, anh nuốt nước mắt nhặt nhạnh sách vở, bản thảo đóng vào mấy thùng các tông đem gác sàn nhà, quyết làm lại từ đầu.
Ở cái tuổi “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” nhưng anh lại khăn gói trở về với mẹ. Cái nghề thuốc đông y gia truyền, anh đã được mẹ truyền cho thời thơ ấu. Nhưng để hành nghề có cốt cách, anh phải về bên mẹ để cảm nhận thêm “bàn tay vàng”. Anh nghiền ngẫm kỹ những pho sách của Hải Thượng Lãn Ông, của những danh y đang nằm trong tủ sách gia đình. Với trí thông minh, mẫn cán anh bắt đầu thành danh.
Trận lũ lụt lớn năm 2010 xảy ra trong lúc anh xa nhà. Trở về, việc đầu tiên là anh lao vào “kho” xem mấy cái thùng giấy như thế nào. Rồi anh đứng rưng rưng như đứa trẻ mất đồ chơi, khi nhìn thấy tất cả thành “một cục”. Laptop hỏng, bản thảo thành…bùn, “Cổ tích đường rừng” với anh đã trở thành…cổ tích. May còn những “cõi nhớ” từ bạn bè. Anh “chán nản” với văn chương từ đó.
Biết dựa mình vào cốt cách sông Loan, núi Phượng
Đầu năm 2022, Báo Quảng Bình có “đặt hàng” tôi viết bài về dòng sông Loan, dòng sông ngắn nhất ở cực Bắc Quảng Bình. Nhận lời viết bài, tôi nghĩ ngay đến Trần Lý Minh.
Cư dân sông Loan, núi Phượng có hàng vạn, nhưng người hiểu biết vùng đất này khó có ai qua mặt được Trần Lý Minh.
Từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi còn trai trẻ anh đã thực hiện những những chuyến xuyên rừng Trung Thuần, trèo lên đỉnh Chóp Chài, thực hiện ý nguyện của người cha già tìm kiếm và bảo tồn loại sâm Bố Chính bản địa đã bị mai một và khan hiếm. Trung Thuần, Chóp Chài là những điểm khởi đầu của sông Loan, núi Phượng. Khác với bạn đồng hành chỉ chú tâm về cây thuốc, Trần Lý Minh còn ghi chép tỉ mẩn những vị trí đã “thám hiểm”, từ độ cao, kích thước, thổ nhưỡng, sản vật, văn hóa, tập tục của cư dân sông Loan, núi Phượng-tên gọi khác là sông Roòn, Hoành Sơn. Chính sự “kỳ công” đó đã giúp anh trở thành “bản thổ” có một không hai.
Sau Đại hội Chi hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn, tôi và Ban Chấp hành Chi hội vẫn luôn gặp gỡ Trần Lý Minh, động viên anh “khởi động” lại tay cầm bút, vì tiếc những vốn sống của anh. Chính trong “Sông Loan, núi Phượng” Trần Lý Minh cũng đã tâm sự, Phó chi hội trưởng Nguyễn Tiến Nên luôn động viên cổ vũ: “Chú viết đi, viết đi. Viết cái gì đó cho làng biển, viết ngăn ngắn cũng được. Chú viết đi, kẻo già rồi, mắt kém, tay run, lúc nớ có muốn viết cũng chịu. Lúc nớ sẽ rất ân hận”.
Trần Lý Minh cũng đã giãi bày về “nghề cầm bút” và nguyên nhân lười biếng với văn chương ở trong tác phẩm rằng, không có việc chi cực thân như nghề viết. Mọi việc làm nặng nhẹ, kiểu như làm ruộng, làm vườn tuy mệt nhưng ăn ngon, ngủ sâu, đầu óc rảnh rang, sức khỏe dồi dào. Còn nghề viết, khi mọi người ngủ khò thì mình lại phải rán mắt sáng đêm. Viết xong bài đăng báo, được người ta khen thì ho hen chẳng còn. Trong tác phẩm, Trần Lý Minh cũng đã nhắc đến tôi: “Anh Nên nói cũng như chú nhà thơ Đỗ Thành Đồng nói với tôi, rằng đã vào cái nghiệp cầm bút là phải dấn thân. Hai ông bạn văn nói mãi, đến bây giờ tôi mới chuyển”.
Đúng như vậy, Trần Lý Minh đã “chuyển”, chuyển một cách ngoạn mục. Tôi đọc “Sông Loan, núi Phượng” một mạch không ngơi nghỉ. Với 55 trang A4 hấp dẫn từ đầu đến cuối, tác phẩm đã đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Với thể loại Trần Lý Minh ghi là “truyện ký” nhưng tôi cho rằng đây là một tác phẩm tổng hợp rất xuất sắc. Trong đó đầy đủ kiến thức của một cuốn dư địa chí, những trải nghiệm khoa học, lịch sử và đậm đà chất văn học, nghệ thuật…của cả một vùng đất được mệnh danh là “Sông Loan, núi Phượng”.
Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến một Trần Lý Minh chuyển mình, chứ không có ý định nói nhiều về tác phẩm đoạt giải, điều đó xin để cho độc giả yêu thích tự khám phá. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, không chỉ Trần Lý Minh mà cả bạn văn chương cũng hết sức cảm ơn sông Loan, núi Phượng, một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Bởi, Trần Lý Minh đã dựa vào miền đất này với bạt ngàn cây thuốc quý để trở thành một lương y giúp đời. Anh cũng đã dựa vào miền đất này để có một tác phẩm văn học để đời.
Nhà văn Trương Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình trong bài viết “Văn học Quảng Bình-Nhìn từ một cuộc vận động sáng tác” trên Báo Quảng Bình đã thừa nhận “Tập bút ký “Sông Loan, núi Phượng” của tác giả Trần Lý Minh là một bất ngờ của văn học Quảng Bình, bởi lâu nay Trần Lý Minh rất ít xuất hiện. Trên lĩnh vực văn xuôi, cụ thể là thể loại bút ký ông cũng chưa được đánh giá cao. Những tưởng ông đã quên mất văn chương, chỉ chí thú với nghề thầy thuốc đông y của mình, không ngờ trong trái tim ông vẫn còn ủ lửa...”.
Giờ thì tôi không “bất ngờ” nữa khi đọc hết “Sông Loan, núi Phượng”. Bởi, “Khi tất cả được chạm vào, nhiệt huyết sống dậy, Trần Lý Minh đã vút lên một “Sông Loan, núi Phượng” đậm đặc bản sắc người và đất Quảng Trạch. Sự trở lại sau ngót nghét một thập kỷ vắng bóng của ông thật quá xứng đáng” như Trương Thu Hiền đã nhận định.
Tôi mừng, mừng lắm, tôi muốn gặp anh để nâng cốc ngay tức khắc! Mừng Trần Lý Minh và mừng cho văn chương Quảng Trạch, Ba Đồn. Tôi hy vọng, tha thiết hy vọng anh sẽ còn tiếp tục “dựa” vào cốt cách sông Loan, núi Phượng để đóng góp cho văn học Quảng Bình những tác phẩm có giá trị.
Đăng Hà