Quê hương là máu thịt

  • 01:06, 30/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có lẽ hai tiếng “quê hương” là một trong những âm thanh quen thuộc và cũ kỹ nhất trong mỗi con người. Quen thuộc, cũ kỹ nhưng lại rất đỗi thiêng liêng với những tâm hồn và con tim luôn đau đáu về nguồn cội. Như lời bài hát “Quê hương” của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch: “…Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người”. 
 
Một người em là phóng viên một tờ báo ở Hà Nội về thăm quê. Cậu ta yêu cầu chủ quán cà phê mở bài hát “Quê hương” cho bằng được. Trong tiếng nhạc thân thương và không gian sực nức mùi đồng ruộng, cậu ta tâm sự: “Em xa quê hương ra Hà Nội học đại học từ năm 1990. Ba mươi tư năm, lấy vợ sinh con, định cư, lại công tác nghề báo nên quen thuộc từng ngõ ngách, phố phường Hà Nội. Em coi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình. Nhưng mỗi lần về quê, em luôn có cảm xúc khác biệt. Lúc xuống xe em cứ thích đặt bàn chân trần xuống mảnh đất quê hương. Cảm giác lúc đó lạ lắm anh à! Nó như có một luồng điện chạy dọc theo cơ thể, khiến lồng ngực nhói lên và đôi mắt ứa lệ!”.
 
Tôi mỉm cười nhìn cây bút chính sự với ngôn từ sắc bén mà hôm nay lại đầy đa cảm. Tôi mở giọng của người “từng trải”, vấn đề khác nhau chính là chữ “như” em ạ! Quê hương trong mỗi trường hợp, hoàn cảnh có thể khác nhau, bởi quê hương có thể là đất nước, vùng miền. Nhưng quê hương cốt lõi luôn là mảnh đất yên bình, gần gũi và thân thuộc nhất trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam, đó chính là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nơi mà ở một góc vườn nào đó luôn ôm ấp một phần “máu thịt”, là núm ruột được rứt ra từ người mẹ để ta được cất tiếng khóc u oa và từ đó chập chững vào đời. Tuy hiện nay đa số các cháu sinh ra ở bệnh viện, không còn chuyện “chôn nhau” nữa nhưng hình tượng đó sẽ là Việt Nam mãi mãi nếu ta biết gìn giữ!
Minh họa: Minh Quý
Tôi cũng lấy một ví dụ về sự kết nối máu thịt mà chú em rất tâm đắc. Chúng ta là những người vô cùng yêu thích trẻ con, nhìn những đứa bé bụ bẫm, đôi mắt trong veo chỉ muốn ôm vào lòng và thơm lên đôi má. Nhưng nếu đứa trẻ đó lại là ruột thịt, chắc chắn sẽ có một cảm xúc khác biệt. Nếu không may có điều không tốt đẹp xảy ra với đứa bé ruột thịt, nỗi đau sẽ giằng xé hơn nhiều, và ta sẵn sàng hy sinh vì nó. Bởi vậy, quê hương còn là nơi chúng ta luôn xả thân để bảo vệ như máu thịt.
 
Trong bài hát “Quê hương” là kết quả của sự đồng điệu tâm hồn giữa nhà thơ Đỗ Trung Quân và nhạc sĩ Giáp Văn Thạch: “Quê hương là chùm khế ngọt/Cho con trèo hái mỗi ngày/Quê hương là đường đi học/Con về rợp bướm vàng bay…”. Quê hương còn là con diều biếc, con đò nhỏ, là mấy nhịp cầu tre… song cũng thật độc đáo với phát hiện: “Quê hương là chùm khế ngọt”. Đặc biệt, những lời ca cuối của bài hát mới thật sự xúc động, nghe đi nghe lại mãi không chán: “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người”.
 
Chia tay bài hát “Quê hương” ở quán cà phê, anh em chúng tôi đứng dậy và quyết định bỏ ra một buổi để thả bộ vòng quanh quê hương. Đó là vùng đất nhỏ nằm ven bờ sông Gianh, làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn). Đầu tiên, anh em chúng tôi đến với con kênh mà ngày xưa gọi là Hói Cụt. Nơi mà chúng tôi mỗi ngày men theo con đê nhỏ, lội qua một lạch nước để đi học cấp ba. Đến mùa lũ lụt, thường là đê vỡ phải đi đường vòng rất xa, dù mệt và đói nhưng chúng tôi rất thích thú với khung cảnh nước lũ. Con kênh ngày nay nhà cửa mọc san sát hai bên bờ đê đã được bê tông hóa, khiến dòng nước xoáy và sâu lại còn ô nhiễm. Chúng tôi chỉ biết đứng nhìn chứ không thể nào lội xuống bãi của dòng kênh như trước nữa.
 
Men theo bờ kênh, chúng tôi ra đến sông Gianh. Nhưng bờ sông không còn có con đường mòn chạy dọc trên xuống như trước. Thay vào đó là hồ nuôi tôm, nhà cửa nên không dễ đi. May mắn thay, vẫn còn một đoạn từ tổ dân phố Bến Chợ đến chợ Họa là vẫn còn đẹp, tuy bị thu hẹp do lấn chiếm và không còn hoang sơ như trước. Trưa, chú em bỗng trầm ngâm: “Anh ạ, mình đến chỗ nào còn những bờ tre trong làng đi, em đi suốt cả buổi mà chưa thấy?”. Tôi nói, tre thì vẫn còn đôi bụi đấy, nhưng để có một dãy tre, bờ tre thì hiếm lắm. Tre trong bài hát “Quê hương” chỉ là chiếc cầu nhỏ. Nhưng nhìn chung, tre là hồn cốt của mỗi làng quê Việt Nam. Tuy vậy, quê hương ta những bờ tre đã bị đốn hạ để xây hàng rào bằng gạch và bê tông. Giờ mà tìm ra một trưa hè dưới bóng tre kẽo kẹt võng đưa với khúc ca dao thì không thể. Nhưng không sao, anh sẽ đưa em đến làng bên, tha hồ mà hoài niệm.
 
Một buổi không đủ để anh em chúng tôi tỉ mẩn với những con đường quen thuộc tuy đã được bê tông hóa, không đủ để tìm về những kỷ niệm xưa vốn đã mai một vì đổi mới. Nhưng chúng tôi vẫn có quyền làm những điều mà mình mong muốn, như lội xuống bãi Gianh mò ngao, bơi sang bên kia Cồn Két để thả hồn mơ mộng cho một khu du lịch sinh thái trong tương lai, tuy điều đó còn xa vời vợi.
 
Vâng, sức yếu tài hèn không làm được điều gì lớn lao cho quê hương, nhưng mơ ước những điều tốt đẹp là luôn có thể. “Quê hương là chùm khế ngọt” biết “trèo hái mỗi ngày” thì cũng biết mỗi ngày chung tay vun xới cho “khế ngọt” càng sum suê tỏa bóng. Đó cũng là biết kết hợp giữa phát triển và gìn giữ bản sắc quê hương. Chứ không phải cố “vặt” cho hết về phần mình, bởi chốn này là “máu thịt”. Máu thịt mà không gìn giữ, không nhớ “sẽ không lớn nổi thành người!”.
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Quà tặng
Quà tặng
(QBĐT) - Mùa hè đang ngắn lại
Nắng qua vườn nhạt hơn
Ngày ta có ngắn lại
Để dài niềm cô đơn
Khát khao
Khát khao
(QBĐT) - người đàn bà thắp cô đơn
ôm lấy niềm vui thời thiếu nữ
ngày mai mang điều bí nhiệm
riêng nơi anh không có ngày mai
55 tác phẩm đoạt giải cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật về các ngày lễ lớn của tỉnh
55 tác phẩm đoạt giải cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật về các ngày lễ lớn của tỉnh
(QBĐT) - Chiều nay, 27/6, Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh tổ chức cuộc họp do đồng chí Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chủ trì.