(QBĐT) - Một trong những nội dung thuộc hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh là luôn luôn đề cao quan điểm quần chúng. Tư tưởng ấy không chỉ thể hiện ở suy nghĩ, hành động, việc làm của Người mà đặc biệt còn thể hiện ở lời nói, ở ngôn ngữ. Thành ngữ, tục ngữ (TN, TN), ca dao, hò vè... vốn là những “viên ngọc quý” do nhân dân lao động sáng tạo ra từ nghìn đời nay. Nó thể hiện những nhận thức sâu sắc của quần chúng nhân dân về tự nhiên, xã hội, con người; nó đúc kết những kinh nghiệm quý báu của nhân dân lao động trong đấu tranh chống ngoại xâm, chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội, đối nhân xử thế... Mặc dù Bác Hồ đã rất nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước, nhưng những câu TN, TN dân gian từ lời ru của mẹ, từ lời nói của người thân, của người dân lao động Việt Nam đã thấm sâu, trở thành máu thịt trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh.
![]() |
Chiến lược giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong giao tiếp ngôn ngữ, dù nói hay viết, một nét đặc trưng cơ bản trong phong cách của Người là luôn luôn có ý thức tạo lập mối liên hệ giữa người nói (viết) và người nghe (đọc) trước khi đi vào vấn đề chính để thu hút sự chú ý của các liên chủ thể trong khi mối giao cảm giữa họ đang hình thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến người đối thoại-một yếu tố quan trọng dẫn đến hiệu quả cao trong giao tiếp.
Bất kỳ một bài nói, bài viết nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều luôn gắn liền với việc làm rõ tính mục đích của nội dung sẽ được trình bày, như lời Người từng nhắc nhở các cán bộ báo chí tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp: Trước khi viết phải đặt câu hỏi: Viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì, rồi sau đó mới viết như thế nào? Bác Hồ gọi đó là “cách viết”.
Xuất phát từ quan điểm giao tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở đây một phương tiện giao cảm nhiệm màu-các TN, TN nhằm làm cho lời nói rất “thấm thía”, dễ “lọt tai quần chúng”. Tại hội nghị cán bộ văn hóa ngày 30/10/1958, Hồ Chủ tịch đã nhận xét: “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà còn là người sáng tác nữa. Những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò vè rất hay, là những sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại ngắn, chứ không “Trường giang đại hải”, “Dây cà ra dây muống”...
Chính vì vậy, trong các bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo, đúng chỗ, đúng lúc các TN, TN nhằm chuyển tải nhanh nhất, đầy đủ nhất, chính xác nhất nội dung thông tin đến người tiếp nhận (người nghe, người đọc) với một hình thức vừa cô đọng, ngắn gọn, vừa cụ thể, sinh động, vừa uyển chuyển, ý nhị, dễ hiểu mà đạt được “ý tại ngôn ngoại”.
Đặc điểm các thành ngữ, tục ngữ trong ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chúng tôi đã khảo sát 100 bài nói, bài viết của Người từ năm 1955-1960 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9-12) cho thấy, có đến 120 lượt xuất hiện các TN, TN. Có thể chia làm ba loại TN, TN trong di sản ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ nhất là những TN, TN có sẵn của người Việt được Bác vận dụng trong ngôn ngữ của mình. Đó là các thành ngữ Hán Việt, như: “Đồng tâm nhất trí”, “Tự lực cánh sinh”, “Tự kiêu, tự đại”, “Nhân định thắng thiên”, “Trường giang đại hải”...; các TN, TN thuần Việt, như: “Ăn trên ngồi trốc”, “Rừng vàng biển bạc”, “Rừng thiêng nước độc”, “Chân lấm tay bùn”, “Đầu tắt mặt tối”, “Dây cà ra dây muống”... Các TN, TN thuần Việt thường mang sắc thái cụ thể, sinh động, giàu chất biểu cảm, mộc mạc, bình dị, thể hiện cách cảm, cách nghĩ của người bình dân. Trái lại, các TN, TN Hán Việt lại mang sắc thái trang trọng, trừu tượng, khái quát, thích hợp với việc biểu thị các khái niệm trừu tượng, các nhận xét, phán đoán mang tính chân lý.
Các TN, TN Hán Việt được Bác vận dụng trong các hoàn cảnh giao tiếp và nội dung giao tiếp trang trọng, nghiêm túc như báo cáo trước kỳ họp Quốc hội, diễn văn khai mạc, nói chuyện với đội ngũ trí thức... Các TN, TN thuần Việt được Bác vận dụng trong các hoàn cảnh giao tiếp và nội dung giao tiếp thân mật, bình dị như trong các bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu mỏ hay với đồng bào tỉnh Hưng Yên, với cán bộ và nhân dân xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (Hà Nội)...
Đặc điểm chung của các TN, TN do cộng đồng người Việt sáng tạo ra là vừa có tính khái quát, trừu tượng, vừa có tính cụ thể, sinh động. Vì vậy, mỗi TN, TN trên có thể được vận dụng rộng rãi trong tất cả mọi hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách tài tình, phát huy vai trò, tác dụng và chức năng xã hội của hệ thống TN, TN người Việt.
Thứ hai là những TN, TN được Hồ Chủ tịch cải biến cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Với tư cách là đơn vị có sẵn của hệ thống ngôn ngữ, TN, TN có hình thức cố định, ngắn gọn. Khi Hồ Chủ tịch vận dụng, các TN, TN không còn bất động như nằm trong ký ức mà sống động hẳn lên. Quan hệ cú pháp giữa các thành tố trong TN, TN hiện ra một cách rõ ràng. Ý nghĩa của các từ hình như thoát khỏi sự ràng buộc cố định và bắt đầu có đời sống riêng của nó. Vì vậy, ý nghĩa của cả TN, TN trở nên rõ ràng, dễ hiểu hơn.
Ví dụ: - TN, TN sẵn có, như: “Cố đấm ăn xôi”, “Mắt thấy tai nghe”, “Một cổ hai tròng”, “Thịt nát xương tan”, “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”...
- TN, TN Bác sửa đổi: “Chịu đấm mà không được ăn xôi”, “Nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai”, “Hai tròng vào một cổ”, “Nát thịt tan xương”, “Một nước, hai phân, ba cần, bốn cải tiến kỹ thuật”...
Việc thay đổi, cải biên một số TN, TN truyền thống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, đồng thời phù hợp với mục đích giao tiếp của Người. Chẳng hạn, sự khác nhau giữa câu tục ngữ dân gian và câu tục ngữ Bác đã cải biên ở chỗ: “Muốn ăn thì lăn vào bếp” là một hình ảnh mang nội dung rất khái quát (muốn có thành quả lao động tốt, đáp ứng nhu cầu của bản thân thì phải cần cù, chịu khó trong lĩnh vực đó), có thể dùng để nói đến bất kỳ lĩnh vực nào; nhưng “Muốn có ăn thì phải lăn vào ruộng” là nói đến sự cần cù, chịu khó trong sản xuất nông nghiệp.
Rõ ràng, mục đích của việc cải biên các TN, TN trong ngôn ngữ của Bác chính là nhằm giúp cho người tiếp nhận (người nghe, người đọc) hiểu đúng, hiểu chính xác nội dung của lời nói trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, nâng cao hiệu lực thông tin của lời nói.
Thứ ba là những TN, TN được Hồ Chủ tịch sáng tạo mới hoàn toàn để diễn tả những hiện tượng mới nảy sinh. Trong các bài nói, bài viết của mình, bên cạnh vốn TN, TN truyền thống dân gian mà Người đã vận dụng hoặc cải biên rất thành công như đã phân tích ở trên. Người còn sáng tạo thêm một số hình thức diễn đạt mang tính thành ngữ.
Ví dụ: Măng mọc quá tre; vắt cam vứt xác; buôn dân, bán nước; dân như nước,quân như cá; nền có vững, nhà mới chắc, gốc có mạnh, cây mới tốt; một hạt thóc là một hạt vàng; miễn là mình béo mặc thiên hạ gầy; chén chú, chén anh; cướp mưa, cướp nắng; phân cho lúa là của cho người; lấy lửa đốt mình...
Nét đặc biệt của những cụm từ mang tính TN, TN do Bác sáng tạo ra không chỉ mang đặc trưng cụ thể, sinh động, giàu hình tượng, mà còn giàu chất biểu cảm, thể hiện sâu sắc thái độ, cảm xúc của người nói. Chẳng hạn, Bác Hồ đã sáng tạo câu tục ngữ “Phân cho lúa là của cho người” để biểu thị mối quan hệ nhân quả, điều kiện-kết quả, đồng thời bày tỏ quan điểm về điều kiện tiên quyết trong canh tác lúa nói riêng, cây trồng nói chung.
Cũng như thành ngữ “Trống mõ bì bõm, ca hát lu bù” do Bác sáng tạo ra để phê phán người dân ở một số địa phương lợi dụng chủ trương khôi phục và phát triển văn hóa của Đảng và Chính phủ để tổ chức hội hè, ăn uống linh đình, vừa lãng phí tốn kém, vừa trái với thuần phong mỹ tục, vừa mang màu sắc mê tín dị đoan, nhưng cũng rất sinh động, gợi âm và gợi hình.
Những câu TN, TN do Hồ Chủ tịch sáng tạo ra đã trở thành nét đặc sắc trong đặc trưng phong cách ngôn ngữ của Người, góp phần tạo nên những câu văn vừa cô đọng, súc tích, vừa gợi hình, gợi cảm và bình dị dễ hiểu, dễ đi vào lòng người nghe, người đọc. Đặc điểm đó là những bài học vô giá trong di sản ngôn ngữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta; thể hiện sâu sắc tư tưởng và quan điểm của Người trong hoạt động giao tiếp; đồng thời là bài học về phát huy cao độ vai trò và chức năng xã hội của tiếng Việt trong giao tiếp hiện nay.
Tất Thắng