Văn học nghệ thuật với các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ

  • 07:05, 11/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Văn học, nghệ thuật (VHNT) đóng vai trò rất quan trọng, là lĩnh vực mang lại sức mạnh tinh thần và giá trị nhân văn cho xã hội, có tác động trực tiếp đến tư tưởng, ý chí,  hành động của nhân dân, góp phần tạo nên sức mạnh của cả dân tộc.
 
Nhận thức sâu sắc điều đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dành cho VHNT sự quan tâm đặc biệt. Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” (Nghị quyết 23) khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người”. Năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) cũng tiếp tục nhấn mạnh vị trí quan trọng của VHNT trong công tác xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 và 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, VHNT Quảng Bình có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt. Nét nổi bật đầu tiên cần phải kể đến là sự phát triển bền vững và có chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS). Đến nay, toàn tỉnh có 268 hội viên Hội VHNT, hoạt động trong 7 phân hội, hội chuyên ngành địa phương, 5 chi hội VHNT huyện, thị xã, 5 chi hội chuyên ngành Trung ương. Nhằm tạo được đội ngũ kế cận ổn định về số lượng, vững vàng về bản lĩnh, chất lượng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng tác giả trẻ được thực hiện thường xuyên.
 
Càng ngày tác giả được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh càng được trẻ hóa. Trong số 78 hội viên hội chuyên ngành Trung ương, số VNS trẻ, giàu năng lực sáng tạo và tâm huyết cũng chiếm tỷ lệ khá cao.
 
Nhiều tác giả, tác phẩm gây ấn tượng tốt đẹp trong đồng nghiệp cả nước và công chúng, như: Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na với tập truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà”, nhà văn Nguyễn Hương Duyên với tập truyện ngắn “Viết cho anh từ căn bếp này”, nhà văn Trác Diễm với tiểu thuyết “Cây đời”, nhà nghiên cứu phê bình văn học Hoàng Thuỵ Anh với các tập lý luận phê bình văn học, họa sĩ Nguyễn Lương Sáng với các tác phẩm hội họa phong cách đương đại nhưng cũng mang tính thời sự như bộ tranh đề tài biển-hải đảo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hải với tác phẩm về công trình điện gió-năng lượng tái tạo hay chuỗi tác phẩm về cảnh sắc huyền ảo của hệ thống hang động Phong Nha-Kẻ Bàng…
 
VHNT Quảng Bình nói riêng, VHNT cả nước nói chung có một quãng thời gian thực hiện nghị quyết kép về văn hóa, VHNT (Nghị quyết 23 và Nghị quyết 33). Các nghị quyết của Đảng luôn luôn nhấn mạnh vai trò của VHNT trong quá trình vận động phát triển của đất nước. Đó là động lực lớn giúp VHNT làm tốt nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
 
Để thực hiện trọng trách trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, VHNT Quảng Bình đã hiện thực hóa nghị quyết bằng các hoạt động cụ thể trên cơ sở bám sát thực tiễn quê hương, bám sát đời sống xã hội.Trong các dịp lễ kỷ niệm, các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, VHNT luôn góp mặt với nhiều hoạt động phong phú. Phong trào sáng tác trong VNS cũng ngày càng sôi nổi, thiết thực. 
Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật Nhật Lệ năm 2023 thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật Nhật Lệ năm 2023 thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Nổi bật là cuộc vận động sáng tác tác phẩm VHNT đề tài “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sáng tác tác phẩm VHNT kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021); gần đây nhất sáng tác VHNT kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024) được đông đảo VNS tham gia nhiệt tình. 
 
Thời gian qua, Hội VHNT tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng sáng tác của đội ngũ VNS, trong đó xác định tất cả đều được bắt đầu từ con người nên hàng năm, các trại sáng tác được tổ chức với hàng trăm lượt hội viên tham gia. Bên cạnh đó, hội tạo điều kiện cho VNS đi thực tế sáng tác, tìm hiểu và nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh của quê hương. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chính trị, năng lực sáng tạo cho VNS được quan tâm đúng mức.
 
Hội VHNT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành về văn học đương đại, mỹ thuật đương đại, nhiếp ảnh...; đồng thời cử nhiều VNS tham gia các hội thảo, giao lưu, tập huấn nghiệp vụ do Hội đồng Lý luận Trung ương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội chuyên ngành trung ương và Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tổ chức.
 
Đội ngũ VNS được củng cố, chất lượng tác phẩm cũng theo đó ngày càng được nâng cao. Hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 và 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 đã có 156 tác phẩm VHNT được UBND tỉnh trao giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư, hàng trăm tác phẩm đoạt các giải thưởng do các Hội VHNT Trung ương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trao tặng. Nhiều tác phẩm VHNT đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử, văn hóa, con người Quảng Bình có chất lượng cao đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng trong tỉnh và cả nước.
 
Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: Kinh phí hạn chế, hoạt động theo cơ chế nhiệm vụ được giao, nhân sự chuyên trách mỏng, sức hút của VHNT giảm do đời sống xã hội hiện đại chạy đua vật chất, lãng quên các giá trị văn hóa tinh thần đích thực… đã khiến cho VHNT Quảng Bình gặp nhiều khó khăn và còn đó những tồn tại cần tích cực khắc phục, tháo gỡ. Dù có nhiều cố gắng trong tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tài năng thì tình trạng đội ngũ VNS vẫn chưa thực sự đủ mạnh và tâm huyết. Cùng đó, mặc dù có nhiều biện pháp cổ vũ, động viên, hỗ trợ mọi mặt nhưng tác phẩm chất lượng cao vẫn chưa nhiều để đáp ứng yêu cầu phát triển VHNT trong tình hình mới...
 
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với ý kiến cho rằng, VHNT Quảng Bình là môi trường bảo thủ, trì trệ, hoạt động lệ thuộc chương trình kế hoạch. Nói gì thì nói, làm gì thì làm, thành công của VHNT nhất định phải được thể hiện bằng sự hiện hữu của tác phẩm. Đó là phản hồi hiệu quả nhất, sinh động nhất của VHNT trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng. Cần hiểu, khác với các hoạt động văn hóa cơ sở, văn nghệ quần chúng, tổ chức sự kiện cổ động tuyên truyền trực quan, VHNT hướng đến những giá trị sáng tạo tươi mới, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội trong từng tác phẩm. VHNT Quảng Bình thực hiện các nghị quyết Đảng thông qua hành trình lao động sáng tạo bền bỉ của những VNS có lương tâm và trách nhiệm với đời, với nghề. 
 
Công việc ấy không nằm ở bề nổi mà tồn tại ở không gian lặng lẽ, tinh thần tận hiến. Và, con đường tác phẩm VHNT của họ đến với công chúng cũng vậy, chậm rãi chứ nhất định không phải là những vội vàng, nôn nóng hay hô hào, áp đặt. VHNT có con đường của riêng mình: Tác giả đến tác phẩm, tác phẩm đến công chúng. Không ồn ào kiểu tuyên ngôn, không hoạt động kiểu “ăn xổi, ở thì”, “làm xong xuôi tất cả lại về”. Thước đo VHNT nhất định phải bằng tác phẩm cụ thể với chất lượng nội dung thấm rất sâu và ngấm rất lâu vào đời sống. Đó cũng là mục tiêu VHNT trong các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ.
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Thành ngữ và tục ngữ trong di sản ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thành ngữ và tục ngữ trong di sản ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh

(QBĐT) - Một trong những nội dung thuộc hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh là luôn luôn đề cao quan điểm quần chúng. Tư tưởng ấy không chỉ thể hiện ở suy nghĩ, hành động, việc làm của Người mà đặc biệt còn thể hiện ở lời nói, ở ngôn ngữ. 

Lời ru mùa hạ
Lời ru mùa hạ
(QBĐT) - Lời ru có tự khi nào
Mà trưa mùa hạ xạc xào ru cây
       Nôi tre mềm dấu vân tay
Cánh cò bay lả còn bay lưng trời
TX. Ba Đồn: Khai mạc hội sách lần thứ II
TX. Ba Đồn: Khai mạc hội sách lần thứ II

(QBĐT) - Sáng nay (10/5), tại đình làng Phan Long, phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) đã khai mạc hội sách khuyến học lần thứ II năm 2024.