(QBĐT) - Trên dải đất hình chữ S, Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của dân tộc. Đó là miền đất gợi nhớ về quá khứ hào hùng dựng nước đến quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc. Có một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là danh xưng Quảng Bình xuất hiện từ năm nào? Và danh xưng Quảng Bình có ý nghĩa gì?
Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu khối Mộc bản triều Nguyễn-Di sản Tư liệu thế giới, chúng tôi đã may mắn tìm thấy 2 ván khắc ghi chép về thời gian xuất hiện danh xưng Quảng Bình. Đây là tư liệu gốc quý giá giúp cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tìm hiểu về danh xưng Quảng Bình. Xin được trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
Dưới thời Chúa Nguyễn, sau khi thiết lập chính quyền cát cứ ở phía Nam, Chúa Nguyễn Hoàng đã thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền và chính thức đặt tên mới cho vùng đất này là phủ Quảng Bình vào năm Giáp Thìn (1604). Danh xưng Quảng Bình chính thức xuất hiện từ đây.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1, mặt khắc 22 có ghi như sau: “Giáp Thìn, năm thứ 47 (1604), lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu), lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình…”.
![]() |
Chúa Nguyễn Hoàng đặt tên gọi “Quảng Bình” nghĩa là “Vùng đất thái bình, rộng lớn”, ẩn chứa một niềm mong ước của chúa. Sự kiện Chúa Tiên-Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình vào năm 1604 không chỉ được khắc ghi trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên mà còn được ghi chép cụ thể trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 8, mặt khắc 3 rằng: “Bản triều Gia Dụ Hoàng đế năm Giáp Thìn thứ 47 đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, sau đổi đặt làm dinh Quảng Bình”.
Như vậy, thời xuất hiện danh xưng Quảng Bình đã được các bộ chính văn, chính sử của triều Nguyễn ghi chép lại khá đầy đủ, thống nhất, toàn diện và sáng tỏ đó là vào năm Giáp Thìn (1604). Đây được xem là dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của vùng đất Quảng Bình trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Việc xác định thời gian xuất hiện danh xưng Quảng Bình có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử địa phương, đặc biệt là nhớ về cội nguồn, tự hào về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của vùng đất Quảng Bình. Qua nguồn tư liệu này, một lần nữa có thể khẳng định tên gọi Quảng Bình ra đời vào năm Giáp Thìn (1604), dưới thời Chúa Tiên-Nguyễn Hoàng.
Có thể nói, trong suốt 420 năm qua kể từ năm 1604 đến nay, danh xưng Quảng Bình vẫn luôn được sử dụng ổn định và hiện hữu trên bản đồ Tổ quốc Việt Nam. Hai tiếng “Quảng Bình” đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng, quen thuộc của không chỉ người dân Quảng Bình mà của nhân dân cả nước nói chung.
Bùi Mai-Thơm Quang
1. Hồ sơ 17, Mộc bản Triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H21, Mộc bản Triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H22, Mộc bản Triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H23, Mộc bản Triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H24, Mộc bản Triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
6. Hồ sơ H48, Mộc bản Triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
7. Hồ sơ H49, Mộc bản Triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
8. Hồ sơ H60, Mộc bản Triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.