(QBĐT) - Duy trì, gìn giữ các môn thể thao truyền thống, đặc biệt là việc tổ chức thi đấu thường xuyên tại các dịp lễ hội không chỉ nâng cao đời sống tinh thần mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Như thường lệ, các môn thể thao truyền thống trong khuôn khổ chương trình hội rằm tháng ba Minh Hóa hàng năm luôn thu hút đông đảo người dân tham gia thi đấu và cổ vũ. Năm nay, có đến 8/9 bộ môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống, nhất là những môn mang đậm nét văn hóa có từ xa xưa của người Minh Hóa.
Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa Đinh Xuân Đình cho biết, việc tổ chức thi đấu các bộ môn thể thao, trò chơi truyền thống được duy trì đều đặn và là một trong những nội dung không thể thiếu trong dịp hội rằm tháng 3 hàng năm. Đó không đơn thuần là những môn thể thao để rèn luyện sức khỏe mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của cả vùng đất, con người Minh Hóa.
Những môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh đu… luôn tạo không khí vui tươi, được đông đảo người dân yêu thích, hưởng ứng nhiệt tình. Và điều đặc biệt là mặc dù mang tính chất thi đấu, có tính cạnh tranh nhưng các đội tham gia thi đấu đều không đặt nặng tính ăn thua, mà quan trọng là niềm vui trong ngày hội lớn và sự gắn kết cộng đồng, gìn giữ nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc.
Các môn thể thao truyền thống luôn được người Minh Hóa giữ gìn và phát huy.
Anh Đinh Tùng Lâm, giáo viên quê ở xã Hóa Hợp và cũng là một trong những tuyển thủ hàng đầu môn đẩy gậy. Nhiều năm liền, anh luôn giành giải nhất ở hạng cân mình thi đấu trong hội rằm nhưng năm nay, anh chuyển qua làm trọng tài. Theo như anh Lâm chia sẻ, anh tập luyện môn đẩy gậy từ nhỏ, kỹ thuật được truyền dạy từ các thế hệ đi trước. Nếu như tiếp tục thi đấu, anh tự tin chưa ai thắng được mình ở cùng hạng cân. Năm nay, anh xin rút để nhường lại “suất” cho người khác có thêm cơ hội thi đấu, cọ xát tại hội rằm. Dù thắng dù thua nhưng ai cũng vui vẻ, tình đoàn kết, gắn bó càng thêm bền chặt và quan trọng hơn là để môn đẩy gậy được duy trì rộng khắp.
Đội bắn nỏ của xã Trọng Hóa gần như năm nào cũng đứng đầu. Hết lớp trước tới lớp sau, địa phương này thường xuyên có nhiều xạ thủ thi đấu tại các giải cấp tỉnh, khu vực. Dường như, tài bắn nỏ của người dân các bản, làng ở Trọng Hóa đã thành kỹ năng qua nhiều thế hệ. Chen chúc trong đám đông người xem thi đấu môn bắn nỏ, ông Hồ Xan (55 tuổi), một người dân ở xã Trọng Hóa nheo mắt theo từng mũi tên, phát bắn của các tuyển thủ. Chiếc nỏ gắn với Hồ Xan từ thuở thiếu niên lên rừng săn bắn. Mến mộ tài nghệ bắn nỏ của ông mà người con gái năm xưa đi hội rằm đã theo ông về nhà làm vợ.
Ngày nay, mặc dù nhiều môn thể thao hiện đại du nhập được người dân ưa chuộng nhưng mỗi địa phương Minh Hóa đều có một môn thể thao truyền thống thế mạnh và được người dân bản địa duy trì tập luyện thường xuyên. Đó cũng là cách để họ giữ gìn những nét văn hóa truyền thống được truyền từ bao thế hệ.
Hồ Xan kể, đi chơi hội rằm ông đều ghé xem thi bắn nỏ đầu tiên, đó gần như là thói quen mấy chục năm qua. Năm nay, trong những xạ thủ có người cháu được ông tập kỹ thuật bắn nỏ từ nhỏ. Nhìn cháu và những người trẻ khác thi đấu, ông nhớ về những hội rằm xưa, khi lần đầu ông được thi đấu ở hội rằm trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người.
Không chỉ được tổ chức tại hội rằm, các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống cũng thường xuyên được tổ chức tại các địa phương trong toàn huyện Minh Hóa. Đây đều là những môn thể thao đã gắn bó với đời sống, lao động, phong tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho hay, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống luôn được các cấp chính quyền quan tâm, khuyến khích các tầng lớp người dân tham gia. Việc tổ chức, lồng ghép các nội dung thi đấu trong dịp lễ, Tết vừa giúp nhân dân rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần thể dục thể thao, cũng là dịp để gắn kết, kết nối cộng đồng và “giữ lửa” các nét đẹp truyền thống, giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
(QBĐT) - Đến với nghệ thuật nhiếp ảnh như một cơ duyên khi chuyển công tác từ một đơn vị kinh doanh về Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh năm 2002, từ đó, Nguyễn Bách Chiến bén duyên với nghệ thuật nhiếp ảnh.
(QBĐT) - Cách nay gần nửa thế kỷ, từ một làng quê heo hút ở thượng nguồn sông Gianh, tôi vô Đồng Hới nhập học Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình. Đất nước vừa thống nhất, tỉnh Bình Trị Thiên vừa sáp nhập, trung tâm hành chính của TX. Đồng Hới lúc đó vẫn đóng ở Cộn-là vùng sơ tán thời chiến tranh.