(QBĐT) - Đến với nghệ thuật nhiếp ảnh như một cơ duyên khi chuyển công tác từ một đơn vị kinh doanh về Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh năm 2002, từ đó, Nguyễn Bách Chiến bén duyên với nghệ thuật nhiếp ảnh. Gần 25 năm cầm máy, anh đã rong ruổi trên mọi nẻo đường để ghi lại những khung cảnh, khoảnh khắc đời sống trên mọi miền Tổ quốc bằng các tác phẩm ảnh nghệ thuật.
Được sự động viên, dìu dắt của các nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu và bằng con đường tự học cùng niềm đam mê, anh đã đến với mọi vùng quê, bản làng, lên rừng, xuống biển từ mũi Cà Mau đến tận vùng cực Bắc Tổ quốc với “người bạn” đồng hành không thể thiếu-chiếc máy ảnh. Từ đó, hàng trăm tác phẩm nhiếp ảnh đã ra đời, trong đó nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật đã tham gia các cuộc triển lãm, liên hoan ảnh nghệ thuật cấp tỉnh, khu vực Bắc Trung bộ. Đặc biệt, tác phẩm đầu tiên đánh dấu con đường nghệ thuật của Bách Chiến là Tiềm năng vùng đầm hồ (giải ba ảnh nghệ thuật Quảng Bình lần thứ III, năm 2003).
Nghệ thuật nhiếp ảnh của Bách Chiến các giai đoạn trước có ngôn ngữ chân phương, giản dị với những khung cảnh yên bình của đồng quê, sinh hoạt đời thường của người dân. Tiêu biểu, các tác phẩm tham gia liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, như: Bạn già, Về xuôi, Đường nét, Một thoáng Phong Nha… Hai tác phẩm: Đồng Hới hôm nay (giải khuyến khích liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, năm 2007), Hòa nhịp (giải khuyến khích liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, năm 2013).
Những tác phẩm được sáng tác thời kỳ này của anh ít có sự can thiệp của kỹ thuật, công nghệ, vì vậy mang nét chân thực như chính khoảnh khắc bấm máy. Anh thiên về sáng tác phong cảnh, có lẽ phù hợp với tính cách thích rong ruổi tìm kiếm cảm xúc của mình.
Quá trình sáng tạo của anh bắt đầu thay đổi khi các phương tiện của khoa học nhiếp ảnh phát triển, hỗ trợ thuận lợi cho tác giả thực hiện những ý tưởng trong sáng tác. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã giúp các tác giả có điều kiện tiếp cận, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ tác phẩm của đồng nghiệp, Bách Chiến cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chính sự điều chỉnh trong góc nhìn và ứng dụng ưu thế của phương tiện kỹ thuật hiện đại đã mang lại những thành công.
Cung sắc quê hương.
Đây là thời điểm tác giả tìm được con đường rộng mở đầy mới mẻ trong hành trình sáng tác. Nhiều tác phẩm từ góc nhìn trên cao ra đời, thể hiện sự đổi mới đáng kể trong tư duy sáng tạo. Những hình thức bố cục mới được thử nghiệm và mang lại thành công. Đáng kể là tác phẩm Cung sắc quê hương (huy chương đồng liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực; giải C Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, năm 2022).
Ở tác phẩm này, chúng ta thấy tác giả đã khéo léo trong việc thể hiện đường chéo của toàn bộ bố cục chính tương phản với chiếc cầu bắc qua sông hình cánh cung, như con diều bay trên khung cảnh đầy sắc màu của quê hương. Tác phẩm không chỉ thành công ở tạo hình mà ý tưởng và thông điệp gửi gắm được đánh giá cao.
Nhiều tác phẩm khác liên tiếp ra đời khi bắt nhịp được mạch cảm xúc mới, trong đó đa số là phong cảnh từ trên cao về vùng quê Quảng Trạch, TX. Ba Đồn-nơi gắn với cuộc sống của tác giả, là quê hương thứ hai của anh. Nếu như trước đây, anh thường chia sẻ về quan điểm “bấm máy”: “Chỉ chụp một lần để lưu giữ cảm xúc nhanh…” thì bây giờ đã có sự thay đổi khá rõ khi cùng một đối tượng, khung cảnh nhưng được anh sáng tác nhiều lần khi chưa đạt được ý đồ mong muốn.
“Bởi trong sáng tác nhiếp ảnh điều kiện về ánh sáng, thời tiết… cùng sự thay đổi, biến động từng ngày của đời sống có tác động lớn tạo nên hiệu quả của tác phẩm. Và sự vận động của thời gian “triết học’ cũng tạo nên những ý tưởng mới buộc tác giả có mong muốn tái lập tác phẩm trên một chủ thể. Vì vậy, để có những tác phẩm công bố với công chúng, tôi đã có hàng chục chuyến đi đến với Rào Nan, biển Cảnh Dương, sông Gianh, Đá Nhảy và nhiều nơi khác...”, Bách Chiến chia sẻ.
Nghệ sĩ Nguyễn Bách Chiến (SN 1964), quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong 25 năm qua, người nghệ sĩ này đã từng tổ chức các cuộc triển lãm với các chủ đề “Khoảnh khắc”, “Vũ điệu cò”, “Đời sen”, “Các di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Bình” và “Cung sắc quê hương”.
Trong hành trình sáng tạo của mình, nghệ sĩ Bách Chiến đã tổ chức 4 lần triển lãm cá nhân. Anh cũng đã nỗ lực để xuất bản tập sách ảnh Hương quê (năm 2009) với gần 300 tác phẩm về các giai đoạn sáng tác. Dịp 30/4 và 1/5 vừa qua, tại khuôn viên trụ sở Hội VHNT tỉnh đã diễn ra triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ 5 của anh với chủ đề “Cung sắc quê hương”.
Triển lãm trưng bày 36 tác phẩm về phong cảnh, khoảnh khắc đời sống gần gũi những nơi anh đi qua. Khác các triển lãm trước đây còn tương đối đơn điệu về hình thức và nội dung. Triển lãm lần này, các tác phẩm có hình thức, bố cục phong phú, bảng màu rực rỡ, lấp lánh, phản ánh khá đầy đủ về sự thay đổi, đi lên của mọi miền quê Quảng Bình.
Đến với triển lãm ảnh, người xem dễ dàng nhận thấy hình bóng quê hương Quảng Bình qua từng chùm ảnh, từ sự yên bình trên những dòng sông buổi bình minh, sắc vàng lúa chín bất tận ôm lấy làng quê, đến những lễ hội miền biển rực rỡ cùng các tác phẩm thể hiện những công trình, dự án phát triển kinh tế hứa hẹn làm thay đổi đời sống kinh tế của tỉnh nhà… Tất cả đã thể hiện tác giả đã dành nhiều công sức, chắt lọc khuôn hình để có được những tấm ảnh đẹp bằng góc nhìn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều kinh nghiệm cầm máy.
Dù năm nay đã bước sang tuổi “lục tuần” nhưng năng lượng sáng tác của nghệ sĩ Bách Chiến vẫn dồi dào, cảm xúc luôn được bồi đắp để tiếp tục lên đường thực hiện những dự định mới. Con đường sáng tác nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng, khi phải vượt qua chính mình của ngày hôm qua. Với bề dày kinh nghiệm có được cùng khát khao làm mới mình, hy vọng trong tương lai, nghệ sĩ Bách Chiến sẽ tiếp tục thăng hoa qua những tác phẩm mới.
(QBĐT) - Cách nay gần nửa thế kỷ, từ một làng quê heo hút ở thượng nguồn sông Gianh, tôi vô Đồng Hới nhập học Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình. Đất nước vừa thống nhất, tỉnh Bình Trị Thiên vừa sáp nhập, trung tâm hành chính của TX. Đồng Hới lúc đó vẫn đóng ở Cộn-là vùng sơ tán thời chiến tranh.
(QBĐT) - Những ngày này, nữ họa sĩ-bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy (SN 1962) đang dành hết tâm huyết để hoàn thiện những bức tranh chuẩn bị cho triển lãm chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình với chủ đề "Về miền Trung".