Con cá cơm trỏng và mồi câu... giả

  • 07:05, 25/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi nói đến nghề câu cá thì luôn đi với đó là dùng mồi để câu cá. Người ta phải tìm hiểu “nhu cầu ẩm thực” của từng loài cá để chọn mồi cho thích hợp. Các ngư phủ ngày xưa luôn lấy con tôm, con giun (trùn) để làm mồi chính. Ở bài viết này, tôi đề cập đến loài cá mà từ xưa đến nay chỉ có một loại mồi duy nhất mới câu được nó, đó là con cá cơm trỏng và con mồi giả.
 
Trước hết, xin điểm qua đôi chút về họ nhà cá cơm. Đây là loài cá nhỏ, sống được ở các vùng biển ấm nước mặn, có độ dài bình quân khoảng 6-7cm, thân tròn hình ô van, toàn thân phủ lớp vảy trắng lấp lánh màu ánh bạc, có loại màu vàng kem, màu đen… tạo thành vệt dài chạy dọc từ đầu đến đuôi. Vì thế, tùy theo môi trường sống mà ngư dân phân biệt cá cơm thành nhiều loại: Cơm than, cơm ruội, cơm vàng, cơm bạc…
 
Ở Việt Nam, cá cơm sống chủ yếu ven biển từ Thanh Hóa trở vào. Cá cơm là loại nguyên liệu đặc biệt để chế biến thành nước mắm nổi tiếng, trong đó cá cơm ruội chiếm vị trí số một. Nước mắm cá cơm ruội có màu hổ phách, độ đạm cao. Ngày xưa, ở quê tôi các ngư dân hành nghề bắt tôm hùm luôn mang theo một chai nước mắm cốt cá ruội. Giữa cái rét căm căm tháng chạp, trước khi lặn xuống rạn biển bắt tôm hùm, người ta uống một ngụm nước mắm để tăng nhiệt và sức đề kháng.
 
Vùng biển Quảng Bình, từ tháng 2 âm lịch đã xuất hiện cá cơm từ ngoài khơi kết thành từng đàn thâm nhập vào ven bờ. Muốn đánh bắt được loài cá cơm này, ngư dân phải dùng nghề xăm tủ hoặc xúc te. Có những mẻ lưới thu được hơn một tấn cá cơm.
 
Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, khi mặt biển sương mù giăng kín là chính thời điểm cá cơm áp lộng. Có năm, cá cơm tràn vào cửa sông Nhật Lệ, những chiếc rớ giàn cất được cả tạ cá và thời điểm đó quê tôi gọi là mùa “sương mù cá cơm”.
Trong dòng họ cá cơm chỉ có loài cá cơm bạc phát triển mạnh hơn. Đến khi trưởng thành, cá cơm bạc có chiều dài nhất khoảng 12cm, thân to bằng ngón tay trỏ người lớn, mắt to với lớp vảy màu trắng bạc, được gọi là cá cơm trỏng (ngư dân gọi tắt là cá trỏng). Đây là loài lớn nhất trong dòng họ của cá cơm. 
 
Thức ăn của cá cơm (nói chung) và cá cơm trỏng là các loại phù du, trứng của các loài cá nhỏ và ấu sinh của ruốc biển. Vì thế, không thể dùng mồi thật để câu mà từ xa xưa các lão ngư đã chế tác ra một loại mồi câu cá cơm trỏng đơn giản nhưng rất hiệu quả, đó là mồi giả. Trước đây, các ngư phủ vùng cửa sông thường dùng lông tơ của chim cò hoặc lông tơ gà trắng để làm mồi.
 
Ngày nay, các cần thủ “hiện đại hóa” nên sử dụng chất liệu bằng sợi xơ mảnh của vải dù hoặc sợi chỉ kim tuyến với nhiều màu sắc. Lưỡi câu cá không mua tại các tiệm bán đồ câu mà họ tự chế tác từ dây thép inox rất nhỏ (gọi là chấn lưỡi câu) để phù hợp với cách tạo mồi giả.
 
Hiện nay, ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) có mấy lão ngư chuyên sản xuất lưỡi câu trỏng và không chỉ một lưỡi câu mà là phải là một thẻo câu. Để có một thẻo câu, đòi hỏi kỹ năng khéo léo, tỉ mỉ và tính kiên trì. Dây cước dùng để tóm những sợi lông cò hoặc lông gà (trước đây) hoặc sợi xơ vải dù, chỉ kim tuyến (hiện nay) vào lưỡi câu (gọi là tóm lưỡi câu) phải có kích thước không lớn hơn sợi tóc. Thẻo câu dùng cước loại nhỏ, dài khoảng 1,2m và cơ cấu có từ 10-12 lưỡi câu. Đuôi thẻo câu được buộc một viên chì đúc bằng nửa ngón tay trỏ. Đầu thẻo buộc vào dây câu trong hệ thống cần câu. 
 
Ngay chiếc cần để câu cá trỏng cũng phải có “tiêu chuẩn”. Ngư dân vùng cửa sông thường dùng cây hóp khô (họ tre). Các cần thủ ngày nay dùng cần câu hiện đại, nhẹ, dài khoảng 2m. Thân cần câu thon nhỏ dần về phía trước và phải dẻo, có độ đàn hồi cao. Khi câu, người ngồi trên thuyền vung cần câu về phía trước.
 
Viên chì làm nhiệm vụ đi đầu kéo theo thẻo câu bay xa 10-15m. Sau khi viên chì chạm đáy, người ta nhẹ nhàng nhấc cần câu lên đồng thời thu về chừng 1m dây. Xong lại hạ nhẹ cần câu xuống, lại nhấc lên, thu tiếp một đoạn dây cước. Động tác này được lặp đi lặp lại. Quá trình thao tác đó (gọi là máy cá trỏng) làm cho các lưỡi câu chuyển động, những sợi tơ nilon, sợi kim tuyến nhiều màu sắc phủ bên ngoài lưỡi câu phản quang tạo sự hấp dẫn, đánh lừa dẫn đến cá đớp mồi...
 
Vào mùa cá trỏng (từ tháng 2-6), gặp những ngày triều cường, nước biển đổ vào là lúc những đàn cá trỏng cũng nương theo mé dòng nước. Các ngư phủ thường chèo thuyền neo “trực” ở vùng cửa sông hoặc cầu Nhật Lệ để buông câu. Khi bàn tay cầm cần câu cảm nhận được những sự rung động nhè nhẹ, đó chính là tín hiệu cho biết cá đã cắn câu.
 
Nếu mật độ cá dày đặc, mỗi nhát câu cất lên có khi dính đủ mười lưỡi là mười con cá, nên một đi câu, người câu có thể câu được 5-6kg cá trỏng. Ngoài cá trỏng là đối tượng chủ yếu còn có một số loài cá khác cũng bị lôi cuốn bởi  mồi giả, như: Trích, nục, thởng… nên cũng cắn câu.
 
Cá cơm trỏng vào chính vụ to như ngón tay cái. Cá câu được đang tươi, mang ngay ra chợ Đồng Hới bán. Người bán và người mua không dùng cân mà tính bằng con. Cá cơm trỏng kho xổi cùng ớt xanh là món ngon trong bữa cơm người làng biển. Gặp thời tiết nắng to, người ta đem phơi làm thực phẩm khô dành cho mùa mưa bão. Con cá cơm trỏng là sản phẩm của nghề câu không phải mất tiền mua mồi của ngư dân làng biển quê tôi là thế đó!
    Trung Bảo Nhật

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - "TP. Đồng Hới soi bóng bên dòng Nhật Lệ, như được khoác chiếc áo rực rỡ bởi những cung bậc sắc tím hoa bằng lăng".

Cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Quảng Bình: 3 tác phẩm giành được giải thưởng
Cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Quảng Bình: 3 tác phẩm giành được giải thưởng
(QBĐT) - Thời gian qua, cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình đã được phát động rộng rãi, thu hút nhiều tác giả tham gia. Đến nay, hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn được 3 tác phẩm xuất sắc đề cử Ban Tổ chức trao giải thưởng.
 
Lời yêu
Lời yêu
(QBĐT) - Trong ánh nhìn của em
hiện thực phồn sinh lộng gió
ta đổ về chiều chiếc bóng chung thủy
em đã dạy ta biết làm người